Thủ tướng yêu cầu làm nhanh gói an sinh xã hội, không để người dân chờ đợi thêm

Thủ tướng yêu cầu phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối”.

Chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Dự thảo Nghị quyết đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào ngày 1/4 vừa qua và được Chính phủ thống nhất cao. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với một số bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành.

Thủ tướng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng.

Thủ tướng đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước phối hợp tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan.

Thủ tướng cũng giao các bộ liên quan xây dựng báo cáo tổng quát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền.

Về đối tượng, Thủ tướng cho biết, cơ bản các ý kiến thống nhất với các nhóm đối tượng mà các bộ đề xuất, trong đó có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động.

Nhân vô thập toàn, nếu còn sót đối tượng này, đối tượng kia mà xã hội quan tâm thì tiếp tục bổ sung”. Thủ tướng cũng lưu ý việc hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm…

Về thời gian hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ, các ý kiến cũng nhất trí với tinh thần Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ra. Thủ tướng nhấn mạnh, việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin.

Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ, có nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên như giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội. Bên cạnh đó, có nguồn từ tăng thu 2019 và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác.

Thủ tướng yêu cầu làm nhanh gói an sinh xã hội, không để người dân chờ đợi thêm - 2

Thủ tướng lưu ý, phải nêu rõ số tiền từng nguồn, ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương phân bổ thế nào, “các cấp đều phải có trách nhiệm chứ không chỉ Trung ương”.

Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm, “chứ không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền”.

Ai chịu trách nhiệm cái này, có phải Chủ tịch UBND tỉnh và dưới tỉnh là huyện, xã, phường không?”, Thủ tướng nêu rõ việc giao quyền, trách nhiệm cụ thể cho cấp cơ sở.

Nhấn mạnh các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống nhân dân, Thủ tướng cho biết, riêng ngành điện lực đã hỗ trợ gần 12.000 tỷ đồng về giá điện, ngành viễn thông cũng hỗ trợ gần 15.000 tỷ đồng…

Theo VTC

Bộ Tài chính đưa sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy vào đối tượng gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Ngày 03/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định. Tại công văn, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung thêm một số ngành vào đối tượng được gia hạn và dự kiến tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC). Ngành sản xuất sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy được đưa vào nhóm trong công văn này. 

So với dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ tại Tờ trình 47/TTr-BTC ngày 26/3, Sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung các ngành, lĩnh vực sau vào đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất như sau:

1.Bổ sung một số ngành sản xuất: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng;

2. Bổ sung một số hoạt động kinh doanh vào đối tượng được gia hạn: Hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí;

3. Bổ sung doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm cơ khí trọng điểm được xác định theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

4. Bổ sung: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng.

Dự kiến với những bổ sung trên, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC).

Tại buổi làm việc của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan, Hiệp hội doanh nghiệp ngày 26/3, TS. Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành giấy bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đồng thời có nhiều kiến nghị cụ thể, thiết thực dành cho các doanh nghiệp trong ngành.

Thủ tục gia hạn: Nộp duy nhất Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Về trình tự, thủ tục gia hạn, Dự thảo Nghị định quy định định rõ, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn chỉ cần gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng với thời điểm nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế và chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm 2020. Nếu người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế sau ngày 30 tháng 7 năm 2020 thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này.

Trong trường hợp người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất sau ngày hết hạn nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng (hoặc theo quý) thì cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn.

Trường hợp người nộp thuế được nhà nước cho thuê đất tại nhiều địa bàn quận, huyện khác nhau thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm sao gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế nơi có đất thuê.

Bộ Tài chính cũng đề nghị, để tránh mất thời gian của các bên, Dự thảo Nghị định quy định là cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghĩa là người nộp thuế cần chủ động đăng ký gia hạn sớm. Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng gia hạn thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào Ngân sách Nhà nước.

Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký. Nội dung của Nghị định đã quy định chi tiết để các doanh nghiệp có thể áp dụng ngay (Bộ Tài chính không ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định).

Tuy nhiên, để tránh trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép giao thẩm quyền cho Bộ Tài chính hướng dẫn nếu trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc.

Theo Bộ Tài chính

 

Nhu cầu RCP giảm tại châu Á, nhưng giá OCC vẫn tăng

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại hầu hết các nước châu Á, nguồn cung RCP tại khu vực bị thiếu hụt, nhu cầu tiêu thụ RCP có xu hướng suy giảm, nhưng giá RCP lại đang gia tăng.

Ấn Độ và Malaysia là hai nước đã ban hành lệnh phong tỏa từ cuối tháng 3/2020, các nhà sản xuất giấy bao bì từ RCP cũng đã ngừng nhập khẩu. Ấn Độ là nước nhập khẩu RCP của Mỹ lớn thứ 2 sau Trung Quốc, nhưng các công ty giấy bao bì tái chế của Ấn Độ đã ngừng đặt hàng từ tuần cuối tháng 3/2020, do phải ngừng hoạt động cho đến hết ngày 14/4.

Trong khi đó, chính phủ Malaysia gia hạn lệnh phong tỏa cho đến hết ngày 14/4. Hiện nay, các nhà máy sản xuất giấy bao bì tại Malaysia được phép hoạt động ở mức 50% công suất, vì sản xuất của họ được coi là thiết yếu. Tuy nhiên, logistics nội địa lại bị ngưng trệ, xe vận chuyển RCP phải có giấy phép đặc biệt cũng đã ảnh hưởng đến tiêu thụ.

Tại Malaysia mức hoạt động 50% công suất cũng được áp dụng đối với các nhà máy sản xuất bột giấy tái chế, chủ yếu là các cơ sở bột giấy tái chế của Nine Dragons Paper (Holdings) và Lee&Man Paper Manufacturing với tổng công suất 800.000 tấn/năm.

Nguồn cung RCP thiếu hụt, giá tăng nhưng giá giấy bao bì tái chế xuất khẩu lại đang suy giảm tại Đông Nam Á và Đài Loan, giấy medium tái chế giảm xuống 340 USD/tấn trong tuần đầu tháng 4, so với mức 380-410 USD/tấn cuối tháng trước.

Từ trung tuần tháng 3/2020, nhằm chuẩn bị cho sự gia tăng nhu cầu đối với giấy bao bì từ Trung Quốc, khi nước này trở lại thời kỳ hoạt động bình thường sau COVID-19, các nhà sản xuất khu vực Đông Nam Á đang tăng thu mua và nhập khẩu RCP, tăng cường sản xuất.

Nhưng hiện nay tình hình thị trường Trung Quốc lại cho thấy sự biến động ngược lại, khi nhu cầu từ các ngành công nghiệp khác giảm sút. Các nhà sản xuất Trung Quốc đang cho rằng sự sụt giảm nhu cầu là do các đơn hàng xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Bắc Mỹ và Châu Âu bị hủy. Hơn nữa, sự phục hồi nhu cầu của thị trường nội địa cũng rất yếu, làm trầm trọng thêm tình hình sụt giảm của xuất khẩu. Sự suy thoái tại thị trường Trung Quốc đang ảnh hưởng tới cả các thị trường châu Á khác, khiến cho giá giấy bao bì đang giảm dần.

OCC tại Châu Á vẫn tăng giá: Về phía nguồn cung, người bán vẫn tiếp tục tìm cách tăng giá do hoạt động thu gom RCP ở Châu Âu và Mỹ bị sụt giảm.

Tại châu Âu, phong tỏa đã dẫn đến việc thiếu công nhân cho hoạt động thu gom và phân loại RCP. RCP trong các khu dân cư bị trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và đưa thẳng đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác. Trong khi hầu hết các nhà máy giấy ở châu Âu vẫn hoạt động và gia tăng thu mua RCP từ các cửa hàng, các siêu thị và khu công nghiệp nên giá RCP tăng lên tại châu Âu và lượng RCP có sẵn để xuất khẩu sang châu Á bị cắt giảm.

Logistics đang góp phần làm giảm nguồn cung, thiếu hụt container vận chuyển quốc tế và cắt giảm tàu biển đang diễn ra mọi nơi cả châu Âu và Mỹ. Tại Mỹ, nguồn cung RCP cho xuất khẩu cũng bị sụt giảm.

OCC (11) của Mỹ tại Đài Loan và Đông Nam Á có giá khoảng 175 USD/tấn (CIF), trong khi OCC (12) có giá tới 185-195 USD/tấn (CIF), DLK có giá 200-210 USD/tấn trong tuần đầu tháng 4/2020. OCC (95/5) châu Âu có giá 165-170 USD/tấn.

Mặc dù nguồn cung sụt giảm, nhưng người mua đang cho rằng mức giá đó là quá cao nhưng vẫn miễn cưỡng mua vào và dự trữ RCP. Do nguồn cung OCC từ châu Âu giảm, nên  người mua đã chuyển sang OCC Nhật Bản, với mức tăng từ  10-15 USD/tấn lên 155-160 USD/tấn./.

RISI Fastmarkets (4/4/2020)

Trung Quốc khởi động sản xuất trở lại hầu hết các nhà máy bột giấy và giấy tại Hồ Bắc

Sau hai tháng ngừng hoạt động, hầu hết các nhà máy bột giấy và giấy tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại. 

Ngành công nghiệp giấy và bột giấy tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã dần hồi phục sau thời gian đình chỉ kéo dài. Ngày 20/3, nhà máy bột giấy của Shandong Chenming Paper Holdings ở thành phố Huanggang đã hoạt động trở lại dây chuyền bột giấy công suất 500.000 tấn/năm, tỷ lệ vận hành đến nay đã đạt 80% công suất.

Nhà máy giấy của Shandong Chenming ở Vũ Hán, công suất 220.000 tấn/năm sản phẩm giấy tissue, giấy đặc biệt và giấy in, viết vẫn đóng cửa và chưa ấn định ngày mở cửa trở lại.

Trong khi đó, Shanying International đã đưa dây chuyền giấy bao bì tái chế công suất 550.000 tấn/năm trở lại hoạt động ở Jingzhou vào ngày 11 tháng 3.

Longchen Paper cũng đã cho hoạt động trở lại dây chuyền giấy lớp sóng công suất 300.000 tấn/năm  tại Songzi vào ngày 27/3. Trong khi ba dây chuyền còn lại tại đó, có tổng công suất  850.000 tấn/năm sản xuất giấy bao bì công nghiệp vẫn chưa tiết lộ thời thời gian hoạt động trở lại.

Ngày 14/3, C&S Paper đã khởi động lại nhà máy giấy tissue tại Xiaogan. Tại đây, công ty có 5 dây chuyền giấy tissue với tổng công suất 140.000 tấn/năm.

Cũng tại Xiaogan, hai công ty hàng đầu là APP China và Vinda International đã thông báo khởi động sản xuất tại các nhà máy giấy tissue, với tổng công suất 540.000 tấn/năm.

Theo thông báo của chính quyền Hồ Bắc, các nhà máy giấy tissue đã hoạt động trở lại đạt tỷ lệ 85% công suất./.

RISI – PPI Asia (03/4/2020)

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội của Văn phòng Chính phủ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2601/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:

1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở  nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:

a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…

c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

2. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:

a) Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế;

b) Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp;

c) Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động;

d) Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.

3. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.

Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg.

4. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

5. Các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan, chủ động điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm phù hợp với các nội dung nêu trên; phối hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề vướng mắc phát sinh./.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2020

Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng; ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP; tiêu chí kinh tế trang trại;… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2020.

Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Có hiệu lực từ ngày 01/04/2020, Nghị định 10/2020/NĐ-CP ban hành ngày 17/01/2020 của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe.

Về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, Nghị định nêu rõ: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải được dán cố định cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe. Bên cạnh đó, được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn trên nóc xe thì không phải dán cố định cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.

Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.

Đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nghị định cũng quy định rõ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Theo đó, trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng

Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, trong đó, quy định mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ phạt đến 100 triệu đồng

Nghị định số 18/2020/NĐ-CP ban hành ngày 11/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ ngày 01/04/2020.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thưởng 3 Tập đoàn, TCty

Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ban hành ngày 17/02/2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/04/2020.

Nghị định này quy định việc thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương; tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên năm 2020 tại 3 tập đoàn, tổng công ty gồm: Công ty mẹ – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ – Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).

Bỏ quy định xử phạt một số hành vi tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP

Có hiệu lực từ 01/04/2020, Nghị định 21/2020/NĐ-CP ban hành ngày 17/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Trong đó, bãi bỏ quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; bãi bỏ quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức hoạt động xây dựng có một trong các hành vi: không có hợp đồng lao động đối với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định; những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định….

Cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở

Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực từ ngày 10/04/2020.

Theo Nghị định, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản; các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan.

Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: a – Khu vực đang bị sạt, lở; b – Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; c – Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở; d – Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do UBND cấp tỉnh quyết định.

Ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP

Nghị định 25/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có hiệu lực từ ngày 20/04/2020

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm: Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP; dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh; dự án không thuộc quy định nêu trên nhưng phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Trong đó, Nghị định quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP.

Sửa quy định thu hút, trọng dụng nhà khoa học xuất sắc

Có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ban hành ngày 01/03/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP về đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác.

Theo đó, người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KHCN, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu trong thời gian giữ hạng chức danh tại thời điểm xét đặc cách thăng hạng đạt một trong các điều kiện sau:

a- Đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước về KHCN theo quy định của Bộ KHCN.

b- Chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ KHCN đặc biệt hoặc nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp bộ, cấp tỉnh trở lên được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế-xã hội.

c- Được cấp bằng tiến sĩ và có thành tích vượt trội trong hoạt động KHCN.

d- Được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư.

đ- Được bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị phạt đến 150 triệu đồng

Nghị định 28/2020/NĐ-CP ban hành ngày 01/03/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.

Theo đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định nêu rõ: Các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân./

Tiêu chí kinh tế trang trại

Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT về việc quy định tiêu chí kinh tế trang trại có hiệu lực từ ngày 14/4/2020.

Theo đó, trang trại bao gồm 2 loại là trang trại chuyên ngành và trang trại tổng hợp.

Trang trại chuyên ngành được xác định theo lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp và tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Trang trại chuyên ngành được phân loại như sau: Trang trại trồng trọt; trang trại chăn nuôi; trang trại lâm nghiệp; trang trại nuôi trồng thủy sản; trang trại sản xuất muối.

Tiêu chí kinh tế trang trại chuyên ngành được quy định cụ thể như sau: Trang trại trồng trọt, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên; trang trại nuôi trồng thủy sản, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên; trang trại chăn nuôi, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 52 Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn; trang trại lâm nghiệp, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 10,0 ha trở lên; trang trại sản xuất muối, giá trị sản xuất bình quân đạt 0,35 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

Trang trại tổng hợp là trang trại trong đó không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Theo Thông tư, giá trị sản xuất bình quân của trang trại tổng hợp phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

Quy định mới về quyết toán dự án sử dụng vốn nhà nước

Từ ngày 10/4/2020, việc quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên

Có hiệu lực thi hành từ 15/4/2020, Thông tư 03/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên.

Quy định hình thức kỷ luật trong Bộ Quốc phòng

Thông tư 16/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/4/2020.

Giảm phí thẩm định quảng cáo hoá chất, chế phẩm diệt khuẩn y tế

Theo Thông tư 11/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 278/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 06/4/2020, phí thẩm định xác nhận nội dung quảng cáo hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế được điều chỉnh giảm từ 1 triệu đồng/hồ sơ xuống còn 600.000 đồng/hồ sơ.

Theo Chính phủ

Hàng xuất khẩu lại ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn

Khoảng 1.200 xe hàng đang chờ thông quan ở của khẩu Lạng Sơn. Tình trạng ùn ứ có thể lớn hơn vì Trung Quốc siết chặt việc nhập cảnh nhằm chống dịch COVID-19.

Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 2-4, ông Phùng Quang Hội – giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn – cho biết cơ quan này vừa có văn bản thông báo cho 5 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Bình Thuận sau khi nhận được khuyến cáo của phía Trung Quốc về việc sẽ tạm dừng cho nhập cảnh với lái xe từ 5 địa phương này sang giao nhận hàng cho đối tác Trung Quốc.

Theo ông Hội, dù chưa có văn bản thông báo chính thức nhưng phía Trung Quốc đã thông tin trước cho cơ quan chức năng Lạng Sơn về động thái này, với lý do các địa phương nêu trên đã ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 thời gian gần đây.

“Ngành công thương các địa phương này cần khuyến cáo tới các doanh nghiệp, thương nhân, chủ hàng xuất khẩu nông sản, hoa quả biết để chủ động kế hoạch mua và xuất khẩu” – ông Hội nói.

Cũng theo ông Hội, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn đã được giao trách nhiệm thành lập đội tài xế chuyên dụng. Một khi phía Trung Quốc áp dụng biện pháp nêu trên, đội tài xế chuyên dụng tại Lạng Sơn sẽ thay thế (cho các tài xế không được phép nhập cảnh sang Trung Quốc) để lái xe sang giao, nhận hàng.

“Chi phí trả cho đội tài xế được tỉnh Lạng Sơn giao cho Sở Tài chính nghiên cứu và đề xuất đảm bảo đủ để trả cho những tài xế này cũng như khả năng chịu đựng của chủ hàng” – ông Hội cho biết.

Cùng ngày, theo ông Phan Hồng Tiến – trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn, chỉ có khoảng 60 xe hàng được xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, chưa đến 1/3 so với lượng xe hàng được thông quan qua cửa khẩu này (180-200 xe/ngày) thời điểm bình thường.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng Lạng Sơn, hiện có khoảng 1.200 xe hàng đang chờ thông quan ở các cửa khẩu Lạng Sơn, trong đó cửa khẩu Tân Thanh ùn ứ nhiều nhất với khoảng 500 xe, do cả Việt Nam và Trung Quốc đều áp dụng nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19.

Theo Tuổi trẻ

Sa thải 50% lao động mới được hưởng gói hỗ trợ bảo hiểm xã hội?

Việc chỉ giãn thời gian đóng bảo hiểm với doanh nghiệp cắt giảm từ 50% lao động khiến nhiều doanh nghiệp nỗ lực giữ công nhân bức xúc vì bị “ra rìa”, Bảo hiểm Xã hội đã có giải thích.

Làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, triển lãm, từ sau tết đến nay doanh thu của công ty ông Đ. gần như bằng 0. Nhưng để hỗ trợ người lao động, ông đã cố gắng cầm cự, cấp lương 80% cho nhân viên.

Biết tin có chính sách tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội, đơn vị ông lập tức điện hỏi cơ quan chức năng thì biết doanh nghiệp mình không thuộc diện, vì không đủ 50% lao động bị nghỉ việc.

“Đóng bảo hiểm xã hội thì khó khăn, sa thải nhân viên thì không đành. Rõ ràng có chính sách rất hấp dẫn, nhưng ràng buộc nhiều, người dân khó tiếp cận”, ông Đ. thở dài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết cơ quan này và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang đề xuất Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép giãn cách với doanh nghiệp phải cắt giảm từ 40% lao động.

Theo ông Liệu, Luật Bảo hiểm Xã hội hiện hành quy định chỉ giãn thời gian đóng bảo hiểm với doanh nghiệp phải cắt giảm từ 50% lao động, vì thế các hướng dẫn không được vượt qua quy định trong luật. Do tình hình hiện nay, Bảo hiểm Xã hội và Bộ LĐTB&XH đang đề xuất giảm xuống, nhưng Quốc hội chấp thuận mới có thể áp dụng được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về thắc mắc chính sách có vô tình khiến doanh nghiệp phải “đẩy người lao động ra đường”, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ LĐTB&XH, cho biết người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng nếu rơi vào một trong hai trường hợp.

Cụ thể, thứ nhất, không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.

Thứ hai, bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

Người sử dụng lao động xét thấy mình thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì nộp hồ sơ cho cơ quan LĐTB&XH (với trường hợp giảm lao động) hoặc cơ quan tài chính (với trường hợp thiệt hại tài sản).

Đặc biệt, theo ông Giang, pháp luật quy định một trong các điều kiện được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là: Số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.

Theo Tuổi trẻ

Đề xuất miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19

Bộ TN&MT đề xuất miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp ngừng kinh doanh vì dịch Covid-19, đồng thời xem xét miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có đề xuất lên Chính phủ về việc miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các trường hợp được hưởng chính sách là doanh nghiệp thuê đất phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến ngày 30/6, các trường hợp này chưa thể khôi phục sản xuất thì phải xem xét miễn các tháng còn lại.

Bộ TN&MT cho phép doanh nghiệp nộp chậm 6 tháng tiền sử dụng đất từ ngày có thông báo, đồng thời giảm tiền tương ứng với 6 tháng sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong 6 tháng (ước tính khoảng 600 tỷ đồng) hoặc 1 năm (ước tính khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, căn cứ vào ngân sách xem xét gia hạn nộp thu tiền, đơn vị sẽ cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ).

Bộ TN&MT cũng đề xuất giảm mức phí môi trường cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020. Doanh nghiệp được xem xét giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giảm 30% mức thu phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Với ngành y tế, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng xem xét trích kinh phí từ vốn sự nghiệp môi trường để đầu tư trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, các lực lượng làm việc tại các bệnh viện, khu cách ly và nâng cao năng lực xử lý chất thải y tế nguy hại.

Theo Zing.vn

Giá dầu giảm xuống gần mức thấp nhất 18 năm

Giá dầu sáng 1/4 xuống gần mức thấp nhất từ năm 2002. Chuyên gia dự báo tình trạng giảm giá có thể còn tiếp diễn trong bối cảnh các thành viên OPEC không tìm được tiếng nói chung.

Phiên sáng nay (1/4), giá dầu Brent giảm 21 cent, tương đương 0,8%, về mức 26,14 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô CLc1 giao dịch tại thị trường Mỹ tăng 27 cent, lên 20,75 USD/thùng.

Giá dầu rớt xuống gần mức thấp nhất kể từ năm 2002, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ giảm. Hợp đồng tương lai của dầu thô kết thúc giảm gần 70% sau khi ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong tháng 3.

Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ giảm mạnh. Ảnh: Investing.com.

Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cũng cho thấy các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 10,5 triệu thùng chỉ trong tuần trước, vượt xa dự báo tăng 4 triệu thùng.

Tình trạng rớt giá trên thị trường dầu có thể còn tiếp diễn khi Arab Saudi và các thành viên khác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không đạt được thỏa thuận ngồi vào bàn đàm phán thảo luận về giá dầu.

“Khả năng OPEC, có thể có Nga hoặc Mỹ, đồng ý với một giải pháp liên quan đến trữ lượng dầu mỏ để bù đắp tổn thất về nhu cầu dầu là rất thấp”, Harry Tchilinguirian, nhà phân tích của BNP Paribas nhận định.

Một khảo sát của Reuters từ 40 nhà phân tích dự báo giá trung bình của dầu Brent trong năm nay là 38,76 USD/thùng, thấp hơn 36% so với dự báo hồi tháng 2, ở mức 60,63 USD/thùng.

Ở phiên giao dịch 31/3, giá dầu tăng nhẹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý thảo luận về việc ổn định thị trường năng lượng.

Thế giới sắp hết sạch kho chứa dầu

Nhiều chuyên gia thị trường năng lượng cảnh báo chỉ vài tuần nữa, các kho chứa dầu thô trên toàn thế giới sẽ chật cứng, không còn chỗ trống.

Theo CNBC, các chuyên gia của Goldman Sachs cho biết dịch Covid-19 tạo “cú sốc dầu” chưa từng thấy trên thế giới. Nhu cầu tiêu thụ rơi tự do trong khi các quốc gia sản xuất dầu thô lớn tăng sản lượng khai thác.

Ngày 1/4, thỏa thuận kéo dài 3 năm giữa OPEC và các đối tác về việc hạn chế sản lượng khai thác dầu chấm dứt, tạo điều kiện để các nhà sản xuất dầu đẩy mạnh sản lượng.

Trước đó, Saudi Arabia tuyên bố sẽ đẩy sản lượng khai thác lên mức cao kỷ lục.

Do đó, các kho dầu trên toàn thế giới đang ngày càng trở nên chật chội và sẽ không còn chỗ trống trong vài tuần nữa, như dự báo của các nhà phân tích thuộc Eurasia Group.

“Các nhà máy lọc dầu ở nhiều nơi đang lỗ với mỗi thùng dầu đã qua xử lý hoặc không đủ chỗ để trữ các sản phẩm từ dầu”, CNBC dẫn lời nhà phân tích Bjarne Schieldrop thuộc SEB cho biết.

Một công nhân gần bể chứa dầu tại nhà máy lọc dầu Aramco ở Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Ông chỉ ra rằng khi các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động, nhiều nhà sản xuất dầu thô cũng sẽ không thể bán được sản phẩm.

“Đối với các nhà sản xuất dầu thô trên đất liền, giá dầu sẽ tiến về 0 hoặc thậm chí âm, bởi họ sẽ phải trả thêm chi phí vận chuyển dầu đi nơi khác”. Giá dầu Brent (Anh) giao dịch ở mức 25,33 USD vào chiều ngày 1/4, giảm hơn 3,8% so với một ngày trước đó.

Trong khi đó, dầu WTI (Mỹ) tăng nhẹ 0,3% lên 20,54 USD. Theo khảo sát của CNBC, cả dầu Brent và WTI đều vừa trải qua quý tồi tệ nhất trong lịch sử.

Giá dầu Brent lao dốc hơn 65% trong quý đầu tiên, trong khi WTI bay hơi hơn 66%. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cũng cho rằng dịch virus corona chủng mới có thể đẩy giá dầu được sản xuất trên đất liền xuống mức âm.

Ngân hàng Mỹ ước tính thế giới có kho dự trữ đủ chỗ trống để chứa 1 tỷ thùng dầu, nhưng việc mạng lưới giao thông tắc nghẽn sẽ khiến các nhà sản xuất không thể đưa dầu dư thừa đến những kho này.

Theo Zing.vn