Định hướng hoạt động khoa học công nghệ cho ngành công nghiệp Giấy giai đoạn mới

Ngày 31-03-2021
VPPA-Trong giai đoạn 2015-2020, ngành Công nghiệp giấy Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước hiện đại hóa và nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng giấy các loại tăng trung bình trên 25 %/năm.

dinh-huong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-cho-nganh-cong-nghiep-giay-giai-doan-moi

Cùng với tăng trưởng công nghiệp của cả nước, nhờ chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, cũng như những thay đổi về cơ cấu doanh nghiệp sản xuất giấy của các nước trong khu vực, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu giấy tăng dần trong những năm gần đây. Đặc biệt, xuất khẩu giấy bao bì công nghiêp sang một số nước trong khu vực đã tăng trên 65%, đồng thời nhu cầu giấy tissue chất lượng cao tăng đều mỗi năm trong 5 năm gần đây, đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất với công suất tối đa. Nhiều dây chuyền hiện đại sản xuất giấy bao bì công nghiêp, giấy tissue đã đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, tạo việc làm và diện mạo mới cho ngành công nghiệp giấy.

Bên cạnh sự hình thành những khu vực có ngành công nghiệp giấy hiện đại, với công nghệ thiết bị tiên tiến so với thế giới, như khu vực Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, công nghiệp giấy trong nước vẫn có phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm có quy mô vừa và nhỏ, dây chuyền sản xuất lạc hậu công suất <10.000 tấn/năm, nhưng chỉ chiếm khoảng 20% tổng công suất toàn ngành. Sự tồn tại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do những yếu tố lịch sử, phải đối mặt thách thức về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên nhóm các doanh nghiêp này đã và đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng với phân khúc chất lượng sản phẩm giá thấp, đồng thời gắn liền với đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nhằm phát triển ngành công nghiệp giấy theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đồng thời từng bước nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, ngày 15 tháng 3 năm 2021 Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã tổ chức Tọa đàm “Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ ngành công nghiệp giấy giai đoạn 2021-2025, có xét tới năm 2030”. Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì Tọa đàm. Cùng tham gia Tọa đàm có các chuyên viên của Vụ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia và đại diện một số doanh nghiệp ngành Giấy.
dinh-huong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-cho-nganh-cong-nghiep-giay-giai-doan-moi
Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN chủ trì Tọa đàm
Hội nghị đã diễn ra trong không khí sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn. Các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ thực trạng ngành công nghiệp giấy Việt Nam hiện nay, những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã thực hiện và đang triển khai. Từ đó chỉ ra những cơ hội, thách thức mà ngành Giấy sẽ gặp phải trong giai đoạn tới, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ một phần các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển đã được các đại biểu cùng bàn luận. Trên cơ sở đó, đề xuất các định hướng khoa học và công nghệ ứng dụng cho ngành công nghiệp Giấy Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, tính đến 2030.
Thực trạng ngành công nghiệp giấy Việt Nam
TS. Dương Xuân Diêu, chuyên viên theo dõi ngành đã trình bày báo cáo về thực trạng ngành công nghiệp giấy, đưa ra dự thảo các định hướng khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Về nguyên liệu và sản phẩm, các sản phẩm của ngành giấy Việt Nam khá đa dạng, gồm: giấy in, giấy viết, giấy tissue, giấy làm bao bì, giấy làm vàng mã, giấy chống thấm dầu mỡ, giấy cách điện, bột hóa tẩy trắng, bột giấy hiệu suất cao làm giấy bao bì, giấy vàng mã. Năm 2020, tổng sản lượng giấy đạt > 4,5 triệu tấn. Tổng năng lực sản xuất bột giấy của toàn ngành ước đạt 420.000 tấn, trong đó có 250.000 tấn bột hóa tẩy trắng và khoảng 180.000 tấn bột giấy hiệu suất cao. Nhập khẩu bột giấy khoảng 350.000 tấn, bao gồm bột giấy kraft cho sản xuất giấy bao bì, bột hóa tẩy trắng cho sản xuất giấy in, giấy viết và giấy tissue. Bên cạnh đó, ngành giấy vẫn nhập khẩu khoảng 3,0 triệu tấn giấy phế liệu mỗi năm cho sản xuất giấy bao bì công nghiệp. Năng lực thu gom giấy phế liệu trong nước đạt tỉ lệ khá cao, khoảng 2,0 triệu tấn.
TS. Dương Xuân Diêu trình bày báo cáo thực trạng KHCN ngành Giấy
Về công nghệ, toàn bộ bột hóa tẩy trắng chỉ do hai doanh nghiệp sản xuất, là Tổng công ty Giấy Việt Nam, áp dụng công nghệ nấu mẻ và tẩy trắng truyền thống cải tiến. Công ty CP Giấy An Hòa, với dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ nấu liên tục và tẩy trắng không sử dụng clo nguyên tố (ECF). Bột giấy hiệu suất cao được sản xuất theo công nghệ kiềm lạnh và nấu mẻ sử dụng nồi nấu hình cầu, tại các doanh nghiệp nhỏ, phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi, trung du, chủ yếu sử dụng nguyên liệu đặc thù là tre nứa. Các cơ sở sản xuất này đa phần không có hệ thống thu hồi hóa chất và xử lý nước thải phù hợp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên đang dần bị thu hẹp.
Về năng lực sản xuất và cơ cấu doanh nghiệp, hiện nay năng lực sản xuất còn chưa đáp ứng được so với nhu cầu tiêu dùng. Năng lực sản xuất tăng mạnh chủ yếu đối với sản phẩm giấy bao bì. Sản lượng giấy do các doanh nghiệp FDI sản xuất chiếm > 50% tổng sản lượng giấy sản xuất trong nước. Trong khi đó năng lực sản xuất giấy tissue cũng tăng gần gấp đôi nhờ đầu tư mới và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Thị trường xuất khẩu giấy, chủ yếu là các nước trong khu vực Châu Á, như Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản,… Các mặt hàng xuất khẩu của ngành giấy có giá trị thấp, chủ yếu là giấy bao bì, giấy vàng mã, sổ ghi chép, giấy tissue. Mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp FDI với những dây chuyền sản xuất quy mô, công nghệ hiện đại, tân tiến, đã góp phần thúc đẩy đầu tư, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và tạo động lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 biểu hiện ở mọi lĩnh vực công nghiệp và đời sống, giá nguyên liệu bột giấy và giấy phế liệu vẫn tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2021, năm 2020 ngành công nghiệp Giấy Việt Nam lại có được những kết quả sản xuất kinh doanh ngoài mong đợi: sản lượng các sản phẩm giấy đạt công suất tối đa, tiêu thụ hàng hóa tốt và nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất hết quý 2/2021. Các Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất mới đang gấp rút triển khai để khởi động, nhiều Dự án đầu tư mới và dài hạn trước đây chậm tiến độ nay đã khởi động trở lại, các Dự án đầu tư FDI mới khu vực miền Bắc với tổng mức đầu tư lên đến 1 tỉ USD tiếp tục được thúc đẩy. Những thay đổi rõ rệt cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển của ngành công nghiệp Giấy Việt Nam giai đoạn tới, trong xu hướng hiện đại hóa công nghiệp, hội nhập và tiếp nhận chuyển dịch đầu tư nước ngoài. Trong xu hướng phát triển này, ứng dụng những tiến bộ Khoa học Kỹ thuật cần được chú trọng.
Một số đề xuất phát triển khoa học và công nghệ ngành công nghiệp giấy giai đoạn tới
Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh trong lời phát biểu khai mạc Tọa đàm: “Hoạt động khoa học công nghệ với định hướng trước hết là phải đồng hành và tiến tới từng bước đột phá trong sự phát triển của toàn ngành. Để làm được như vậy cần có những định hướng cụ thể về KHCN và tầm nhìn xa hơn, đóng góp cho sự phát triển của ngành giấy, tiến tới ứng dụng những công nghệ then chốt, tạo động lực phát triển cho ngành, đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của công nghệ tiên tiến khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Các nhiệm vụ KHCN cần được xây dựng và triển khai thực hiện phù hợp với tình hình mới, tăng cường chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, tạo ra giá trị gia tăng cho ngành, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học để bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao tính cạnh tranh cho toàn ngành hay bao bì giấy thân thiện môi trường, là những thế mạnh của ngành giấy”.
dinh-huong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-cho-nganh-cong-nghiep-giay-giai-doan-moi
Ngành Giấy cần tăng cường nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng lớn, sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Ảnh: Internet
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hoàng Trung Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nêu ý kiến: “Sự hỗ trợ về công nghệ của Bộ Công Thương trong thời gian qua đối với ngành công nghiệp giấy rất đáng ghi nhận. Những nhiệm vụ KHCN quy mô lớn đã và đang được thực hiện, đã góp phần kịp thời hỗ trợ tháo những khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn không đủ điều kiện để triển khai ứng dụng khoa học công nghệ cho sản xuất kinh doanh, đồng thời đã tạo động lực cho ngành về tăng cường ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh và có cơ sở để lạc quan hơn về triển vọng của ngành. Nhiều vấn đề của ngành giấy không thể giải quyết thiếu ứng dụng KHCN, như các giải pháp, chính sách về giấy thu hồi, tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp giấy, các giải pháp xử lý môi trường, tiếp cận thông tin và truyền thông”.
Ông Ngô Tiến Luân – Trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết: “Tổng Công ty Giấy Việt Nam là doanh nghiệp vốn nhà nước duy nhất của ngành. Hiện nay tuy không phải là doanh nghiệp có sản lượng giấy lớn nhất, nhưng lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tổng công ty liên quan đến nhiều ngành nghề, như trồng rừng, chế biến gỗ, sản xuất bột giấy và giấy, sản xuất hóa chất. Từng là đơn vị chủ quản của hai viện nghiên cứu, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương và Nhà nước. Tuy nhiều kết quả nghiên cứu cần tiếp tục phải triển khai, nhưng các nhiệm vụ nghiên cứu đã có những đóng góp thiết thực cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với dây chuyền sản xuất vận hành trong gần 30 năm qua, nhu cầu cải tiến công nghệ, ứng dụng công nghệ mới để duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh là tất yếu, như cải tạo giống cây nguyên liệu, nâng cao năng suất và hiệu quả kỹ thuật trồng rừng, cải tiến hệ thống thu hồi hóa chất và nhiệt, điện, xử lý nước thải và tận dụng chất thải rắn, các giải pháp về điều khiển tự động hóa, ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng bột giấy, giấy và cải thiện quá trình vận hành. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của đội ngũ khoa học công nghệ trong và ngoài nước”.   
PGS.TS. Lê Quang Diễn – Giảng viên chuyên ngành Kỹ thuật Xenlulo – Giấy, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Doanh nghiệp cần phải chủ động và tự lực hơn nữa trong ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học. Các định hướng khoa học và công nghệ trong thời gian tới cần phải hướng tới xây dựng những nhiệm vụ thiết thực, khả thi nhằm khai thác những thế mạnh của ngành công nghiệp giấy phục vụ nhu cầu cho toàn ngành và xã hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết là phát triển công nghệ sản xuất bao bì giấy thân thiện môi trường thay thế túi nilong, ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, tận dụng chất thải công nghiệp giấy để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. Tuy vậy, đội ngũ KHCN và cơ sở vật chất nghiên cứu KHCN còn rất hạn chế, sự phối kết hợp giữa các nhóm nghiên cứu, các cơ quan KHCN và doanh nghiêp còn hạn chế. Cần tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ là một trong những vấn đề then chốt của ngành giấy để đáp ứng tình hình thực tế hiện nay.”
dinh-huong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-cho-nganh-cong-nghiep-giay-giai-doan-moi
Ý kiến của chuyên gia là cơ sở để Bộ Công Thương xây dựng định hướng nghiên cứu KHCN cụ thể cho ngành giấy trong giai đoạn 2021-2025, xa hơn nữa đến 2030.
Bên cạnh các định hướng về nghiên cứu KHCN, các đại biểu tham dự cũng đề xuất một số chính sách để phát triển ngành giấy giai đoạn tới. Theo đó, cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ xây dựng cơ chế, chính sách giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước quản lý thống nhất, có hiệu quả đối với toàn ngành, đồng thời hỗ trợ, định hướng kịp thời cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật phù hợp (quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp) với Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và pháp luật Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm bột giấy và giấy.
Tổng kết các ý kiến tham luận của các thanh viên tham dự Tọa đàm, một số đề xuất phát triển KHCN ngành công nghiệp giấy giai đoạn tới, đi đôi với những nhiệm vụ hỗ trợ giải quyết những vấn đề bức thiết của doanh nghiệp ngành giấy, như nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm, tận dụng chất thải, tiết kiệm năng lượng, cần có những định hướng phát triển công nghệ tiếp cận với những vấn đề chung của cả nước, với xu hướng của thế giới, cụ thể là 09 định hướng chính:
  • Chính sách quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hồi tái chế và quản trị doanh nghiệp.
  • Ứng dụng Công nhệ sinh học, vật liệu mới, vật liệu nano trong công nghiệp giấy;
  • Ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0;
  • Xử lý và tận dụng chất thải công nghiệp giấy;
  • Vật liệu, bao bì giấy thân thiện môi trường thay thế túi nilong;
  • Vật liệu mới trên nền xenlulo;
  • Giấy đặc biệt ứng dụng trong thực phẩm, bảo an và phục vụ an ninh quốc phòng;
  • Sản phẩm giấy và vật liệu xơ sợi phòng chống covid và biến đối khí hậu;
  • Thiết bị và hệ thống tái chế giấy, năng lượng sinh khối;
dinh-huong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-cho-nganh-cong-nghiep-giay-giai-doan-moi
Ứng dụng công nghệ tự động hóa giải quyết vấn đề cho ngành giấy và bao bì giấy. Ảnh: Internet

Ông Trần Việt Hòa cũng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất và tham gia tích cực các hoạt động KHCN phục vụ chính doanh nghiệp của mình và toàn ngành, tạo ra động lực cho phát triển KHCN của ngành công nghiệp giấy, liên kết cùng phát triển với các ngành công nghiệp khác. Các nhiệm vụ Khoa học Công hướng tới tất cả các đối tượng, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển đội ngũ KHCN, phát triển thương hiệu và uy tín quốc tế. Ngoài tạo ra các sản phẩm KHCN ứng dụng kịp thời phục vụ phát triển của doanh nghiệp, các hoạt động KHCN hướng tới chủ động được nguồn nguyên vật liệu trong nước, làm chủ công nghệ trong bối cảnh của những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và khủng hoảng toàn cầu, đồng thời giữ vững vị thế cân bằng của khối doanh nghiệp trong nước trước làn sóng đầu tư FDI. Cần tăng cường nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng lớn, sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước”.

Kết luận tại Tọa đàm, Bộ Công Thương đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến của chuyên gia là cơ sở để Bộ Công Thương xây dựng định hướng nghiên cứu KHCN cụ thể cho ngành giấy trong giai đoạn 2021-2025, xa hơn nữa đến 2030.
Theo KHCN Công Thương
Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng