Doanh nghiệp Việt Nam lo mất cân đối dòng tiền cao nhất khu vực vì COVID-19

Theo một nghiên cứu toàn cầu của Hiệp hội Nghề nghiệp toàn cầu của các kế toán viên, kiểm toán viên và chuyên gia tài chính (ACCA), tác động nặng nề nhất với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như khu vực là sự thiếu hụt dòng tiền, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của các doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19.

Theo đó, có đến 47% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đang gặp khó khăn về dòng tiền, con số này cao hơn hẳn 37% của toàn cầu và 44% mặt bằng chung của doanh nghiệp khu vực ASEAN.

Các tổ chức dù ở quy mô lớn hay nhỏ, ở khu vực công hay tư, đều quan ngại về tác động của COVID-19 trên ba yếu tố: người lao động, năng suất và dòng tiền.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất vì khách hàng dừng hoặc giảm mua hàng. Theo nhiều doanh nghiệp, việc đơn hàng doanh nghiệp Việt Nam bị mất nhiều một phần do doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất gia công theo đơn đặt hàng mẫu, chưa sản xuất hàm lượng chất xám cao nên khi dịch xảy ra, đơn hàng bị cắt và không chuyển dịch kịp. Con số ảnh hưởng trong yếu tố này ở quy mô toàn cầu chỉ khoảng 28% và khu vực ASEAN là 38%.

Số doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng bị gián đoạn dẫn đến dừng hoặc giảm đơn hàng từ khách cũng cao nhất với 41%, con số này lần lượt 24% và 30% ở mức độ toàn cầu và ASEAN.

Theo ACCA, trong điều kiện nhiều nước công bố các gói hỗ trợ của chính phủ, hầu hết những người tham gia khảo sát đều trả lời còn quá sớm để khẳng định tính hiệu quả của các gói hỗ trợ này. 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ phải giảm đáng kể doanh thu và lợi nhuận hàng năm, 21% tổ chức đã ngừng tuyển dụng nhân viên.

Trước tình trạng các doanh nghiệp có nguy cơ mất dòng tiền cao, nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác nhau đã đề xuất chính sách hỗ trợ, gói tài chính giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vốn mới để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đã đề xuất lên chính phủ một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị 150.000 tỉ đồng, tương đương với khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch.

Theo đề xuất này, các doanh nghiệp du lịch có nhu cầu vay vốn có thể đăng ký vay định kỳ cho 2 quý tiếp theo với số vốn tương đương khoản thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.  TAB tin rằng các doanh nghiệp sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay.

Tương tự, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng mong muốn được giảm gánh nặng thiếu hụt dòng tiền bằng chính sách giảm 100% hoặc ít nhất 50% các loại thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất trong thời gian khoảng 6 tháng để có nguồn lực tái sản xuất.

Nghiên cứu của ACCA được hơn 10.000 chuyên gia tài chính trên toàn cầu hưởng ứng, trong đó có 1.513 chuyên gia, doanh nghiệp từ ASEAN và gần 300 từ Việt Nam để nắm được mức độ ảnh hưởng với hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các DN và tổ chức từ quan điểm của doanh nghiệp.

Theo Tuổi trẻ

Đồng Tiến: Táo bạo và tâm huyết với những dự án bền vững môi trường

Với bề dày 25 năm hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến đang là một trong những đơn vị phát triển bền vững cùng các dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Nhiều lúc tưởng chừng đóng cửa, thành viên rời đi!

Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến được thành lập từ năm 1994 tại TP.Hồ Chí Minh bởi một nhóm kỹ sư chuyên ngành giấy (Đại học Bách Khoa Hà Nội). Đây là thời điểm đất nước mới mở cửa, nên cũng như nhiều doanh nghiệp còn non trẻ khác công ty đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, là với các kỹ sư mới ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều, lại thiếu vốn.

“Thời điểm thành lập chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với khát vọng vươn lên, nhóm kỹ sư chúng tôi đã lấy tên công ty là Đồng Tiến với ý nghĩa “Đồng lòng Tiến lên” để tạo động lực vượt qua thách thức; Và bằng sự nhanh nhạy nắm bắt kịp thời cơ hội phát triển, cùng quyết tâm cao, nhóm anh em kỹ sư công nghệ giấy đã nghiên cứu, thiết kế và thu gom từng món thiết bị cũ riêng lẻ để tạo ra dây chuyền sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu tái chế có sản lượng vỏn vẹn khoảng 100-120 tấn/tháng, nhưng có chi phí đầu tư thấp và chất lượng được thị trường chấp nhận” – Ông Hoàng Trung Sơn, người sáng lập và cũng là Tổng Giám đốc Đồng Tiến hiện nay chia sẻ.

“Chúng tôi, những người trẻ, có thừa nhiệt huyết nhưng lại thiếu kiến thức quản trị doanh nghiệp, cũng như khó khăn về vốn, nên giai đoạn đầu hoạt động của công ty không đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều lúc tưởng chừng sẽ phải đóng cửa và một số thành viên ban đầu đã ra đi”, ông Sơn trầm lắng nhớ lại.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến năm 2000 Đồng Tiến đã lắp thêm dây chuyền sản xuất thứ hai, kết hợp cải tạo nâng cấp dây chuyền thứ nhất, nâng công suất nhà máy cao dần từ mức ban đầu chỉ 120 tấn/tháng lên 350, đến 450, rồi 550 tấn/tháng với sản phẩm mới là giấy testliner có màu sắc đặc trưng được thị trường đón nhận và công ty bắt đầu hoạt động hiệu quả từ đó.

Đến năm 2003, Đồng Tiến đã đủ điều kiện để triển khai xây dựng nhà máy tái chế giấy quy mô tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với dây chuyền máy móc, thiết bị nhập khẩu. Năm 2007, tiếp tục là dây chuyền sản xuất thứ hai. Và năm 2013 là dây chuyền sản xuất thứ ba mua từ Hàn Quốc cùng với hệ xử lý bột mới đồng bộ, tự động hoàn toàn của hãng Andritz (Áo) đi vào hoạt động, nâng tổng sản lượng tại nhà máy Bình Dương đạt xấp xỉ 48.000 tấn vào năm 2019.

Song song đó, vào năm 2017, Đồng Tiến tiếp tục mua lại một nhà máy sản xuất giấy bao bì tại Long An. Sau khi hoàn thiện việc nâng cấp, nhà máy đã đạt được sản lượng 1.800 tấn/tháng vào cuối năm 2019, và sẽ đạt sản lượng 20.000 tấn/năm vào năm 2020.

Chọn lối đi riêng, ý nghĩa lớn

“Vì luôn quan tâm và mong muốn đóng góp thực sự cho công tác bảo vệ môi trường, nên ngay sau buổi hội thảo do Công ty CP Tetra Pak – một doanh nghiệp chuyên về bao bì giấy đựng đồ uống lớn nhất thế giới – tổ chức vào tháng 10 năm 2009, Đồng Tiến đã chủ động trao đổi hợp tác cùng Tetrapak về thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy tại Việt Nam. Đây là quyết định hết sức táo bạo, nhưng cũng đã tạo ra được lối đi riêng cho Đồng Tiến”, ông Hoàng Trung Sơn chia sẻ.

Sau khi cùng Tetra Pak khảo sát, học hỏi tại Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, dù biết sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với mong muốn làm được việc có ý nghĩa, hai bên đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác thành lập hệ thống thu gom và đầu tư dây chuyền tái chế đồng bộ vỏ hộp sữa giấy đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam ngay trong năm 2010.

Cuối năm 2011, sản phẩm “Tấm lợp sinh thái” từ nguồn nguyên liệu nhôm – nhựa (PE-Al) thu hồi trong quá trình tái chế vỏ hộp sữa giấy đã được bán ra thị trường và nhanh chóng được chấp nhận. Mỗi tấm lợp mà nhà máy giấy Đồng Tiến làm ra có thể giúp tái chế được đến 8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng, mà trước đó chỉ được đưa đi đốt hoặc chôn lấp.

Hiện nay, Đồng Tiến vẫn đang tích cực tham gia các công tác xã hội, hiệp hội, đồng hành cùng Tetra Pak và các đối tác trong các chương trình sữa học đường, các chương trình truyền thông nhằm nâng cao ý thức người dân trong phân loại, thu gom và tái chế bao bì các loại, trong đó có vỏ hộp sữa giấy với lượng phát thải được ước tính lên tới trên 100.000 tấn mỗi năm.

Thành công từ nền tảng vững chắc

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, thương hiệu Giấy Đồng Tiến đã ngày càng khẳng định được uy tín và vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất giấy bao bì với các

dòng sản phẩm chất lượng cao, có màu sắc đặc trưng như giấy K2E, K3E, KA, KT, được nhiều công ty bao bì lớn trong cả nước như Sovi, Vĩnh Xuân, Việt Phát, Settsu, Tomoku, … coi là đối tác chiến lược cung cấp các sản phẩm này.

Thành công của công ty Giấy Đồng Tiến được xây dựng trên nền tảng vững chắc về kỹ năng và công nghệ của đội ngũ nhân sự có năng lực chuyên môn, nhiều kinh nghiệm, cùng với dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại của các hãng Andritz (Áo), Kadant (Pháp).

Toàn bộ quy trình sản xuất được vận hành theo hệ thống quản trị tiên tiến có khả năng kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt giúp tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao về đặc tính cơ lý, có màu sắc tươi sáng, độc đáo. Đồng thời với việc đảm bảo khả năng cung ứng theo đủ số lượng và đúng tiến độ cam kết với chi phí hợp lý, nên được nhiều khách hàng tin dùng như là nhà cung cấp duy nhất các sản phẩm này. Đây thực sự là niềm tự hào và nguồn động viên vô cùng lớn lao cho ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên công ty Giấy Đồng Tiến.

Hiểu rõ bối cảnh và các điểm mạnh, yếu của mình, Đồng Tiến luôn đề cao tinh thần sáng tạo, tính trung thực và trách nhiệm của đội ngũ nhân viên, khuyến khích các hoạt động tạo ra sự khác biệt; Đồng thời xác định cho mình tầm nhìn phải trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, tái chế giấy tại Việt Nam về tính tinh gọn và hiệu quả; Cùng với sứ mệnh góp phần kiến tạo môi trường sống tốt hơn thông qua việc tăng cường năng lực tái chế, tái tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành giấy quốc gia, đồng hành và mang đến sự phồn thịnh cho khách hàng, cũng như luôn tạo môi trường làm việc tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của nhân viên.

Trên tinh thần đó, ngoài việc đã tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng được khách hàng ưa chuộng, tin dùng, Đồng Tiến luôn quan tâm xây dựng cho mình đội ngũ lao động chất lượng cao, gắn bó với công ty, thông qua những nỗ lực đào tạo thường xuyên. Các chương trình đào tạo nội bộ, theo cách người đi trước dẫn dắt người đi sau, người giỏi chỉ việc cho người chưa giỏi theo phương pháp “Huấn Luyện Trong Công Nghiệp” (TWI) đang được công ty tích cực triển khai, đây là phương pháp có khởi đầu từ Mỹ và được áp dụng rất thành công tại Nhật Bản, hiện rất thịnh hành trên thế giới; Cũng như thường xuyên cử cán bộ, công nhân viên tham gia các khóa đào tạo bên ngoài, hoặc mời chuyên gia đến công ty trực tiếp đào tạo các kỹ năng tương tác, làm việc nhóm, 5S + Kaizen thực hành và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO9001, tiến tới thực hành quản trị tinh gọn (LEAN), xây dựng văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Chia sẻ cùng Công nghiệp Giấy, ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Đầu tư ngành giấy là đầu tư dài hạn, cần có tầm nhìn đủ xa, bao quát và toàn diện để nắm bắt được cơ hội tăng trưởng, cũng như nhận diện cho được các khó khăn, thách thức. Với nền tảng tốt, có tầm nhìn và chiến lược phù hợp, cùng triết lý kinh doanh “Đồng Tiến thịnh vượng cùng Khách hàng”, Đồng Tiến đã sẵn sàng, thậm chí vững vàng trong một thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt và hội nhập sâu rộng. Đồng Tiến đã và đang nỗ lực đầu tư, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa công ty vào top đầu của các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam.

VPPA

Ngành Giấy nên được ưu tiên phát triển trong nền kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về ô nhiễm môi trường, về vấn nạn từ rác thải nhựa… thì giấy đang được xem như một nguyên liệu thay thế ưu việt, nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong nền kinh tế tuần hoàn.

Số liệu cho thấy Việt Nam hiện xếp thứ 68 trên thế giới về diện tích, thứ 15 trên thế giới về dân số nhưng xếp thứ 4 về rác thải nhựa. Nền kinh tế tuần hoàn được xem là một giải pháp thay thế bền vững thông qua tính khôi phục và cải tạo.

Phù hợp “tự nhiên” với mô hình kinh tế tuần hoàn

Trong nền kinh tế tuần hoàn, khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu được thay bằng khái niệm khôi phục chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và tiến tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kĩ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.

Mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên góp phần giải quyết các vấn đề về khăn hiếm và bảo tồn tài nguyên, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nên kinh tế.

Rừng nguyên liệu giấy áp dụng theo mô hình Quản lý rừng bền vững đã góp phần giảm phát thải.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn tương đối mới với doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên theo Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluy lô, ngành Giấy có bản chất rất gần kinh tế tuần hoàn bởi việc quản lý và tái tạo tài nguyên của Ngành có thể thực hiện theo một vòng khép kín, ít tạo ra phế thải.

Hiện nay có 2 loại nguyên liệu chính được sử dụng trong sản xuất giấy là bột giấy và giấy thu hồi hay còn gọi là “giấy tái chế” (tên tiếng Anh là recycled paper, là giấy sau khi sử dụng được thu hồi, tái chế, chỉ có một số rất ít loại giấy không tái chế được, điển hình là giấy vệ sinh). Thông thường trong quy trình sản xuất giấy từ bột giấy nguyên chất, trải qua nhiều khâu, tiêu hao nhiều nguyên liệu. Ngược lại, tái chế giấy giúp tiết giảm được nhiều khâu, tiết kiệm nhiên liệu.

Tái chế 1 tấn giấy có thể tiết kiệm đến 17 cây gỗ trưởng thành, 4.000kWh điện, 270 lít dầu, 26.000 lít nước và 3,5m3 đất (để trôn lấp); đồng thời giảm được 65% điện năng cần sử dụng (để sản xuất giấy mới); 35% nguy cơ ô nhiễm môi trường; 74% ô nhiễm không khí…

Cần nhiều “đòn bẩy” phát triển theo hướng tuần hoàn

Thực tế, nước ta xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị GDP, bao bì giấy đóng góp rất lớn trong lĩnh vực này, nhất là các ngành như dệt may, thủy sản, da giày, điện tử… Cùng với đó trong những năm gần đây, ngành Giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm.

Bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu và khu vực, ngành Công nghiệp Giấy Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng, hợp tác và phát triển cùng với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Với sự phát triển này, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết luôn định hướng xây dựng Ngành theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp, đặc biệt xem giấy thu hồi là nguồn nguyên liệu sản xuất.

Thực tế hàng chục năm trước, Công ty TNHH Giấy Bao bì Đồng Tiến (đơn vị sản xuất giấy bao bì lớn trong nước), đã hợp tác với Công ty Tetra Pak – doanh nghiệp chuyên về bao bì giấy đựng chất lỏng lớn nhất thế giới đầu tư dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam.

Tháng 12 vừa qua, Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến, Tetra Pak phối hợp với các đối tác khởi động chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường mầm non và tiểu học thuộc 16 quận, huyện TP. Hà Nội (tiếp sau TP. Hồ Chí Minh).

Bằng dây chuyền tái chế hoàn chỉnh, bột giấy thu hồi từ tái chế vỏ hộp sữa có chất lượng cao đã được Công ty dùng để sản xuất giấy bề mặt cao cấp cho thùng cactông, phần nhôm/nhựa được làm thành các tấm lợp, với công suất 400-500 tấm/ngày. Mỗi tấm lợp có thể giúp tái chế được đến 8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng mà trước đó chỉ được đưa đi đốt hoặc chôn lấp.

Hiện các doanh nghiệp ngành Giấy chú trọng áp dụng nhiều giải pháp, công nghệ mới, nhằm sản xuất sạch hơn, mang lại lợi ích lớn về môi trường do tiết giảm tiêu hao năng lượng, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Điển hình, nước sản xuất đang được áp dụng theo hướng tuần hoàn tái sử dụng, các công nghệ mới giảm điện năng và dùng điện năng lượng mặt trời, hóa chất được cắt giảm…

Ví dụ tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải, doanh nghiệp chú trọng áp dụng sản xuất sạch hơn tại tất cả các phân xưởng sản xuất; tăng cường các biện pháp quản lý nội vi, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tiết kiệm trong sản xuất như: sử dụng tiết kiệm năng lượng, điện, nước sạch, vật tư nguyên liệu… từ đó đã tối ưu hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải ngay tại nguồn phát sinh…

Giai đoạn 2009-2019, Vinapaco đã có 88 sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, tiết giảm định mức kinh tế kỹ thuật (giảm tiêu hao vật tư hóa chất, năng lượng, nguyên liệu đầu vào…)… áp dụng vào sản xuất, tạo giá trị làm lợi trên 50 tỷ đồng.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, nền kinh tế tuần hoàn sử dụng nguyên liệu thứ cấp trong đó có giấy thu hồi (để tái chế, tái sử dụng) được coi nguyên liệu chính trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên thực tế hiện nay nước ta chưa hiểu đúng bản chất của giấy thu hồi, chỉ xem đây là giấy phế liệu, chưa phải nguyên liệu thứ cấp dùng để sản xuất.

Đại diện VPPA đề xuất để ngành Giấy tận dụng được cơ hội phát triển trong kinh tế tuần hoàn thì Việt Nam cần nâng cao nhận thức, có ứng xử đúng với “giấy tái chế” theo đúng cách gọi của các quốc gia sản xuất giấy hàng đầu là giấy thu hồi, không coi là phế liệu mà là nguyên liêu, tài nguyên với các chính sách khai thác, sử dụng phù hợp.

Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về giấy thu hồi – nguyên liệu thứ cấp, hoạt động thu gom và tái chế giấy để làm cơ sở hiện đại hóa ngành giấy theo hướng thân thiện với môi trường. Cụ thể ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ, khuyến khích thu gom, tái chế… như từ phân loại rác tại nguồn, thu gom vận chuyển đến nhà máy; tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất của; đồng thời coi giấy thu hồi như loại hàng hóa thông thường…

Theo Công Thương

Khởi động chương trình thu gom tái chế vỏ hộp sữa học đường

Dưới sự hỗ trợ của Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội, chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa đã được khởi động tại 800 trường mầm non và tiểu học thuộc 16 quận, huyện TP. Hà Nội…

Sáng 14/12, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tetra Pak – công ty cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm, đã khởi động chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường mầm non và tiểu học thuộc 16 quận, huyện TP. Hà Nội…, đưa tổng số trường học tham gia chương trình năm 2019 lên hơn 1.400 trường tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đây là chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội dưới sự hỗ trợ của Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội cũng như sự phối hợp của các đối tác là Nhà máy Giấy Đồng Tiến, Công ty Lagom, Doanh nghiệp xã hội NHC và Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Hoạt động đổi hộp giấy lấy cây xanh tại chương trình

Tham gia chương trình, các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được công ty Lagom thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển đến Nhà máy Giấy Đồng Tiến để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm phẳng và tấm lợp sinh thái…

Mục tiêu cao nhất của chương trình không dừng lại ở việc thu gom, phân loại, tái chế vỏ hộp sữa tại trường học mà còn tiến tới lan tỏa và hình thành thói quen thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống tại gia đình, từ đó mang đến một vòng đời mới cho vỏ hộp giấy.

Tại buổi lễ cũng diễn ra triển lãm về hành trình bền vững của vỏ hộp giấy đựng đồ uống từ khâu khai thác nguyên liệu, sản xuất cho đến khi được tái chế thành các sản phẩm thiết thực.

Chương trình dự kiến sẽ mở rộng quy mô hoạt động tái chế học đường tới Đà Nẵng và Bình Dương vào năm 2020./.

Theo Thời báo Tài chính

Tetra Pak mở rộng chương trình thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống

Tetra Pak, công ty cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển, đã chính thức cùng với các đối tác là doanh nghiệp xã hội NHC và Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương mở rộng chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tới hơn 600 trường mầm non và tiểu học ở TP.HCM.

Đây là sự tiếp nối từ thành công của chương trình thí điểm tại 30 trường mầm non mà Tetra Pak cùng với các đối tác đã triển khai trong năm học 2018-2019.

Các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được doanh nghiệp xã hội NHC – là một trong những đối tác của Tetra Pak – thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về nhà máy Giấy Đồng Tiến Bình Dương – là đối tác tái chế vỏ hộp giấy của Tetra Pak – để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái…

Theo ông Jeffrey Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam, vỏ hộp giấy tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng chất thải rắn tại Việt Nam nhưng Tetra Pak cam kết tích cực phối hợp với các đối tác địa phương triển khai việc thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon tại Việt Nam.

Cùng với Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại LOTTE Việt Nam và NHC – Hành trình giải cứu rác chết, Tetra Pak sẽ đặt 4 Ngôi nhà vỏ hộp giấy tại các siêu thị LOTTE Mart ở Nam Sài Gòn, Phú Thọ, Tân Bình và Gò Vấp, để người tiêu dùng có thể mang các vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tới thu gom và tái chế.

Song song đó, Tetra Pak cũng đang chính thức triển khai chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường học ở 18 quận huyện Hà Nội, từ giữa tháng 10/2019 cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đối tác NHC, đối tác Công ty Lagom, và đối tác tái chế Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương.

Theo Đầu tư chứng khoán.