Thống kê thị trường bột giấy thế giới tháng 10/2021: Nhu cầu chậm, logistics khó khăn

Các số liệu thống kê trong ngành tiếp tục cho thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu thấp, giao dịch giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tồn kho của các nhà sản xuất chủ yếu không đổi so với tháng trước, nhưng tồn kho tại cảng Trung Quốc đã tăng 165 nghìn tấn vào tháng 10.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ suy giảm, thì sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bột giấy thương phẩm toàn cầu.

Nhiều nhà máy tại Bắc Mỹ đã thông báo tạm ngưng các đơn đặt hàng tháng 12 do gặp khó khăn trong logistics và các hạn chế của chuỗi cung ứng.

Xuất khẩu bột giấy gỗ mềm giảm 7,4% so với cùng kỳ bình quân năm, nhưng lại giảm 8,5% so với năm 2019 – Xuất khẩu bột gỗ mềm đến Đông Âu tăng (+26,9%) và Nhật Bản (+9,8%), và bù đắp cho phần thiếu hụt xuất sang Trung Quốc bị giảm (-22,5%), Bắc Mỹ (-0,4%), Châu Á/Châu Đại Dương khác (-5,2%) và Tây Âu (-0,1%).

Theo phân loại thì xuất khẩu bột NBSK giảm 8,4% so với cùng kỳ, bột SBSK giảm 9,0% và bột gỗ thông radiata tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ sản lượng so với công suất bột gỗ mềm giảm 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ xuống 87%, riêng NBSK ở mức 84%, SBSK là 87% và Radiata là 100%.

Xuất khẩu bột gỗ cứng giảm 4,8% so với cùng kỳ bình quân năm, nhưng tăng 0,6% so với năm 2019 – Xuất khẩu bột gỗ cứng giảm ở các khu vực chính, như Trung Quốc (-10,9%), Bắc Mỹ (-15,1% so với cùng kỳ năm trước) ), Đông Âu (-12,1% so với cùng kỳ) và Tây Âu (-0,9%), tuy nhiên lại tăng đối với một số thị trường như Mỹ Latinh (+ 4,0%), Nhật Bản (+ 22,1% so với cùng kỳ) và Châu Á/Châu Phi khác (tăng 4,4%).

Theo phân loại thì xuất khẩu bột NBHK giảm ~ 10% (với doanh số bán sang Trung Quốc giảm> 40%), bột BEK giảm 3,1%. Tỷ lệ sản lượng so với công suất bột gỗ cứng giảm 8 điểm phần trăm so với cùng kỳ xuống còn 80%, với bột BEK là 80%, bột NBHK là 78% và bột SBHK là 78%.

Tồn kho của các nhà sản xuất hầu như ổn định, giảm 2 ngày đối với bột gỗ mềm, xuống còn 43 ngày, trong khi bột gỗ cứng tăng 1 ngày, lên 46 ngày./.

   >>> Diễn biến giá giấy bao bì hòm hộp tại thị trường Trung Quốc

Theo Fastmarkets RISI

Diễn biến giá giấy bao bì hòm hộp tại thị trường Trung Quốc

Trước đó, trong tháng 10, do tác động của chi phí năng lượng, nhất là giá than tăng cao nên giá giấy bao bì hòm hộp (containerboard) đã tăng 200-500 NDT/tấn (31-78 USD/tấn), bìa duplex gáy xám có tráng phủ tăng 200-250 NDT/tấn.

Tuy nhiên, kể từ tuần thứ hai của tháng 11, nhu cầu về giấy bao bì giảm và giá than cũng đã giảm dần.

Cùng với đó, một số cơ sở sản xuất lại cắt giảm khối lượng mua vào và tận dụng hàng tồn kho có sẵn, nên đã phần nào ổn định được tâm lý thị trường.

Theo dự báo, nhu cầu thị trường sẽ khó có thể tăng trở lại cho đến đầu tháng 12.

Trong bối cảnh doanh số bán hàng giảm đột ngột, các nhà cung cấp buộc phải giảm giá sản phẩm.

Tính đến ngày 25/11, giá giấy bao bì hòm hộp đã giảm 150-300 NDT/tấn so với mức đỉnh từ đầu tháng 11. Giá bìa duplex gáy xám có tráng phủ đã giảm khoảng 100-200 NDT/tấn.

Ngoài việc giảm giá, các nhà cung cấp cũng lên kế hoạch dừng máy bảo trì trong thời gian tới, cắt giảm đáng kể khối lượng cung ứng ra thị trường./.

    >>> “Nữ hoàng giấy lộn”’ làm giàu từ phế liệu: Biến rác thành vàng, thành lập xưởng sản xuất giấy lớn thứ 2 châu Á, trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên đất nước tỷ dân!

Theo Fastmarkets RISI

Hoạt động nghiên cứu khoa học phải gắn với ứng dụng và phát triển công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội

Chiều ngày 27/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về tình hình hoạt động, triển khai chức năng, nhiệm vụ trong thời gian vừa qua của Viện, những định hướng lớn trong thời gian tới.

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; GS, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại cuộc làm việc, theo yêu cầu của Thủ tướng, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, nêu các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và các đề xuất, kiến nghị, tập trung vào các vấn đề liên quan tới chủ trương phát triển khoa học công nghệ nói chung và hoạt động của Viện nói riêng; thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức, bộ máy, hoạt động, tài chính của Viện; quan hệ công tác của Viện với các cơ quan khác.

GS, Viện sĩ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh báo cáo các kết quả nổi bật của Viện thời gian qua. Về thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các kết quả nổi bật là chế tạo và phóng thành công các vệ tinh nhỏ; xây dựng và vận hành Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cùng mạng lưới quan trắc; hoàn thành việc nâng cấp, đưa vào hoạt động ổn định Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin… Đặc biệt, Viện đã chủ động triển khai nghiên cứu các công trình phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, tổng hợp thành công một số loại thuốc điều trị đang thử nghiệm lâm sàng.

Về nghiên cứu cơ bản, Viện là đơn vị dẫn đầu cả nước với số lượng công trình công bố tăng trung bình 15%/năm, đến nay đạt khoảng 2.000 công bố mỗi năm. Số lượng công trình công bố đạt tiêu chuẩn ISI dẫn đầu cả nước. Nhiều công trình nhận giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.

Viện cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng trong điều tra cơ bản, xây dựng luận cứ khoa học cho xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (với 209 bằng sở hữu trí tuệ trong giai đoạn 2015-2020, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn trước).

Tuy nhiên, hoạt động của Viện cũng còn những hạn chế, bất cập, như chưa có nhiều công trình mang tính đột phá; số lượng các sáng chế, giải pháp hữu ích ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế; chưa phát huy được hết năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học trong nhiệm vụ tư vấn chính sách, đổi mới sáng tạo; lực lượng cán bộ khoa học còn mỏng, lại đối mặt tình trạng “chảy máu chất xám”; những hạn chế về hạ tầng phục vụ nghiên cứu…

hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-phai-gan-voi-ung-dung-va-phat-trien-cong-nghe-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tặng Thủ tướng tập bản đồ địa lý vùng Tây Nguyên và phụ cận. ẢNh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến, đề xuất tại cuộc làm việc và nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ, Đảng Nhà nước xác định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư cho phát triển. Thủ tướng yêu cầu cần bám sát, nắm chắc Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết của Đảng để cụ thể hóa và triển khai quan điểm này.

Về thể chế, Thủ tướng yêu cầu Viện và các cơ quan liên quan phối hợp rà soát những nội dung vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

Về cơ chế, chính sách, Thủ tướng nêu rõ, ngoài cơ chế, chính sách chung, cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho Viện, trong đó có cơ chế, chính sách về tổ chức, bộ máy, biên chế, tài chính, nguồn lực. Các vấn đề, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết ngay, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

Tinh thần chung là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Viện, càng nhiều các nhà nghiên cứu có chất lượng cao càng tốt; việc đầu tư nguồn lực phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ, đồng thời đẩy mạnh hợp tác công – tư, với các cơ chế đặc thù theo hướng quản lý rủi ro, đầu tư mạo hiểm để có sản phẩm đột phá.

hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-phai-gan-voi-ung-dung-va-phat-trien-cong-nghe-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi
Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù xứng tầm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ của quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu Viện và các bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong quản lý nhà nước, xây dựng chính sách và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Thủ tướng lưu ý, hoạt động nghiên cứu phải gắn với ứng dụng và phát triển công nghệ, gắn với sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp và các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội… Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực như nghiên cứu cơ bản, công nghệ lõi, vật liệu mới, năng lượng mới trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên, phục vụ tăng trưởng xanh, phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu tại các vùng miền, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, miền núi phía Bắc; chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…, huy động hiệu quả các nguồn lực quốc tế trong các lĩnh vực đang được thế giới rất quan tâm này. Đồng thời, tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ biển là nhiệm vụ rất quan trọng.

Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội…

Thủ tướng cũng chỉ đạo hướng giải quyết các kiến nghị cụ thể được nêu tại cuộc làm việc và giao các cơ quan phối hợp xử lý dứt điểm.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù xứng tầm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ của quốc gia. Ngược lại, khi có cơ chế, chính sách, nguồn lực thì hoạt động của Viện phải đáp ứng được những yêu cầu, góp phần giải quyết được những vấn đề lớn của đất nước, bằng những sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá.

    >>> Lễ công bố quyết định thành lập chi bộ Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam

Theo Chính phủ

Lễ công bố quyết định thành lập chi bộ Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam

Tại buổi Lễ đồng chí Nguyễn Văn Minh, Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Thanh Xuân đã công bố Quyết định số 280-QĐ/ĐU ngày 25/11/2021 của Đảng ủy khối doanh nghiệp quận Thanh Xuân về việc thành lập Chi bộ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam gồm 03 đồng chí: đồng chí Lương Chí Hiếu giữ chức vụ Bí thư; đồng chí Đỗ Bình Phương và đồng chí Nguyễn Thế Bảo giữ chức vụ ủy viên.

Phát biểu giao nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Văn Minh, Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Thanh Xuân đề nghị:

  1. Chi bộ duy trì, phát huy tinh thần đoàn kết, lãnh đạo đảng viên trong Chi bộ với một quyết tâm chính trị cao nhất khắc phục những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
  2. Xây dựng Nghị quyết, Chương trình hành động gắn với nhiệm vụ thực tiễn của Hiệp hội.
  3. Phân công đảng viên thực hiện nhiệm vụ và duy trì chế độ sinh hoạt theo quy định, đặc biệt thường xuyên thực hiện tốt việc giáo dục tư tưởng và nhận thức của đảng viên; thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát trong Chi bộ.

Đồng chí tin tưởng Chi bộ sẽ là một tập thể đoàn kết, tạo động lực phấn đấu cho các đảng viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Lương Chí Hiếu, Bí thư Chi bộ thay mặt tập thể Chi bộ phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Thanh Xuân, tập thể chi bộ Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt: Nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất xây dựng cơ quan, tổ chức trong sạch, vững mạnh nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Một số hình ảnh của buổi họp:

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Thanh Xuân
Đồng chí Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam
Đồng chí Lương Chí Hiếu, Bí thư Chi bộ thay mặt tập thể Chi bộ phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Thanh Xuân
Đồng chí Phan Hưng, chủ tịch Chi hội I chia sẻ kinh nghiệm thành lập, tổ chức chi bộ tại công ty Giấy Vạn Điểm

    >>> Nghiên cứu vật liệu mới cứng gấp 8 lần thép từ bùn giấy

VPPA

Văn bản quy phạm chậm ban hành, trái luật: Công khai hết, chả có gì phải mật

2 năm, thậm chí “có những luật 3 – 4 năm sau thời điểm có hiệu lực vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết”- Khẳng định của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Chúng ta vẫn nghe tình trạng luật ống, luật khung, luật giấy… Nhưng mà 2, 3, thậm chí 4 năm sau thời điểm có hiệu lực mà vẫn chưa có hướng dẫn, vẫn chưa quy định chi tiết, vẫn nợ thì đúng là không tưởng tượng nổi.

Và sự “delay của luật” này đã sinh ra một thứ “luật giấy”, với đúng nghĩa đen là chỉ tồn tại trên giấy chứ không thể “vào cuộc sống” vì thiếu hướng dẫn, vì bị nợ.

Và trong bối cảnh, nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

“Hôm trước họp cán bộ chủ chốt các đồng chí nói, sai phạm bên ngoài giá trị tiền rất nhỏ thì phạt nọ kia. Bây giờ cơ quan nhà nước, tổ chức, cán bộ, đảng viên làm sai, ban hành văn bản trái luật, lại không chịu trách nhiệm gì thì làm sao được? Luật có rồi mà anh để hàng năm không ban hành quy định chi tiết thì trách nhiệm anh thế nào? Chẳng lẽ không chịu trách nhiệm gì?”.

Vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ khi đó là ông Mai Tiến Dũng đã yêu cầu phải xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng, và cải cách không để tình trạng “văn bản chồng chất lên văn bản”.

Chồng chất là thế nào? Là tình trạng một luật nhưng có tới 15 nghị định hướng dẫn.

Nợ đọng là thế nào? Riêng quy định chi tiết luật, pháp luật đã có hiệu lực, các bộ, cơ quan đến thời điểm đó còn nợ 18/55 văn bản, chiếm đến 32,7%.

Nợ tới 1/3 số lượng, đó là nợ chồng nợ chất.

Nợ tới 2,3 thậm chí 4 năm, đó là “nợ xấu”, một món nợ trách nhiệm.

Và nếu nói trách nhiệm chính của các bộ ngành là ban hành văn bản mang tính chất tạo thể chế, hành lang cho xã hội, cho nền kinh tế vận hành thì rõ ràng, việc “nợ đọng” đồng nghĩa với việc chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Quốc hội sẽ giám sát chặt. “Không thể để tình trạng thế này được”. Và điều đáng ghi nhận nhất, nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là sẽ “không nể nang gì chuyện này”, sẽ công khai kết quả giám sát chứ “cứ nể nang là không có được”.

Chậm thì phải đẩy nhanh. Nợ thì phải trả. Chứ đề nghị “đưa chung chung” rồi đâu lại vào đó thì nói như Chủ tịch Quốc hội “nói chung thế là chẳng có tác dụng gì. Mà không có tác dụng gì thì tốt nhất không nên làm. Tốn kém tiền của ngân sách nhà nước”.

    >>> “Nữ hoàng giấy lộn”’ làm giàu từ phế liệu: Biến rác thành vàng, thành lập xưởng sản xuất giấy lớn thứ 2 châu Á, trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên đất nước tỷ dân!

Theo Lao Động

“Nữ hoàng giấy lộn”’ làm giàu từ phế liệu: Biến rác thành vàng, thành lập xưởng sản xuất giấy lớn thứ 2 châu Á, trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên đất nước tỷ dân!

Bà Trương Nhân là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên tại Trung Quốc và là một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, khác với các tỷ phú khác có được tài sản nhờ thừa kế, Zhang xuất phát với một nền tảng khiêm tốn.

Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, đông anh chị em, hơn ai hết Trương Nhân hiểu rất rõ giá trị của đồng tiền và sức lao động. Trong khi nhiều đại gia Trung Quốc phất lên từ thương mại hay bất động sản thì Zhang Yin lại chọn cách làm giàu từ giấy vụn, thứ mà người khác vứt đi. Hiện tại, bà đã trở thành người thống trị giao dịch về giấy thông qua các công ty khổng lồ của mình, một ở Hong Kong và một ở Los Angeles.

Bỏ công việc lương cao, khởi nghiệp với 100 triệu đồng

Trương Nhân sinh năm 1957 trong một gia đình quân nhân ở Thiều Quan, Quảng Đông. Bà là con cả trong gia đình có 8 người con. Khi còn nhỏ, cha bà bị oan phải vào tù, thân là con cả trong gia đình, bà phải vừa đi học vừa phụ giúp mẹ chăm sóc các em nhỏ.

Dù cuộc sống vất vả nhưng bà vẫn chăm chỉ học tập. Khi Trung Quốc khôi phục lại chế độ thi đại học, bà đã thi đậu đại học và chọn chuyên ngành tài chính kế toán đang rất thịnh hành lúc bấy giờ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Trương Nhân – lúc đó 25 tuổi, đến một công ty ở Thâm Quyến làm kế toán. Sau đó bà chuyển sang công ty liên doanh và được thăng chức từ kế toán lên Giám đốc thương mại.

Trong quá trình làm việc, công ty nhiều lần đã cử bà đến Hong Kong, nhờ đó bà đã tiếp xúc với các doanh nghiệp tái chế giấy phế liệu ở Hong Kong. Vào thời điểm đó, tài nguyên rừng Trung Quốc tương đối nghèo nàn, các loại cây làm giấy rất khan hiếm, nguyên liệu sản xuất giấy cao cấp như giấy phế liệu và bột gỗ đều phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Trương Nhân nhận ra rằng thị trường tái chế giấy phế liệu có tiềm năng vô hạn với đất nước bà.

Trong lúc sự nghiệp đang thuận lợi, Trương Nhân vẫn nuôi tham vọng và hoài bão lớn. Bà đã chọn từ chức, từ bỏ công việc lương cao để khởi nghiệp. Dù gia đình đã ra sức phản đối nhưng Trương Nhân đã hạ quyết tâm rồi. Với số tiền tiết kiệm 100 triệu đồng, bà một thân một mình đến Hong Kong, bắt đầu con đường khởi nghiệp.

Từ bỏ công việc lương cao, Trương Nhân tự thân đến Hong Kong khởi nghiệp. Ảnh: Sohu

Cô gái nhỏ gan dạ, kinh doanh bùng nổ

Người tái chế giấy phế liệu không nhiều. Dù được gọi là “tái chế phế liệu” nhưng ngành này vẫn thu hút nhiều thương gia và cạnh tranh rất gay gắt.

Với sự nỗ lực của bản thân, năm 27 tuổi, Trương Nhân đã thành lập xưởng sản xuất giấy Hong Kong – Thâm Quyến.

Những ngày đầu kinh doanh, Trương Nhân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lô giấy tái chế công ty bà thu mua chứa giấy ướt, giấy mốc và rác… Đây đều là những loại giấy này không thể tái chế.

Sau khi phát hiện ra vấn đề, Trương Nhân cẩn thận kiểm tra từng mảnh giấy mỗi khi thu gom giấy lộn. Cả ngày bị đống giấy lộn bao quanh, dần dần, bà đã luyện được cho mình “hỏa nhãn kim tinh”, nhìn một phát là biết ngay giấy nào dùng được, giấy nào không.

Phương pháp kiểm tra nghiêm ngặt của Trương Nhân đã khiến các thế lực cạnh tranh ở địa phương khó kiếm ăn. Giấy vụn trộn với nước của họ không thể bán được. Bọn họ vì xấu hổ và tức giận nên thường xuyên gây rắc rối cho bà bằng những cuộc gọi đe dọa, gây lộn, thậm chí còn dọa đốt xưởng giấy.

Trước sự khiêu khích của các “đầu gấu”, Trương Nhân không nhân nhượng và trực tiếp gọi điện báo cảnh sát. Sau khi cảnh sát ra mặt, các thế lực đen nhận ra rằng Trương Nhân không phải là một người “dễ đối phó”. Từ đó về sau, họ không còn gây rắc rối cho bà nữa.

Sau sự việc này, Trương Nhân trở nên nổi tiếng ở Hong Kong, rất nhiều người bán giấy lộn tìm đến bà, công việc tái chế giấy phế liệu của bà ngày càng tốt hơn. Trong hai năm, Trương Nhân đã liên tiếp hợp tác với xưởng giấy Yingkou Liêu Ninh, xưởng giấy Dongfeng Vũ Hán và xưởng giấy Hà Bắc – Đường Sơn, công việc kinh doanh sản xuất giấy của bà cũng đang được cải thiện từng ngày. Một năm sau đó, Trương Nhân thành lập công ty Zhongnan ở Đông Hoản để sản xuất giấy gia dụng.

Trương Nhân thời trẻ. Ảnh: Zhihu

Sau 20 năm “lăn lộn”, trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc

Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đại lục, việc tái chế giấy phế liệu ở Hong Kong không còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nữa. Thế nên Trương Nhân bắt đầu tìm kiếm thị trường giấy lộn mới ở nước ngoài.

Năm 1990, Trương Nhân và chồng đến Mỹ để khảo sát thị trường. Họ phát hiện rằng Mỹ không chỉ có tài nguyên rừng dồi dào mà còn có ngành công nghiệp giấy phát triển, hệ thống tái chế giấy phế liệu tiên tiến. Vì vậy, bà mở thêm công ty Zhongnan tại Mỹ để tái chế giấy lộn.

Để có được chỗ đứng ở nước Mỹ xa lạ, Trương Nhân sống luôn ở văn phòng, ngày ngày đến hỏi thăm các cửa hàng buôn bán giấy lộn để mở rộng thị trường, bận đến nỗi quên ăn quên uống.

Ông trời không phụ lòng người, Trương Nhân ngày càng có nhiều nhà cung cấp giấy lộn ở Mỹ, và công việc kinh doanh của bà cũng dần có khởi sắc. Bà vận chuyển giấy lộn mua ở Mỹ về Trung Quốc và xử lý lại để sản xuất ra giấy có chất lượng cao. Sản phẩm của bà hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Công việc kinh doanh ngày càng lớn mạnh, và bà được gọi là “Nữ hoàng giấy lộn”.  Sau sáu năm kinh doanh tại Mỹ, Trương Nhân trở về Trung Quốc và chi 110 triệu USD để thành lập Nine Dragons Paper Limited ở Đông Hoản. Sau đó, một công ty sản xuất giấy mới được thành lập ở thành phố Thái Thương, tỉnh Giang Tô, năng lực sản xuất đã được tăng lên rất nhiều.

Năm 2005, Nine Dragons Paper đã vượt qua Chenming Paper, trở thành “đầu rồng” về sản xuất giấy ở Trung Quốc, thứ hai ở châu Á và thứ tám trên thế giới.

Năm 2006, Nine Dragons Paper được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Với giá trị tài sản 4.1 tỷ USD, Trương Nhân trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc theo “Hurun rich list”.

Cuộc khủng hoảng tài chính khiến Nine Dragons Paper gần như phá sản, nhưng đến tận hôm nay bà vẫn là tỷ phú.

Năm 2006, bà trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Internet

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính càn quét thế giới, giá giấy phế liệu lao dốc, hàng tồn kho chất thành núi. Nine Dragons Paper thua lỗ nặng, giá cổ phiếu lao dốc, tin đồn về việc Nine Dragons Paper sắp phá sản lan rộng. Ngân hàng thúc giục các khoản vay, đội kỹ thuật bên ngoài yêu cầu kết sổ gấp… Lúc đó, Trương Nhân phải lãnh đạo Nine Dragons Paper vật lộn để tồn tại giữa bao rắc rối bên trong và ngoài.

Nhìn lại quãng thời gian đó, Trương Nhân nói: “Từ giữa đến cuối năm 2008, cuộc sống thực sự khó khăn. Mỗi lần tôi trở lại văn phòng, tôi đều cảm thấy rất nặng nề, ngay cả di chuyển tôi cũng không có sức lực.”

Ngay khi mọi người nghĩ rằng người phụ nữ từng giàu nhất sắp phá sản, Trương Nhân đã từ chối các khoản tài trợ từ xã hội, nghiến răng và cố gắng bằng mọi cách để giảm bớt áp lực túng tiền. Đầu tiên, bà tạm dừng một số dự án mở rộng để thực hiện chiến lược thu hẹp; sau đó, bà thay đổi chu kỳ thu mua từ 32 ngày xuống còn 7 ngày để giảm lượng hàng tồn kho; cuối cùng, bà sử dụng nguyên liệu giấy lộn trong nước để giảm chi phí.

Cách làm của bà đã giúp Nine Dragons Paper phục hồi kinh tế ổn định. Cùng lúc thực hiện hai động thái giảm nợ, một năm sau, Nine Dragons Paper không chỉ trả hết các khoản vay mà Trương Nhân còn đứng thứ hai trên “Hurun rich list” năm 2009 với giá trị tài sản ròng là 5,1 tỷ USD.

Sau đó, Trương Nhân tích cực tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước, liên tiếp thành lập các công ty tại Việt Nam, Tuyền Châu, Thẩm Dương, Lạc Sơn, và sự phát triển của doanh nghiệp ngày một thăng tiến.

Sau 35 năm kinh doanh, từ một cửa hàng giấy phế liệu nhỏ, Trương Nhân đã xây dựng thành công ty giấy lớn nhất Trung Quốc. Bà thực sự là một huyền thoại trong kinh doanh. Hiện nay, bà đang là người giày thứ 301 Trung Quốc với tài sản 1,8 tỷ USD, theo Forbes.

Về thành công của bản thân, Trương Nhân từng nói: “Dù là khởi nghiệp hay đi làm, bạn nhất định phải có tinh thần chịu thương, chịu khó.”

     >>> Căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu hạ nhiệt

 

Theo CafeF

Nghiên cứu vật liệu mới cứng gấp 8 lần thép từ bùn giấy

Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp công nghệ Asian Entrepreneur Award 2021 do trường Đại học Tokyo (Nhật Bản), Japan Academic Society for Ventures and Entrepreneurs (JASVE) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

Cuộc thi thu hút sự tham gia của nhiều startup công nghệ từ Nhật, Nga, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, New Zealand…

Sau khi vượt qua 3 vòng thi (vòng loại lấy 30 đội; vòng bán kết lấy 6 đội; vòng chung kết lấy 3 đội), dự án Chuyển hóa bùn giấy thải thành vật liệu có giá trị cao do nhóm Biomass Lab (Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM) nghiên cứu đã được trao giải Ba – bởi tính khả thi, có thể tận dụng được bùn thải giấy công nghiệp; quy trình sản xuất đơn giản và có thể tạo ra sản phẩm là nguyên liệu sinh học có tiềm năng ứng dụng rộng rãi và thực tế.

Nhóm Biomass Lab gồm các thành viên là: PGS.TS Nguyễn Đình Quân, ThS. Trần Thị Tưởng An, KS. Lê Tấn Nhân Từ, ThS. Phạm Thị Tuyết, các sinh viên chương trình Đào tạo Chất lượng Cao OISP của trường Đại học Bách Khoa bao gồm: Nguyễn Long Hoàng, Nguyễn Hoàng Phong, Nguyễn Thanh Phúc Thịnh, Trương Khải Vinh, Hoàng Hữu Quốc, Lưu Quan Sâm.

Vật liệu mới có độ bền cao, có thể ứng dụng làm áo giáp chống đạn

PGS.TS Nguyễn Đình Quân cho biết, ngành công nghiệp giấy là ngành sản xuất vô cùng quan trọng. Đây cũng là ngành có lượng chất thải và nước thải rất lớn. Vì thế, chi phí xử lý chất thải của nhà máy giấy rất cao. Trong đó, bùn giấy là những sợi cellulose bột giấy lắng nổi từ nước thải, là nguồn ô nhiễm hữu cơ cần phải xử lý.

Lượng bùn giấy thải của một nhà máy giấy có thể lên đến hàng chục tấn/ngày dù đã qua xử lý ép nước. Bùn giấy sau ép nước nhìn tựa như đất đen xám, không có ứng dụng nào đáng kể mà là một phần gánh nặng xử lý của doanh nghiệp làm giấy.

Nhằm bảo vệ môi trường và hướng đến cải tiến quy trình sản xuất xanh – bền vững, Phòng thí nghiệm Nhiên liệu Sinh học và Biomass (do PGS.TS. Nguyễn Đình Quân làm trưởng phòng) đã phối hợp cùng Công ty CP Giấy An Bình (Thủ Đức) nghiên cứu công nghệ chuyển hóa cellulose trong bùn giấy thành cellulose vi khuẩn (BC). Đây là dạng cellulose tự do với cấu trúc mạng lưới 3D sợi nano rất dai và bền, là nguyên liệu ngày càng phổ biến cho nhiều ứng dụng cuộc sống như giấy, vải, màng lọc, vật liệu composite, sơn phủ…

PGS.TS Nguyễn Đình Quân cho biết: “Khác với cellulose thực vật là dạng phức hợp vững chắc giữa các sợi cellulose được bao bọc với lignin và hemicellulose (lignocellulose), cellulose vi khuẩn ở dạng sợi cellulose tự do, lại có độ tinh thể cao hơn nhiều. Vì vậy, mọi quá trình sử dụng cellulose vi khuẩn thì không cần phải trải qua các bước tiền xử lý loại bỏ lignin và hemicellulose phức tạp, đòi hỏi nhiều hóa chất và năng lượng như với cellulose thực vật”.

Vì lí do này, việc chế biến cellulose tinh thể kích thước nano (CNC) từ BC bùn giấy cũng đơn giản và có hiệu suất cao hơn nhiều so với phương pháp phổ biến trên thế giới là dùng cellulose thực vật. CNC nhiều năm nay được xem là vật liệu sinh học cao cấp nhất, nhẹ như gỗ nhưng lại có độ bền cơ học gấp hàng chục lần thép, được quân đội Hoa Kỳ nghiên cứu ứng dụng làm áo giáp chống đạn.

Ông Mai Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng của Nhà máy Giấy An Bình cho biết: “Nếu công nghệ chuyển hóa bùn giấy thành sản phẩm giá trị được hiện thực hóa thì sẽ góp phần không nhỏ vào việc cắt giảm chi phí xử lý chất thải của nhà máy, mà còn tạo ra giá trị gia tăng đáng kể. Một doanh nghiệp luôn ứng dụng khoa học kỹ thuật như An Bình rất quan tâm đến vấn đề này”.

Tạo ra giá trị mới từ bùn giấy thải

PGS.TS Nguyễn Đình Quân thông tin, bùn giấy chứa 60-70% là cellulose bột giấy đã trải qua quá trình “nấu” nên rất dễ thủy phân. Nhận thấy sự thuận lợi này, nhóm đã dùng acid rất loãng để thủy phân thành đường glucose và sau đó dễ dàng dùng vi khuẩn Acetobacter Xylinum (vi khuẩn làm thạch dừa) lên men đường thành màng cellulose vi khuẩn.

Nhóm chọn bùn giấy làm nguyên liệu vì đây là nguồn carbohydrate đang bị lãng phí, bị xem chỉ là chất thải thuần túy của nhà máy giấy. Do đó nếu dùng bùn giấy để tạo cellulose vi khuẩn thì sẽ rất ý nghĩa về mặt kinh tế, đồng thời cũng thuận lợi về kỹ thuật.

Ngoài ra, về mặt sản xuất xanh – sạch trong chiến lược nền kinh tế tuần hoàn, thì tạo cellulose vi khuẩn từ bùn giấy để rồi có thể dùng chính sản phẩm đó làm nguyên phụ liệu sản xuất giấy thì sẽ làm tăng sự bền vững của quá trình sản xuất, tăng thêm giá trị, từ đó góp phần làm giảm gánh nặng xử lý nguồn thải của nhà máy.

Những nghiên cứu khác về chuyển hóa cellulose bùn giấy thành nguyên vật liệu, có thể kể tới như ethanol, butanol, acid acetic… Sản phẩm sau quá trình phải được trích ly, chưng cất, xử lý phức tạp tiêu tốn năng lượng và dung môi. Tuy nhiên, trong giải pháp của Biomass Lab, màng cellulose vi khuẩn dễ dàng có thể thu nhận bằng cách vớt ra khỏi dung dịch và làm sạch sơ chế. Đây là ưu điểm rất lớn giúp dự án có thể triển khai quy mô dễ dàng với chi phí thấp.

Ngoài ra, từ cellulose vi khuẩn, sản phẩm cellulose nano tinh thể của Biomass Lab cũng có ý nghĩa lớn về phương pháp luận. Hầu hết các nhà sản xuất cellulose nano tinh thể hiện nay trên thế giới đều dùng cellulose thực vật.

Ví dụ tập đoàn sản xuất giấy Nippon (Nhật Bản) dùng lignocellulose từ gỗ, trải qua các công đoạn tiền xử lý phức tạp mới thu được cellulose để từ cellulose đó mới làm ra nanocellulose tinh thể. Tuy nhiên, nếu cellulose nano tinh thể được sản xuất từ cellulose vi khuẩn như nghiên cứu của Biomass Lab, thì quy trình sẽ đơn giản hơn rất nhiều vì không phải tiền xử lý nguyên liệu cellulose.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng chưa có nghiên cứu tương tự như Biomass Lab đang triển khai. Do đó, nhóm nghiên cứu đang tiến hành đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với nội dung là tối ưu hóa các yếu tố kỹ thuật của quá trình chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn, thiết kế quy trình sản xuất thực tế và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

     >>> Căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu hạ nhiệt

Theo Voh

Căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu hạ nhiệt

Theo ghi nhận của WSJ, ở châu Á, việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid và tình trạng thiếu năng lượng, giới hạn công suất cảng đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Tại Mỹ, các nhà bán lẻ lớn cho biết đã nhập khẩu gần hết những gì cần cho dịp lễ. Giá cước vận tải đường biển cũng đã giảm xuống mức kỷ lục.

Số lượng tàu chờ dỡ hàng tại các cảng Los Angeles và Long Beach – cửa ngõ nhập khẩu lớn nhất của Mỹ từ châu Á – đã giảm, nhưng vẫn ở mức gần kỷ lục. Có 71 tàu container neo đậu ngoài khơi vào ngày 19/11, giảm so với mức cao nhất là 86 tàu cách đó 3 hôm, theo tổ chức Marine Exchange of Southern California. Trong 3 ngày tới, dự kiến có 17 tàu nữa đến cảng. Trước đại dịch, việc tàu neo đậu ngoài khơi để chờ đợi vốn là điều bất thường.

Các CEO ngành vận chuyển và bán lẻ dự báo lượng hàng tồn đọng tại cảng của Mỹ sẽ được giải quyết vào đầu năm 2022. Do đến khi đó, kỳ mua sắm nghỉ lễ Giáng sinh đã qua và Tết Nguyên đán sẽ khiến nhiều nhà máy châu Á đóng cửa trong một tuần của tháng 2, giúp sản lượng chậm lại.

Jan Held, Đồng sở hữu Held Bereederungs (Đức), cho biết tình trạng tắc nghẽn ở châu Á đang cải thiện. Các tàu của ông chủ yếu vận chuyển hàng hóa công nghiệp, đôi khi mất một tháng chờ đợi bên ngoài các cảng châu Á. Theo Held, phải một thời gian nữa giao thông toàn cầu mới bình thường lại. “Đại dịch phải kết thúc nhưng điều đó sẽ không sớm xảy ra”, ông nói.

Giá cước tàu biển xuyên Thái Bình Dương đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây. Cụ thể, chi phí vận chuyển một container giảm hơn một phần tư trong tuần kết thúc vào ngày 12/11. Đây là mức giảm lớn nhất trong hai năm qua. Dù vậy, giá lại tăng 5% trong tuần này, lên khoảng 14.700 USD mỗi container loại dài 12m, tức vẫn cao hơn ba lần so với năm trước, theo Freightos Baltic Index.

“Trên toàn cầu, thời kỳ tồi tệ nhất về chuỗi cung ứng đang dần trôi qua”, Louis Kuijs, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics, đánh giá. Một cuộc khảo sát ở 45 nền kinh tế cho thấy hầu hết mọi người tin rằng gián đoạn chuỗi cung ứng đã đạt đến đỉnh hoặc sẽ đạt đỉnh quý cuối năm nay.

Nhiều chuỗi lớn như Walmart, Home Depot và Target cho biết đã có sẵn hàng cho kỳ nghỉ lễ, chủ yếu nhờ nhập hàng sớm hơn bình thường trong năm nay. Một số cũng thuê tàu riêng để giải quyết các nút thắt vận tải.

Tuy nhiên, rất ít CEO xác nhận khó khăn đã kết thúc. Các công ty toàn cầu vẫn đang chật vật với các vấn đề tại cảng và đường bộ trên khắp thế giới. Một số nhà bán lẻ báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp đi, do chi phí vận chuyển tăng cao.

Công nhân sản xuất đồ trang trí Giáng Sinh ở một nhà máy Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đối với Christine Humphreys, Đồng sáng lập Mindful Drink, sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng dường như không thể xoa dịu. Công ty đồ uống ở Anh của cô chỉ còn một nửa lượng hàng dự trữ cho dịp Giáng sinh – giai đoạn kinh doanh bận rộn nhất. “Hành trình từ Đức đến Anh lẽ ra chỉ mất hai tuần, giờ đã mất sáu tuần rồi”, Humphreys cho biết.

Sản xuất chậm lại do Covid-19 bùng phát, nhưng đã tăng trở lại trong tháng qua tại các nhà máy trên khắp Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác. Điều này là do số ca dương tính mới giảm và các giới hạn sản xuất dần được dỡ bỏ.

“Đó là một sự thay đổi lớn theo hướng tích cực vì sẽ cải thiện sản lượng công nghiệp ở châu Á và nguồn cung toàn cầu”, Trinh Nguyen, Nhà kinh tế cấp cao của Natixis (Hong Kong), đánh giá. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng nhiều quốc gia tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề khác, chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động.

Tại Việt Nam, các chủ nhà máy ở phía nam cho biết hoạt động sản xuất suôn sẻ hơn nhiều so với vài tháng trước. Nhưng những thách thức vẫn còn, bao gồm chi phí vận chuyển cao và thiếu lao động, do nhiều công nhân đã trở về quê nay vẫn chưa quay lại.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết tình hình đang được cải thiện và các nhà máy sản xuất đồ gỗ quy mô trung bình, với khoảng 200 đến 500 công nhân, đang hoạt động với khoảng 80% công suất. Nhưng các nhà sản xuất đồ nội thất lớn hơn, có tới 3.000 công nhân, lại thiếu nhiều lao động và hoạt động ở mức khoảng 65% công suất.

Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng điện ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất của nước này đầu mùa thu đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Giới chức đã cho phép các nhà máy nhiệt điện than tính giá cao hơn. Giá dầu cũng đã giảm sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.

Theo các cuộc phỏng vấn với một số chủ nhà máy tại Quảng Đông, hoạt động sản xuất phần lớn đã trở lại ở công suất bình thường kể từ tháng 10. Tình trạng thiếu container cũng đang giảm bớt. Thomas Broertjes, CEO Foshan Oufeng Furniture (Quảng Đông), cho biết họ đã không thể vận chuyển bất kỳ sản phẩm nào vào tháng 9, vì không thể tìm được container. “Đó thực sự là tháng thấp điểm nhất”, ông nói.

Mặc dù công ty có thể đặt container từ tháng 10, họ vẫn phải mất nhiều ngày để xác nhận được với các nhà cung cấp. Giá vẫn gấp ba hoặc bốn lần năm 2020. “Tôi hy vọng mọi thứ đang trở nên tốt hơn. Nó không thể tệ hơn được”, ông nói và nhận xét vận chuyển vẫn là “rắc rối lớn”.

Các chủ nhà máy khác cho biết vẫn đang vật lộn giải quyết các nút thắt. Kể từ tháng 6, các thùng hàng chứa đầy phụ tùng ôtô bắt đầu chất đống tại nhà kho của Zhejiang Songtian Automotive Motor System. Nguyên nhân là ngày càng nhiều nhà nhập khẩu phương Tây ngừng nhận hàng trong bối cảnh giá cước tăng cao. Công ty gần đây đã mở rộng thêm kho chứa hàng.

“Toàn bộ nhà máy hiện chứa đầy hàng hóa thành phẩm không thể vận chuyển ra ngoài. Đây là vấn đề đau đầu nhất và chúng tôi không thể làm gì được”, Dai Xuezhi, CEO công ty nói.

Nhà cung cấp dữ liệu eeSea cho biết sự chậm trễ của tàu container đã giảm trong tháng 10 so với tháng 9, nhưng số tàu chờ bên ngoài cảng vào tháng 11 không có nhiều thay đổi. Tính đến sáng thứ Sáu (19/11), đã có 500 tàu container lớn chờ cập cảng bên ngoài các cảng ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, tăng nhẹ so với 497 tàu ngày 8/10.

    >>> Giá OCC giảm mạnh tại châu Á do tắc nghẽn logistics các cảng tại Mỹ

Theo VnExpress

Giá OCC giảm mạnh tại châu Á do tắc nghẽn logistics các cảng tại Mỹ

Tình hình này đã gây xáo trộn chuỗi logistics đường biển tại các cảng chính ở Đông Nam Á (SEA), Đài Loan và gây cản trở vận chuyển liên châu Á, ảnh hưởng đến xuất khẩu giấy bao bì hòm hộp từ các khu vực này tới Trung Quốc.

Do việc xuất khẩu bị hạn chế, các nhà máy ở Đài Loan và Đông Nam Á đã cắt giảm khối lượng OCC nhập khẩu từ Mỹ, và tìm cách giảm giá loại hàng này. Giá OCC thu gom tại các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cũng được cải thiện và giảm nhẹ.

Giá OCC của Mỹ nhập khẩu giảm. OCC 12 của Mỹ hiện đang là loại được nhập khẩu chủ yếu tại Châu Á. Giá OCC 12 tại thời điểm trung tuần tháng 11 tại Hàn Quốc đạt 270-285 USD/tấn, tại Đài Loan, ổn định ở mức 270-275 USD/tấn. Loại cao cấp có giá 290-315 USD/tấn ở Đông Nam Á, với khối lượng lớn ở Indonesia.

Nhìn chung, vào tuần thứ 3 của tháng 11/2021, OCC 12 đang được giao dịch ở mức 270-315 USD/tấn tại Đông Nam Á, Đài Loan và Ấn Độ. OCC 11 của Mỹ có giá thấp hơn 5-10 USD/tấn ở hầu hết các nước Đông Nam Á và Đài Loan.

Giá OCC của Châu Âu, Nhật Bản cũng giảm: Vấn đề vận chuyển, Đông Nam Á dễ dàng nhập RCP từ Mỹ hơn các khu vực khác tại Châu Á. Nguồn thu gom tại châu Âu đã dồi dào, đẩy lượng cung tăng khiến giá OCC tại thị trường nội địa châu Âu cũng giảm 11 USD/tấn, và việc giảm giá khi xuất khẩu sang châu Á cũng dễ hơn.

OCC 95/5 của Châu Âu tại tuần thứ 3 tháng 11/2021 ở mức 255-270 USD/tấn tại Đông Nam Á (không tính Indonesia). Khách hàng chủ yếu là các nước Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. 

Tại Đông Nam Á và Đài Loan, giá OCC Nhật Bản ở mức 280-285 USD/tấn, giảm 10-15 USD/tấn./.

    >>> Bản tin ngành Giấy tháng 11/2021

Theo PPI Asia

Bản tin tháng 11/2021

Trong bản tin số 10 – tháng 11/2021 bao gồm:

1. Giá xuất – nhập khẩu bột giấy và giấy

2. Tình hình sản xuất – kinh doanh ngành giấy trong nước

3. Tin tức đầu tư 

DƯƠNG NHẬT: Ấn tượng kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021

Công ty FDI tại Việt Nam mở rộng đầu tư

Tiêu thụ giấy in-viết tại Mỹ tăng 1% trong tháng 10

Liên bang Nga đối mặt với tình trạng tăng giá giấy

    >>> Xem BẢN TIN VPPA THÁNG 11