Cổ phiếu ngành giấy vẫn chờ phất

Trên thị trường chứng khoán thời gian qua, nhiều mã cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy đã có những chuyển biến nhất định so với khoảng thời gian dài trước đó. Tuy nhiên, trước thực trạng đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ, các định hướng đầu tư còn chưa đầy đủ khiến giới đầu tư chưa thực sự tin tưởng.

Thực tế, tại Việt Nam, giấy là sản phẩm thiết yếu và ngành sản xuất giấy giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế. Những năm gần đây, ngành giấy có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10- 12%/năm.

Trên thị trường hiện có một doanh nghiệp (DN) nhà nước là Tổng công ty Giấy Việt Nam, 300 công ty cổ phần (CTCP), DN tư nhân và DN FDI. Đa phần là DN quy mô sản xuất nhỏ dưới 100.000 tấn/ năm, có chưa đến 20 DN sản xuất quy mô trên 100.000 tấn/năm.

Bớt chìm lấp

Trong nhiều năm trước, cổ phiếu của các DN nhóm ngành giấy và bột giấy hầu hết đều không nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu này khá yếu với giao dịch mỗi phiên chỉ đạt vài nghìn đơn vị.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019, sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường chứng khoán nói chung khiến nhiều mã cổ phiếu được hưởng lợi, trong đó có cổ phiếu ngành giấy.

Trong hơn hai tháng, cổ phiếu HHP của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng đã có diễn biến khá tích cực khi tăng mạnh từ mức giá 15.100 đồng/cp hồi đầu năm lên 17.500 đồng/cp (phiên 13/3), tương đương mức tăng gần 16%.

Hiện, cổ phiếu HHP đã có sự điều chỉnh về mức giá 15.800 đồng/cp nhưng so với đầu năm vẫn ghi nhận mức tăng 4,6% và sự điều chỉnh này được cho là tất yếu sau quãng thời gian tăng trước đó.

Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 301.000 đơn vị/phiên, so với mặt bằng chung là mức thanh khoản tạm ổn.

Tương tự, một cổ phiếu ngành giấy khác là cổ phiếu DHC của CTCP Đông Hải Bến Tre cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng từ 30.000 đồng/ cp (phiên 2/1) lên 36.050 đồng/cp (phiên 21/3), tương đương hơn 20%.

Trước đó, cổ phiếu DHC được đánh giá là yếu tố dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành giấy trong năm 2018 nhờ tiềm năng tăng trưởng cũng như các yếu tố hiện diện.

Sau một thời gian dài gần như không có giao dịch, cổ phiếu GVT của CTCP Giấy Việt Trì đã “trở lại” từ cuối tháng 2/2019 bằng một phiên tăng trần từ 11.000 đồng lên 12.700 đồng/cp (phiên 26/2).

Hiện, cổ phiếu GVT đang giao dịch tại mức giá 39.700 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 261% chỉ trong 18 phiên giao dịch. Đặc biệt, trong tổng số 18 phiên giao dịch này, GVT đã có 10 phiên tăng với 6 phiên tăng trần, chỉ có 1 phiên giảm sàn, còn lại là đứng giá.

Hồi cuối năm 2018, Tổng công ty Giấy Việt Nam đăng ký bán hơn 2,13 triệu cổ phiếu Giấy Việt Trì, tương ứng 29% vốn, với giá khởi điểm 27.100 đồng/cp, cao hơn 17.000 đồng so với giá thị trường. Tuy nhiên, GVT vẫn chứng tỏ được sức hút khi lượng đặt mua lên đến 6,39 triệu cổ phiếu, gấp 3 lần lượng cổ phần chào bán.

Ghi nhận nhiều chuyển biến trong thị giá cổ phiếu cũng như thanh khoản thị trường, các DN cũng có kết quả kinh doanh khá tốt trong năm qua, nhưng theo nhiều nhà đầu tư, các DN ngành giấy thường có tỷ suất lợi nhuận sau thuế thấp (bình quân khoảng 10-11%), nên chưa thật sự thu hút được dòng tiền lớn.

Mặt khác, nhiều năm qua, sức cạnh tranh của ngành giấy trong nước khá yếu, giấy viết không còn nhiều dư địa phát triển.

Nhiều cổ phiếu ngành giấy đã có sự chuyển biến tích cực

Cải thiện sức cạnh tranh

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), trong năm qua, tổng lượng tiêu dùng giấy các loại tạm tính đạt 4.946 triệu tấn, tăng trưởng 16%; tổng lượng sản xuất giấy các loại đạt 3.674 triệu tấn, tăng 31,2%; sản lượng xuất khẩu các loại giấy đạt 809.250 tấn, tăng 63%; tổng kim ngạch xuất khẩu giấy và thành phẩm giấy đạt khoảng 1.088 tỷ USD, tăng 50%…

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch VPPA, ngành giấy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như chính sách quản lý trong nước còn nhiều điểm chưa khuyến khích phát triển ngành, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…

Ngoài ra, thị trường giấy Việt Nam còn nhiều khoảng trống, nhất là phân khúc sản phẩm giấy bao bì cao cấp; do quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến khả năng cạnh tranh kém.

Đặc biệt, ngành giấy không được bảo hộ do hầu hết thuế nhập khẩu các loại giấy là 0%, trong khi Trung Quốc hiện vẫn duy trì thuế suất nhập khẩu 7% với hầu hết các loại giấy. Thị trường nguyên liệu giấy thu hồi (phế liệu) lệ thuộc nhiều vào tình hình và chính sách của Trung Quốc.

Tại Diễn đàn “Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy Việt Nam” mới đây, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định ngành công nghiệp giấy có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP…

Do đó, để hỗ trợ các DN ngành giấy phát triển, VPPA kiến nghị, tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành giấy khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào 1/1/2019 giúp cho ngành giấy phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững.

Đồng thời, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.

Theo Linh Đan Thời báo kinh doanh