Ngày 9-5, Thủ tướng đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp hậu COVID-19

Theo đó, Thủ tướng đã đồng ý tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.

Hội nghị bắt đầu từ 8h sáng ngày 9-5 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức tốt hội nghị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Đài truyền hình Việt Nam: tuyên truyền về Hội nghị trước, trong, sau thời gian diễn ra hội nghị; tạo chuyên mục trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp trước, trong hội nghị.

Đồng thời, tổng hợp các báo cáo chuyên đề, tham luận từ các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp để chuẩn bị tài liệu, tư liệu của hội nghị.

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị thông qua kênh trực tuyến và của các đại biểu, doanh nghiệp dự hội nghị hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai các nhiệm vụ liên quan (sản phẩm đầu ra của hội nghị), báo cáo Thủ tướng trước ngày 16-5.

Đài truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư truyền hình trực tiếp hội nghị.

Các bộ, ngành chuẩn bị tham luận, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị như chỉ đạo của Thủ tướng ngày 15-4; chủ động xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp theo thẩm quyền nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được ví như là “Hội nghị Diên Hồng” được Thủ tướng tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ. Cùng với hội nghị dự kiến được tổ chức vào ngày 9-5, đây là hội nghị lần thứ 4 mà Thủ tướng trực tiếp với doanh nghiệp.

Sau khi lắng nghe những kiến nghị, khó khăn từ cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại các cuộc đối thoại, Thủ tướng đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng gặp gỡ lãnh đạo ABB, Tetra Pak…

Nhân chuyến thăm chính thức tại Thuỵ Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ một loạt doanh nghiệp hàng đầu nước này như Electrolux, Ericsson, ABB, Scania, Tetra Pak, Volvo, Astra Zeneca, Saab và SEB.

Các doanh nghiệp Thuỵ Điển, nhân buổi gặp này, cũng có những chia sẻ đáng chú ý.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, với 1.000 nhân viên, ôngJohan Soderstrom, lãnh đạo Tập đoàn ABB cho biết muốn xây dựng quan hệ đối tác với Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy các giải pháp về sáng tạo, phát triển bền vững, trong đó, có giải pháp về công nghệ robot, phối hợp với Ericsson trong các giải pháp kết nối, đồng thời hướng tới các hoạt động sáng tạo, bền vững”, ôngJohan Soderstrom nói.

Lãnh đạo ABB cũng mong muốn phát huy tiềm năng của thị trường Việt Nam trong việc thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu ra bên ngoài.

Đặc biệt, ABB cam kết xây dựng quan hệ đối tác trong việc phát triển lưới điện, đạt được các mục tiêu sản xuất, cung ứng điện đến năm 2030.

Trước ý kiến của ABB, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị tập đoàn này hợp tác, hỗ trợ Bộ nghiên cứu xây dựng giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện quốc gia, bao gồm nâng gấp đôi công suất truyền tải điện đến năm 2030 và có giải pháp công nghệ điều hành lưới điện khi tỷ trọng điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) tăng mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ xem xét đề xuất của ABB về bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định sẵn sẵn sàng tiếp đón, trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để công nghệ, kinh nghiệm của các doanh nghiệp Thụy Điển vào Việt Nam thành công.

Thủ tướng tại cuộc gặp với các doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển.

ABB Việt Nam là đơn vị thành viên của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam. Hiện nay, ngành công nghiệp giấy đang sử dụng hàng loạt các công nghệ do ABB cung cấp như hệ thống điện cho nhà máy, hệ thống kiểm soát trên các dây chuyền sản xuất giấy và bột giấy…

Các giải pháp công nghệ của ABB trong ngành giấy bột giấy được ứng dụng trong hầu hết các công đoạn sản xuất: công đoạn nguyên liệu, nồi nấu bột, lò thu hồi kiềm và thu hồi vôi, lò hơi động lực, công đoạn chuẩn bị bột giấy, công đoạn xeo cuộn lại, công đoạn xử lý nước và chất thải.

 

VPPA tổng hợp.