Nước mắt doanh nhân!

Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1-2019 của Chính phủ, được công bố đúng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch, đã giúp đảo ngược những quy định trong hai thông tư 08 và 09 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trước đó bốn tháng rưỡi, mở đường cho việc giải phóng hàng chục ngàn container phế liệu bị tồn đọng và cứu hàng trăm doanh nghiệp đang dở sống dở chết do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu phế liệu bị ách tại cảng. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp liều “thuốc giải” này có thể đã đến quá muộn.

Đến cuối tháng 1-2019 có đến 24.184 container phế liệu phải nằm lại ở các cảng trên cả nước, trong đó 6.733 cái bị kẹt từ 30-90 ngày và 9.782 cái phải nằm cảng trên 90 ngày. Thiệt hại đối với doanh nghiệp, do sự ách tắc đó, không chỉ là số tiền 40-50 đô la Mỹ/container tiền lưu kho cho mỗi ngày bị ách lại, mà còn biết bao thiệt hại khác, từ lãi vay ngân hàng, tiền lương công nhân, mất mát doanh số cho đến mối quan hệ làm ăn với khách hàng có thể bị mất.

Tại buổi họp báo diễn ra ít ngày trước khi Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1-2019 của Chính phủ được công bố, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nói rằng thậm chí có doanh nghiệp đã khóc khi phản ánh chuyện ách tắc này với Thủ tướng.

Hai thông tư 08 và 09, được Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành trong cùng ngày 14-9-2018, nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về quản lý việc nhập khẩu phế liệu, tránh trường hợp lợi dụng nhập phế liệu để đưa rác vào Việt Nam. Động cơ để ban hành những quy định này là đúng đắn, nhưng vấn đề ở chỗ nó lại đưa ra những quy định gần như là bất khả thi nên triệt tiêu luôn cả đường sống của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận: “Chúng ta đã không kiểm soát kỹ việc ban hành các văn bản, gây ra các rào cản, thủ tục mà chính chúng ta đã vô tình giết chết doanh nghiệp”. Nhưng điều đáng nói hơn là bất kể nỗi khổ của doanh nghiệp, cũng phải chờ đến bốn tháng rưỡi sau và Thủ tướng phải “rất gắt gao”, rồi còn phải trải qua một cuộc tranh luận được mô tả là “gay gắt” giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ liên quan, thì vấn đề mới được giải quyết. Bộ trưởng Dũng nói: “Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời nếu không cả Tết này không ai ăn Tết được. Tôi phải nói rõ để thấy là chúng ta đang vô cảm”.

Có thể nói hai chữ “vô cảm” mà ông Mai Tiến Dũng thẳng thắn thừa nhận là căn bệnh khá phổ biến lâu nay trong mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước, công chức với người dân và doanh nghiệp. Ở cấp quản lý, đó là những văn bản, quy định được đưa ra dù khoác chiếc áo nhiệm vụ quản lý nhà nước nhưng thực tế lại là dựng lên những rào cản gây khó khăn, thậm chí là giết chết doanh nghiệp. Còn với những người thừa hành, đó là sự dửng dưng, đủng đỉnh… trước nhu cầu cấp thiết giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, vô cảm vẫn là căn bệnh chưa có thuốc chữa. Việc kêu gọi sự tận tâm và trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước có vẻ không ăn thua. Đẩy mạnh cải cách để đơn giản hóa thủ tục hành chính; làm cho luật lệ trở nên rõ ràng, minh bạch và không chồng chéo và quan trọng hơn là thay đổi cơ chế quản lý để người dân và doanh nghiệp càng ít phải xin cơ quan nhà nước thì mới có hy vọng người dân và doanh nhân bớt phải rơi nước mắt vì sự vô cảm của cơ quan nhà nước.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn