Trong dự thảo nghị quyết vừa trình Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch – đầu tư đề xuất hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đến tháng 9 năm 2020 đối với các nguyên liệu, vật tư hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch như dệt may, da giày, sản xuất đồ uống…
Mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này có thêm nguồn vốn lưu động để tiếp tục đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian chưa tiêu thụ được hàng hóa, dịch vụ đầu ra.
Đồng tình với việc gia hạn tiền thuế VAT, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng bản chất của thuế VAT là thuế gián thu, doanh nghiệp chỉ nộp hộ người tiêu dùng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên giãn thêm thời hạn nộp thuế này. Doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn tiền để sử dụng.
Thực tế, trước tác động của đại dịch, khó khăn chung của doanh nghiệp là dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh thu không có hoặc giảm mạnh trong khi những khoản vẫn chi khác như mặt bằng, nhân công… vẫn phải chi trả.
Theo tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính, tại Nghị định 41 về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Chính phủ cũng đang gia hạn 5 tháng tiền thuế VAT phát sinh tháng 3, 4, 5 và 6.
Hiện Việt Nam tạm thời khống chế được dịch này nhưng để hoạt động sản xuất kinh doanh được trở lại bình thường thì có lẽ còn rất lâu nữa bởi các bạn hàng, đối tác của VN là EU, Mỹ… đang phải cách ly xã hội để ngăn chặn đại dịch này, do đó, việc kéo dài thời gian gia hạn thuế VAT là rất cần thiết, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp lúc khó khăn này.
Và để Chính phủ có thêm nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị Chính phủ nên đặt ra chỉ tiêu tiết kiệm chi cho các bộ ngành bằng tỉ lệ cụ thể như 3-5 hay 7% dự toán chi thường xuyên.
Chẳng hạn, về việc thu, nhiều năm gần đây, theo ông Thịnh, Chính phủ cũng giao ngành thuế, hải quan phấn đấu tăng khoảng 5% so với dự toán, vì thế về chi cũng vậy, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, số thu ngân sách chắc chắn bị ảnh hưởng, các cơ quan, bộ ngành cũng cần rà soát, cắt giảm, áp dụng các giải pháp công nghệ vào quản lý điều hành để tăng hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi ngân sách.
“Đây là lúc các bộ ngành, Chính phủ cơ cấu lại hoạt động của mình. Về biên chế và các chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm… đã phù hợp hay chưa?” – ông Thịnh đặt vấn đề.
Tại dự thảo, Bộ KH-ĐT cũng đề xuất cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước, 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Về nội dung này, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng việc cắt giảm này ở riêng các bộ ngành trung ương thôi thì mỗi năm ngân sách tiết kiệm chi được khoảng 700 tỉ đồng.
Giảm 50% phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng, du lịch, ngân hàng
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết trong ngày 5-5 đã ban hành 3 thông tư giảm lệ phí cho doanh nghiệp. Thời gian áp dụng từ ngày 5-5 đến hết năm nay.
Cụ thể, giảm 50% lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Mức phí đã được giảm mạnh, từ 35 – 70 triệu đồng/lần cấp.
Ngoài ra, phí và lệ phí trong lĩnh vực xây dựng như lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở… cũng được giảm còn một nửa so với trước đây.
Trong lĩnh vực du lịch, một loạt loại phí cũng được giảm 50% gồm phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…