Ngày 5/3/2019 tại Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp cùng Mitsubishi Electric tổ chức Hội thảo “Công nghệ Ozone trong tẩy trắng bột giấy và xử lý nước thải”.
Chủ trì hội thảo gồm có TS. Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và Ngài Takanori Miyanishi, Giám đốc Điều hành Hiệp hội kỹ thuật công nghiệp Giấy và Bột giấy Nhật Bản (TAPPI JAPAN) cùng các quản lý cấp cao thuộc Tập đoàn Mitsubishi và Goshu Kohsan Việt Nam. Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có các Giảng viên cao cấp Khoa Công nghệ Giấy Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ, Bộ môn Giấy và Xenluylô Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như hơn 30 doanh nghiệp sản xuất bột giấy và giấy.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Đặng Văn Sơn cho biết, những năm gần đây ngành giấy Việt Nam có tốc độ phát triển khoảng 15-17%/năm, trong lĩnh vực này đã có những dự án đầu tư công suất lớn đang hoạt động, với công suất mỗi dự án khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm; một số doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án với công suất trên 1.000.000 tấn giấy bao bì/năm. Trong lĩnh vực sản xuất bột giấy hiện Việt Nam đã có các dự án sản xuất khoảng 130.000 tấn bột giấy/năm và một số doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án với công suất khoảng 500.000 tấn bột giấy/năm. Có thể kể một số dự án giấy và bột giấy tiêu biểu tại Việt Nam như: Tổng công ty Giấy Việt Nam; Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa; Dự án VNT 19; Dự án của Công ty CP Thái Bình Xanh (Green Peace); Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam; Công ty CP Giấy Cheng Loong; Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương;…
Đối với ngành giấy, công nghệ tẩy trắng bột giấy và xử lý nước thải là hai giai đoạn rất quan trọng trong quá trình sản xuất giấy và bột giấy. Hiện nay, các nhà máy sản xuất bột giấy tại Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ tẩy trắng cũ trong công đoạn tẩy trắng bột giấy. Việc sử dụng công nghệ mới nhằm đảm bảo được độ trắng của bột giấy, độ bền của sơ xợi, giảm thiểu chi phí hóa chất và đảm bảo môi trường là mục tiêu hướng đến của các nhà máy sản xuất bột giấy.
Sử dụng ozone trong tẩy trắng bột giấy và xử lý nước thải là những nghiên cứu công nghệ mới, được nhiều công ty, nhà sản xuất bột giấy trên thế giới áp dụng, có tính năng ưu việt và hiệu quả cao. Vì vậy, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam rất ủng hộ việc Mitsubishi Electric Việt Nam và Goshu Kohsan Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội tổ chức Hội thảo “Công nghệ Ozone trong tẩy trắng bột giấy và Xử lý nước thải”, nhằm giới thiệu công nghệ mới, nâng cao hiệu quả trong sản xuất giấy và bột giấy đến với các nhà sản xuất bột giấy, sản xuất giấy và xử lý nước thải sau sản xuất tại Việt Nam.
Cũng trong hội thảo, ngài Takanori Miyanishi Giám đốc Điều hành Hiệp hội kỹ thuật công nghiệp Giấy và Bột giấy Nhật Bản cũng đánh giá cao sự phát triển của ngành công nghiệp giấy Việt Nam. Hiện nay ngành giấy Nhật Bản phát triển mạnh, đóng góp sự phát triển đó một phần nhờ sử dụng công nghệ ozone trong tẩy trắng bột giấy và xử lý nước thải. Đây là công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí còn đảm bảo môi trường, mang hiệu quả cao trong sản xuất …
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia thuộc Tập đoàn Mitsubishi Electric và Goshu Kohsan Việt Nam đã trình bày chi tiết về nguyên lý hoạt động, hiệu quả của công nghệ ozone trong sản xuất giấy và xử lý nước thải.
Các đại diện doanh nghiệp ngành giấy đánh giá cao công nghệ này, nên cũng rất mong muốn tìm hiểu kỹ để có thể áp dụng các nhà máy trong điều kiện cho phép.
Một số hình ảnh tại hội thảo: