Norske Skog buộc phải đóng cửa nhà máy giấy in báo tại New Zealand

  >>> Malaysia: nhà máy sản xuất giấy bao bì, bột giấy tái chế được phép hoạt động ở mức công suất 70%

Lệnh cách ly xã hội tại New Zealand đang ở mức 4, cấm hầu hết các hoạt động công nghiệp dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 22/4 và có khả năng sẽ phải gia hạn thêm thời gian.

Tuy vậy, cũng có một số nhà máy giấy vẫn được phép tiếp tục hoạt động, cung cấp các sản phẩm thiết yếu hoặc có quy trình sản xuất liên tục. Như nhà máy Kinleith của công ty Oji Fiber Solutions, có công suất 340.000 tấn giấy bao bì hòm hộp/năm và 280.000 tấn gỗ thông xẻ/năm hay nhà máy giấy tissue Asaleo Care của Kawerau có công suất 57.000 tấn/năm.

Norske Skogindustrier ASA hay Norske Skog, tạm dịch là Công ty lâm nghiệp Na Uy, là một công ty giấy và bột giấy của Na Uy có trụ sở tại Halden, Na Uy và được thành lập vào năm 1962. Tập đoàn này là nhà sản xuất giấy in báo lớn nhất thế giới, với 18 nhà máy trên khắp thế giới.

Theo RISI – VPPA dịch

Giảm số lượng báo cáo môi trường cho doanh nghiệp

Trước đây, lĩnh vực môi trường là lĩnh vực có nhiều báo cáo nhất mà doanh nghiệp phải thực hiện so với các lĩnh vực khác còn lại của Bộ (chiếm 80%). Chế độ báo cáo về môi trường của doanh nghiệp được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau từ luật, nghị định, quyết định và thông tư.

Các nội dung của các báo cáo này là khác nhau bởi các mục đích, yêu cầu quản lý khác nhau. Các doanh nghiệp thực hiện các báo cáo môi trường tại nhiều thời điểm khác nhau và cơ quan nhà nước được báo cáo cũng rất khác nhau.

Cụ thể, lĩnh vực môi trường có 11 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm luật, nghị định, quyết định và thông tư; quy định 27 loại báo cáo khác nhau cho các đối tượng là doanh nghiệp phải thực hiện.

Hầu hết các doanh nghiệp phải thực hiện tối thiểu là 2 báo cáo và tối đa là 24 báo cáo khác nhau trong một năm để gửi các cơ quan có thẩm quyền khác nhau ở trung ương và địa phương.

Theo rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các báo cáo vẫn có một số nội dung còn trùng lặp, giống nhau; tần suất và thời điểm báo cáo khác nhau, cơ quan nhận báo cáo khác nhau… làm cho việc thực hiện báo cáo rất phức tạp không cần thiết và thực sự là một gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

Qua thực tế rà soát và tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương… Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra đề xuất cắt giảm, tích hợp các báo cáo về môi trường. Đề xuất này đã trở thành hiện thực khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định tích hợp các báo cáo về môi trường; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã cụ thể hóa và quy định mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường chung của doanh nghiệp, tích hợp các báo cáo môi trường riêng lẻ trước đây.

  >>> Kinh tế chất thải – xu hướng tất yếu

cac-he-thong-xu-ly-nuoc-thai môi trường

Theo đó, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định các báo cáo môi trường của doanh nghiệp được lồng ghép, tích hợp trong cùng một báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Các báo cáo chuyên đề riêng lẻ trước đây trở thành các phụ lục kèm theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Sau khi Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, các doanh nghiệp chỉ thực hiện 1 báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong 1 năm. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được gửi cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có liên quan, gồm cả cấp trung ương và cấp địa phương.

Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã cắt giảm được 23 báo cáo, chiếm 85% số lượng báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh báo cáo công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một vài báo cáo có tính chất đặc thù khác chưa được tích hợp.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đề xuất tích hợp các báo cáo này vào báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và sẽ được thực hiện trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường. Việc này nhằm bảo đảm quán triệt nguyên tắc “một doanh nghiệp chỉ có một báo cáo môi trường” để giảm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc cắt giảm này chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc cải cách chế độ báo cáo về môi trường đã được quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT.

Cải cách chế độ báo cáo của doanh nghiệp quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT cũng cắt giảm được tần suất và số lần phải báo cáo. Trước đây phải thực hiện nhiều báo cáo tương ứng với nhiều thời điểm khác nhau thì nay chỉ có một thời điểm báo cáo duy nhất và có thể gửi cho nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau.

Đồng thời, quy định này còn giúp loại bỏ các nội dung trùng lặp không đáng có của các báo cáo riêng lẻ trước đây, giúp bảo đảm chất lượng báo cáo và tính thống nhất của các số liệu trong báo cáo.

Theo Môi trường

Malaysia: nhà máy sản xuất giấy bao bì, bột giấy tái chế được phép hoạt động ở mức công suất 70%

>>> Kế hoạch sản xuất giấy bao bì hòm hộp của các công ty Trung Quốc

Một số công ty lớn tại Malaysia như GS Paper and Packaging, Muda Holdings và Pascorp Paper Industries đã buộc phải ngừng hoạt động một số dây chuyền, sắp xếp lại ca làm để giảm sự tiếp xúc giữa các nhân viên. Riêng công ty sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế Pascorp Paper Industries đã ngừng sản xuất tại hai máy, tổng công suất 140.000 tấn/năm và chỉ chạy duy trì PM2 có công suất 160.000 tấn/năm tại nhà máy ở bang Pahang.

Dịch Covid-19 cũng làm hoạt động kinh doanh của các nhà máy bị ảnh hưởng. Vì vậy, một cơ sở gia công hòm hộp lớn công ty chuyển đổi lớn tại Malaysia đã quyết định đóng cửa nhà máy gia công giấy in và giấy bao bì, xuất khẩu sang các nước Châu Á khác, Châu Âu và Mỹ. Nhà máy sản xuất giấy in báo Menkatab, mặc dù có sản xuất cả giấy bao bì cũng đã phải tạm dừng hoạt động.

Các nhà máy sản xuất bột giấy tái chế được hoạt động với công suất 50%, bao gồm nhà máy của công ty Nine Dragons tại Bentong, Pahang, có công suất 480.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy tái chế của công ty Lee & Man, tại Sepang ở bang Selangor, có công suất 400.000 tấn/năm./.

Theo RISI – VPPA dịch

Kế hoạch sản xuất giấy bao bì hòm hộp của các công ty Trung Quốc

Nhiều nước trên thế giới đang dồn hết sức cho cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời lo mở mặt trận mới thời kỳ hậu Covid-19. Còn Trung Quốc, dường như vừa thoát nạn, đã bước ngay vào thời kỳ tăng công suất sản xuất giấy bao bì hòm hộp.

  >>> Trung Quốc phát hành giấy phép nhập khẩu RCP lần 5

  >>> Trung Quốc cắt giảm nguồn cung giấy CFP vì Covid-19

Đầu tháng trước, công ty Anui Linping Paper của Trung Quốc đã khởi chạy lại PM 6 công suất 250.000 tấn/năm tại nhà máy ở thành phố Tô Châu, tỉnh An Huy, nâng tổng công suất sản xuất giấy bao bì hòm hộp của công ty lên 950.000 tấn/năm. Máy được cung cấp bởi Huazhang Technology và chuyên sản xuất giấy lớp mặt làm từ 100% sơ xợi tái chế.

Cũng vào tháng trước, công ty Jiamusi Longde Paper đã bắt đầu chế tạo một BM sản xuất giấy lớp mặt tái chế công suất 500.000 tấn/năm BM tại Hắc Long Giang, Trung Quốc. Các bộ phận chính của dây chuyền sản xuất được cung cấp bới công ty Yue Li Machiner, Đài Loan. Dây chuyền có khổ giấy sau cắt biên là 6,6m và tốc độ thiết kế đạt 1.000 m/phút.

Máy dự kiến đi vào hoạt động vào quý 2 năm 2021, trở thành BM đầu tiên của nhà máy và đưa Jiamusi Longde Paper trở thành nhà sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế lớn nhất tại Hắc Long Giang. Bên cạnh đó, việc xây dựng BM này sẽ giúp tránh việc lãng phí khi phải vận chuyển giấy thu hồi hàng trăm km đến các nhà máy ở Liêu Ninh hoặc thậm chí là Hà Bắc.

Theo RISI – VPPA dịch

Chủ tịch VCCI: “Nới phong toả là gói kích thích kinh tế lớn nhất”

Chia sẻ quan điểm về tái khởi động nền kinh tế hậu Covid-19, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – VCCI cho rằng, Việt Nam là một trong ít các quốc gia khống chế tốt dịch bệnh và có điều kiện dỡ bỏ sớm các biện pháp cách ly, tái khởi động nền kinh tế.

“Chúng ta đang có cơ hội bước ra khỏi đà suy giảm kinh tế xuất phát từ đại dịch sớm hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Đó là cơ hội vàng”, ông nói.

Cơ hội được ông Lộc nhắc tới là mở cửa thị trường nội địa cho doanh nghiệp ngay khi dịch được kiềm chế. Ông phân tích, hiện các nhà máy sản xuất được tiếp tục vận hành, công trường mở cửa nhưng nếu lưu thông hàng hóa vẫn bị cấm hay hạn chế, nhà hàng, cửa hiệu ngưng hoạt động, giao thông vận tải ách tắc thì chuỗi cung ứng vẫn bị đứt đoạn. Nền kinh tế theo đó vẫn trì trệ.

Trong khi đó ông Lộc cho rằng chi phí cơ hội của việc thực hiện cách ly xã hội lại rất lớn và hậu quả kinh tế gánh chịu khá nặng nề. Đây là thời điểm thích hợp để sớm nới lỏng, tiến tới dỡ bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn đảm bảo những điều kiện kinh doanh an toàn.

“Chậm dỡ bỏ các biện pháp ‘ngăn sông, cấm chợ’ thì chẳng khác nào chúng ta một tay bơm tiền giải cứu còn tay kia vẫn ‘bóp nghẹt’ thị trường. Hệ quả là các chính sách không đồng hướng, triệt tiêu nhau và doanh nghiệp không thể trở lại kinh doanh như kỳ vọng”, ông chia sẻ.

Theo khảo sát của VCCI, 50% doanh nghiệp sẽ khó tiếp tục trụ vững sau nửa năm nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và các biện pháp cách ly không được dỡ bỏ kịp thời. Hàng triệu người lao động đang bị mất việc làm và sẽ có nguy cơ gia tăng thời gian tới. Hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất và không ít đang trong trạng thái “ngủ đông”, “chết lâm sàng”.

Do đó, mở cửa sớm thị trường, trước hết là nội địa, sẽ giúp các doanh nghiệp tái khởi động mà trong nhiều trường hợp, không cần đến các “máy trợ thở” về tài chính.

Đồng thời ông đề nghị Chính phủ nên xem xét lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tái khởi động nền kinh tế, phục hồi doanh nghiệp do Thủ tướng làm trưởng ban.

Tại cuộc họp về phòng chống Covid-19 hôm qua (20/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra nhận định, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn. Việt Nam sẽ nới lỏng từng bước các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng phải có kiểm soát đúng mức, tránh tình trạng chủ quan.

Ở góc độ khác, nới lỏng giãn cách xã hội, tái khởi động lại một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh như ứng dụng công nghệ số vào giao dịch, tương tác với khách hàng.

Ông Thành cho rằng, bài học sau đại dịch lần này rất sâu sắc bởi nó còn là kinh nghiệm về cách xử lý, phục hồi và bứt phá sau dịch bệnh của nền kinh tế. Covid-19 làm xuất hiện những xu hướng mới, cách thức kinh doanh mới mà nếu doanh nghiệp nhanh nhạy bắt kịp chuyển đổi vẫn có thể thắng.

“Chẳng hạn chuyển đổi trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sẽ giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, tránh lệ thuộc vào nguyên liệu, công nghệ nước ngoài”, ông ví dụ.

Theo Vnexpress

 

Giá dầu sụp đổ, rơi xuống dưới 0 USD/thùng như thế nào?

Giá dầu thô Mỹ giao tháng 5 rơi tự do xuống mức âm trong phiên giao dịch ngày 20/4 cho thấy nguồn cung dầu đang quá thừa thãi đến mức không còn đủ chỗ trống trong các kho chứa.

Thị trường dầu thô Mỹ vừa trải qua cơn địa chấn khi giá dầu WTI giao tháng 5 trên sàn New York trong phiên giao dịch 20/4 giảm hơn 100% và chốt ở mức –37,63 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô Mỹ giao dịch ở “cõi âm”.

Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất dầu thô phải trả tiền cho bên mua thay vì ngược lại. Dù vậy, trong phiên giao dịch qua đêm, giá dầu WTI giao tháng 5 đã quay trở lại “dương thế”, dao động ở mức 1,17 USD/thùng. Đầu năm nay, giá dầu đạt hơn 60 USD/thùng.

Theo New York Times, cú sụp đổ đáng kinh ngạc đó là kết quả của những diễn biến đầy phức tạp trên thị trường giao dịch dầu tương lai, nhưng cũng cho thấy sự rối loạn của ngành công nghiệp dầu khí trong thời điểm dịch Covid-19 làm nền kinh tế toàn cầu tê liệt.

Nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu lao dốc không phanh. Saudi Arabia, Nga và các quốc gia khác đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác, nhưng các kho chứa dầu trên thế giới đã sắp chật cứng. Và ngành công nghiệp dầu thô toàn cầu vẫn đang xả 100 triệu thùng/ngày ra thị trường.

     >>> Giá xăng, dầu tại Việt Nam giảm mạnh

Hết chỗ chứa dầu

Giá dầu rơi xuống mức âm một phần là bởi cách dầu được giao dịch trên thị trường. Hợp đồng tương lai buộc bên mua phải lấy dầu trong tháng 5 đáo hạn vào ngày 21/4. Nhưng không ai muốn mua bởi không có chỗ để chứa dầu.

Trong khi đó, các hợp đồng dầu giao tháng 6 vẫn được giao dịch với giá khoảng 22 USD mỗi thùng, giảm 16% so với một ngày trước đó. Các hợp đồng giao tháng 7 và 8 vẫn duy trì ổn định ở mức trên 20 USD/thùng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu trên thị trường Mỹ về mức âm trong phiên giao dịch ngày 20/4. Ảnh: Getty Images.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu trên thị trường Mỹ về mức âm trong phiên giao dịch ngày 20/4. Ảnh: Getty Images.

“Nếu bạn là nhà sản xuất, thị trường đã biến mất. Và nếu không thể tìm được chỗ chứa dầu thì vận may của bạn đã cạn kiệt”, New York Times dẫn lời ông Aaron Brady, Phó chủ tịch hãng nghiên cứu và tư vấn IHS Markit, nhận định. “Cả hệ thống đang bị tê liệt”.

Các nhà máy lọc dầu giờ đây không còn muốn nhận thêm dầu thô để sản xuất thành xăng, dầu diesel hay các sản phẩm từ dầu khác nữa vì nhu cầu đi lại trên toàn thế giới giảm mạnh trong dịch bệnh. Thêm vào đó, thương mại toàn cầu cũng lao dốc đáng kể.

Các kho chứa chật chỗ, nhiều công ty phải trữ dầu trên xà lan hay bất cứ ngóc ngách nào còn trống. Điểm sáng duy nhất của ngành kinh doanh dầu mỏ hiện nay chính là những công ty sở hữu bể chứa. “Đó là thực tế của thị trường”, nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy cho biết.

Ước tính, thế giới có khả năng trữ 6,8 tỷ thùng dầu. Và theo các chuyên gia năng lượng, hiện 60% không gian đó đã được lấp đầy. Tình trạng thừa dầu được thể hiện rõ ràng tại Cushing, Oklahoma (Mỹ). Đây là trung tâm trữ dầu quan trọng, nơi dầu mỏ của các hợp đồng tương lai trên thị trường Mỹ được chuyển tới.

Với khả năng trữ 80 triệu thùng dầu, Cushing hiện chỉ còn chỗ cho 21 triệu thùng, tức ít hơn sản lượng dầu thô trong 2 ngày của Mỹ, theo công ty Rystad Energy. Hồi tháng 2, gần 50% diện tích kho ở Cushing còn trống.

Giờ các chuyên gia dự báo Cushing sẽ không còn chỗ chứa dầu vào tháng 5. Tại Caribbean và Nam Phi, các bể chứa gần như đã được lấp đầy. Còn Angola, Brazil và Nigeria có thể sẽ không còn không gian trữ dầu chỉ trong vài ngày tới.

Giảm khai thác là không đủ

Ngày 20/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nhà Trắng sẽ đưa 75 triệu thùng dầu vào kho dự trữ chiến lược. Kho này có khoảng 635 triệu thùng dầu và đủ chỗ chứa thêm 75 triệu thùng nữa. Tuy nhiên, kho của Mỹ chỉ có thể tiếp nhận khoảng 500.000 thùng mỗi ngày.

Giới chuyên gia khẳng định rất khó để giải quyết nhanh các vấn đề của ngành dầu mỏ. Cơ sở hạ tầng của ngành rất phức tạp và không dễ để ngừng khai thác. Ngoài ra, các nước như Saudi Arabia và Nga – với nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ – rất ngại cắt giảm sản lượng khai thác.

Việc đóng cửa các giếng dầu và mở chúng trở lại khi nhu cầu tăng lên cần đến nguồn nhân lực và thiết bị đắt đỏ. Ngoài ra, một số công ty vẫn tiếp tục khai thác dầu, kể cả khi bị lỗ, để trả lãi vay ngân hàng và tồn tại.

Cú sụp đổ hôm 20/4 là một diễn biến bất thường. Thông thường, chênh lệch giá giữa dầu giao tháng tới và tháng kế tiếp khá nhỏ. Nhưng trong ngày 20/4, dầu giao tháng 5 bị coi là rác, trong khi dầu giao tháng 6 chỉ giảm giá một phần.

Giá dầu Brent – chỉ số giá dầu ngoài nước Mỹ được sử dụng ở hầu hết thị trường trên thế giới, với hợp đồng tháng 5 đã đáo hạn – chỉ giảm khoảng 5% xuống dưới 27 USD/thùng. “Sự chênh lệch cho thấy thị trường đang chịu sức ép quá lớn. Chênh lệch cung cầu là rất rõ ràng”, nhà phân tích Antoine Halff của Kayrros cho biết.

Tuần trước, thị trường le lói tín hiệu lạc quan khi OPEC, Nga và các nước đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày. Con số này tương đương 10% tổng sản lượng toàn cầu, mức giảm lớn nhất trong lịch sử. Đó là sự thừa nhận nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đã lao dốc thảm hại.

Tuy nhiên, chừng đó là không đủ. Các chuyên gia năng lượng ước tính tiêu thụ dầu hàng ngày giảm 29 triệu thùng trong tháng 4, gấp 3 lần so với mức cắt giảm của thỏa thuận trên. Và tháng 5 được dự báo sẽ còn chênh lệch lớn hơn nữa.

Các nhà sản xuất dầu của Mỹ cũng giảm sản lượng, nhưng không đủ nhanh. Ở tốc độ hiện tại, sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm xuống dưới 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, từ mức 13,3 triệu thùng cuối năm 2019. Nhiều công ty bắt đầu báo lỗ lớn và làn sóng phá sản sẽ xuất hiện trong vài tháng tới.

Việc giảm sản lượng có thể giúp bình ổn thị trường nhưng sẽ mất nhiều tháng mới có tác động. Các hợp đồng dầu giao tháng 5/2021 trên thị trường Mỹ giao dịch ở mức khoảng 35 USD/thùng trong phiên ngày 20/4. Điều này cho thấy giá dầu có thể mất tới cả năm để quay về mức giá của vài tuần trước, mức giá “chỉ đủ để tồn tại ngắc ngoải”.

Theo Zing

 

Chi phí tăng mạnh, Dohaco vẫn báo lãi quý I gấp 4,3 lần so với cùng kỳ

Nhà máy giấy Giao Long II đi vào hoạt động chính thức từ đầu quý IV/2019 giúp lợi nhuận Dohaco (DHC) đột biến 2 quý gần đây. Chi phí quản lý công ty tăng mạnh do trích lập quỹ lương dự phòng gián đoạn sản xuất do dịch bệnh Covid-19.

>>> Nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu ngành giấy 

Công ty Đông Hải Bến Tre (Dohaco, HoSE: DHC) công bố BCTC với doanh thu thuần 671 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng thấp hơn giúp lãi gộp đạt 162 tỷ đồng, gấp 3,3 lần. Biên lãi gộp đạt 24,2%, cải thiện so con số 18% quý I/2019.

báo cáo quý i dhc
Đơn vị: tỷ đồng

Các loại chi phi đều tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng chiếm tỷ trọng thấp như chi phí tài chính tăng từ 4 tỷ lệ 14 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng từ 6 tỷ lệ 22 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng từ 3 tỷ lên 17 tỷ đồng. Vì vậy, công ty sản xuất giấy ghi nhận lợi nhuận sau thuế 89 tỷ đồng, gấp 4,3 lần.

Đây là quý thứ 2 công ty tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận kể từ khi nhà máy giấy Giao Long – giai đoạn II đi vào hoạt động chính thức.Công ty cho biết nhà máy giấy Giao Long – giai đoạn II đi vào hoạt động chính thức từ 1/9/2019. Sản lượng sản xuất và bán ra tăng mạnh, giá giấy bán ra và giá giấy nguyên liệu mua vào ổn định làm doanh thu tăng mạnh. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng do tăng chi phí vận chuyển, chi phí tiếp thị khách hàng và trích lập quỹ lương dự phòng gián đoạn sản xuất do dịch bệnh Covid-19.

báo cáo quý i dhc
Đơn vị: tỷ đồng

Vào giữa năm 2018, DHC đã chào bán hơn 3,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thu về 62 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo tính đến hết quý I đã sử dụng 43 tỷ đồng cho việc xây dựng nhà máy giấy Giao Long – giai đoạn II và còn lại 18,7 tỷ đồng.

** Nhan đề bài đã đc chỉnh sửa

Theo NDH

Daio Paper và tham vọng tại thị trường xuất khẩu châu Á

Công ty Nhật Bản, Daio Paper đã công bố việc chuyển đổi và mở rộng thành công máy xeo giấy N7 tại nhà máy Mishima ở quận Ehime, có công suất 126.000 tấn/năm.

Cũng tại nhà máy, PM N1 chuyên sản xuất giấy kraft lớp mặt và lớp giữa cũng được được chuyển đổi sang sản xuất giấy kraft bao bì.

Nhà máy Mishima nằm ven biển có vị trí tốt để xuất khẩu sang Trung Quốc và Đông Nam Á.

Vào đầu quý 4/2019, công ty đã cho ngưng máy sản xuất giấy in viết có công suất 150.000 tấn/ năm, và vào đầu tháng 4/2020, dây chuyền được khởi chạy lại chuyển sang sản xuất thương mại giấy bìa.

Mặc dù công suất mục tiêu của máy là 360.000 tấn/năm nhưng hiện tại công suất chỉ đạt 25.000 tấn/tháng (300.000 tấn/năm).

Nhằm tránh tình trạng thừa cung do dịch COVID-19, công ty Daio Paper cũng tuyên bố sẽ ngừng sản xuất giấy bìa tại nhà máy Taisei, giảm lượng cung giấy lớp mặt 76.000 tấn/năm.

Daio paper và thị trường giấy nhật bản

Theo RISI VPPA dịch

JP Corelex chung tay chống dịch Covid-19

Để chung tay cùng cả nước phòng và chống dịch bệnh Covid 19, trong thời gian qua, Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam) đã có nhiều hoạt động ý nghĩa và kịp thời.

Trong đó, Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam) đã ủng hộ trực tiếp cho khu dân cư bị cách ly đầu tiên trong cả nước là xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc 50 thùng giấy vệ sinh.

Vừa qua, công ty tiếp tục ủng hộ thông qua Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phân phối tới các điểm cách ly trên cả nước 500 thùng giấy vệ sinh với trị giá hơn 100 triệu động.

Tại buổi làm việc và nói chuyện với lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Matsushita Hiroshi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam) chia sẻ: “Là nhà máy sản xuất giấy vệ sinh, chúng tôi rất vui vì được phục vụ và cung cấp sản phẩm giấy vệ sinh cho người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước Việt Nam nói chung. Trong bối cảnh hiện nay dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp thế giới, rất nhiều người dân trở thành bệnh nhân, chúng tôi luôn ủng hộ đường lối, chính sách của Chính phủ trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 này và sẽ nỗ lực hết sức để giữ cho nhà máy duy trì được hoạt động trong điều kiện an toàn nhất, để cung cấp hàng hóa cho người dân một cách ổn định”.

Trong đại dịch Covid-19, mặc dù không bị ảnh hưởng quá nhiều như nhiều doanh nghiệp khác (một mặt do loại hình doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, một mặt do lực lượng lao động của công ty ổn định, không có xáo trộn và ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh), nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn thường xuyên cập nhật các thông tin về dịch bệnh, thông tin về chỉ đạo của Chính phủ.

Trụ sở Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Phố Nối A, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Trụ sở Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam) tại KCN Phố Nối A, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Công ty cập nhật tình hình sức khỏe, đi lại của người lao động để có những hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời tới người lao động; đưa ra các biện pháp phòng và chống dịch bệnh như phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí, quan tâm chăm lo tới các bữa ăn ca tại công ty.

Đặc biệt, công ty vẫn cố gắng chi trả lương và các hỗ trợ đúng, đủ giúp cho người lao động ổn định tinh thần và an tâm trong cuộc sống cũng như công việc.

Ban lãnh đạo công ty cũng thường xuyên nhắc nhở người lao động tuân thủ các biện pháp phòng/chống dịch bệnh của Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế. Vì vậy tập thể công ty, người lao động luôn nỗ lực và tin tưởng sẽ vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này.

Có trụ sở tại Khu công nghiệp Phố Nối A (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên sản xuất giấy vệ sinh cao cấp và các sản phẩm khác từ giấy để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đại diện công ty khẳng định, kể từ khi thành lập vào năm 2006 đến nay, công ty luôn chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Hàng năm, công ty cũng luôn ủng hộ và thực hiện các phong trào ủng hộ khác trong khả năng có thể tại địa phương như đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo,…

Theo Dân trí

Kinh tế chất thải – xu hướng tất yếu

‘Kinh tế chất thải’ vừa giải quyết được chất thải bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế bền vững theo xu hướng xanh và tuần hoàn mà thế giới đang hướng đến. Khái niệm này có thể còn mới ở Việt Nam nhưng lại là xu hướng tất yếu.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương, tác giả của giáo trình Kinh tế chất thải, nghiên cứu về sự lựa chọn của con người trong việc giảm lượng phát thải và xử lý chất thải nhằm phục vụ lợi ích của con người đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường sống của con người.

Kinh tế chất thải nghiên cứu hành vi ứng xử kinh tế của người tiêu dùng, nhà sản xuất, cộng đồng và Chính phủ đối với chất thải, giải quyết chất thải dưới góc độ kinh tế ở các khâu của quá trình xử lý.

Khách hàng của dịch vụ vệ sinh môi trường là các hộ gia đình và người dân. Giá cả cho dịch vụ vệ sinh môi trường là phí vệ sinh rác thải được chính quyền địa phương quy định. Việc thu gom, xử lý chất thải và tạo ra các sản phẩm tái chế từ chất thải cũng được trao đổi trên thị trường theo một mức giá nhất định. Giá của các sản phẩm tái chế dựa trên quy luật cung – cầu quyết định.

Qua việc nghiên cứu, tham khảo các khái niệm về kinh tế chất thải ở một số nước trên thế giới và một số khái niệm có liên quan ở Việt Nam, mặc dù có những nội dung và cách tiếp cận vấn đề khác nhau, có thể hiểu “kinh tế chất thải là hoạt động mang lại lợi ích kinh tế từ chất thải”.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương, kinh tế chất thải được thực hiện theo quy trình quản lý tổng hợp chất thải từ khâu phòng ngừa, giảm thiểu chất thải phát sinh, phát triển thị trường cho các sản phẩm từ tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và thực hiện thu phí, thuế phù hợp.

Nói tóm lại, trong nền kinh tế tuần hoàn, rác cũng chính là nguồn tài nguyên. Nền kinh tế này đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những doanh nghiệp đã triển khai mô hình này đang dần minh chứng cho hiệu quả về chi phí của việc tái sử dụng tài nguyên so với khai thác mới từ đầu. Từ đó, cắt giảm chi phí sản xuất cũng như hạ giá thành sản phẩm và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế chất thải nhận định: “Việc thực hiện kinh tế chất thải mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cả lợi ích về tài chính và lợi ích về môi trường. Lợi ích về môi trường được thể hiện qua việc giảm thiểu lượng thải phát sinh, cải thiện chất lượng môi trường tại cơ sở sản xuất”.

Theo đó, lợi ích về tài chính được thể hiện qua việc thực hiện các giải pháp kinh tế chất thải đề xuất mang lại lợi ích tính được bằng tiền, đó là việc giảm chi phí phải xử lý chất thải do giảm lượng chất thải phát sinh; do cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các biện pháp quản lý nội vi, để từ đó giảm lượng nguyên, nhiên vật liệu bị mất mát, tổn thất, nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nước… Bên cạnh đó là lợi ích từ việc thu hồi và bán năng lượng từ chất thải và đó là lợi ích từ việc tham gia các thị trường tái chế, thị trường tái sử dụng hay thị trường mua bán tín chỉ carbon.Thực hiện kinh tế chất thải còn là giải pháp hiệu quả để giảm gánh nặng chi phí trong quản lý chất thải từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua việc áp dụng chính sách về thuế, phí chất thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Theo TS Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức – VIDEBRIDGE, tại Đức, tại châu Âu, ngành kinh tế chất thải thu hút sự đầu tư của hàng ngàn doanh nghiệp với doanh thu hơn 50 tỷ euro/năm.

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà Việt Nam phải thực hiện vì mục tiêu phát triển bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành nên ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của kinh tế tuần hoàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao là đầu mối để quản lý, thống nhất về chất thải rắn trong cả nước tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019.

“Việt Nam cũng đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy… Trong nông nghiệp có mô hình vườn – ao – chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ… Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng các mô hình này đã bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định.

Tuy nhiên thách thức với Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng; thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng của xã hội hiện nay đổi với nhiều sản phẩm để sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Theo đó, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của các nước, các tổ chức quốc tế về kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, chuyển giao các thực tiễn tốt về kỹ thuật, công nghệ cũng như hỗ trợ về tài chính.

Tại Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như: mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh tái chế bao bì Việt Nam. Các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.

Theo Báo Mới