Những bất cập trong việc quy định chi tiết mã HS trong Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất giấy tái chế từ nguồn nguyên liệu giấy thu hồi nhập khẩu, các doanh nghiệp đều được cơ quan cấp phép căn cứ trên các điều kiện về bảo vệ môi trường, năng lực sản xuất và các điều kiện khác… để cấp cho doanh nghiệp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Giấy xác nhận).

Trong giám sát và quản lý nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu thì việc quy định mã HS trong Giấy xác nhận cho doanh nghiệp khi nhập khẩu là cần thiết. Doanh nghiệp sẽ chỉ được nhập khẩu và sử dụng loại phế liệu theo quy định cho phép, tương ứng với các điều kiện về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, phù hợp với thiết bị, công nghệ và các biện pháp bảo vệ môi trường, phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhận thấy việc quy định chi tiết khối lượng từng mã HS trong nội dung Giấy xác nhận sẽ gây nên những bất cập, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Giấy xác nhận hiện nay được cấp với thời hạn kéo dài tới 5 năm.

Trong suốt thời gian dài như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm, phải sử dụng nhiều loại phế liệu khác nhau, tương ứng với nhiều mã HS. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài việc phải tuân theo Quy luật giá trị, còn phải chịu sự điều tiết và chi phối bởi quan hệ cung – cầu theo cơ chế thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải sản xuất loại sản phẩm nào khách hàng và thị trường cần, khi đó mới có nhu cầu mua và sử dụng loại nguyên liệu tương ứng để sản xuất loại sản phẩm đó.

Những bất cập trong việc quy định chi tiết mã HS trong Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Như vậy, việc quy định cụ thể khối lượng phế liệu nhập khẩu từng mã HS, sẽ  hạn chế sự linh hoạt của doanh nghiệp trong chuyển đổi các loại sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Với mục đích bảo vệ môi trường trong việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, các quy định nên tập trung cụ thể về các tiêu chí có ảnh hưởng đến môi trường (tạp chất, độ ẩm…), không cần thiết đi sâu vào các tiêu chí phân loại (mã HS) và khối lượng hàng hóa nhập khẩu của từng mã HS. Theo Quyết định 28/2020/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, thì cả 03 mã HS đều là giấy phế liệu (trừ mã HS 4707.90.00 chỉ được nhập đến hết 31/12/2021), đều được sử dụng để sản xuất ra giấy tái chế các loại.

Việc nhập khẩu và sử dụng loại mã HS nào (trong nhóm được phép) để làm nguyên liệu sản xuất nên là quyền quyết định của doanh nghiệp. Căn cứ theo nhu cầu và thị trường, doanh nghiệp có thể chuyển đổi loại nguyên liệu cho phù hợp từng loại mặt hàng, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn và chỉ tiêu về môi trường. Cơ quan cấp phép chỉ nên cấp tổng khối lượng phế liệu và các loại mã HS được nhập, không nên cấp khối lượng chi tiết cho từng mã HS và theo dõi trừ lùi tổng khối lượng phế liệu mà mỗi doanh nghiệp thực tế đã nhập, để các doanh nghiệp được tự quyết định về khối lượng của từng mã HS cần nhập, như vậy doanh nghiệp sẽ chủ động và thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh./.

     >>> Công văn số 32 Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam gửi bộ Tài nguyên và Môi trường

VPPA

Trung Quốc ban hành lô giấy phép nhập khẩu RCP đầu tiên cho năm 2020

Ngày 23 tháng 12, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc (MEE) đã ban hành lô giấy phép nhập khẩu RCP đầu tiên năm 2020 cho 39 công ty, với khối lượng là 2,78 triệu tấn, giảm 45% so với năm 2019.

Tổng hạn ngạch nhập khẩu cấp phép cho ba nhà sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế hàng đầu của Trung Quốc là Nine Dragon Paper (Holdings), Lee&Man Paper Manufacturing và Shanying International Holdings là 1,38 triệu tấn, chiếm 50%.

Hạn ngạch cho các nhà sản xuất giấy in báo như Shandong Huatai Paper và Guangzhou Paper cũng chiếm phần lớn, chủ yếu là các loại giấy khử mực, bao gồm báo cũ và tạp chí cũ.

Một số công ty bị cắt giảm hạn ngạch với khối lượng lớn như Guangdong Huatai Paper được cấp 420.000 tấn, giảm 51% so với 740.000 tấn được cấp phép trong năm 2019, Guangzhou Paper được cấp 550.000 tấn, thấp hơn 25% so với 730.000 tấn trong năm 2019.

Trong năm 2019, MEE đã cấp phép tổng cộng 10,75 triệu tấn hạn ngạch RCP cho 79 công ty.

Dự kiến trong năm 2020, Trung Quốc sẽ cấp tổng hạn ngạch nhập khẩu RCP cho tất cả các công ty khoảng 6,5 triệu tấn, giảm khoảng 40% so với 2019./.

Theo RISI – VPPA dịch