“Cần quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững”

Theo ông Sơn, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn như đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, cùng với việc đầu tư cho đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực quản lý của người lao động theo từng bước đi phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp mình, khuyến khích tinh thần sáng tạo và triệt tiêu lãng phí.

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 những năm qua được nhắc đến nhiều với những hứa hẹn sẽ tạo ra nền sản xuất công nghiệp hiện đại hơn, năng suất hơn. Là doanh nhân ngành giấy giữ vai trò Phó Chủ tịch VPPA, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Như chúng ta đã biết, cuộc CMCN 4.0 đã diễn ra mạnh mẽ trong nhiều năm qua tại các nước phát triển và cả Trung Quốc với nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, đã tạo ra những chuyển biến to lớn, góp phần tạo ra nền sản xuất công nghiệp hiện đại tự động hóa ở cấp độ cao với nền tảng Internet Of Things (IOT) góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và giải phóng sức lao động cho con người. Tại Việt Nam, Chính phủ cùng với các doanh nghiệp cũng đã rất quan tâm tới vấn đề này, nhưng đến nay, hiệu quả chưa đạt như mong muốn vì nhiều lý do.

Riêng tại Công ty Đồng Tiến, việc đầu tư đáp ứng cuộc CMCN lần thứ 4 đã được quan tâm thế nào và hiệu quả mang lại ra sao, thưa ông?

Về phần mình, trong mấy năm qua, Đồng Tiến cũng đã tập trung đầu tư cho việc tăng cường tự động hóa dây chuyền sản xuất, trang bị và kết nối các phương tiện, công cụ hỗ trợ quản lý cũng như đào tạo nâng cao năng lực, trình độ người lao động phù hợp với bối cảnh Công ty và đã đạt được những kết quả bước đầu. Cụ thể đã góp phần ổn định chất lượng, tiết giảm chi phí, triệt tiêu lãng phí, cũng như tăng thêm tính linh hoạt trong quản lý và sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng cả về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

So với các doanh nghiệp FDI, năng lực của các doanh nghiệp ngành Giấy & Bao bì Việt Nam còn hạn chế. Được biết, nhiều sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật và chất lượng cao hiện doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) chưa thể sản xuất được, hoặc sản xuất được nhưng giá thành cao dẫn đến khó cạnh tranh. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Thực trạng này là một thực tế đang tạo ra rất nhiều áp lực và khó khăn cho các DNVN nói chung. Với các doanh nghiệp ngành giấy và bao bì nói riêng còn phải chịu áp lực lớn hơn, khi mà đầu tư FDI dù có trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản lý cao hơn, nhưng hầu như cũng chỉ tập trung vào các sản phẩm không đòi hỏi công nghệ và chất lượng quá cao (các DNVN hoàn toàn có thể làm tốt), nhưng lại có nhu cầu lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh để dễ thực hiện và thu hồi nhanh vốn đầu tư. Điều này làm mất đi cơ hội đầu tư phát triển của các DNVN và bỏ lỡ cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn của ngành giấy Việt Nam, đồng thời làm giảm đi tính lan tỏa và tác động tích cực đối với nền kinh tế đất nước như chúng ta luôn kỳ vọng vào đầu tư FDI. Hy vọng với quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với đầu tư FDI trong thời gian tới, chúng ta sẽ khắc phục được sự bất hợp lý này.

Vậy để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI vốn mạnh về thương hiệu, tài chính, kỹ thuật… theo ông các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam cần phải làm gì?

Với thực trạng hầu hết các DNVN thua kém các doanh nghiệp FDI cả về năng lực tài chính, công nghệ, trình độ quản lý và cả thương hiệu, theo tôi, các DNVN cần phải quan tâm đến đầu tư cho phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn như đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, cùng với việc đầu tư cho đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao trình độ và năng lực quản lý của người lao động theo từng bước đi phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp mình, đồng thời luôn khuyến khích tinh thần sáng tạo và triệt tiêu lãng phí.

    >>> Tích hợp bảy giấy phép về môi trường làm một để giảm thủ tục

Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, theo ông, Nhà nước cần có chính sách gì?

Nhà nước cần có chính sách định hướng và hỗ trợ các DNVN có cơ hội phát triển mạnh mẽ và bền vững. Cụ thể với ngành giấy, Nhà nước cần có chính sách định hướng và chọn lọc đầu tư FDI phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển ngành giấy đảm bảo các tiêu chí cơ bản, như: (1) Thúc đẩy việc nâng cao trình độ công nghệ và hiện đại hóa thiết bị ngành giấy; (2) Tạo lập sự cân đối trong cung – cầu, cơ cấu sản phẩm giấy các loại, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu giấy cho tiêu dùng và phát triển kinh tế, đặc biệt là với các loại giấy chất lượng cao hiện Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu với số lượng lớn hàng năm; (3) Tạo cơ hội phát triển thuận lợi hơn cho các DNVN phát triển vươn lên ngang tầm quốc tế.

Hiện nay, bối cảnh dịch Covid-19 và những biến động thị trường tác động thế nào đến ngành giấy bao bì và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, thưa ông?
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam do nền kinh tế có độ mở cao đã và đang chịu những tác động rất nặng nề, nhất là với các ngành như du lịch, vận tải và sản xuất hàng hóa xuất khẩu, ….

Ngành giấy là ngành kinh tế phục vụ nên đương nhiên cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực, nhưng với hiệu ứng chậm hơn. Cụ thể, sản lượng ngành giấy bắt đầu suy giảm mạnh đặc biệt từ tháng 4/2020 với sản lượng/nhu cầu sụt giảm trung bình lên tới 20-30% do nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đều sụt giảm, làm cho giá giấy thành phẩm giảm mạnh. Trong khi đó, giá nguyên liệu trong và ngoài nước lại tăng cao do thiếu nguồn cung và cước vận tải tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành giấy và tình hình này dự kiến còn có thể kéo dài tới hết năm 2021.

Chính vì thế, hoạt động đầu tư mới của Công ty cũng đang phải trì hoãn lại chờ đến khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn. Điều này làm chậm kế hoạch phát triển của Công ty khoảng 1-2 năm, nhưng có lẽ chúng tôi còn may mắn hơn một số công ty đang đầu tư dở dang mà phải bị ngưng trệ kéo dài do dịch bệnh.

Giấy đồng tiến

Trước những khó khăn và thách thức của nền kinh tế, Đồng Tiến có giải pháp gì để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh cũng như việc làm cho người lao động và phát triển bền vững?

Để vượt qua khó khăn và thách thức hiện nay, Công ty đã và đang tích cực thực hiện một số giải pháp sau: (1) Ký kết thỏa ước với người lao động về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và các phương án cần thiết phải tiến hành tương ứng với các tình huống khi sản lượng bị giảm 15-25%, trên 25% tới 40%, và trên 40% trở lên hoặc khi buộc phải ngưng sản xuất theo quyết định của các cơ quan chức năng. Qua đó người lao động hiểu rõ bối cảnh và yên tâm, tích cực hợp tác cùng Công ty vượt qua khó khăn. (2) Lên kế hoạch bảo trì, sửa chữa, cải tiến, cải tạo máy móc thiết bị tương ứng với thời gian ngưng sản xuất ít hay nhiều ngày. (3).Tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người lao động, tổ chức phong trào cắt giảm chi phí và triệt tiêu lãng phí trong toàn công ty đang tạo ra hiệu quả rất tích cực.

Giấy đồng tiến

Theo Vietnam Business Forum

Đồng Tiến: Táo bạo và tâm huyết với những dự án bền vững môi trường

Với bề dày 25 năm hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến đang là một trong những đơn vị phát triển bền vững cùng các dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Nhiều lúc tưởng chừng đóng cửa, thành viên rời đi!

Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến được thành lập từ năm 1994 tại TP.Hồ Chí Minh bởi một nhóm kỹ sư chuyên ngành giấy (Đại học Bách Khoa Hà Nội). Đây là thời điểm đất nước mới mở cửa, nên cũng như nhiều doanh nghiệp còn non trẻ khác công ty đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, là với các kỹ sư mới ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều, lại thiếu vốn.

“Thời điểm thành lập chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với khát vọng vươn lên, nhóm kỹ sư chúng tôi đã lấy tên công ty là Đồng Tiến với ý nghĩa “Đồng lòng Tiến lên” để tạo động lực vượt qua thách thức; Và bằng sự nhanh nhạy nắm bắt kịp thời cơ hội phát triển, cùng quyết tâm cao, nhóm anh em kỹ sư công nghệ giấy đã nghiên cứu, thiết kế và thu gom từng món thiết bị cũ riêng lẻ để tạo ra dây chuyền sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu tái chế có sản lượng vỏn vẹn khoảng 100-120 tấn/tháng, nhưng có chi phí đầu tư thấp và chất lượng được thị trường chấp nhận” – Ông Hoàng Trung Sơn, người sáng lập và cũng là Tổng Giám đốc Đồng Tiến hiện nay chia sẻ.

“Chúng tôi, những người trẻ, có thừa nhiệt huyết nhưng lại thiếu kiến thức quản trị doanh nghiệp, cũng như khó khăn về vốn, nên giai đoạn đầu hoạt động của công ty không đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều lúc tưởng chừng sẽ phải đóng cửa và một số thành viên ban đầu đã ra đi”, ông Sơn trầm lắng nhớ lại.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến năm 2000 Đồng Tiến đã lắp thêm dây chuyền sản xuất thứ hai, kết hợp cải tạo nâng cấp dây chuyền thứ nhất, nâng công suất nhà máy cao dần từ mức ban đầu chỉ 120 tấn/tháng lên 350, đến 450, rồi 550 tấn/tháng với sản phẩm mới là giấy testliner có màu sắc đặc trưng được thị trường đón nhận và công ty bắt đầu hoạt động hiệu quả từ đó.

Đến năm 2003, Đồng Tiến đã đủ điều kiện để triển khai xây dựng nhà máy tái chế giấy quy mô tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với dây chuyền máy móc, thiết bị nhập khẩu. Năm 2007, tiếp tục là dây chuyền sản xuất thứ hai. Và năm 2013 là dây chuyền sản xuất thứ ba mua từ Hàn Quốc cùng với hệ xử lý bột mới đồng bộ, tự động hoàn toàn của hãng Andritz (Áo) đi vào hoạt động, nâng tổng sản lượng tại nhà máy Bình Dương đạt xấp xỉ 48.000 tấn vào năm 2019.

Song song đó, vào năm 2017, Đồng Tiến tiếp tục mua lại một nhà máy sản xuất giấy bao bì tại Long An. Sau khi hoàn thiện việc nâng cấp, nhà máy đã đạt được sản lượng 1.800 tấn/tháng vào cuối năm 2019, và sẽ đạt sản lượng 20.000 tấn/năm vào năm 2020.

Chọn lối đi riêng, ý nghĩa lớn

“Vì luôn quan tâm và mong muốn đóng góp thực sự cho công tác bảo vệ môi trường, nên ngay sau buổi hội thảo do Công ty CP Tetra Pak – một doanh nghiệp chuyên về bao bì giấy đựng đồ uống lớn nhất thế giới – tổ chức vào tháng 10 năm 2009, Đồng Tiến đã chủ động trao đổi hợp tác cùng Tetrapak về thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy tại Việt Nam. Đây là quyết định hết sức táo bạo, nhưng cũng đã tạo ra được lối đi riêng cho Đồng Tiến”, ông Hoàng Trung Sơn chia sẻ.

Sau khi cùng Tetra Pak khảo sát, học hỏi tại Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, dù biết sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với mong muốn làm được việc có ý nghĩa, hai bên đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác thành lập hệ thống thu gom và đầu tư dây chuyền tái chế đồng bộ vỏ hộp sữa giấy đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam ngay trong năm 2010.

Cuối năm 2011, sản phẩm “Tấm lợp sinh thái” từ nguồn nguyên liệu nhôm – nhựa (PE-Al) thu hồi trong quá trình tái chế vỏ hộp sữa giấy đã được bán ra thị trường và nhanh chóng được chấp nhận. Mỗi tấm lợp mà nhà máy giấy Đồng Tiến làm ra có thể giúp tái chế được đến 8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng, mà trước đó chỉ được đưa đi đốt hoặc chôn lấp.

Hiện nay, Đồng Tiến vẫn đang tích cực tham gia các công tác xã hội, hiệp hội, đồng hành cùng Tetra Pak và các đối tác trong các chương trình sữa học đường, các chương trình truyền thông nhằm nâng cao ý thức người dân trong phân loại, thu gom và tái chế bao bì các loại, trong đó có vỏ hộp sữa giấy với lượng phát thải được ước tính lên tới trên 100.000 tấn mỗi năm.

Thành công từ nền tảng vững chắc

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, thương hiệu Giấy Đồng Tiến đã ngày càng khẳng định được uy tín và vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất giấy bao bì với các

dòng sản phẩm chất lượng cao, có màu sắc đặc trưng như giấy K2E, K3E, KA, KT, được nhiều công ty bao bì lớn trong cả nước như Sovi, Vĩnh Xuân, Việt Phát, Settsu, Tomoku, … coi là đối tác chiến lược cung cấp các sản phẩm này.

Thành công của công ty Giấy Đồng Tiến được xây dựng trên nền tảng vững chắc về kỹ năng và công nghệ của đội ngũ nhân sự có năng lực chuyên môn, nhiều kinh nghiệm, cùng với dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại của các hãng Andritz (Áo), Kadant (Pháp).

Toàn bộ quy trình sản xuất được vận hành theo hệ thống quản trị tiên tiến có khả năng kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt giúp tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao về đặc tính cơ lý, có màu sắc tươi sáng, độc đáo. Đồng thời với việc đảm bảo khả năng cung ứng theo đủ số lượng và đúng tiến độ cam kết với chi phí hợp lý, nên được nhiều khách hàng tin dùng như là nhà cung cấp duy nhất các sản phẩm này. Đây thực sự là niềm tự hào và nguồn động viên vô cùng lớn lao cho ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên công ty Giấy Đồng Tiến.

Hiểu rõ bối cảnh và các điểm mạnh, yếu của mình, Đồng Tiến luôn đề cao tinh thần sáng tạo, tính trung thực và trách nhiệm của đội ngũ nhân viên, khuyến khích các hoạt động tạo ra sự khác biệt; Đồng thời xác định cho mình tầm nhìn phải trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, tái chế giấy tại Việt Nam về tính tinh gọn và hiệu quả; Cùng với sứ mệnh góp phần kiến tạo môi trường sống tốt hơn thông qua việc tăng cường năng lực tái chế, tái tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành giấy quốc gia, đồng hành và mang đến sự phồn thịnh cho khách hàng, cũng như luôn tạo môi trường làm việc tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của nhân viên.

Trên tinh thần đó, ngoài việc đã tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng được khách hàng ưa chuộng, tin dùng, Đồng Tiến luôn quan tâm xây dựng cho mình đội ngũ lao động chất lượng cao, gắn bó với công ty, thông qua những nỗ lực đào tạo thường xuyên. Các chương trình đào tạo nội bộ, theo cách người đi trước dẫn dắt người đi sau, người giỏi chỉ việc cho người chưa giỏi theo phương pháp “Huấn Luyện Trong Công Nghiệp” (TWI) đang được công ty tích cực triển khai, đây là phương pháp có khởi đầu từ Mỹ và được áp dụng rất thành công tại Nhật Bản, hiện rất thịnh hành trên thế giới; Cũng như thường xuyên cử cán bộ, công nhân viên tham gia các khóa đào tạo bên ngoài, hoặc mời chuyên gia đến công ty trực tiếp đào tạo các kỹ năng tương tác, làm việc nhóm, 5S + Kaizen thực hành và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO9001, tiến tới thực hành quản trị tinh gọn (LEAN), xây dựng văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Chia sẻ cùng Công nghiệp Giấy, ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Đầu tư ngành giấy là đầu tư dài hạn, cần có tầm nhìn đủ xa, bao quát và toàn diện để nắm bắt được cơ hội tăng trưởng, cũng như nhận diện cho được các khó khăn, thách thức. Với nền tảng tốt, có tầm nhìn và chiến lược phù hợp, cùng triết lý kinh doanh “Đồng Tiến thịnh vượng cùng Khách hàng”, Đồng Tiến đã sẵn sàng, thậm chí vững vàng trong một thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt và hội nhập sâu rộng. Đồng Tiến đã và đang nỗ lực đầu tư, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa công ty vào top đầu của các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam.

VPPA

Cổ phiếu ngành giấy vẫn chờ phất

Trên thị trường chứng khoán thời gian qua, nhiều mã cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy đã có những chuyển biến nhất định so với khoảng thời gian dài trước đó. Tuy nhiên, trước thực trạng đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ, các định hướng đầu tư còn chưa đầy đủ khiến giới đầu tư chưa thực sự tin tưởng.

Thực tế, tại Việt Nam, giấy là sản phẩm thiết yếu và ngành sản xuất giấy giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế. Những năm gần đây, ngành giấy có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10- 12%/năm.

Trên thị trường hiện có một doanh nghiệp (DN) nhà nước là Tổng công ty Giấy Việt Nam, 300 công ty cổ phần (CTCP), DN tư nhân và DN FDI. Đa phần là DN quy mô sản xuất nhỏ dưới 100.000 tấn/ năm, có chưa đến 20 DN sản xuất quy mô trên 100.000 tấn/năm.

Bớt chìm lấp

Trong nhiều năm trước, cổ phiếu của các DN nhóm ngành giấy và bột giấy hầu hết đều không nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu này khá yếu với giao dịch mỗi phiên chỉ đạt vài nghìn đơn vị.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019, sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường chứng khoán nói chung khiến nhiều mã cổ phiếu được hưởng lợi, trong đó có cổ phiếu ngành giấy.

Trong hơn hai tháng, cổ phiếu HHP của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng đã có diễn biến khá tích cực khi tăng mạnh từ mức giá 15.100 đồng/cp hồi đầu năm lên 17.500 đồng/cp (phiên 13/3), tương đương mức tăng gần 16%.

Hiện, cổ phiếu HHP đã có sự điều chỉnh về mức giá 15.800 đồng/cp nhưng so với đầu năm vẫn ghi nhận mức tăng 4,6% và sự điều chỉnh này được cho là tất yếu sau quãng thời gian tăng trước đó.

Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 301.000 đơn vị/phiên, so với mặt bằng chung là mức thanh khoản tạm ổn.

Tương tự, một cổ phiếu ngành giấy khác là cổ phiếu DHC của CTCP Đông Hải Bến Tre cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng từ 30.000 đồng/ cp (phiên 2/1) lên 36.050 đồng/cp (phiên 21/3), tương đương hơn 20%.

Trước đó, cổ phiếu DHC được đánh giá là yếu tố dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành giấy trong năm 2018 nhờ tiềm năng tăng trưởng cũng như các yếu tố hiện diện.

Sau một thời gian dài gần như không có giao dịch, cổ phiếu GVT của CTCP Giấy Việt Trì đã “trở lại” từ cuối tháng 2/2019 bằng một phiên tăng trần từ 11.000 đồng lên 12.700 đồng/cp (phiên 26/2).

Hiện, cổ phiếu GVT đang giao dịch tại mức giá 39.700 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 261% chỉ trong 18 phiên giao dịch. Đặc biệt, trong tổng số 18 phiên giao dịch này, GVT đã có 10 phiên tăng với 6 phiên tăng trần, chỉ có 1 phiên giảm sàn, còn lại là đứng giá.

Hồi cuối năm 2018, Tổng công ty Giấy Việt Nam đăng ký bán hơn 2,13 triệu cổ phiếu Giấy Việt Trì, tương ứng 29% vốn, với giá khởi điểm 27.100 đồng/cp, cao hơn 17.000 đồng so với giá thị trường. Tuy nhiên, GVT vẫn chứng tỏ được sức hút khi lượng đặt mua lên đến 6,39 triệu cổ phiếu, gấp 3 lần lượng cổ phần chào bán.

Ghi nhận nhiều chuyển biến trong thị giá cổ phiếu cũng như thanh khoản thị trường, các DN cũng có kết quả kinh doanh khá tốt trong năm qua, nhưng theo nhiều nhà đầu tư, các DN ngành giấy thường có tỷ suất lợi nhuận sau thuế thấp (bình quân khoảng 10-11%), nên chưa thật sự thu hút được dòng tiền lớn.

Mặt khác, nhiều năm qua, sức cạnh tranh của ngành giấy trong nước khá yếu, giấy viết không còn nhiều dư địa phát triển.

Nhiều cổ phiếu ngành giấy đã có sự chuyển biến tích cực

Cải thiện sức cạnh tranh

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), trong năm qua, tổng lượng tiêu dùng giấy các loại tạm tính đạt 4.946 triệu tấn, tăng trưởng 16%; tổng lượng sản xuất giấy các loại đạt 3.674 triệu tấn, tăng 31,2%; sản lượng xuất khẩu các loại giấy đạt 809.250 tấn, tăng 63%; tổng kim ngạch xuất khẩu giấy và thành phẩm giấy đạt khoảng 1.088 tỷ USD, tăng 50%…

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch VPPA, ngành giấy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như chính sách quản lý trong nước còn nhiều điểm chưa khuyến khích phát triển ngành, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…

Ngoài ra, thị trường giấy Việt Nam còn nhiều khoảng trống, nhất là phân khúc sản phẩm giấy bao bì cao cấp; do quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến khả năng cạnh tranh kém.

Đặc biệt, ngành giấy không được bảo hộ do hầu hết thuế nhập khẩu các loại giấy là 0%, trong khi Trung Quốc hiện vẫn duy trì thuế suất nhập khẩu 7% với hầu hết các loại giấy. Thị trường nguyên liệu giấy thu hồi (phế liệu) lệ thuộc nhiều vào tình hình và chính sách của Trung Quốc.

Tại Diễn đàn “Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy Việt Nam” mới đây, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định ngành công nghiệp giấy có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP…

Do đó, để hỗ trợ các DN ngành giấy phát triển, VPPA kiến nghị, tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành giấy khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào 1/1/2019 giúp cho ngành giấy phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững.

Đồng thời, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.

Theo Linh Đan Thời báo kinh doanh