Xuất khẩu gỗ dăm: Nỗi lo khi vượt 1 tỉ USD

Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới nhưng nghịch lý xuất thô vẫn đeo bám…

Mua tàu lớn, tự tạo vùng nguyên liệu

Xuất khẩu dăm gỗ đã có vào những năm cuối 90 nhưng với số lượng không lớn. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu loại hàng này bằng các loại tàu hàng rời thông thường khoảng 3.000-6.000 tấn DWT. Vì dùng các loại tàu thông thường nên việc tăng sản lượng xuất khẩu cũng gặp khó khăn do hạn chế mớn nước ở một số cảng, việc xếp dỡ cũng còn chưa được chuyên nghiệp nên khá chậm.

Hơn nữa, số lượng các cảng chấp nhận làm hàng loại này cũng không nhiều. Chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp… Số lượng xuất khẩu dăm gỗ cả năm 2001 chỉ khoảng 400.000 tấn. Các loại dăm gỗ xuất khẩu thời gian này hầu hết làm từ nguyên liệu bạch đàn, tràm.

Trước năm 2011, số lượng xuất khẩu loại hàng này tăng dần với số lượng khoảng 3-4 triệu tấn khô mỗi năm. Năm 2011, sản lượng xuất khẩu dăm gỗ lên đến hơn 5 triệu tấn khô. Đến năm 2012, Việt Nam chính thức soán ngôi của Úc, trở thành nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới.

Thời điểm này, vùng nguyên liệu của dăm gỗ mở rộng ra khắp các tỉnh miền Trung, miền Bắc với nguồn nguyên liệu chính là keo, tràm, cao su… Nhiều nhất là cây keo lai, đâu đâu người ta cũng nói về cây keo, cây nguyên liệu chủ lực của dăm gỗ. Nhiều nông dân nghèo ở các khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã đổi đời vì đã sử dụng các đồi trọc, đất vườn hay đồng ruộng nghèo dinh dưỡng để trồng keo lai xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình, đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến dăm gỗ ngay tại các cảng xuất khẩu nhằm thuận tiện hơn cho việc vận chuyển nguyên liệu trên đường. Thậm chí, có doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm đã tự tạo vùng nguyên liệu, tự mua tàu lớn, tự xây cảng để dành riêng xuất khẩu sản phẩm của họ. Các loại tàu họ mua là loại tàu chuyên dụng để chở gỗ dăm, có bụng lớn, chiều sâu cạn, mớn nước thấp nên dễ dàng cập cảng và chở được số lượng hàng rất lớn. Thường các tàu này có tải trọng khoảng 30.000-50.000 tấn DWT.

 

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của dăm gỗ Việt Nam đạt trên 1 tỉ USD tương đương với khoảng 8,2 triệu tấn khô. Chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ và lâm sản. Thị trường nhập khẩu dăm gỗ nhiều nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật  và Hàn Quốc với sản lượng chiếm hơn 90% thị trường. Các thị trường nhỏ hơn có Singapore, Indonesia… Năm 2018 theo đánh giá thì sản lượng xuất khẩu còn cao hơn 2017.
Các hệ thống cảng cũng phát triển ngày càng lớn hơn do khách quan và chủ quan cũng góp phần rất lớn vào sản lượng xuất khẩu của mặt hàng này. Rất nhiều cảng ở khu vực miền Trung trước đây khá èo uột do lượng hàng xuất khẩu qua cảng không đều do cảng được xây dựng để phục vụ các mặt hàng công nghiệp cho các khu công nghiệp nhưng giờ hàng hoá qua cảng không còn đều nữa, một số sản phẩm đã được đóng container nhằm giảm giá thành, an toàn vận chuyển, thì những năm gần đây các cảng này nhộn nhịp, tấp nập trở lại bởi dăm gỗ xuất khẩu. Đến nỗi có nhiều cảng chỉ ưu tiên cho riêng loại hàng dăm gỗ này mà từ chối các loại hàng khác.

Vẫn là nghịch lý xuất thô

Tuy nhiên, cũng không phải không có những bất cập khi một số vùng là vùng nguyên liệu của các loại cây khác như quế, lúa, rau màu đã bị thu hẹp bởi cây keo. Nhiều nơi, diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng. Đất nông nghiệp ở một số nơi cũng thu hẹp bời sự bành trướng của cây keo. Đất sau sử dụng trồng keo lai đã bị nghèo thêm nhanh chóng. Một số nhà máy xuất khẩu gỗ dăm chưa thực hiện tốt viêc lưu trữ gây ô nhiễm môi trường nước và không khí dẫn đến bức xúc cho dân cư các khu vực lân cận các bãi gỗ.

Xuất khẩu dăm gỗ hiện tại vẫn phụ thuộc vào số ít doanh nghiệp lớn có thị trường khá lớn ở Trung Quốc nên việc chèn ép về giá, thao túng thị trường vẫn thường xảy ra dẫn đến tình trạng giá cả bấp bênh, không ổn định. Các doanh nghiệp nhỏ chỉ làm vệ tinh thu mua cho các doanh nghiệp lớn xuất khẩu mà khó có thể tham gia trực tiếp bán hàng cho các đối tác nước ngoài.

Việc gần đây các nước tiêu thụ gỗ dăm cũng đã bắt đầu chuyển hướng vùng nguyên liệu của họ sang các nước ở châu Phi cũng là vấn đề cho ngành trồng và chế biến sản phẩm này ở trong nước. Tuy việc vận chuyển từ châu Phi về là khá xa nhưng đã có những lượt hàng đi từ Trung Quốc xuất khẩu qua đó khá lớn nên việc có hàng vận chuyển chiều về sẽ góp phần làm giảm giá thành vận chuyển.

Gỗ dăm tiêu thụ nguyên liệu rất nhiều, chiếm hơn 50% nguyên liệu cho toàn ngành gỗ nhưng kim ngạch chỉ chiếm khoảng 15%. Điều này chứng tỏ việc xuất khẩu dăm đem lại lợi ích rất thấp. Năm 2016, Chính phủ quyết định áp dụng mức thuế xuất khẩu 2% đối với dăm. Tuy nhiên, có vẽ biện pháp can thiệp bằng công cụ thuế đối với mặt hàng này không mấy hiệu quả khi thực tế vài năm qua ngành dăm gỗ vẫn ngày càng mở rộng.

Xuất thô và nhập tinh luôn là bài toán khá nan giải cho không chỉ ngành gỗ mà hầu như ở rất nhiều ngành nghề khác của Việt Nam. Trong khi giá xuất khẩu dăm gỗ đi 2 thị trường chính lớn nhất là Trung Quốc và Nhật chỉ có mức giá khoảng trên dưới 120USD/tấn và mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân với giá chỉ khoảng 1,2 triệu đồng thì giá nhập khẩu bột giấy giao động ở mức 1.000USD/tấn, gấp 9-10 lần so với giá xuất bán dăm gỗ.

Nghịch lý lớn hơn nữa là trong khi ở các tình miền Trung rừng xanh đầy cây keo được chặt bán với giá rẻ bèo như trên thậm chí bán qua cả thị trường Indonesia, Malaysia thì các doanh nghiệp có truyền thống làm đồ gỗ phải nhập keo, tràm từ Indonesia, Malaysia để làm nguyên liệu cho các sản phẩm gỗ của họ với giá cao hơn nhiều. Hơi khác một chút là gỗ họ nhập về có tuổi đời già hơn gỗ keo Việt Nam xuất đi.

Năm 2017, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã không cho phép thành lập các doanh nghiệp băm dăm mới nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, có giá trị kinh tế thấp ra nước ngoài. Chỉ chấp nhận cho những doanh nghiệp chế biến sâu thành các sản phẩm gỗ cao cấp để xuất khẩu. T

Tuy nhiên, việc có nên để Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp nguyên liệu cho ngành giấy của các nước hay không? Hay việc có nên tiếp tục giữ mô hình trồng rồi 4-5 năm sau khai thác hay không? Đang là vấn đề đau đầu của các cơ quan quản lý. Theo ước tính mỗi hecta đất trồng keo hiện tại sau 5 năm thu hoạch, người trồng rừng thu được khoảng 130 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí chỉ còn lãi khoảng 30 triệu đồng.

La Quang Trí (Giám đốc Công ty Shipoffer Corp).

Xuất khẩu gỗ trên dưới 10 tỉ USD đã thỏa mãn là “thỏa mãn non”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kế hoạch xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2019 đạt 11 tỉ USD vẫn còn thấp. Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt được 30 – 50% thị phần thế giới.

Tại diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” diễn ra sáng 22-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá mức tăng trưởng trên 800% trong hơn 10 năm qua là một kết quả đáng biểu dương.

“Chúng ta đang đứng trên đôi chân của mình, điều đáng mừng là các sản phẩm gỗ tiêu dùng Việt Nam phần lớn có nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, hạn chế gỗ nhập khẩu, nghiêm cấm khai thác gỗ rừng trồng tự nhiên. So với năm 2005, ngành gỗ của chúng ta đã tăng lên 800 lần” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam mới chiếm 6% thị phần của thế giới, sự đa dạng hấp dẫn sản phẩm gỗ còn khiêm tốn. Quy mô phát triển, tầm cỡ doanh nghiệp, số lượng có nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề.

Thủ tướng đã đặt ra một số câu hỏi lớn để ngành tìm câu trả lời cho chính mình và đất nước:

Thứ nhất, Việt Nam hoàn toàn có thể nhập khẩu nguyên liệu, nhưng mục tiêu cần hướng đến là rừng trồng trong nước. Cái cốt lõi là phát triển nghề trồng rừng.

“Bộ NN&PTNT thảo luận với Bộ Tài chính tìm ra phương thức hỗ trợ cho các tỉnh có đất trồng rừng để trồng. Mỗi công dân trồng một cây mới, phương thức nào để có đủ giống, đủ đất. Để tỉ lệ phủ xanh đất đồi trọc không chỉ 42% mà còn cao hơn” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, Thủ tướng đặt hàng với ngành nông nghiệp trong 10 năm tới Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, là trung tâm về chế biến, xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới.

Hiện thị phần xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 6%, trong khi thị phần toàn thế giới đồ gỗ là 430 tỉ USD nội thất, 150 tỉ USD ngoại thất. Vậy đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt được 30% hay 50% thị phần và làm thế nào để đạt được mục tiêu này?

Một số lâm sản như quế, hồi, sâm Ngọc Linh… chưa phát huy, mới xuất khẩu được ít, chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín của nước ngoài, chế biến chưa tốt. Sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia, bảo vật nhưng chưa trở thành quốc kế dân sinh.

“Làm thế nào biến Việt Nam trở thành công xưởng xuất khẩu đồ gỗ thế giới. Một câu hỏi lớn, chứ không phải kim ngạch xuất khẩu trên dưới 10 tỉ USD mà chúng ta đã thoả mãn rồi. Đó là thỏa mãn non”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cam kết tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội ngành hàng…

“Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hành động, đổi mới tư duy, nhận thức để đồng hành với doanh nghiệp đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản nhanh, bền vững” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Chí Tuệ (Tuổi trẻ)