Giấy thu hồi tăng giá mạnh mẽ tại Mỹ

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu cho sản xuất tăng cao, lượng phát sinh thấp, nguồn cung hạn chế, tháng 4/2020, giấy thu hồi các loại tăng giá đột biến tại Mỹ, OCC tăng phi mã gần 200%. SOP, SWL, mixed paper cũng tăng giá mạnh mẽ.

So với thời kỳ tháng 1/2020, giá OCC của Mỹ đã tăng 196% (FOB), chạm ngưỡng 71 USD/tấn trong tháng 4/2020, mức giá cao nhất kể từ tháng 11/2018. Giai đoạn từ tháng 12/2018 đến tháng 02/2019, giá OCC Mỹ giữ mức trung bình 69 USD/tấn, sau đó tháng 4/2019 chỉ còn 40 USD/tấn, giảm 42%. Thậm chí, ở một số nơi do nguồn cung ít, nhu cầu tăng cao, giá OCC được thông báo tăng gấp đôi, tăng 45 USD/tấn, từ mức 15 USD/tấn vào đầu 2020 lên mức 60-65 USD/tấn trong một vài giao dịch (FOB).

Kể từ đầu năm 2020, giá OCC nội địa Mỹ bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ, nhưng đầu tháng 4/2020 đã có mức tăng đột biến 47 USD/tấn. Cụ thể, tháng 01/2020 tăng lên 24 USD/tấn tháng 02/2020 tăng lên 32 USD/tấn, tháng 3/2020 tăng lên 44 USD/tấn.

Sự tăng vọt bất ngờ của giá OCC tại Mỹ được cho là do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nguồn dự trữ thiếu hụt và nhu cầu tăng mạnh. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng OCC phát sinh tại Mỹ giảm tới 50%, cụ thể, tại Đông Bắc giảm hơn 60%, ở khu vực miền Nam trong vài tuần đầu tháng 4 đã giảm 5-10%. Việc thu gom cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều cơ sở thu gom và phân loại nguyên liệu tái chế đã đóng cửa và ngừng hoạt động. Một số nhà máy sản xuất bao bì hòm hộp đã phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu. So sánh các khu vực của nước Mỹ với nhau trong giai đoạn từ tháng 01/2020 đến 4/2020, mức độ tăng giá bình quân của OCC là 154-200%.

Không chỉ có OCC tăng giá mà các nguyên liệu giấy thu hồi khác cũng tromg tình trạng bị khan hiếm trầm trọng, đặc biệt là giấy loại văn phòng lựa chọn (SOP) do các trường học đóng cửa, các nhà in ở Mỹ đang ngừng hoạt động. Trong tháng 4, giá SOP tại Mỹ được giao dịch tăng thêm tới 45-50 USD/tấn. Trong tháng 4/2020, giá SOP lựa chọn cao cấp tại Mỹ có mức giá bình quân 131 USD/tấn (FOB), tăng 54% so với mức 85 USD/tấn trong tháng 1/2020. Tuy nhiên, so với 04/2019 thì giá SOP Mỹ lại thấp hơn 17,6%.

Mức độ tiêu thụ giấy tissue tính theo đầu người tại Mỹ rất lớn, tại Mỹ cũng có rất nhiều loại giấy tissue được sử dụng với các mục đích khác nhau và cũng được sản xuất từ các loại nguyên liệu bột giấy khác nhau. Lường trước được sự bùng nổ nhu cầu đối với các sản phẩm tissue tiêu dùng tại nhà, một số nhà sản xuất tissue Mỹ đã chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm AfH (Away-from-Home) sang các sản phẩm giấy tissue tiêu dùng tại nhà. Việc chuyển đổi sản xuất này lại gặp phải khó khăn về nguồn cung nguyên liệu. Để đối phó với tình trạng này, các nhà máy sản xuất tissue từ nguyên liệu  tái chế đang tìm kiếm thêm các loại giấy khử mực khác ngoài SOP, như lề trắng (SWL), hoặc các loại giấy văn phòng chất lượng cao khác (SBS)…

Hiện nay, mức giá của SWL tại Mỹ đã lên tới 192 USD/tấn, thấp hơn mức giá 4/2019 là 24%. Nhu cầu tăng cao, nguồn cung thấp đã ảnh hưởng đến giá của các loại giấy thu hồi và các sản phẩm thay thế bột giấy ở Mỹ tăng lên. Các nhà máy sản xuất giấy tissue từ bột tái chế cũng đã lên kế hoạch chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang sử dụng bột nguyên thuỷ.

Một số nhà máy, ngay cả các nhà máy lớn, trước kia sử dụng nguyên liệu SWL, đã chuyển sang sử dụng loại HWEC (lề phong bì trắng cứng) để có chất lượng và năng suất tốt hơn. Giấy loại hỗn hợp cũng đang tăng giá tại Mỹ, do các nhà máy sản xuất giấy tissue sử dụng giấy hỗn hợp như một loại chất độn để phối trộn với các loại nguyên liệu khác, nhằm bù đắp thiếu hụt nguyên liệu. Khi nguồn cung các loại giấy SOP, SWL… bị hạn chế, các nhà máy đã tích cực mua giấy hỗn hợp để bù vào. Giá giấy hỗn hợp đã lên tới 5-10 USD/tấn, đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 01/2020./.

Theo PPI Pulp&Paper Week

 

Giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp ở tất cả khung giờ

Chiều 12.4, Bộ Công Thương đã chính thức thông tin về việc giảm giá điện và giảm tiền điện – hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chống dịch COVID-19, bắt đầu từ tháng 4 – tháng 6.2020.

Về việc giảm giá điện, Bộ Công Thương cho biết, khách hàng sản xuất và kinh doanh sẽ được giảm giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm với mức giảm 10% so với đơn giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20.3.2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân và quy định giá bán điện.

Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được giảm 10% so với đơn giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT đối với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng).

Khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch được điều chỉnh giá điện giảm từ mức giá điện áp dụng cho khách hàng kinh doanh dịch vụ nay xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất.

Về việc giảm tiền điện, theo Bộ Công Thương sẽ giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19. Đồng thời cũng giảm 20% tiền điện cho các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

Bộ Công Thương thông tin về việc giảm giá điện. Ảnh: EVN
Bộ Công Thương thông tin về việc giảm giá điện. Ảnh: EVN

Với các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là gần 11.000 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỉ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỉ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỉ đồng. EVN giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch khoảng 100 tỉ đồng.

Về tổng số thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện, Bộ Công Thương cho biết sẽ giảm 3 tháng (tháng 4, tháng 5 và tháng 6)

Thời điểm giảm giá điện và giảm tiền điện được xác định theo kỳ ghi chỉ số của đơn vị điện lực tại công tơ điện của khách hàng. Do vậy đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện khách hàng sử dụng trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6.2020 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7.2020.

Về tổ chức thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện, hiện Bộ Công Thương đã làm dự thảo Văn bản hướng dẫn chi tiết và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật trước khi chính thức phát hành văn bản chỉ đạo EVN thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện theo đúng chỉ đạo.

Đồng thời Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các khách hàng sử dụng điện.

Để hạn chế việc hóa đơn tiền điện tăng cao vào các tháng nắng nóng, Bộ Công Thương khuyến cáo các khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả bằng cách tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng; đặt điều hoà nhiệt độ làm mát từ 26 độ trở lên….

Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên để không khí lưu thông, thoáng mát, vừa giúp tiết kiệm điện, vừa giúp làm giảm mật độ virus, vi khuẩn hạn chế bệnh dịch lây lan.

Theo Lao động

Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do COVID-19

Chính phủ ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ: Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.

Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

Theo Chính Phủ

Trung Quốc cắt giảm nguồn cung giấy CFP vì Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ và giá đều giảm mạnh, các nhà sản xuất giấy in có tráng cao cấp (CFP) tại Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm sản lượng trong tháng 4/2020 khoảng 96.000 tấn.

Cụ thể, trong tháng 4 APP nhà sản xuất CFP lớn nhất tại Trung Quốc sẽ cắt giảm sản lượng 30.000 tấn CFP của nhà máy Yangpu ở tỉnh Hải Nam và nhà máy Zhenjiang ở tỉnh Giang Tô. Trong đó, nhà máy Yangpu vận hành một PM duy nhất có công suất CFP là 1,2 triệu tấn/năm và nhà máy Zhenjiang có ba PM với công suất kết hợp đạt 1,95 triệu tấn/năm, chủ yếu là CFP. Việc cắt giảm sản xuất CFP của APP có thể sẽ kéo dài trong vài tháng tới.

Vào giữa tháng 4, công ty Shandong Huatai Paper sẽ dừng hoạt động máy sản xuất CFP có công suất 700.000 tấn/ năm tại nhà máy ở thành phố Dongying, tỉnh Shandong trong 9 ngày. Việc dừng máy khiến nguồn cung CFP của công ty sẽ giảm khoảng 19.000 tấn.

Nửa cuối tháng 4, công ty Chenming Paper Holdings sẽ dừng hoạt động hai máy sản xuất CFP tại nhà máy ở thành phố Shouguang, tỉnh Sơn Đông. Trong đó, PM có công suất 380.000 tấn/ năm sẽ ngừng hoạt động trong một tuần và PM có công suất 800.000 tấn/ năm sẽ dừng chạy trong 10 ngày. Việc này sẽ giảm sản lượng CFP của Chenming Paper Holdings khoảng 32.000 tấn.

Cũng trong tháng 4, Shandong Sun Paper Industry sẽ cắt giảm 25% nguồn cung CFP, tương đương gần 15.000 tấn từ nhà máy Yanzhou ở tỉnh Sơn Đông, có công suất 700.000 tấn/ năm.

Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 khiến thị trường CFP ở Trung Quốc bị vượt cung. Mặc dù, trong tháng 3, Trung Quốc đã cố gắng khởi động lại nền kinh tế nhưng chi tiêu của người dân và nhu cầu từ các nhà kinh doanh vẫn rất hạn chế. Hiện nay, Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu khiến nhu cầu của thế giới cũng như các đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng tụt giảm. Điều này dẫn đến giá CFP tại Trung Quốc tiếp tục giảm trở lại hoặc xuống dưới mức đáy kể từ cuối tháng 1.

Hiện nay, giá CFP tại Trung Quốc giảm 150-200 RMB/ tấn, chỉ còn 5.400 – 5.750 RMB/ tấn.

Theo RISI – VPPA dịch

Chính thức giãn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân từ 8/4

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, tức ngày 8/4/2020.

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất sẽ áp dụng cho một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như sau:

Một là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; Dệt; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, Sản xuất trang phục; Sản xuất giày, dép; Sản xuất sản phẩm từ cao su; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; Sản xuất, lắp ráp ô tô… (và nhiều ngành nghề khác được cụ thể được chi tiết trong Nghị định 41/2020/NĐ-CP)

Hai là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành vận tải đường sắt; Vận tải đường bộ; Vận tải đường thủy; Vận tải hàng không; Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch… (và nhiều ngành nghề khác được cụ thể được chi tiết trong Nghị định 41/2020/NĐ-CP).

Ba là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Bốn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng.

Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý được gia hạn như sau:

Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020.

Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 4/2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020.

Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 5/2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020.

Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 6/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020.

Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 1/2020 chậm nhất là ngày 30/9/2020.

Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 2/2020 chậm nhất là ngày 30/12/2020.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 mà chưa nộp vào Ngân sách Nhà nước và số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 năm 2020. Thời hạn gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động trong một số ngành kinh tế. Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này trước ngày 31/12/2020.

Đối với tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất 05 tháng kể từ ngày phải nộp tiền thuê đất của kỳ 1 theo quy định của pháp luật.

Xem đầy đủ Nghị định 41/2020/NĐ-CP: Nghi-dinh-41-2020-NĐ-CP

VPPA

 

Sản xuất và kinh doanh giấy tissue toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh giấy tissue toàn cầu đã có những biến đổi mạnh mẽ, khả năng trong thời gian tới sẽ có những tác động sâu sắc do đại dịch COVID-19. Đặc biệt sẽ gây nên ảnh hưởng khác nhau và rõ rệt đối với các phân khúc giấy tissue của người tiêu dùng, nhất là đối với loại giấy tissue AfH – loại giấy dùng cho hoạt động di chuyển.

Đại dịch COVID-19 đang là chủ đề chính được bàn luận ở mọi nơi trên toàn thế giới. Dịch đang gây ảnh hưởng nặng nề đối với mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của con người, từ tự do di chuyển, việc làm, đến khả năng hoạt động và thanh toán tài chính của các công ty. Nền kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ chuyển sang giai đoạn suy thoái, mặc dù rất khó có thể ước tính được mức độ suy thoái sẽ sâu đến mức nào.

Riêng lĩnh vực sản xuất và kinh doanh giấy tissue toàn cầu đã có những biến đổi mạnh mẽ, khả năng trong thời gian tới sẽ có những tác động sâu sắc do đại dịch COVID-19. Đặc biệt sẽ gây nên ảnh hưởng khác nhau và rõ rệt đối với các phân khúc giấy tissue của người tiêu dùng, nhất là đối với loại giấy tissue AfH – loại giấy dùng cho hoạt động di chuyển.

Trước hết, nói về thị trường Trung Quốc, nơi đây là cái ổ phát tán virus ra toàn bộ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trước khi tiếp tục đến Tây Âu và Bắc Mỹ. Thời gian đầu, nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa, bao gồm tất cả các nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc.

Mặc dù một số công ty lớn như APP, Vinda Paper, C&S Paper và Shanghai Taison Group có các nhà máy ở đây, nhưng Hồ Bắc không phải là trung tâm sản xuất giấy tissue, chỉ chiếm chưa đến 5% công suất tissue toàn Trung Quốc. Nhưng việc đóng cửa các nhà máy ở Hồ Bắc đã phá vỡ chuỗi cung ứng ngay khi người tiêu dùng đổ xô đi mua giấy vệ sinh. Ngay khi đó, Vinda Paper đã cho hoạt động lại một PM cũ tại Quảng Đông đã bị đóng cửa vào giữa năm 2019 để thay thế một phần sản xuất bị mất ở Hồ Bắc.

Tình hình tại Trung Quốc đã gây lo lắng cho các khu vực khác ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, những nơi nhập khẩu chính giấy tissue từ Trung Quốc, như Hồng Kông, Macao và Úc. Dân chúng hoang mang, bạo lực bùng phát, gây nên hiện tượng tranh cướp để mua cho được loại hàng này.

Ở Úc, nhà bán lẻ lớn nhất là Woolworths, ra quy định hạn chế số lượng khăn giấy mà một khách hàng được phép mua. Các nhà bán lẻ hàng đầu khác ở Úc như Coles, Aldi và Costco cũng đã học theo Woolworths trong việc bán giấy vệ sinh. Tại Hồng Kông, một chiếc xe tải chở đầy giấy vệ sinh đã bị đánh cướp.

Các gian hàng giấy vệ sinh tại các siêu thị nhiều nước trống rỗng. (Ảnh Internet)

Giấy vệ sinh đã trở thành loại hàng quý hiếm, là một mặt hàng chiến lược?

Ở châu Á, nhờ các biện pháp phòng ngừa và cách ly xã hội triệt để, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và nhất là Việt Nam đã có thể ngăn chặn sự lây lan lớn của sự lây nhiễm, mặc dù chưa hoàn toàn ngăn chặn được đại dịch.

Tại Trung Quốc, với số lượng ca bệnh mới giảm mạnh trong tháng 3, chính quyền địa phương bắt đầu cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại từ ngày 10 tháng 3 với điều kiện có đủ biện pháp bảo vệ chống lại virus, bao gồm cả khẩu trang cho nhân viên làm việc. Ngành công nghiệp giấy và bột giấy đã dần hồi phục sau thời gian ngừng hoạt động kéo dài.

Tại Hồ Bắc, cuối tháng 3/2020 lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ, cho phép xe tải và xe hơi đi lại, và cho phép đi lại hạn chế đối với dân chúng, , ngoại trừ Vũ Hán. Đối với thủ đô Bắc Kinh và các nơi khác, mọi người được phép vào nhưng không được ra khỏi cho đến ngày 8 tháng 4.

Ngày 14/3, C&S Paper đã khởi động lại nhà máy giấy tissue công suất 140.000 tấn/năm tại Xiaogan, một trung tâm sản xuất giấy tissue lớn. Các nhà sản xuất hàng đầu như APP China, Vinda International cũng đã sản xuất trở lại tại các nhà máy tissue của họ ở Xiaogan, công suất lần lượt là 240.000 tấn/năm và 300.000 tấn/năm.

Trong khi nhà máy tissue của  Shandong Chenming ở Vũ Hán, bao gồm một PM tissue công suất 60.000 tấn/năm vẫn ngừng hoạt động và chưa ấn định ngày sản xuất trở lại.

Trung Quốc là nước xuất khẩu giấy tissue lớn nhất thế giới. Mọi người đều cho rằng, việc xuất khẩu giấy tissue của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ việc các nhà máy sản xuất đóng cửa và nhu cầu tiêu thụ trong nước gia tăng.

Nhưng số liệu thống kê xuất khẩu trong hai tháng 1-2/2020 cho thấy chỉ có sự sụt giảm nhỏ khoảng 5.000 tấn (3,7%) trong xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Đây thực sự là một bất ngờ lớn đối với các nhà theo dõi và phân tích thị trường.

Người tiêu dùng gia tăng tích trữ giấy vệ sinh. Ảnh Internet

Một vấn đề khác là ảnh hưởng của các dự án mở rộng đang diễn ra ở Trung Quốc. Đầu tháng 1/2020, đã có thông báo về việc khởi chạy các PM mới do các nhà cung cấp và lắp đặt trong nước thực hiện. Nhưng trong cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và trong tháng 2/2020 đều không có thong báo khởi chạy mới nào. Đối với các dự án với thiết bị đầu tư nước ngoài có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các dự án của các nhà sản xuất máy móc trong nước.

Trong đó, Andritz có bốn PM lớn, hai cho Oji Nepia và hai cho Shanghai Taison Group, Valmet có hai PM cho APP và PMP Group có ít nhất sáu PM cho APP và một vài PM cho Tập đoàn Yusen Group của Hebei.

Tất cả các nhà cung cấp này đều có các công ty con ở Trung Quốc, nhưng đội ngũ vận hành khởi chạy thường là các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của nước sở tại.

Khi virus lây lan sang các khu vực khác, sự hoảng loạn mua và tích trữ giấy tissue cũng đi theo. Các nhà bán lẻ ở Bắc Mỹ và Châu Âu cũng thấy cần phải hạn chế số lượng khăn giấy mua cho mỗi khách hàng, nhằm bảo đảm kệ hàng luôn có hàng.

Đây thực sự là tin không tệ đối với các nhà máy sản xuất giấy tissue, họ đã huy động năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng đột ngột. Các nhà máy sản xuất giấy tissue ở Bắc Mỹ và Châu Âu đã hoạt động ở mức công suất tới hạn trong suốt thời gian qua.

Tiêu thụ giấy vệ sinh (toiket paper) tại Đức đã bùng nổ gấp 3 lần bình thường trong tuần từ 16-22/3/2020. Tại Đức, cũng đã xảy ra tình trạng tấn công và chiếm đoạt giấy vệ sinh khi vận chuyển trên đường. Các nhà máy đều báo cáo việc sử dụng hết công suất và các ca làm thêm để gia công giấy vệ sinh, nhu cầu mua thêm giấy tissue cuộn lớn tăng mạnh.

Ở Bắc Mỹ, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bắt đầu muộn hơn một chút, do đó, ảnh hưởng đến việc kinh doanh giấu tissue trong tháng 2/2020 là ổn định. Nhưng vào đầu tháng 3, mọi thứ đã thay đổi.

Các nhà bán lẻ từ Walmart đến các cửa hàng nhỏ hơn đã báo cáo các kệ hàng của họ đã trống rỗng giấy vệ sinh. Các nhà kinh doanh online giấy vệ sinh tại Mỹ đang chiếm khoảng 11% thị phần tiêu thụ giấy tissue, dẫn đầu là Amazon, đã phải nhanh chóng thông báo không có hàng.

Nhằm đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ gia tăng đột ngột, các nhà máy tissue tại đây cũng đã phải làm việc ở giới hạn công suất của họ, mức sử dụng công suất ước tính khoảng 98-99%.

Theo báo cáo của các nhà sản xuất và phân phối, như Georgia-Pacific (GP) cho biết các nhà máy và trung tâm phân phối của họ hoạt động với 120% công suất.

Trên toàn nước Mỹ, việc mua giấy vệ sinh tăng đột biến, doanh số bán giấy vệ sinh tăng 60% trong tuần kết thúc vào ngày 7 tháng 3 và giá bán lẻ cũng tăng.

Tại các nhà thuốc và các nhà bán lẻ lớn, giá giấy vệ sinh tại đã tăng 8,6% trong tuần kết thúc vào ngày 8 tháng 3, tăng 18% chi phí cho người tiêu dùng so với cùng tuần năm 2019.

Các nhà máy gia công giấy vệ sinh gia tăng công suất. Ảnh internet

Trong khi tiêu thụ giấy vệ sinh, khăn giấy tại các siêu thị, nhà thuốc gia tăng đột ngột, đơn đặt hàng của các nhà phân phối tăng gấp đôi thì nhu cầu về loại sản phẩm này tại sân bay, khách sạn và các địa điểm công cộng khác lại giảm xuống. Điều này cho thấy, ngành công nghiệp giấy tissue có sự khác nhau phân biệt theo lĩnh vực kinh doanh, giữa giấy tissue sử dụng trong gia đình và giấy tissue sử dụng di động (AfH).

Nhu cầu giấy tissue sử dụng tại gia đình đang bùng nổ trong thời gian ngắn, trong khi tiêu thụ giấy AfH sẽ giảm mạnh khi hàng triệu người phải ở nhà để hạn chế và phòng ngừa sự lây lan của COVID-19. Mặc dù, tình hình tiêu thụ các loại giấy AfH trong tháng 3 vẫn tiếp tục dựa trên các đơn đặt hàng từ tháng Hai. Trong thời gian tới, tình hình dự kiến ​​sẽ có sự thay đổi rõ rêt.

Khách sạn bỏ trống, không có khách du lịch, ăn uống hạn chế, nhà hàng không hoạt động, trường học đóng cửa và nhiều người làm việc tại nhà thay vì ở văn phòng là tất cả các yếu tố sẽ làm giảm nhu cầu trong phân khúc giấy tissue AfH vào năm 2020, đặc biệt là trong nửa đầu năm.

Điểm tích cực duy nhất cho phân khúc AfH là tăng mức tiêu thụ của ngành y tế. Mặc dù đây là một tỷ lệ rất nhỏ, sự tăng trưởng có thể đặc biệt cao do nhu cầu về khẩu trang y tế và quần áo bảo hộ bệnh viện.

Các doanh nghiệp sản xuất giấy tissue sử dụng trong gia đình sẽ có một khoảng thời gian một vài tháng bán hàng kỷ lục, nhưng sau đó lợi thế này sẽ dần biến mất. Có thể nhu cầu đặt hàng từ các nhà bán lẻ sẽ ít đi, hoặc người tiêu dùng đã tích trữ đủ lượng sử dụng trong nhà trong một thời gian đủ dài và sẽ không tiếp tục mua vào.

Năm 2020, sẽ là một năm dấu mốc của các nhà sản xuất và giấy tissue, giấy tissue sử dụng gia đình sẽ có mức tiêu thụ giảm và sẽ chậm lại hẳn trong nửa cuối năm 2020, cũng có thể việc tiêu thụ chậm sẽ bắt đầu ngay từ quý II/2020, trong khi các nhà sản xuất giấy tissue AfH có khả năng phục hồi mạnh vào nửa cuối năm 2020.

Đối với các nhà cung cấp nguyên liệu bột giấy và giấy thu hồi, cũng sẽ có triển vọng rất khác nhau. Sẽ có một đỉnh nhu cầu đối với bột giấy, đặc biệt là bột gỗ cứng (BHKP), bởi các nhà sản xuất giấy tissue sử dụng gia đình có khả năng vận hành ở công suất cao đến hết quý II/2020 hoặc lâu hơn.

Còn về phía bột giấy tái chế cho sản xuất giấy AfH lại ít có nhu cầu hơn, phía cung sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn vì loại giấy khử mực chính cấp cao là giấy loại văn phòng đã chọn (SOP), sẽ bị thiếu hụt do văn phòng, trường học và các nguồn phát sinh khác của loại giấy này đều đóng cửa không hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn rất căng thẳng tại Mỹ và châu Âu./.

VPPA

 

 

 

Ấn phẩm Công nghiệp Giấy số 2 – 2020

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam xin gửi đến Quý vị Hội viên, bạn đọc ấn phẩm CÔNG NGHIỆP GIẤY số 2-2020 (Lưu hành nội bộ).

Số này gồm:

Thị trường – đầu tư
– Tổng quan ngành giấy thế giới trong guồng quay của đại dịch Covid-19

– Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến ngành giấy Việt Nam

Chính sách
– Hiệp định EVFTA và cơ hội của Việt Nam

Khoa học – Công nghệ
– Công nghệ TAD có hỗ trợ bức xạ hồng ngoại

– Nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy in khối lượng riêng thấp

Sự kiện
– Nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu ngành giấy

Phổ biến kiến thức

– DWP – Bột gỗ hoà tan có tương lai tươi sáng tại SAPPI

XEM ẤN PHẨM TẠI ĐÂY:  An pham CNG so 2-2020

 

Nghiên cứu chế tạo gạch không nung từ nguồn chất thải rắn vô cơ trong công nghiệp sản xuất bột giấy và giấy

Quy trình sản suất giấy và bột giấy tạo ra một lượng lớn chất thải ở các dạng khác nhau (chất hữu cơ và vô cơ ở thể rắn, lỏng, khí), trong đó có bùn vôi là chất thải rắn vô cơ cuối cùng thu được sau quá trình thu hồi, xử lý các hóa chất đã sử dụng trong quy trình sản xuất.

Thành phần bùn vôi sau khi được rửa và đưa sang máy vắt nước có chứa một lượng lớn canxi cacbonat (CaCO3). Phương pháp xử lý bùn vôi sau khi được rửa và vắt khô thường là đưa đi tập kết thẳng ngoài bãi, tạo thành các bãi chôn lấp khổng lồ. Ngoài ra, bùn vôi có thể được đưa vào lò nung vôi tạo thành CaO để tái sử dụng trong quá trình xút hóa trong quy trình thu hồi, xử lý hóa chất. Tuy nhiên, phương pháp này tiêu tốn nhiều nhiệt lượng, phát sinh nhiều chi phí xử lý nên các nhà máy thường không nung lại bùn vôi mà xử lý bằng cách chôn lấp. Theo một số nghiên cứu thì lượng bùn vôi này đã được thử nghiệm như thành phần để chế tạo các vật liệu xây dựng như bê tông tươi, gạch nung đất sét, làm chất gia cố nền đường…

Gạch xây là bộ phận cấu thành quan trọng của một công trình xây dựng. Gạch nung được sản xuất từ nguyên liệu chính là đất sét và phải trải qua quá trình nung để tăng độ bền cho viên gạch, quá trình này tiêu tốn rất nhiều năng lượng đồng thời thải vào bầu khí quyển một lượng lớn khí thải độc hại. Hiện nay, gạch không nung được phát triển và thay thế dần cho gạch nung. Gạch không nung là một loại gạch mà sau khi định hình thì tự đóng rắn và đạt các chỉ số cơ học như cường độ nén, uốn, độ hút nước… Thành phần nguyên liệu sản xuất gạch không nung chủ yếu là xi măng, cát và đá mạt được phối trộn với các tỉ lệ khác nhau. Độ bền của viên gạch không nung được gia tăng nhờ lực ép hoặc rung hoặc cả ép lẫn rung lên viên gạch và thành phần kết dính của chúng…

Tại Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, tỷ lệ vật liệu xây dựng không nung chiếm tới hơn 70% thị phần, một số nước đang phát triển trên thế giới có xu hướng giảm gạch nung xuống chỉ còn 30 – 50% và xu hướng thay thế toàn bộ bằng gạch không nung. Ở nước ta, tỷ lệ sử dụng gạch không nung rất thấp, đến thời điểm này tỷ lệ gạch không nung mới chiếm 4 – 5% sản lượng gạch toàn quốc. Sản phẩm gạch không nung có nhiều chủng loại để có thể sử dụng rộng rãi từ những công trình phụ trợ nhỏ đến các công trình kiến trúc cao tầng, giá thành phù hợp với từng công trình.

Từ đó, tác giả đặt vấn đề nghiên cứu sử dụng bùn vôi thay thế cho nguyên liệu cát để phối trộn với các vật liệu khác (đá mạt, xi măng, nước…) để chế tạo sản xuất gạch không nung với mục đích tận dụng được vật liệu có sẵn là bùn vôi cũng như tiết kiệm chi phí cho việc vận chuyển bùn vôi ra ngoài chôn lấp, cũng như giảm sự tiêu tốn không gian để tập kết. Các mẫu gạch được chế tạo theo các tỉ lệ cấp phối khác nhau và được khảo các tính chất cơ lý như độ bền nén, độ bền uốn, độ hút nước… và so sánh với các tiêu chuẩn Việt Nam để đánh giá khả năng ứng dụng trong các loại công trình phù hợp.

Ts. Bùi Thị Mai Anh, Trường Đại học GTVT (nguồn https://vatlieuxaydung.org.vn/)

Đông Hải Bến Tre (DHC) chuẩn bị trả cổ tức đợt 2/2019 tỷ lệ 10%

Tính cả đợt này cổ đông DHC sẽ nhận được 20% cổ tức cho năm 2019, hoàn thành mục tiêu chi trả cổ tức cho năm 2019 mà ĐHCĐ đã giao trước đó.

Ngày 10/04 tới đây CTCP Đông Hải Bến Tre (mã chứng khoán DHC) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức đợt 2/2019 bằng tiền tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Thời gian thanh toán 28/04/2020.

Như vậy với gần 56 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, DHC sẽ chi khoảng 56 tỷ đồng tạm ứng cổ tức lần này cho cổ đông.

Trước đó ngày 10/1 vừa qua DHC cũng đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền mặt tỷ lệ 10%. Tính cả đợt này cổ đông của DHC sẽ nhận 20% cổ tức bằng tiền cho năm 2019. Mục tiêu chi trả cổ tức cho năm 2019 mà trước đó ĐHCĐ đã giao phó là 20% bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu.

Nhờ quý kết quả kinh doanh quý 4 tăng trưởng đột biến với doanh thu thuần tăng gấp 2,7 lần lên 663 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3,4 lần lên hơn 105 tỷ đồng nên lợi nhuận năm 2019 cũng ghi nhận mức kỷ lục. Cụ thể, lũy kế cả năm, DHC ghi nhận doanh thu thuần gần 1.430 tỷ đồng, tăng 54%. Lợi nhuận sau thuế là 182 tỷ đồng, tăng 35%. Tuy nhiên, công ty mới hoàn thành được 95% mục tiêu doanh thu và 89% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DHC có hiện đang giao dịch ở mức 31.650 đồng/cổ phiếu, giảm 22% trong hơn 2 tuần.

Theo CafeF

Ba kịch bản tác động của dịch COVID-19 đến tăng trưởng kinh tế

GDP quý 2 năm nay ước chỉ tăng khoảng 2% so với quý 2 năm 2019, chỉ số VNindex giảm 28%, xuất khẩu giảm khoảng 25%, số doanh nghiệp phá sản tăng nhanh. Từ quý 3 năm nay, nếu dịch bệnh được khống chế, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi.

Kinh tế sẽ phục hồi trong quý 3

ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách ứng phó.

Căn cứ số lượng ca nhiễm, số lượng người phải cách ly ở Việt Nam đến ngày 27-3, nhóm nghiên cứu của ĐH Kinh tế quốc dân đã sử dụng 3 mô hình định lượng, đưa ra 3 kịch bản diễn biến dịch COVID-19 thời gian tới.

Đó là đại dịch COVID-19 kéo dài đến cuối tháng 4-2020, đến cuối tháng 5-2020 và đến cuối tháng 6-2020. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá sự thay đổi của tâm dịch từ phía Trung Quốc sang các nước châu Âu, Mỹ sẽ tác động lớn hơn đối với kinh tế Việt Nam.

Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly, nhóm nghiên cứu dự báo GDP quý 2 năm nay chỉ tăng được khoảng 2% so với quý 2 năm 2019, chỉ số VnIndex giảm khoảng 28%, xuất khẩu giảm khoảng 25%. Từ quý 3 năm nay, nếu dịch bệnh được khống chế, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng dự báo tác động của dịch COVID-19 đến một số lĩnh vực của nền kinh tế. Theo kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 4-2020, các lĩnh vực thương mại hàng hóa suy giảm 20-30%; dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng trên 25%; du lịch, khách sạn suy giảm 15-20% khách nội địa và quốc tế, giảm doanh thu 20%, việc làm giảm 15-20%; nông nghiệp suy giảm 2,8-27,4% theo từng mặt hàng; bất động sản suy giảm mảng cho thuê, nghỉ dưỡng.

Với kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 6-2020, thương mại hàng hóa suy giảm 30-40%; dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng 25-40%; dịch vụ vận tải, logistics suy giảm 20-30%; ngành du lịch dịch vụ khách sạn giảm 30-40% khách nội địa và quốc tế, doanh thu giảm 40%, việc làm giảm 30-40%; nông nghiệp, bất động sản cùng suy giảm.

39,3% doanh nghiệp phá sản nếu dịch kéo dài hết năm

Kết quả khảo sát ý kiến 510 doanh nghiệp (DN) của nhóm nghiên cứu ghi nhận đến cuối tháng 3-2020, có khoảng 65,5% DN thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, 35,3% DN phải cắt giảm lao động, 34% DN phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% DN đã phải cho lao động nghỉ việc không lương.

Đồng thời, 44,7% DN cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, 34,7% DN lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% DN thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận đến nay các DN đã có nhiều hành động nhằm đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và kéo dài, nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, trường hợp dịch COVID-19 kéo dài đến hết tháng 4-2020, có 49,2% DN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất, có 18,1% phải tạm dừng hoạt động và 0,8% có khả năng phá sản.

Nhưng nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6-2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% DN duy trì được hoạt động, 46,6% DN tiếp tục cắt giảm quy mô, 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% DN đứng trên bờ vực phá sản.

Trường hợp dịch kéo dài đến hết tháng 9-2020, sẽ có 19,3% DN phá sản, kéo dài đến hết năm 2020 khoảng 39,3% DN sẽ phá sản.

Các DN kỳ vọng Chính phủ tập trung nhiều giải pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện giảm thuế, miễn thuế, chi phí thuê mặt bằng thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn. Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ đã ban hành và có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, ngừng các hoạt động thanh tra kiểm tra trong thời gian này, ổn định lạm phát.

Theo Tuổi trẻ