Nghèo không nên nghỉ nhiều

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tăng ngày nghỉ, người lao động không có tiền đi du lịch nên sẽ muốn đi làm khiến doanh nghiệp bị đội chi phí. 

“Chẳng doanh nghiệp nào thích nghỉ thêm 3 ngày cả”, ông Đặng Văn Sơn – Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy, Bột giấy Việt Nam nói với VnExpress.

Ông Đặng Văn Sơn - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy, Bột giấy Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hà.
Ông Đặng Văn Sơn – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy, Bột giấy Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hà.

Khi năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực, kinh tế chưa phát triển, đề xuất tăng ngày nghỉ theo ông là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam ở giai đoạn này.

Ông Sơn cũng cho rằng, trong đề xuất này người lao động có lẽ cũng rất tâm tư. Nếu nhiều tiền, thu nhập cao, có thêm ngày nghỉ là cơ hội để đi chơi, du lịch. Nhưng nếu tài chính không dư dả, tăng số ngày nghỉ sẽ không đạt được ý nghĩa ban đầu.

Hơn nữa, điều này lại gây khó cho doanh nghiệp, trong trường hợp, vào những ngày nghỉ đó, người lao động không nghỉ lại vẫn muốn đi làm. Lúc này, chi phí của doanh nghiệp lại bị “đội” lên khi sử dụng lao động vào ngày nghỉ.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đồng thời cũng là người đứng đầu một doanh nghiệp may mặc, nói: “Các ngày nghỉ hiện nay của Việt Nam cũng không còn là ít, với tổng số ngày nghỉ trong năm lên 22 ngày (12 ngày phép và 10 ngày nghỉ các loại). Thêm 3 ngày nghỉ này nếu trùng với những vụ mùa sản xuất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp rất nhiều”.

Ông Dương lý giải thêm, hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam làm gia công tính thời vụ cao. Như ngành điện tử, cuối năm là cao điểm để tập trung sản xuất hoặc nghề cá, vào mùa cá về, ngư dân phải tranh thủ làm để tăng sản lượng, doanh thu. Còn nghề may, có 2 mùa vụ chính đó là mùa xuân và đông, khi vào chính vụ, doanh nghiệp phải tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành đơn hàng theo thời hạn đã ký kết.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Quốc Tuấn.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Quốc Tuấn.

Ngoài ra, ông cho rằng, trong điều kiện năng suất thấp mà ngày nghỉ lại nhiều sẽ ảnh hưởng đến GDP của nền kinh tế. Ông ước tính, hiện số ngày làm việc thực tế là 305 ngày, nghĩa là nếu mất 3 ngày là khoảng 1% thời gian lao động một năm.

“Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trên 7% cho giai đoạn tiếp theo để đuổi kịp các nước trong khu vực, tuy nhiên nếu cứ nghỉ tiếp như vậy khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước sẽ xa hơn”, ông nói.

Phần lớn độc giả VnExpress ủng hộ phương án nghỉ thêm 3 ngày trong năm. Kết quả bình chọn đến 20h ngày 21/9.
Phần lớn độc giả VnExpress ủng hộ phương án nghỉ thêm 3 ngày trong năm.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch VCCI cho rằng, khi các đề xuất trước đây liên quan đến sửa đổi Bộ Luật Lao động như tăng số giờ làm thêm, giảm giờ làm thường xuyên… chưa được “ngã ngũ”, đề xuất thêm 3 ngày nghỉ là không khả thi.

Khi đưa ra đề xuất, Tổng liên đoàn Lao động cho rằng, nâng số ngày nghỉ của người lao động lên 13 ngày một năm thì vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Như Trung Quốc có 21 ngày nghỉ, Campuchia 28 ngày, Indonesia 16 ngày, Philippines 19 ngày, Malaysia 13 ngày, Nhật Bản và Thái Lan đều nghỉ 16 ngày một năm.

Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, lập luận này không hợp lý, trong bối cảnh năng suất của Việt Nam thấp nhất khu vực, dân số xếp thứ 15 nhưng GDP bình quân xếp thứ 131. “Trong khi năng suất thấp, kinh tế còn nghèo mà nghỉ nhiều thì không nên”, ông Dương nói.

Ông dẫn chứng, GDP của Việt Nam chưa bằng ½ của Thái Lan, ¼ của Trung Quốc… Nên nhìn ở góc độ kinh tế để tính toán thay vì chỉ nhìn vào những con số ngày nghỉ đơn thuần.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ một năm vào các dịp Tết dương lịch, Ngày gia đình Việt Nam (28/6) và dịp Quốc khánh 2/9. Ngay sau đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải có đánh giá tác động với lao động, sản xuất và cuộc sống của công nhân.

Theo Vnexpress.net