Yếu tố nào sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì tăng trưởng?

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), mức tiêu thụ bao bì giấy ở Việt Nam dự kiến tăng 12% trong giai đoạn 2021-2025 nhờ tốc độ đô thị hóa vẫn còn tiếp diễn. SSI dự báo tốc độ đô thị hóa trong nước ước đạt 40% trong năm 2024 so với mức 37% năm 2019. Mảng bao bì giấy cũng được hưởng lợi từ tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử Việt Nam.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho hay, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử ở mức 2 chữ số. Ngoài ra, tổng kim ngạnh xuất khẩu của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng sẽ thúc đẩy nhu cầu về bao bì giấy trong tương lai.

Về năng lực sản xuất, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), giai đoạn cuối năm 2020 đầu 2021 có 8 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm.
Theo đó, cuối năm 2020 với công suất khoảng 800.000 tấn bởi các doanh nghiệp: Tập đoàn Marubeni 450.000 tấn/năm, Công ty TNHH MTV Giấy Khôi Nguyên 120.000 tấn/năm, Công ty TNHH sản xuất thương mại Giấy Phát Đạt 100.000 tấn/năm, Công ty TNHH sản xuất thương mại tổng hợp Toàn Cầu 80.000 tấn/năm và Công Ty TNHH Thương Mại Tân Huy Kiệt 50.000 tấn/năm.

Các dây chuyền sản xuất giấy này sẽ vận hành đạt gần tối đa công suất thiết kế trong năm 2021 và sẽ bổ sung cho thị trường khoảng trên 700.000 tấn giấy.

Trong năm 2021, dự kiến một số dây chuyền khác sẽ được đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế của các nhà máy là khoảng 600.000 tấn/năm; trong đó, Công ty cổ phần Miza sẽ vận hành dây chuyền 120.000 tấn/năm, Công Ty TNHH Giấy Hưng Hà 100.000 tấn/năm, Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ 100.000 tấn/năm, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì 150.000 tấn/năm, các đơn vị khác khoảng 100.000 tấn/năm.

VPPA cũng chỉ ra các yếu tố tích cực tác động đến sự tăng trưởng của giấy bao bì tại Việt Nam. Đó là, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu  cả nước tăng 5%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8% và sẽ duy trì đà xuất siêu như năm 2020. Các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì giấy đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt cao trên 10% trong năm 2021 như: nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến gồm dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng….

Xu hướng dịch chuyển các nhà máy công nghiệp của các doanh nghiệp FDI từ các trung tâm sản xuất lớn sang các quốc gia Đông Nam Á hoặc chuyển trở về sản xuất trong nước (các công ty đa quốc gia của Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU) đã làm thay đổi cấu trúc và cơ cấu nền kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Kết hợp với đó là sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản về gia công bao bì giấy xuất khẩu do thách thức mức thuế suất 25% của Mỹ đối với Trung Quốc từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2021 bắt đầu có tác dụng cao.

Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp tái chế của Lào

     >>> Thị trường bột giấy thế giới: Các nhà sản xuất và cung ứng thông báo tăng giá từ tháng 3/2021

Năm 2021 cũng là năm có thể tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, đặc biệt các hiệp định mới Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… giúp gia tăng các ngành hàng có nhu cầu sử dụng bao bì giấy nhiều như nông nghiệp, thuỷ sản, may mặc và dày da, điện thoại và điện tử… Tiêu dùng bán lẻ trong nước cũng được dự báo tăng trở lại mạnh mẽ trên 10%.
Theo VPPA, việc hạn chế rác thải nhựa, túi nilon và gia tăng khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay thế đang có dấu hiệu phát triển sâu rộng và mạnh tại Việt Nam vào năm 2021.
Ngoài ra, tiêu dùng giấy bao bì trên thế giới và khu vực châu Á dự báo có thể tăng trưởng trở lại trên 3,5%. Nhiều quốc gia, khu vực sẽ ban hành lệnh hạn chế thậm chí cấm sử dụng túi nilon, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn thực hiện điều này mạnh mẽ trong giai đoạn 2021 – 2022.
Xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy vào thị trường Trung Quốc năm 2021 triển vọng cao hơn năm 2020, do Trung Quốc được dự báo sẽ thiếu cung hơn 5 triệu tấn và có thể cao hơn khi lệnh cấm nhập khẩu giấy thu hồi chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021. Giá giấy cao hơn do áp lực về giá nội địa tăng cao và đặc biệt là chi phí về môi trường, năng lượng (chính sách siết chặt về môi trường được thực hiện từ tháng 10/2020).

Xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy vào thị trường các nước tham gia các hiệp định thương mại mới như CPTPP, EVFTA sẽ gia tăng mạnh mẽ do được ưu đãi về thuế và tăng trưởng giao dịch thương mại.
Dù vậy, về mặt thách thức, xuất khẩu vào Trung Quốc cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều quốc gia khác do Trung quốc đã giảm thuế nhập khẩu giấy lớp sóng xuống 5% vào năm 2020 cho nhiều quốc gia, trước đó là trên 7% tuỳ theo quốc gia, trong khi đó mức thuế 5% này trước đó chỉ ưu đãi cho một số quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức như cạnh tranh tiêu thụ giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước do thêm nhiều dây chuyền mới đưa vào sản xuất; cạnh tranh với giấy nhập khẩu: giấy nhập khẩu dự kiến đến mạnh hơn từ các quốc gia trong khu vực như Lào (480.000 tấn mới), Malaysia (500.000 tấn mới) và từ Indonesia, Thái Lan do nhu cầu tiêu dùng nội địa của họ thấp nên sẽ gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam.

yeu-to-nao-se-giup-doanh-nghiep-san-xuat-giay-bao-bi-tang-truong

Doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì cũng đối mặt với thách thức về thiếu nguyên liệu sản xuất và giá duy trì mức cao trong 6 tháng đầu năm 2021 do nguồn cung chính giấy thu hồi là Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn đang bị ảnh hưởng mạnh do dịch COVID -19.

Việc giãn cách xã hội làm sụt giảm tỷ lệ thu gom nguyên liệu giấy, ngoài ra thiếu container và cước vận chuyển cũng là vấn đề lớn nên việc thiếu nguyên liệu và giá vẫn ở mức cao đang được thể hiện rất rõ rệt.
Trong khi đó, nguồn thu gom trong nước thấp, chất lượng nguyên liệu không cao, không đủ đáp ứng nhu cầu khi các công suất mới dự kiến tăng 1 triệu tấn.

Dù đối mặt với nhiều thách thức lớn, các doanh nghiệp ngành giấy đã nắm bắt khá tốt những cơ hội để vươn lên. VPPA cho biết năm 2020, tổng tiêu dùng giấy bao bì đạt 4,286 triệu tấn, tăng trưởng 0,9% so với năm 2019. Dù tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ở mức thấp nhưng so với mức tăng trưởng chung của thế giới giảm 5,0%, thì đây vẫn là con số rất ấn tượng.

Riêng xuất khẩu giấy bao bì trong năm 2020 đạt 1,526 triệu tấn, tăng trưởng tới 95,3% so với năm 2019, đây là mức tăng xuất khẩu lớn nhất trong lịch sử của ngành.

Năm 2020, cũng là năm các doanh nghiệp ngành giấy có kết quả kinh doanh rất tích cực, đặc biệt là mức tăng trưởng mạnh của mảng giấy bao bì.

Đơn cử như Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã chứng khoán: DHC), năm 2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt 2.888 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2019, trong khi nhận lợi nhuận sau thuế gấp 2,15 lần năm trước, đạt gần 392 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 13 năm qua.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC, kết quả kinh doanh của Đông Hải Bến Tre vượt kỳ vọng là nhờ chủ yếu vào mảng giấy. Công ty chứng khoán này ước tính doanh thu mảng giấy năm 2020 của doanh nghiệp chiếm tới 88% tổng doanh thu; trong đó, doanh thu mảng bao bì chiếm 12% tổng doanh thu tăng 2% so với năm 2019. Riêng quý IV, doanh thu mảng bao bì tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019 và 5% so với quý III/2020.

Đánh giá về triển vọng ngành giấy năm 2021, VPPA cho rằng, doanh nghiệp sản xuất giấy đang có cả cơ hội xen lẫn thách thức, nhưng ngành giấy Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì đã và sẽ vượt qua được khó khăn, tận dụng cơ hội để phát triển./.

Theo Bnews

Những bất cập trong việc quy định chi tiết mã HS trong Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất giấy tái chế từ nguồn nguyên liệu giấy thu hồi nhập khẩu, các doanh nghiệp đều được cơ quan cấp phép căn cứ trên các điều kiện về bảo vệ môi trường, năng lực sản xuất và các điều kiện khác… để cấp cho doanh nghiệp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Giấy xác nhận).

Trong giám sát và quản lý nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu thì việc quy định mã HS trong Giấy xác nhận cho doanh nghiệp khi nhập khẩu là cần thiết. Doanh nghiệp sẽ chỉ được nhập khẩu và sử dụng loại phế liệu theo quy định cho phép, tương ứng với các điều kiện về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, phù hợp với thiết bị, công nghệ và các biện pháp bảo vệ môi trường, phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhận thấy việc quy định chi tiết khối lượng từng mã HS trong nội dung Giấy xác nhận sẽ gây nên những bất cập, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Giấy xác nhận hiện nay được cấp với thời hạn kéo dài tới 5 năm.

Trong suốt thời gian dài như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm, phải sử dụng nhiều loại phế liệu khác nhau, tương ứng với nhiều mã HS. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài việc phải tuân theo Quy luật giá trị, còn phải chịu sự điều tiết và chi phối bởi quan hệ cung – cầu theo cơ chế thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải sản xuất loại sản phẩm nào khách hàng và thị trường cần, khi đó mới có nhu cầu mua và sử dụng loại nguyên liệu tương ứng để sản xuất loại sản phẩm đó.

Những bất cập trong việc quy định chi tiết mã HS trong Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Như vậy, việc quy định cụ thể khối lượng phế liệu nhập khẩu từng mã HS, sẽ  hạn chế sự linh hoạt của doanh nghiệp trong chuyển đổi các loại sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Với mục đích bảo vệ môi trường trong việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, các quy định nên tập trung cụ thể về các tiêu chí có ảnh hưởng đến môi trường (tạp chất, độ ẩm…), không cần thiết đi sâu vào các tiêu chí phân loại (mã HS) và khối lượng hàng hóa nhập khẩu của từng mã HS. Theo Quyết định 28/2020/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, thì cả 03 mã HS đều là giấy phế liệu (trừ mã HS 4707.90.00 chỉ được nhập đến hết 31/12/2021), đều được sử dụng để sản xuất ra giấy tái chế các loại.

Việc nhập khẩu và sử dụng loại mã HS nào (trong nhóm được phép) để làm nguyên liệu sản xuất nên là quyền quyết định của doanh nghiệp. Căn cứ theo nhu cầu và thị trường, doanh nghiệp có thể chuyển đổi loại nguyên liệu cho phù hợp từng loại mặt hàng, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn và chỉ tiêu về môi trường. Cơ quan cấp phép chỉ nên cấp tổng khối lượng phế liệu và các loại mã HS được nhập, không nên cấp khối lượng chi tiết cho từng mã HS và theo dõi trừ lùi tổng khối lượng phế liệu mà mỗi doanh nghiệp thực tế đã nhập, để các doanh nghiệp được tự quyết định về khối lượng của từng mã HS cần nhập, như vậy doanh nghiệp sẽ chủ động và thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh./.

     >>> Công văn số 32 Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam gửi bộ Tài nguyên và Môi trường

VPPA

Lãnh đạo Hiệp hội thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp hội viên phía Nam

Tại các buổi gặp và làm việc tại các công ty Lãnh đạo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và Lãnh đạo của các công ty đã trao đổi về tình hình hoạt động của Văn phòng Hiệp hội cũng như của các công ty trong bối cảnh dịch COVID-19 trong năm 2020, tìm hiểu và nắm bắt những vướng mắc và khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo Hiệp hội cũng đã thông báo cho các doanh nghiệp về những việc mà Văn phòng Hiệp hội đã thực hiện trong năm 2020, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định 40/2019/ND-CP, về việc gia hạn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải tại các nhà máy, gia hạn đến hết ngày ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời không phải lập lại ĐTM đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014…

Lãnh đạo Hiệp hội đã cùng với đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã đi thăm cơ sở sản xuất của một số doanh nghiệp như: dây chuyền mới của Công ty Marubeni mới đưa vào khởi chạy và đã cho ra cuộn giấy đầu tiên vào ngày 02/11/2020, dây chuyền sản xuất của Công ty CP Giấy Sài Gòn, nhà máy sản xuất giấy bao bì của Công ty Giấy Thuận An.

Một số hình ảnh hoạt động của chuyến thăm, làm việc của Lãnh đạo Hiệp hội tại các doanh nghiệp hội viên phía Nam:

VPPA

Dohaco trình điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2020 lên 300 tỷ, cổ tức lên 45%

Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng muốn điều chỉnh kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông năm 2020 từ 30% lên 45%.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ bất thường lần này cũng nhằm thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Phan Dũng và ông Tatsuyuki Ota, đơn từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát của bà Mai Huyền Ngọc.

Doanh nghiệp không tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT và trình cổ đông thông qua số lượng thành viên giảm từ 7 về 5 người với nhiệm kỳ không quá 5 năm. Song doanh nghiệp sẽ bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát.

Qua 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp báo cáo doanh thu đạt 2.021 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 237 tỷ đồng, gấp 3 lần. Riêng quý III, Dohaco ghi nhận doanh thu tăng 112% lên 702 tỷ đồng; lãi sau thuế hơn gấp đôi lên 68,5 tỷ đồng.

    >>> Hiệp định RCEP và khả năng ảnh hưởng tới Ngành công nghiệp giấy

Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận quý III và 9 tháng tăng mạnh nhờ nhà máy giấy Giao Long – Giai đoạn II đi vào hoạt động chính thức từ 1/9/2019 đã giúp sản lượng sản xuất và bán ra tăng mạnh, bù đắp cho việc giá giấy bán ra giảm và giá giấy nguyên liệu mua vào tăng.

Bên cạnh đó, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của doanh nghiệp giảm nhờ được hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng nhà máy giấy Giao Long – Giai đoạn II.

Cổ phiếu DHC chốt phiên 24/11 ở mức giá 54.500 đồng, tăng 18,7% kể từ đầu tháng 11./.

Theo Người Đồng Hành

Oji Holdings xây dựng nhà máy sản xuất hòm hộp carton sóng tại Việt Nam

Đây là nhà máy thứ 3 của Oji Holdings tại miền Nam Việt Nam, có trị giá 6 tỷ Yên (57 triệu USD)  do công ty con Ojitex (Việt Nam) điều hành. Ngoài ra, tại Việt Nam Ojitex còn vận hành ba nhà máy khác ở miền Bắc.

Nhà máy được xây dựng tại Khu công nghiệp Lộc An Bình Sơn, có công suất dự kiến ​​đạt 10 triệu m2 hộp carton sóng mỗi tháng và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2022.

Nhà máy này cũng sẽ là nhà máy thứ 27 sản xuất hộp carton sóng của Oji Holdings tại Đông Nam Á và Ấn Độ. Ngoài Việt Nam, Oji Holdings còn đầu tư và hiện đang vận hành các nhà máy sản xuất hộp carton song tại Campuchia, Malaysia và Indonesia./.

    >>> Công ty Long Chen Paper của Đài Loan chuẩn bị khởi chạy BM công suất 200.000 tấn/năm BM trong QI/2021

Theo Fastmarkets RISI

Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành giấy đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Thực trạng nhân lực ngành giấy
Trong những năm qua, ngành giấy đã có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 16% trong giai đoạn 2007 – 2017. Hiện nay, ngành giấy có hơn 300 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp quy mô sản xuất từ 100.000 tấn/năm trở lên, còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngành giấy đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn lao động và thúc đẩy sự phát triển một số ngành sản xuất quan trọng như: sản xuất bao bì giấy, xuất bản, in ấn, gia công vở, sổ, khăn giấy và giấy vệ sinh, hoạt động lâm nghiệp, hoạt động thu gom giấy tái chế…
Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp giấy Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2018 là nhờ vào sự đầu tư mạnh mẽ và áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất vào sản xuất của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam qua đó cũng tạo áp lực cần phải đổi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và vì đã, đang và sẽ đòi hỏi nhu cầu nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành giấy.
Thị trường giấy việt nam 2018
Nguồn: VPPA
Hiện nay, nhân lực được đào tạo bài bản chuyên ngành công nghệ sản xuất bột giấy và giấy chủ yếu từ các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ.Tuy nhiên số lượng rất ít ỏi. Đến nay nhân lực ngành giấy không chỉ ít về số lượng mà còn có nhiều hạn chế về chất lượng và số nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao chủ yếu tập trung ở một số nhà máy lớn. Trong khi lực lượng lao động trong ngành công nghiệp giấy tại các khu vực công nghiệp địa phương, kinh tế tư nhân nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình phần lớn không được đào tạo một cách bài bản, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, chỉ có khả năng vận hành các loại thiết bị, máy móc đơn giản, không hiểu đầy đủ bản chất của quá trình công nghệ. Tình trạng này đã và đang hạn chế khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp, thực trạng này đang là rào cản lớn với ngành công nghiệp giấy trên con đường hiện đại hoá và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành giấy hiện nay còn mỏng và còn tồn tại nhiều bất cập. Đội ngũ giảng viên của một số cơ sở còn thiếuvà hạn chế về kinh nghiệm thực tế; Cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo; Phương thức đào tạo chủ yếu vẫn theo kiểu truyền thống, lối mòn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của ngành trong xu thế phát triển như vũ bão và tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thêm vào đó, môi trường làm việc cho nguồn nhân lực chất lượng cao cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng chiếm số lượng lớn (trừ các doanh nghiệp FDI và một số ít doanh nghiệp Việt Nam lớn), như không có tính chuyên nghiệp, hệ thống quản lý và máy móc thiết bị lạc hậu, hầu như không áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, thiếu đất cho sự sáng tạo, cũng như có rất ít cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Điều này cũng làm cho ngành giấy kém hấp dẫn không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như không khuyến khích được các bạn trẻ theo học chuyên ngành này.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành giấy đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Doanh nghiệp tham gia “cuộc chơi” nhân lực chất lượng cao
Chúng ta đã và đang chứng kiến sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó việc hình thành các nhà máy thông minh được quản lý, quản trị thông qua hệ thống thực – ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của intenet vạn vật. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; đồng thời cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là thách thức về chất lượng nguồn nhân lực theo xu hướng đòi hỏi ngày càng cao.
Ngành công nghiệp giấy cũng không là ngoại lệ và phải chấp nhận “luật chơi” chung trong trào lưu trên. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và cả ngành giấy nói chung, ngoài các vấn đề về thiết bị, công nghệ thì một yếu tố mang tính chất quyết định, đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kiến thức,kỹ năng của người lao động để đáp với nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp với mục tiêu không ngừng tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Trong giai đoạn hiện nay, người lao động trong ngành giấy ngoài kỹ năng nghề nghiệp, cần được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng bổ trợ như ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp hiệu quả, lắng nghe tích cực, khả năng nhận thức có tính sáng tạo và giải quyết vấn đề. Cùng với việc tăng cường tự động hóa trong các lĩnh vực sản xuất của ngành giấy, người lao động phải có những thay đổi để thích nghi, để đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ, tay nghề thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng, trình độ, tay nghề bậc trung bình cũng sẽ bị đào thải nếu không trang bị, cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới để trở thành lao động sáng tạo.
Theo đó, người lao động phải nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghềđể đáp ứng các yêu cầu của công nghệ mới;người lao động sẽ đóng vai trò là những người giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, cần nhiều hơn đến tư duy, thay thế dần lao động sức người bằng máy móc và công nghệ. Chính vì vậy đòi hỏi người lao động phải có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và thường xuyên cập nhật kiến thức, công nghệ mới.
Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 sẽ là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Ngành nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với tốc độ thay đổi của công nghệ, sử dụng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của ngành mình thì ngành đó sẽ chiến thắng trong cạnh tranh. Nhân lực sẽ là một lợi thế của ngành giấy, nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung – cầu nhân lực giữa các đơn vị đào tạo với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người tham giađào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực, nên đầu tư vào phát triển nguồn tài nguyên này cần được xem là một hướng đầu tư hứa hẹn nhiều lợi ích.
Vì vậy, ngoài sự đổi mới tích cực của các cơ sở đào tạo, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp trong “cuộc chơi” nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp cần phải tích cực tham gia vào quá trình nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để đáp ứng những đòi hỏi về kiến thức,kỹ năng mới đang diễn ra ở mọi khâu của quá trình sản xuất, từ khâu lập kế hoạch, chuẩn bị nơi làm việc, đến vận hành thiết bị, giám sát quá trình và bảo đảm an toàn. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam lớn và các doanh nghiệp FDI cần tăng cường hợp tác, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, học hỏi từ thực tiễn của các doanh nghiệp có đầu tư dây chuyền thiết bị, công nghệ hiện đại và có hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần tích cực áp dụng công nghệ mới và hệ thống quản trị tiên tiến, kiến tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và cơ hội cho người lao động phát huy sáng tạo và thăng tiến trong sự nghiệp; hợp tác với các cơ sở đào tạo để tài trợ và đăng ký tuyển dụng ngay trong thời gian học tập, thực tập của sinh viên.
Cơ sở đào tạo cần phải chuyển dịch mạnh mẽ
Để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng 4.0, các cơ sở đào tạonhân lực cho ngành giấy không thể sử dụng mãi phương pháp truyền thống, thiếu tương tác, thiếu thực tiễn màcần phải chuyển dịch mạnh mẽ từ đào tạo chủ yếu bằng những gì sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.Để hiệnthực hóa những mục tiêu trên cần thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau đây:
Phát triển chương trình đào tạo chú trọng kỹ năng và thái độ làm việc
Chương trình đào tạo của các trường phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi. Các trường phải tiếp cận thị trường đào tạo với tinh thần phục vụ tức là đáp ứng tối đa yêu cầu của người học cũng như nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệpthay vì chỉ đưa ra những gì mình có thì mới hy vọng có thể thành công trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành giấy.Trong đó phải đặc biệt lưu ý đến đào tạo kỹ năng làm việc, ý thức thái độ làm việc cho người học. Trong chương trình đào tạocần giảm bớt thời gian học lý thuyết mà dành nhiều thời gian hơn cho học sinh sinh viênthực hành, thực tập, tiến tới đào tạo tại hiện trường để học sinh sinh viên được tham gia vào hoạt động của các doanh nghiệp. Cần xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; tích hợp các nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, dạy và học.
Đổi mới từ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới, đội ngũ nhà giáo phải có những năng lực mới, năng lực sáng tạo và do đó đòi hỏi phải có những phẩm chất mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và những kỹ năng mềm cần thiết khác.
Định kỳ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, công nghệ mới cho nhà giáo; Thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho nhà giáo tại các doanh nghiệp để các thầy cô hoàn thiện hơn kiến thức thực tế;Dành nhiều thời gian hơn cho công tác nghiên cứu khoa học kết hợp ứng dụng thực tiễn tại doanh nghiệp. Có như vậy, việc đào tạo sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Trang thiết bị đào tạo tiên tiến, hiện đại
Đẩy mạnh việc xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị trong ngành sản xuất bột giấy và giấy cho các cơ sở đào tạo nhân lực ngành giấy.
Gắn kết giữa cơ sở đào tạo với với doanh nghiệp
Vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo không mới, nhưng muốn hiệu quả thì nhu cầu kết nối phải xuất phát từ cả hai phía.
Hiện nay đang phổ biến tình trạng nhiều doanh nghiệp hoàn toàn đứng ngoài trong quá trình đào tạo; doanh nghiệp chỉ tuyển dụng nhân lực do các trường đã đào tạo mà không nhận thấy trách nhiệm của doanh nghiệp cùng tham gia cộng tác và hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động của chính doanh nghiệp mình.
Các doanh nghiệp cần nhìn nhận các cơ sở đào tạo như các bạn hàng, hai bên đến với nhau cùng có lợi ích, không hợp tác với nhau thì không thể tồn tại và phát triển được. Xây dựng cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học là hướng đi cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành giấy đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Doanh nghiệp cần cung cấp số liệu về nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu đối với vị trí việc làm,hỗ trợ học bổng cho học sinh sinh viên để cùng thu hút,phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho tương lai.Doanh nghiệp cần tham gia vào tất cả các công đoạn trong quá trình tổ chức đào tạo từ xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo, thi kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người học.

Mặt khác, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của nhà trường, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo.Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, học sinh sinh viên có thể làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp mà không mất thời gian làm quen và đào tạo lại.
Với tư duy đích đến của người học là doanh nghiệp nên cần phải phát triển mô hình đào tạo kép, theo đó, xây dựng môi trường học tập kết hợp giữa yêu cầu đặc thù thực tế của doanh nghiệp và cơ sở lý thuyết mang tính khoa học của nhà trường cho người học. Với mô hình này, học viên học 30% chương trình – phần lý thuyết, ở trường và 70% chương trình -phần thực hành, bao gồm cả thực hành tại trường và thực hành, thực tập ở doanh nghiệp. Các công ty tập trung vào việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng phù hợp với công nghệ sản xuấtcủa doanh nghiệp, còn nhà trường cung cấp khối kiến thức lý thuyết cơ bản, mang tính học thuật cùng một số kỹ năng thực hành cơ bản.
Ở doanh nghiệp, học sinh sinh viên được đào tạo thực hành trong các điều kiện có sẵn. Với mô hình này, doanh nghiệp cũng có thể tuyển dụng lao động và đưa về trường để đào tạo ngay từ đầu. Chương trình đào tạo tuân thủ các yêu cầu của doanh nghiệp nhưng được xây dựng theo hướng mở, tùy thuộc yêu cầu của từng doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp và có thể cập nhật nội dung đào tạo thường xuyên theo sự thay đổi công nghệ tại doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp có ngay lực lượng lao động năng lực cao được đào tạo theo yêu cầu của mình, đồng thời giảm thiểu chi phí tuyển dụng, hướng dẫn và đào tạo lại đối với lao động mới. Ngoài ra, doanh nghiệp có được nguồn nhân lực cam kết làm việc lâu dài, giảm rủi ro lựa chọn sai đối tượng, những thiếu hụt về trình độ của người lao động cũng được bù đắp.
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam là trung tâm kết nối
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cần đứng ra làm đầu mối để tập hợp những giải pháp, chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với tầm vĩ mô, đồng thời là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo.
Để cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành giấy Việt Nam thì việc thu hút nhân lực chất lượng cao càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Muốn thực hiện được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo cũng rất cần sự đổi mới về cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự vào cuộc của doanh nghiệp sẽ là điều kiện đủ để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành giấy.

VINAPACO với hoạt động hướng về miền Trung

Miền Trung là dải đất gánh chịu nhiều thiên tai nhất cả nước. Trong cơn lũ lịch sử những ngày tháng 10 vừa qua, miền Trung phải gánh chịu tổn thất thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Có những mất mát, hy sinh trong cuộc sống hàng ngày làm quặn đau hàng triệu trái tim người Việt. Không đứng ngoài những gian lao ấy, tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) đã cùng nhau chung tay góp sức mình giúp đỡ miền Trung ruột thịt vượt qua những ngày bão lũ khó khăn.

Tổng công ty Giấy Việt Nam đã trích từ nguồn Quỹ phúc lợi Tổng công ty tham gia và ủng hộ 100 triệu đồng trong chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” diễn ra tối 17/10/2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Bão lũ lớn diễn ra ở miền Trung đã phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội của nhiều địa phương, tình hình thiên tai sẽ làm cho rất nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, kiệt quệ về kinh tế, sức khỏe, cần được đặc biệt quan tâm, giúp đỡ.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 4/11 đến ngày 8/11/2020, đoàn công tác Vinapaco đã đến thăm và trực tiếp hỗ trợ hơn 93.000 quyển vở (giá trị trên 400 triệu đồng)  cho các em học sinh tại nhiều điểm trường bị thiệt hại nặng nề thuộc 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng khiến cơ sở hạ tầng các trường học bị hư hại phải tạm ngừng hoạt động, sách vở tài liệu học tập bị nước cuốn trôi, gần 1,2 triệu học sinh phải nghỉ học, việc học tập trở nên khó khăn càng khó khăn. Một chút sẻ chia, hy vọng các em có thêm nghị lực vững vàng vượt qua mọi khó khăn thử thách trên con đường tri thức của mình.

Đó đâu chỉ đơn thuần là những quyển vở mà trong đó còn gói ghém cả sự sẻ chia, đồng cảm, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người lao động Vinapaco nói riêng đồng bào Việt Nam nói chung luôn được gìn giữ và lan tỏa. Vì miền Trung thân yêu, thật ấm lòng khi những sẻ chia, đùm bọc của đồng bào mình như kéo mỗi chúng ta xích lại gần nhau hơn.

Một số hình ảnh của đoàn công tác Vinapaco tại các điểm trường:

  >>> Chống gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả – bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp ngành giấy trong nước

Theo Vinapaco

Tetra Pak mở rộng chương trình tái chế học đường ở Hà Nội

Theo đó, chương trình sẽ được triển khai tại 1.600 trường tiểu học, mầm non tham gia trong năm học 2020 – 2021, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

“Mặc dù hộp giấy đựng đồ uống có tính bền vững cao hơn các loại bao bì khác nhờ có cấu tạo 75% từ nguyên liệu giấy có thể tái tạo và có chứng nhận FSC, nhưng chúng tôi quyết tâm giảm hơn nữa các tác động tới môi trường của hộp giấy thông qua việc mở rộng những chương trình thu gom và tái chế như thế này”, bà Lý Quỳnh Trang, Giám đốc Phụ trách Phát triển bền vững của Tetra Pak Việt Nam chia sẻ.

Trước đó, trong năm học 2019 – 2020, chương trình đã được triển khai cho gần 1.200 trường tiểu học và mầm non tại 18 quận huyện TP.HCM và 19 quận huyện TP. Hà Nội, thu hút gần 3.000 giáo viên và 800.000 học sinh tại hai thành phố tham gia.

Mặc dù gián đoạn gần nửa năm do dịch Covid-19, chương trình đã thu gom 269 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp để đưa đi tái chế.

Tiếp nối thành công của chương trình trong năm trước, chương trình tái chế học đường năm nay sẽ tiếp tục hướng dẫn các em học sinh cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán kín miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định.

Vỏ hộp giấy sau đó được Công ty Lagom thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về Nhà máy Giấy Đồng Tiến tại Bình Dương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm lợp và tấm phẳng sinh thái…

Là công ty Thụy Điển, Tetra Pak luôn đặt chất lượng và bền vững là nền tảng cho mọi hoạt động của mình. Chính vì vậy, Tetra Pak liên tục thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống do Công ty cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Trong đó, chương trình tái chế học đường là sáng kiến được Công ty thí điểm vào năm 2017 tại TP.HCM và chính thức triển khai trên diện rộng vào năm 2019 tại Hà Nội.

Bên cạnh chương trình tái chế học đường, Công ty đang không ngừng mở rộng mạng lưới 56 điểm thu gom tại nơi công cộng để người tiêu dùng có thể dễ dàng mang vỏ hộp giấy đã qua sử dụng đến để đưa đi tái chế.

Đặc biệt, để hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đạt quy mô lớn và rộng khắp, Tetra Pak cùng với 8 nhà sản xuất đồ uống và thực phẩm hàng đầu Việt Nam đã sáng lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu là toàn bộ bao bì của các doanh nghiệp thành viên trong Liên minh sẽ được tái chế vào năm 2030.

    >>> Giá giấy, bìa và hộp giấy ở Bắc Mỹ tăng từ tháng 11

Theo Đầu tư

Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện một số quy định của Nghị định số 40/2019/ND-CP trong bối cảnh đại dịch Covid-19

– Cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục quy định tại Khoản 20 và Khoản 23 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 (thay vì ngày 31 tháng 12 năm 2020)

– Cho phép gia hạn đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy phép xử lý chất thải nguy hại (đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho doanh nghiệp) thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/ND-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

– Cho phép gia hạn đến hết ngày ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2010/ND-CP, đồng thời không phải lập lại ĐTM đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

– Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, chủ động thông tin, hướng dẫn công khai, minh bạch trên phương . tiện thông tin đại chúng cho doanh nghiệp và không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính trong quá trình triển khai. Đồng thời tiếp tục rà soát, phát hiện bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị định số 40/2019/ND-CP, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, chống tiêu cực, tham nhũng; phòng, chống ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Nội dung chi tiết của Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 (ngày 04/9/2020): Nghị quyết 129/NQ-CP

VPPA (tổng hợp)

“Cần quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững”

Theo ông Sơn, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn như đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, cùng với việc đầu tư cho đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực quản lý của người lao động theo từng bước đi phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp mình, khuyến khích tinh thần sáng tạo và triệt tiêu lãng phí.

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 những năm qua được nhắc đến nhiều với những hứa hẹn sẽ tạo ra nền sản xuất công nghiệp hiện đại hơn, năng suất hơn. Là doanh nhân ngành giấy giữ vai trò Phó Chủ tịch VPPA, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Như chúng ta đã biết, cuộc CMCN 4.0 đã diễn ra mạnh mẽ trong nhiều năm qua tại các nước phát triển và cả Trung Quốc với nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, đã tạo ra những chuyển biến to lớn, góp phần tạo ra nền sản xuất công nghiệp hiện đại tự động hóa ở cấp độ cao với nền tảng Internet Of Things (IOT) góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và giải phóng sức lao động cho con người. Tại Việt Nam, Chính phủ cùng với các doanh nghiệp cũng đã rất quan tâm tới vấn đề này, nhưng đến nay, hiệu quả chưa đạt như mong muốn vì nhiều lý do.

Riêng tại Công ty Đồng Tiến, việc đầu tư đáp ứng cuộc CMCN lần thứ 4 đã được quan tâm thế nào và hiệu quả mang lại ra sao, thưa ông?

Về phần mình, trong mấy năm qua, Đồng Tiến cũng đã tập trung đầu tư cho việc tăng cường tự động hóa dây chuyền sản xuất, trang bị và kết nối các phương tiện, công cụ hỗ trợ quản lý cũng như đào tạo nâng cao năng lực, trình độ người lao động phù hợp với bối cảnh Công ty và đã đạt được những kết quả bước đầu. Cụ thể đã góp phần ổn định chất lượng, tiết giảm chi phí, triệt tiêu lãng phí, cũng như tăng thêm tính linh hoạt trong quản lý và sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng cả về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

So với các doanh nghiệp FDI, năng lực của các doanh nghiệp ngành Giấy & Bao bì Việt Nam còn hạn chế. Được biết, nhiều sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật và chất lượng cao hiện doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) chưa thể sản xuất được, hoặc sản xuất được nhưng giá thành cao dẫn đến khó cạnh tranh. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Thực trạng này là một thực tế đang tạo ra rất nhiều áp lực và khó khăn cho các DNVN nói chung. Với các doanh nghiệp ngành giấy và bao bì nói riêng còn phải chịu áp lực lớn hơn, khi mà đầu tư FDI dù có trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản lý cao hơn, nhưng hầu như cũng chỉ tập trung vào các sản phẩm không đòi hỏi công nghệ và chất lượng quá cao (các DNVN hoàn toàn có thể làm tốt), nhưng lại có nhu cầu lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh để dễ thực hiện và thu hồi nhanh vốn đầu tư. Điều này làm mất đi cơ hội đầu tư phát triển của các DNVN và bỏ lỡ cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn của ngành giấy Việt Nam, đồng thời làm giảm đi tính lan tỏa và tác động tích cực đối với nền kinh tế đất nước như chúng ta luôn kỳ vọng vào đầu tư FDI. Hy vọng với quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với đầu tư FDI trong thời gian tới, chúng ta sẽ khắc phục được sự bất hợp lý này.

Vậy để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI vốn mạnh về thương hiệu, tài chính, kỹ thuật… theo ông các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam cần phải làm gì?

Với thực trạng hầu hết các DNVN thua kém các doanh nghiệp FDI cả về năng lực tài chính, công nghệ, trình độ quản lý và cả thương hiệu, theo tôi, các DNVN cần phải quan tâm đến đầu tư cho phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn như đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, cùng với việc đầu tư cho đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao trình độ và năng lực quản lý của người lao động theo từng bước đi phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp mình, đồng thời luôn khuyến khích tinh thần sáng tạo và triệt tiêu lãng phí.

    >>> Tích hợp bảy giấy phép về môi trường làm một để giảm thủ tục

Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, theo ông, Nhà nước cần có chính sách gì?

Nhà nước cần có chính sách định hướng và hỗ trợ các DNVN có cơ hội phát triển mạnh mẽ và bền vững. Cụ thể với ngành giấy, Nhà nước cần có chính sách định hướng và chọn lọc đầu tư FDI phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển ngành giấy đảm bảo các tiêu chí cơ bản, như: (1) Thúc đẩy việc nâng cao trình độ công nghệ và hiện đại hóa thiết bị ngành giấy; (2) Tạo lập sự cân đối trong cung – cầu, cơ cấu sản phẩm giấy các loại, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu giấy cho tiêu dùng và phát triển kinh tế, đặc biệt là với các loại giấy chất lượng cao hiện Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu với số lượng lớn hàng năm; (3) Tạo cơ hội phát triển thuận lợi hơn cho các DNVN phát triển vươn lên ngang tầm quốc tế.

Hiện nay, bối cảnh dịch Covid-19 và những biến động thị trường tác động thế nào đến ngành giấy bao bì và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, thưa ông?
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam do nền kinh tế có độ mở cao đã và đang chịu những tác động rất nặng nề, nhất là với các ngành như du lịch, vận tải và sản xuất hàng hóa xuất khẩu, ….

Ngành giấy là ngành kinh tế phục vụ nên đương nhiên cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực, nhưng với hiệu ứng chậm hơn. Cụ thể, sản lượng ngành giấy bắt đầu suy giảm mạnh đặc biệt từ tháng 4/2020 với sản lượng/nhu cầu sụt giảm trung bình lên tới 20-30% do nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đều sụt giảm, làm cho giá giấy thành phẩm giảm mạnh. Trong khi đó, giá nguyên liệu trong và ngoài nước lại tăng cao do thiếu nguồn cung và cước vận tải tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành giấy và tình hình này dự kiến còn có thể kéo dài tới hết năm 2021.

Chính vì thế, hoạt động đầu tư mới của Công ty cũng đang phải trì hoãn lại chờ đến khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn. Điều này làm chậm kế hoạch phát triển của Công ty khoảng 1-2 năm, nhưng có lẽ chúng tôi còn may mắn hơn một số công ty đang đầu tư dở dang mà phải bị ngưng trệ kéo dài do dịch bệnh.

Giấy đồng tiến

Trước những khó khăn và thách thức của nền kinh tế, Đồng Tiến có giải pháp gì để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh cũng như việc làm cho người lao động và phát triển bền vững?

Để vượt qua khó khăn và thách thức hiện nay, Công ty đã và đang tích cực thực hiện một số giải pháp sau: (1) Ký kết thỏa ước với người lao động về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và các phương án cần thiết phải tiến hành tương ứng với các tình huống khi sản lượng bị giảm 15-25%, trên 25% tới 40%, và trên 40% trở lên hoặc khi buộc phải ngưng sản xuất theo quyết định của các cơ quan chức năng. Qua đó người lao động hiểu rõ bối cảnh và yên tâm, tích cực hợp tác cùng Công ty vượt qua khó khăn. (2) Lên kế hoạch bảo trì, sửa chữa, cải tiến, cải tạo máy móc thiết bị tương ứng với thời gian ngưng sản xuất ít hay nhiều ngày. (3).Tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người lao động, tổ chức phong trào cắt giảm chi phí và triệt tiêu lãng phí trong toàn công ty đang tạo ra hiệu quả rất tích cực.

Giấy đồng tiến

Theo Vietnam Business Forum