Chèo lái công ty giấy in ấn giữa nguy cơ bị lu mờ bởi công nghệ, nữ CEO Tô Mỹ Châu đúc kết: “Nguy cơ” tức trong nguy hiểm luôn có cơ hội!

Đối mặt với nguy cơ bị “lu mờ”, xuất thân là người Hoa, bà Tô Mỹ Châu duy trì được niềm tin thông qua tư duy ngôn ngữ, trong đó từ “nguy cơ” – được cấu thành bởi 2 từ: “nguy” là nguy hiểm, thách thức và “cơ” là cơ hội. Tức, ở đâu có thách thức, khó khăn tức ở đó có cơ hội!

Du học và tốt nghiệp tại Úc, CEO Phùng Vĩnh Hưng – bà Tô Mỹ Châu – bấy giờ rất đam mê và có cơ hội lớn trong ngành tài chính – kiểm toán; lúc mới ra trường bà cũng nhận được offer (đề nghị) tại một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhịp điệu công việc cứ lặp đi lặp lại, bà Châu chia sẻ, rất khó để tạo nên sự khác biệt lớn cho chính mình và những người xung quanh. Đồng thời, sự gắn kết với gia đình đã thôi thúc bà Châu trở về Việt Nam và đầu quân cho Phùng Vĩnh Hưng – công ty gia đình hoạt động trong ngành thương mại giấy in ấn & bao bì.

Nguy cơ – Tức ở đâu có nguy hiểm ở đó có cơ hội

Những năm 2007, Việt Nam vừa mới gia nhập WTO mở ra rất nhiều cơ hội giao thương quốc tế, trong khi nhu cầu thị trường giấy của Việt Nam chỉ mới được nội địa đáp ứng được 45%, nữ lãnh đạo xác định đây là cơ hội để doanh nghiệp chuyển mình, thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ giai đoạn sau đó bắt đầu phát triển mạnh, kéo theo sự ra đời và phát triển của nhiều dịch vụ, ngành hàng dựa trên nền tảng số hoá. Hệ quả, nhiều ngành truyền thống đứng trước nguy cơ lu mờ, đơn cử những ấn bản ngành in ấn giảm mạnh theo thời gian, song hành với sự trỗi dậy của làn sóng marketing online (tiếp thị trực tuyến).

Đối mặt với nguy cơ bị “lu mờ”, xuất thân là người Hoa, bà Châu duy trì được niềm tin thông qua tư duy ngôn ngữ, trong đó từ 危机 – nguy cơ – được cấu thành bởi 2 từ: “nguy” là nguy hiểm, thách thức và “cơ” là cơ hội. Tức, ở đâu có thách thức, khó khăn tức ở đó có cơ hội!

Bà Tô Mỹ Châu (thứ hai bên phải qua) tham gia hội nghị FAPPI lần thứ 34 được tổ chức tại Đà Nẵng.

Với ngành giấy, đúng là thời buổi số hóa và công nghệ đã thay đổi rất nhiều xu hướng cũng như thói quen tiêu dùng, nhu cầu in ấn theo đó giảm sút. Song, đó cùng là cơ hội cho những ai nhận biết và giữ được tỉnh táo, bà Châu nhấn mạnh, và lúc này là xu hướng tiêu dùng online (trực tuyến) cũng kéo theo nhu cầu sản xuất bao bì vận chuyển tăng cao.

Nhìn nhận rõ ràng “nguy” và “cơ” trong giai đoạn này, Phùng Vĩnh Hưng đã chuyển dịch cơ cấu phân phối sản phẩm của công ty từ 100% giấy in, xuất bản sang ít nhất 50% sản lượng giấy bao bì. Công ty cũng sớm mở rộng sang các sản phẩm giấy bao bì dùng làm túi giấy, hộp bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm… và gần đây là các loại giấy dùng làm bao bì thực phẩm; song song nâng cấp hệ thống quản lý, đặc biệt liên kết chặt chẽ với các đối tác tạo thành chuỗi cung ứng.

Mặt khác, hiểu rõ sự lạc hậu của công nghệ sản xuất giấy của Việt Nam không chỉ gây lãng phí nguồn nước, mà còn buộc doanh nghiệp tăng chi phí xử lý môi trường. Cụ thể, bà Châu ước tính: “Để sản xuất ra 1 tấn giấy thành phẩm, các nhà máy của Việt Nam phải sử dụng khoảng 2 tấn gỗ và 100 – 350m3 nước. Nhất là công đoạn tẩy trắng gây ô nhiễm nghiêm trọng, chiếm 50 – 70% tổng lượng nước thải và chiếm 80 – 95% tổng lượng dòng thải gây ô nhiễm, phát sinh từ 45 – 48 kg chất thải rắn/tấn sản phẩm, trong khi các nhà máy giấy hiện đại của thế giới chỉ sử dụng 7 – 15m3 nước”.

Doanh nghiệp theo đó lên kế hoạch cơ cấu nhà máy, hoạt động theo tiêu chuẩn xanh, từ việc tạo môi trường kinh doanh an toàn, xanh sạch và tốt cho đội ngũ đến việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện/nước nắm theo xu hướng thế giới… Thành tích Phùng Vĩnh Hưng trở thành doanh nghiệp giấy đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ công trình xanh LEED.

Đây sẽ là điểm cộng trong cơ hội mới, khi làn sóng FDI chảy về đồng thời sự lên ngôi cùng ngành in ấn sản xuất bao bì trong xu thế giảm thiểu đồ nhựa cũng như tiêu dùng xanh, đại diện Công ty phấn khởi.

Theo CafeF