Giấy nguyên liệu bao bì “sốt” giá

Ngày 20-11-2017
VPPA-Nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì của Việt Nam đang đối mặt với đợt tăng giá giấy nguyên liệu cao chưa từng có… Nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì của Việt Nam đang đối mặt với đợt tăng giá giấy nguyên liệu cao chưa từng có. Giá giấy nguyên liệu trong nước tăng […]

Nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì của Việt Nam đang đối mặt với đợt tăng giá giấy nguyên liệu cao chưa từng có…

Nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì của Việt Nam đang đối mặt với đợt tăng giá giấy nguyên liệu cao chưa từng có.

Giá giấy nguyên liệu trong nước tăng từ 40-50%, còn giấy nhập ngoại cũng tăng từ 20% – 40% chỉ trong vòng 3 tháng đã đẩy các doanh nghiệp sản xuất vào thế khó khăn. 

Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho biết: mặc dù, giá nguyên liệu giấy tăng chóng mặt nhưng các doanh nghiệp bao bì không thể tăng giá bán ở mức đủ bù đắp chi phí vì khách hàng không dễ gì chấp nhận. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn phải “gồng mình” chịu lỗ mong chờ qua thời điểm tăng giá và để giữ được khách hàng. 

Ông Hoàng Trí Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất bao bì miền Bắc cho biết, nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là từ ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Vào khoảng 3-4 tháng trước đây, giấy Kraft nhập khẩu từ Nhật Bản khoảng 420 USD/tấn, thì đến nay đã lên đến 475 USD/tấn, giấy Dublex trước đây mua 520 USD/tấn thì nay tăng lên 590 USD/tấn. Trong khi đó, giá giấy trong nước còn tăng mạnh hơn, mới cách đây 3 tháng, loại giấy bình thường nhất chỉ để làm lớp sóng bên trong thành bao bì có giá là 3.700 đồng/kg nay đã lên đến 5.700 đồng/kg, còn loại giấy để làm bề mặt do nhà máy giấy Việt Trì bán ra cách đây 3 tháng có giá là 6.800 đồng/kg thì nay đã tăng lên 8. 900 đồng/kg. Các loại giấy bình thường khác cũng tăng từ 4.500 đồng lên 6.500 đồng/kg. 

Mặc dù vậy cũng không có hàng để mua, vì khó khăn và khan hiếm nguồn cung cấp giấy nguyên liệu đang là tình trạng chung của nhiều nước. Các nước ASEAN khi nhận được đơn đặt hàng cũng không thể đáp ứng được do chính nhu cầu trong nước của họ cũng tăng cao và chính sách hạn chế xuất khẩu để bảo vệ môi trường. 

Theo ông Bảo, nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế. Trong khi các nước trong khu vực và trên thế giới nhập khẩu bột và giấy loại là 0%, thì tại Việt Nam bột là 1% còn giấy loại là 3%. Giá nguyên liệu cao lại phải chịu thêm thuế đã làm cho khả năng duy trì sản xuất của các doanh nghiệp giảm. Đối với ngân sách Nhà nước 3% không lớn nhưng đối với các doanh nghiệp sản xuất thì đó là vấn đề rất lớn. 

Hiện nay, các nhà máy giấy trong nước chỉ chú trọng đến sản xuất giấy viết, giấy in báo, nơi cung cấp giấy nguyên liệu lớn nhất hiện nay vẫn là khu làng nghề ở Bắc Ninh nhưng lại chủ yếu tái chế từ nguồn giấy phế liệu. Trong khi đó, hai nhà máy Bãi Bằng và Tân Mai đã chủ động được nguồn nguyên liệu nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu.

Không những thế, nguồn giấy trong nước ngày càng mất đi dẫn đến mức độ khan hiếm ngày càng cao. Do Việt Nam là nước xuất khẩu, 70 – 80% giấy bao bì sản xuất dành cho việc xuất khẩu hàng công nghiệp, thế nhưng khối lượng này chỉ có ra đi mà không quay vòng tái sản xuất trong nước. Nguyên liệu đã ít ỏi lại thêm nhập khẩu khó khăn, vì vậy, giấy phế liệu trong nước hiện tại cũng rất đắt và phải tranh nhau mua. 

Ông Bảo cho biết, hiện tại quan niệm về bao bì đã thay đổi. Trước đây, không mấy ai chú trọng đến bao bì, nhưng nay lại khác một sản phẩm tốt không chỉ được đánh giá ở nội dung mà còn phải thể hiện sức mạnh ở chính mẫu mã hoặc bao bì bắt mắt, vì điều đó không những ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng mà còn để nhận diện và khẳng định thương hiệu sản phẩm. 

Như vậy, điều tất yếu là “cái” bao bì đã chiếm tới 50% có khi là 80% giá trị của sản phẩm. Như vậy nhìn về lâu dài, khi mà nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng lên, yêu cầu về mẫu mã ngày càng khắt khe hơn, ngành xuất khẩu đang có đà tăng mạnh, rất nhiều mặt hàng cần đến bao bì, trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất bao bì vẫn đang phải đối mặt với tình cảnh éo le như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng và thiệt hại rất khó lường? 

Một chuyên gia trong ngành giấy cho biết, khó khăn hiện nay của ngành sản xuất bao bì không chỉ là do giá giấy nguyên liệu tăng cao, mà nguyên nhân sâu xa là do chúng ta chưa có một sự đầu tư cần thiết và đúng mức cho ngành công nghiệp này. Việc đầu tư cho một nhà máy bột giấy, sản xuất giấy quy mô lớn cần rất nhiều vốn nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn có thể hợp sức nhau làm được. Vấn đề chính là nhất thiết phải có một chính sách cụ thể của Nhà nước để hỗ trợ cho ngành này vì nó liên quan đến chính sách về trồng và khai thác nguyên liệu, bảo vệ rừng, điều mà bấy lâu nay nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp. 

Sản xuất và xuất khẩu càng phát triển thì nhu cầu về bao bì càng lớn, trong khi đó ngành này đang có cơ hội để phát triển trong tương lai, góp phần phát triển nền kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy tiềm năng về nhu cầu cũng như khả năng phát triển và cung cấp nguyên liệu của ngành này đã xin giấy phép đầu tư vào sản xuất. Vì vậy rất cần một chính sách thông thoáng để ngành sản xuất giấy bao bì phát triển bền vững…

http://vneconomy.vn/

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng