Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 3/2019

Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh; Bổ sung gần 80 ngành nghề trung cấp, cao đẳng… là những thông tư, chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội có hiệu lực từ tháng 3/2019.

  1. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP

 

Theo Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thì hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa đó:

– Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;

– Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;

– Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định tương ứng tại Phụ lục I của Thông tư này;

Thông tư có hiệu lực từ ngày 08/3/2019

  1. Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, toàn bộ biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT sẽ được thay thế bởi biểu mẫu mới theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT.

Một số biểu mẫu điển hình được thay thế như:

– Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh…

– Mẫu Thông báo và các văn bản khác do doanh nghiệp phát hành: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật…

Các mẫu văn bản này được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc

Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/03/2019.

  1. Bổ sung gần 80 ngành nghề trung cấp, cao đẳng

Thông tư 06/2019/TT-BLĐTBXH bổ sung ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BLĐTBXH.

Các ngành, nghề bổ sung thuộc 14 lĩnh vực như: Sư phạm, pháp luật, nghệ thuật, báo chí, kinh tế…

Cụ thể, trình độ cao đẳng có các ngành như: Sư phạm kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật biểu diễn dân ca, tạp kỹ, tiếng Anh thương mại, tiếng Anh du lịch, tiếng Anh lễ tân nhà hàng – khách sạn, dịch vụ pháp lý doanh nghiệp…

Bậc trung cấp có các ngành như: Quản lý siêu thị, trợ lý tổ chức đấu giá tài sản, công nghệ gia công bao bì, nông nghiệp công nghệ cao…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.

  1. Quy định việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm


Ngày 24/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 125/2018/TT-BTC quy định về việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Theo đó, các trường hợp sau đây sẽ bị thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm (ĐLBH):

– Cá nhân không tham dự kỳ thi chứng chỉ ĐLBH do Bộ Tài chính tổ chức;

– Thí sinh dự thi không thi đỗ kỳ thi chứng chỉ ĐLBH theo quy định tại Thông tư 125;

– Thí sinh dự thi giả mạo giấy tờ về nhân thân (thẻ CCCD, CMND, hộ chiếu) hoặc sử dụng giấy tờ chứng minh nhân thân của người khác khi tham dự kỳ thi;

– Thí sinh dự thi được đào tạo trong thời gian cơ sở đào tạo bị buộc đình chỉ hoạt động đào tạo ĐLBH theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/3/2019.

  1. Bệnh án điện tử: Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý

Đây là thông tin được nêu tại Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử.

Theo đó, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau:

– Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy;

– Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử;

– Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.

VPPA