Vinapaco: Hơn 5 tỷ đồng đầu tư hệ thống quan trắc nước, khí thải tự động

Ngày 17-09-2019
VPPA-Dự kiến trong quý 3/2019 Vinapaco sẽ nghiệm thu, đưa vào vận hành chính thức hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ. Để đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, […]

Dự kiến trong quý 3/2019 Vinapaco sẽ nghiệm thu, đưa vào vận hành chính thức hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.

Để đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, mới đây, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) cho biết đã hoàn thiện việc khảo sát, lắp đặt, chuyển giao công nghệ và hướng dẫn vận hành thiết bị quan trắc tự động cho hệ thống xử lý nước thải và khói thải ra môi trường.

Tổng số tiền đầu tư cho các hệ thống này là hơn 5 tỷ đồng, Vinapaco cho biết khi đi vào vận hành các thiết bị này sẽ giúp đơn vị tăng cường năng lực giám sát của hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ra môi trường…

Hiện nay, doanh nghiệp đang tiến hành thủ tục thuê đơn vị có đủ chức năng thực hiện quan trắc đối chứng đối với các hệ thống quan trắc tự động mới được đầu tư.

Dự kiến trong quý 3/2019 Vinapaco sẽ nghiệm thu, đưa vào vận hành chính thức hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ (hiện đơn vị đã làm công văn đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường Phú Thọ cấp địa chỉ IP để thực hiện việc kết nối). Đầu năm 2020, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện đưa vào vận hành chính thức 02 hệ thống quan trắc khí thải tự động.

Các nguồn xả thải đáp ứng các quy chuẩn

Thực tế hiện nay tại Vinapaco có phát sinh ba loại hình chất thải là: Chất thải rắn, nước thải và khí thải. Chất thải rắn thông thường bao gồm vỏ cây, mùn cưa, bùn vôi, xỉ than, bùn thải,… Trong đó, Tổng công ty đã có phương án tái sử dụng một số chất thải (Bùn sơ cấp có thành phần chủ yếu là xơ sợi thải được chuyển giao cho Công ty Giấy Phong Châu làm bìa cactong; Bùn thứ cấp một phần để làm phân vi sinh, phần còn lại được đốt trong lò hơi đốt sinh khối…).

 quan ly rung ben vung
Vinapaco thực hiện quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.

Đối với các loại chất thải rắn không tái sử dụng được và chất thải nguy hại thì doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực, tư cách pháp nhân để chuyển giao, xử lý theo đúng quy định.

Vinapaco cho biết, toàn bộ nước thải sản xuất; vệ sinh, sinh hoạt của các CBCNV trong Tổng công ty đều được thu gom bằng hệ thống cống ngầm, sau đó đưa về khu xử lý nước thải tập trung bằng phương pháp cơ lý hóa học kết hợp với sinh học bùn hoạt tính xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường.

Vinapaco cũng ký hợp đồng với cơ quan có đủ chức năng chuyên môn và tư cách pháp nhân, lấy mẫu phân tích, kiểm tra toàn bộ các thông số ô nhiễm của các nguồn nước thải ra môi trường (theo đúng quy định của Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường số 70/GXN-TCMT ngày 11/8/2016 và Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 532/GP-BTNMT ngày 13/02/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

xu ly nuoc thai
Nhiều năm qua Vinapaco duy trì hiệu quả Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015

Kết quả phân tích chất lượng các nguồn thải của Trung tâm Môi trường và sản xuất sạch hơn (Bộ Công Thương) gần đây cho thấy chất lượng các nguồn khí thải (lò hơi thu hồi, lò hơi đốt than, lò hơi đốt sinh khối) của Vinapaco trước khi xả ra môi trường đều được xử lý tốt, các thông số đáp ứng quy chuẩn môi trường cho phép QCVN19:2009/BTNMT (các thông số về nồng độ bụi, H2S, SO2, NO2, CO); các nguồn nước thải đều đáp ứng QCVN12-MT:2015/BTNMT (đối với các thông số màu, COD, pH, BOD5, TSS, AOX)…

Chủ động trong đầu tư cho công tác môi trường

Đại diện bộ phận kỹ thuật Vinapaco cho biết xác luôn định sản xuất song song với bảo vệ môi trường, thời gian qua đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trong quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép xả thải vào nguồn nước cũng như các biện pháp phòng ngừa sự cố, rủi ro môi trường; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, diễn tập về phòng cháy chữa cháy, ứng phó với sự cố hóa chất…

doan cong tac lam viec ve cong tac moi truong
Tại buổi làm việc gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh cũng đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của lãnh đạo Vinapaco trong công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó Vinapaco cho biết đồng thời chủ động triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như: Thường xuyên áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất, triển khai tới các đơn vị trực thuộc; tổ chức các hoạt động để hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường; thực hiện tốt các công tác an toàn vệ sinh lao động…

Tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn tại tất cả các phân xưởng, tăng cường các biện pháp quản lý nội vi…; Vinapaco đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tiết kiệm trong sản xuất như: sử dụng tiết kiệm năng lượng, điện, nước sạch, vật tư nguyên liệu và phát huy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải ngay tại nguồn phát sinh…

Ngoài chủ động nâng cấp, đầu tư mới một số thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường như: Máy lọc sala tại hệ thống xử lý nước thải; Nghiên cứu, tiến hành thử nghiệm bổ sung chất trợ lắng cho nước thải sau xử lý vi sinh nhằm nâng cao chất lượng nước thải trước khi xả ra môi trường…; Vinapaco đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn nghiên cứu phương án tái sử dụng các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất của đơn vị…

Nhiều năm qua Vinapaco duy trì hiệu quả Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015(ngày 26/01/2019, Hệ thống đã được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT tiến hành đánh giá, giám sát và cấp Giấy duy trì chứng nhận số 232/QUACERT-KT).

Theo Tạp chí Công thương

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng