Tetra Pak mở rộng chương trình tái chế học đường ở Hà Nội

Theo đó, chương trình sẽ được triển khai tại 1.600 trường tiểu học, mầm non tham gia trong năm học 2020 – 2021, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

“Mặc dù hộp giấy đựng đồ uống có tính bền vững cao hơn các loại bao bì khác nhờ có cấu tạo 75% từ nguyên liệu giấy có thể tái tạo và có chứng nhận FSC, nhưng chúng tôi quyết tâm giảm hơn nữa các tác động tới môi trường của hộp giấy thông qua việc mở rộng những chương trình thu gom và tái chế như thế này”, bà Lý Quỳnh Trang, Giám đốc Phụ trách Phát triển bền vững của Tetra Pak Việt Nam chia sẻ.

Trước đó, trong năm học 2019 – 2020, chương trình đã được triển khai cho gần 1.200 trường tiểu học và mầm non tại 18 quận huyện TP.HCM và 19 quận huyện TP. Hà Nội, thu hút gần 3.000 giáo viên và 800.000 học sinh tại hai thành phố tham gia.

Mặc dù gián đoạn gần nửa năm do dịch Covid-19, chương trình đã thu gom 269 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp để đưa đi tái chế.

Tiếp nối thành công của chương trình trong năm trước, chương trình tái chế học đường năm nay sẽ tiếp tục hướng dẫn các em học sinh cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán kín miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định.

Vỏ hộp giấy sau đó được Công ty Lagom thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về Nhà máy Giấy Đồng Tiến tại Bình Dương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm lợp và tấm phẳng sinh thái…

Là công ty Thụy Điển, Tetra Pak luôn đặt chất lượng và bền vững là nền tảng cho mọi hoạt động của mình. Chính vì vậy, Tetra Pak liên tục thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống do Công ty cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Trong đó, chương trình tái chế học đường là sáng kiến được Công ty thí điểm vào năm 2017 tại TP.HCM và chính thức triển khai trên diện rộng vào năm 2019 tại Hà Nội.

Bên cạnh chương trình tái chế học đường, Công ty đang không ngừng mở rộng mạng lưới 56 điểm thu gom tại nơi công cộng để người tiêu dùng có thể dễ dàng mang vỏ hộp giấy đã qua sử dụng đến để đưa đi tái chế.

Đặc biệt, để hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đạt quy mô lớn và rộng khắp, Tetra Pak cùng với 8 nhà sản xuất đồ uống và thực phẩm hàng đầu Việt Nam đã sáng lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu là toàn bộ bao bì của các doanh nghiệp thành viên trong Liên minh sẽ được tái chế vào năm 2030.

    >>> Giá giấy, bìa và hộp giấy ở Bắc Mỹ tăng từ tháng 11

Theo Đầu tư

Ngành Giấy nên được ưu tiên phát triển trong nền kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về ô nhiễm môi trường, về vấn nạn từ rác thải nhựa… thì giấy đang được xem như một nguyên liệu thay thế ưu việt, nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong nền kinh tế tuần hoàn.

Số liệu cho thấy Việt Nam hiện xếp thứ 68 trên thế giới về diện tích, thứ 15 trên thế giới về dân số nhưng xếp thứ 4 về rác thải nhựa. Nền kinh tế tuần hoàn được xem là một giải pháp thay thế bền vững thông qua tính khôi phục và cải tạo.

Phù hợp “tự nhiên” với mô hình kinh tế tuần hoàn

Trong nền kinh tế tuần hoàn, khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu được thay bằng khái niệm khôi phục chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và tiến tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kĩ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.

Mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên góp phần giải quyết các vấn đề về khăn hiếm và bảo tồn tài nguyên, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nên kinh tế.

Rừng nguyên liệu giấy áp dụng theo mô hình Quản lý rừng bền vững đã góp phần giảm phát thải.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn tương đối mới với doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên theo Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluy lô, ngành Giấy có bản chất rất gần kinh tế tuần hoàn bởi việc quản lý và tái tạo tài nguyên của Ngành có thể thực hiện theo một vòng khép kín, ít tạo ra phế thải.

Hiện nay có 2 loại nguyên liệu chính được sử dụng trong sản xuất giấy là bột giấy và giấy thu hồi hay còn gọi là “giấy tái chế” (tên tiếng Anh là recycled paper, là giấy sau khi sử dụng được thu hồi, tái chế, chỉ có một số rất ít loại giấy không tái chế được, điển hình là giấy vệ sinh). Thông thường trong quy trình sản xuất giấy từ bột giấy nguyên chất, trải qua nhiều khâu, tiêu hao nhiều nguyên liệu. Ngược lại, tái chế giấy giúp tiết giảm được nhiều khâu, tiết kiệm nhiên liệu.

Tái chế 1 tấn giấy có thể tiết kiệm đến 17 cây gỗ trưởng thành, 4.000kWh điện, 270 lít dầu, 26.000 lít nước và 3,5m3 đất (để trôn lấp); đồng thời giảm được 65% điện năng cần sử dụng (để sản xuất giấy mới); 35% nguy cơ ô nhiễm môi trường; 74% ô nhiễm không khí…

Cần nhiều “đòn bẩy” phát triển theo hướng tuần hoàn

Thực tế, nước ta xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị GDP, bao bì giấy đóng góp rất lớn trong lĩnh vực này, nhất là các ngành như dệt may, thủy sản, da giày, điện tử… Cùng với đó trong những năm gần đây, ngành Giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm.

Bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu và khu vực, ngành Công nghiệp Giấy Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng, hợp tác và phát triển cùng với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Với sự phát triển này, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết luôn định hướng xây dựng Ngành theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp, đặc biệt xem giấy thu hồi là nguồn nguyên liệu sản xuất.

Thực tế hàng chục năm trước, Công ty TNHH Giấy Bao bì Đồng Tiến (đơn vị sản xuất giấy bao bì lớn trong nước), đã hợp tác với Công ty Tetra Pak – doanh nghiệp chuyên về bao bì giấy đựng chất lỏng lớn nhất thế giới đầu tư dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam.

Tháng 12 vừa qua, Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến, Tetra Pak phối hợp với các đối tác khởi động chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường mầm non và tiểu học thuộc 16 quận, huyện TP. Hà Nội (tiếp sau TP. Hồ Chí Minh).

Bằng dây chuyền tái chế hoàn chỉnh, bột giấy thu hồi từ tái chế vỏ hộp sữa có chất lượng cao đã được Công ty dùng để sản xuất giấy bề mặt cao cấp cho thùng cactông, phần nhôm/nhựa được làm thành các tấm lợp, với công suất 400-500 tấm/ngày. Mỗi tấm lợp có thể giúp tái chế được đến 8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng mà trước đó chỉ được đưa đi đốt hoặc chôn lấp.

Hiện các doanh nghiệp ngành Giấy chú trọng áp dụng nhiều giải pháp, công nghệ mới, nhằm sản xuất sạch hơn, mang lại lợi ích lớn về môi trường do tiết giảm tiêu hao năng lượng, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Điển hình, nước sản xuất đang được áp dụng theo hướng tuần hoàn tái sử dụng, các công nghệ mới giảm điện năng và dùng điện năng lượng mặt trời, hóa chất được cắt giảm…

Ví dụ tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải, doanh nghiệp chú trọng áp dụng sản xuất sạch hơn tại tất cả các phân xưởng sản xuất; tăng cường các biện pháp quản lý nội vi, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tiết kiệm trong sản xuất như: sử dụng tiết kiệm năng lượng, điện, nước sạch, vật tư nguyên liệu… từ đó đã tối ưu hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải ngay tại nguồn phát sinh…

Giai đoạn 2009-2019, Vinapaco đã có 88 sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, tiết giảm định mức kinh tế kỹ thuật (giảm tiêu hao vật tư hóa chất, năng lượng, nguyên liệu đầu vào…)… áp dụng vào sản xuất, tạo giá trị làm lợi trên 50 tỷ đồng.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, nền kinh tế tuần hoàn sử dụng nguyên liệu thứ cấp trong đó có giấy thu hồi (để tái chế, tái sử dụng) được coi nguyên liệu chính trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên thực tế hiện nay nước ta chưa hiểu đúng bản chất của giấy thu hồi, chỉ xem đây là giấy phế liệu, chưa phải nguyên liệu thứ cấp dùng để sản xuất.

Đại diện VPPA đề xuất để ngành Giấy tận dụng được cơ hội phát triển trong kinh tế tuần hoàn thì Việt Nam cần nâng cao nhận thức, có ứng xử đúng với “giấy tái chế” theo đúng cách gọi của các quốc gia sản xuất giấy hàng đầu là giấy thu hồi, không coi là phế liệu mà là nguyên liêu, tài nguyên với các chính sách khai thác, sử dụng phù hợp.

Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về giấy thu hồi – nguyên liệu thứ cấp, hoạt động thu gom và tái chế giấy để làm cơ sở hiện đại hóa ngành giấy theo hướng thân thiện với môi trường. Cụ thể ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ, khuyến khích thu gom, tái chế… như từ phân loại rác tại nguồn, thu gom vận chuyển đến nhà máy; tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất của; đồng thời coi giấy thu hồi như loại hàng hóa thông thường…

Theo Công Thương

Khởi động chương trình thu gom tái chế vỏ hộp sữa học đường

Dưới sự hỗ trợ của Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội, chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa đã được khởi động tại 800 trường mầm non và tiểu học thuộc 16 quận, huyện TP. Hà Nội…

Sáng 14/12, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tetra Pak – công ty cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm, đã khởi động chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường mầm non và tiểu học thuộc 16 quận, huyện TP. Hà Nội…, đưa tổng số trường học tham gia chương trình năm 2019 lên hơn 1.400 trường tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đây là chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội dưới sự hỗ trợ của Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội cũng như sự phối hợp của các đối tác là Nhà máy Giấy Đồng Tiến, Công ty Lagom, Doanh nghiệp xã hội NHC và Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Hoạt động đổi hộp giấy lấy cây xanh tại chương trình

Tham gia chương trình, các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được công ty Lagom thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển đến Nhà máy Giấy Đồng Tiến để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm phẳng và tấm lợp sinh thái…

Mục tiêu cao nhất của chương trình không dừng lại ở việc thu gom, phân loại, tái chế vỏ hộp sữa tại trường học mà còn tiến tới lan tỏa và hình thành thói quen thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống tại gia đình, từ đó mang đến một vòng đời mới cho vỏ hộp giấy.

Tại buổi lễ cũng diễn ra triển lãm về hành trình bền vững của vỏ hộp giấy đựng đồ uống từ khâu khai thác nguyên liệu, sản xuất cho đến khi được tái chế thành các sản phẩm thiết thực.

Chương trình dự kiến sẽ mở rộng quy mô hoạt động tái chế học đường tới Đà Nẵng và Bình Dương vào năm 2020./.

Theo Thời báo Tài chính

Tetra Pak mở rộng chương trình thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống

Tetra Pak, công ty cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển, đã chính thức cùng với các đối tác là doanh nghiệp xã hội NHC và Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương mở rộng chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tới hơn 600 trường mầm non và tiểu học ở TP.HCM.

Đây là sự tiếp nối từ thành công của chương trình thí điểm tại 30 trường mầm non mà Tetra Pak cùng với các đối tác đã triển khai trong năm học 2018-2019.

Các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được doanh nghiệp xã hội NHC – là một trong những đối tác của Tetra Pak – thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về nhà máy Giấy Đồng Tiến Bình Dương – là đối tác tái chế vỏ hộp giấy của Tetra Pak – để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái…

Theo ông Jeffrey Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam, vỏ hộp giấy tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng chất thải rắn tại Việt Nam nhưng Tetra Pak cam kết tích cực phối hợp với các đối tác địa phương triển khai việc thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon tại Việt Nam.

Cùng với Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại LOTTE Việt Nam và NHC – Hành trình giải cứu rác chết, Tetra Pak sẽ đặt 4 Ngôi nhà vỏ hộp giấy tại các siêu thị LOTTE Mart ở Nam Sài Gòn, Phú Thọ, Tân Bình và Gò Vấp, để người tiêu dùng có thể mang các vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tới thu gom và tái chế.

Song song đó, Tetra Pak cũng đang chính thức triển khai chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường học ở 18 quận huyện Hà Nội, từ giữa tháng 10/2019 cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đối tác NHC, đối tác Công ty Lagom, và đối tác tái chế Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương.

Theo Đầu tư chứng khoán.

Liên minh tái chế bao bì và hi vọng giảm rác thải

Ngày 21-6, liên minh tái chế bao bì (PRO Vietnam) ra đời. Việc 9 ‘ông lớn’ của ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống đã tính đến việc thu gom và tái chế bao bì là việc đáng hoan nghênh, mang lại niềm hi vọng giảm thiểu số lượng rác ở nước ta.

Động thái tích cực này có thể giảm thiểu lượng rác thải đáng kể. Bởi với dân số trẻ của Việt Nam, mỗi năm lượng rác thải sinh ra từ nước uống đóng chai, sữa hay các loại nước ngọt, trái cây… đang ngày càng nhiều.

Triển vọng tái chế

Được biết, Tetra Pak là thành viên đầu tiên có những hành động thử nghiệm tái chế rác thải từ chính sản phẩm họ góp phần tạo ra cho Việt Nam. Từ năm 2011, nghiên cứu tách lớp nhôm và nilông bên trong hộp sữa rồi tái sử dụng thành tấm lợp mái đã được tiến hành.

Theo đó, mỗi tháng nhà máy của Công ty giấy và bao bì Đồng Tiến (đối tác kỹ thuật của Tetra Pak Việt Nam) có thể tái chế 1.250 tấn vỏ hộp sữa nhưng lượng thu gom trong một tháng chỉ mới đủ làm nguyên liệu sản xuất trong hai ngày.

Tháng 2-2019, Tetra Pak thông báo đã hoàn thành sản phẩm tái chế mới nhất từ vỏ hộp sữa giấy – tủ đồ cá nhân được làm từ 120.000 vỏ hộp.

Nhiều người như tôi đều cảm thấy khấp khởi hi vọng với những phát kiến mới mẻ góp phần xử lý lượng rác thải khổng lồ này, đồng thời tạo ra những sản phẩm có nhiều tính năng vượt trội.

Ví như, theo nhà sản xuất, mái lợp làm từ vỏ hộp sữa (hoàn toàn 100% từ nhôm, nhựa) có nhiều ưu điểm so với các loại khác như độ bền cơ lý cao, đốt không cháy, xe chạy qua không bể vỡ, chịu được môi trường mang độ ẩm và nóng cao, độ cách nhiệt tốt vì tác dụng của nhôm có phản quang, khả năng cách âm hữu hiệu, ít bị lão hóa trong môi trường khắc nghiệt.

Chiếc tủ đựng đồ cá nhân (kích thước 1,200×2,175×0,525m) có tính năng nổi bật như kháng nước, chịu nhiệt cao, chống ẩm mốc, được tái chế từ khoảng 24.000 vỏ hộp sữa, giảm 120-150kg rác thải ra môi trường.

Bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng như màng nhựa polyethylene có thể trở thành nguyên liệu xây dựng đường giao thông chắc chắn, bền vững hơn, lại còn có khả năng giảm khí thải nhà kính vì đã giảm một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.

Tháng 9 tới đây, chúng ta sẽ biết liệu kinh nghiệm xây 90km đường giao thông từ rác thải nhựa tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Hoa Kỳ của Công ty Dow Việt Nam có thành công qua 1km đường giao thông thử nghiệm tại Hải Phòng hay không. Nếu điều ấy khả dĩ, mỗi kilômet đường sẽ giúp xử lý gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo.

Đoàn thanh niên phường Cẩm Phô, Hội An thu gom pin đã sử dụng để đổi cây cho người dân. Pin sau khi thu gom được chuyển cho Phòng Tài nguyên và môi trường của Hội An – Ảnh: T.TRUNG

Mong trách nhiệm của nhà sản xuất

Ví như trước đây các hãng bia, nước ngọt, nước khoáng địa phương cung ứng bằng chai thủy tinh sau khi khách hàng dùng xong sẽ hoàn trả chai, nhà máy sẽ sục rửa, khử trùng rồi lại sử dụng. Càng về sau, để phục vụ cho sự tiện lợi, chiều chuộng tâm lý của người dùng, các hãng chuyển hẳn sang loại bao bì khác như lon, chai nhựa…

Thiết nghĩ, trước đây người dân có thể gom lại để hoàn trả thì nay tại sao không? Khi nhà sản xuất cung cấp đầy đủ thông tin, nhiều người sẽ ủng hộ biện pháp này bởi việc phân loại rác đã dần trở nên quen thuộc với số đông, chỉ là họ chưa có động lực để thực hiện mọi lúc mọi nơi.

Ngoài ra, với các loại bao bì khó tái chế như nhựa dẻo, thành phần độc hại như pin, nhà sản xuất vẫn phải chịu trách nhiệm thu gom và xử lý nguồn rác thải do sản phẩm mà họ cung ứng tạo ra cho xã hội thay vì để mặc người dân loay hoay như hiện nay.

Họ có thể tính toán đưa cả chi phí xử lý rác vào trong giá thành sản phẩm và thông tin rõ ràng cho người tiêu dùng. Nhiều nơi khác trên thế giới đã thực hiện điều này, và mỗi người dân cũng như mọi doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm cho lượng rác mình mang đến cho hành tinh này.

Ví như rác thải điện tử, pin, bóng đèn huỳnh quang… hiện nay, chưa có công ty sản xuất các sản phẩm này lên tiếng chịu trách nhiệm thu gom và xử lý nguồn rác thải nguy hiểm đến nguồn nước, không khí và sức khỏe con người này.

Phong trào gom pin đã qua sử dụng được tiến hành ở một số nơi, tuy nhiên chỉ dừng lại ở dấu mốc người dân tự gom lại ở phường, hội hay siêu thị. Quy trình tái chế hay xử lý ra sao không được đơn vị sản xuất nào đứng ra thông tin chính thống giúp người dân hiểu rõ lợi ích, mục đích… để đồng lòng thực hiện.

Bóng đèn huỳnh quang thì còn khó khăn hơn cả pin vì chưa có nơi nào thu gom, công nhân vệ sinh chẳng có cách nào khác là trộn lẫn rác thải này với các nguồn khác.

Chung tay hành động

Dẫu khó nhưng không phải là không thể, mong rằng PRO Vietnam không chỉ dừng lại ở phát động phong trào mà thực sự bắt tay nhau cùng hành động. Câu chuyện thu gom, tái chế cũng không là chuyện riêng của 9 đơn vị này.

Mong sẽ có thêm nhiều “ông lớn” khác cũng cần đầu tư thêm cho việc sản xuất tuần hoàn. Đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có thể thành rác thải cực kỳ nguy hại cho môi trường về sau cũng cần tính đến trách nhiệm của mình với môi trường.

Theo Tuổi trẻ