Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành mở rộng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nhiệm kỳ VI (2018-2023)

Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành (BCH) mở rộng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) nhiệm kỳ VI (2018-2023) vừa diễn ra tại văn phòng VPPA với sự tham gia đầy đủ của các thành viên BCH Hiệp hội.

Tại hội nghị, sau khi Lãnh đạo Hiệp hội phát biểu khai mạc và thông qua nội dung chương trình làm việc, BCH đã được nghe báo cáo về công tác chuẩn bị cho Đại hội Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023-2028) do ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA trình bày.

Theo đó, Đại hội Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 17/3 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Dự kiến BCH khoá mới sẽ có 25 thành viên, tăng 2 thành viên so với BCH khoá VI nhằm đáp ứng sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Hiệp hội trong thời gian tới. Dự thảo về định hướng phát triển của ngành giấy theo hướng phát triển xanh, bền vững và kinh tế tuần hoàn cũng được BCH Hiệp hội nhiệm kỳ VI đề xuất.

Dưới sự chủ trì của ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch VPPA, hội nghị đã thảo luận chi tiết về từng nội dung chương trình làm việc dự kiến của Đại hội. Một trong những nội dung quan trọng được hội nghị dành nhiều thời gian để bàn luận đó là công tác giới thiệu nhân sự để bầu BCH khoá mới; định hướng nội dung các tham thuận chính là những vấn đề thời sự của ngành; dự thảo định hướng, nhiệm vụ phát triển của ngành giấy Việt Nam trong giai đoạn tới nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của nền kinh tế.

Cũng tại Hội nghị, các thành viên BCH đã có nhiều trao đổi về công tác tổ chức, hậu cầu và truyền thông đảm bảo Đại hội Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam khoá VII được tổ chức một cách chu đáo và diễn ra thành công tốt đẹp.

Nguồn: VPPA

Liên minh vận tải biển lâu đời nhất tan rã, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Hai hãng tàu lớn bậc nhất thế giới ngừng hợp tác

Hai hãng tàu container lớn nhất thế giới là MSC và Maersk đã tuyên bố sẽ không tiếp tục tham gia trong liên minh vận tải 2M sau khi thỏa thuận chia sẻ chỗ (Vessel sharing agreement) giữa cả hai sẽ hết hạn vào tháng 1/2025.

Trong thông cáo báo chí phát ra, ông Vincent Clerc, CEO của A. P. Moller – Maersk (tập đoàn mà hãng tàu Maersk là thành viên) và ông Soren Toft, CEO của MSC, cho biết: MSC và Maersk nhận thấy thị trường đã có nhiều thay đổi kể từ khi hai công ty ký thỏa thuận có hiệu lực 10 năm vào năm 2015. Việc ngừng liên minh 2M sẽ mở đường cho cả hai hãng tiếp tục theo đuổi các chiến lược riêng.

Trong số 3 liên minh hãng tàu đang hoạt động, liên minh 2M là liên minh có tuổi đời “dài” nhất trong số ba liên minh đang hoạt động. Tuy nhiên với thông báo mới nhất từ phía Maersk và MSC, thì tuổi của 2M cũng sẽ dừng lại ở số 10.

liên minh vận tải biển lâu đời nhất tan rã, việt nam có bị ảnh hưởng?
Thành viên của 3 liên minh đang hoạt động – theo Alphaliner

Giới phân tích trong ngành cho rằng việc 2M giải tán có thể ảnh hưởng đến các thành viên của hai liên minh còn lại, thậm chí có đồn đoán rằng Maersk có thể sẽ lập ra một liên minh mới với thành viên từ một trong hai liên minh còn lại.

Dù hai hãng tàu khẳng định các tuyến dịch vụ vận tải sẽ không bị ảnh hưởng ngay lập tức vì hai bên sẽ tiếp tục hoạt động như đã thực hiện kể từ năm 2015 cho đến khi ổn định lại, nhưng cuộc “chia tay” này được dự đoán sẽ tạo nên nhiều thay đổi cho ngành vận tải biển toàn cầu trong tương lai.

liên minh vận tải biển lâu đời nhất tan rã, việt nam có bị ảnh hưởng?
Hãng tàu MSC cập cảng làm hàng tại cảng SSIT khu vực Cái Mép – Thị Vải

Hai hãng vận tải biển lớn thế giới không còn hợp tác có thể kéo theo một số thay đổi về giá cước vận tải và giới hạn khai thác của các hãng tàu. Sự cạnh tranh cũng tăng lên.

Theo nhận định của Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Vespucci Maritime, sự cạnh tranh gia tăng có thể làm giảm tỷ lệ giá cước. Sau khi liên minh kết thúc, các chủ hàng sẽ có sự lựa chọn giữa hãng Maersk, MSC hoặc một hãng vận tải khác. Điều này tạo nên thế cạnh tranh giữa các hãng tàu để tranh giành khách hàng.

“Trong thời hạn ngắn (tức là năm 2023), áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng giữa các hãng vận tải dẫn đến mức giá thấp hơn so với mức giá trước đây”, Lars Jensen cho hay.

Theo các chuyên gia, thế giới có thể chứng kiến ​​một cuộc chiến tỷ giá sau khi liên minh kết thúc, có thể khiến tỷ giá giao ngay giảm mạnh và cũng có thể dẫn đến sự xáo trộn trong các liên minh còn lại.

Khó có cơ hội cho đội tàu Việt Nam

Tại Việt Nam, hai hãng tàu của liên minh 2M cũng tham gia vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu sang Châu Âu và Mỹ. Trên thực tế, xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào các hãng tàu ngoại nằm trong các liên minh.

Sự hình thành liên minh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài với sự phục hồi chậm, rất nhiều hãng tàu gặp khó khăn trong khai thác, thậm chí một số hãng tàu lớn đã phải phá sản. Do đó, xu thế liên minh, sát nhập được thực hiện để tăng hiệu quả khai thác.

Do đó, sự tan rã của liên minh 2M cũng có thể khiến Việt Nam chịu ít nhiều ảnh hưởng. Song theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN Bùi Văn Trung, còn quá sớm để có thể nói những ảnh hưởng của sự tan rã liên minh tới việc vận chuyển hàng hóa đường biển của Việt Nam thế nào, vì còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường.

Hiện nay, chưa thể định hình được thị trường trong thời gian tới, khi hàng hóa container toàn cầu đang giảm và lạm phát tăng cao.

Tuy nhiên, ông Trung khẳng định dù liên minh 2M có tan rã, đội tàu của Việt Nam cũng khó có cơ hội để thay thế trong việc vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. “Đội tàu của ta quá nhỏ bé, cũng không thể tham gia để liên minh với các hãng tàu lớn thế giới”, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN chia sẻ.

Khẳng định sản lượng hàng hóa không do hãng tàu quyết định, theo một doanh nghiệp cảng biển, các hãng tàu cần những thị trường tăng trưởng như Việt Nam cho các kế hoạch tương lai. Do đó, dù xu thế thay đổi có thể khiến các tuyến dịch vụ thay đổi và có sự chuyển dịch hàng hóa, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng hàng hóa qua cảng biển.

Theo Cục Hàng hải VN, Việt Nam có thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu hấp dẫn, thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới, hình thành thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container có tính cạnh tranh rất cao giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Hiện nay với tuyến vận tải hàng hóa container đi Châu Âu và Mỹ chủ yếu do 10 hãng tàu nước ngoài đảm nhận, trong đó phần lớn là các hãng tàu thuộc cái liên minh như 2M (MSC và Maersk), Ocean (CMA – CGM, COSCO, Evergreen và OOCL) và T.H.E (Hapag – Lloyd, O.N.E, Yang Ming và HMM).

Các hãng tàu trong liên minh trao đổi thông tin về hàng hóa để thực hiện khai thác tàu đến và tàu đi, chia sẻ chỗ (địa điểm, thời điểm, thời gian bốc, dỡ hàng hóa). Các công ty trong liên minh không được phép chia sẻ thông tin về giá cước, các loại phụ thu ngoài giá cước và các vấn đề về kinh doanh do phải tuân thủ quy định của Luật chống độc quyền của Châu Âu và Mỹ.

Nguồn: Báo Giao Thông

Giá bột kraft gỗ mềm tẩy trắng (BSK) tại Trung Quốc ổn định bất chấp có lo ngại về việc cung tăng cao; bột kraft gỗ cứng tẩy trắng (BHK) bị đặt trong áp lực lớn

Chuỗi cung ứng bị gián đoạn tại Phần Lan cùng với những vụ hỏa hoạn ở Chile đã phần nào làm gia tăng sự lo ngại của các bên của thị trường bột giấy Trung Quốc, những lo ngại về sự suy giảm nguồn cung của bột gỗ mềm do sự thâm hụt về dăm gỗ tại Canada. Công nhân bốc vác tại các cảng của Phần Lan, những đơn vị khai thác bến cảng, và các lao động trong ngành vận tải đường bộ, tàu thuyền và dầu mỏ đều đình công từ thứ tư (15/2), và Liên minh Vận tải Phần Lan đã công bố các cảnh báo về đình công mới từ ngày 1/3.

Các nhà cung cấp lớn như tập đoàn Metsa Group và UPM đã cảnh báo về khả năng chậm trễ của việc vận chuyển do các cuộc đình công tại Phần Lan tới những khách hàng của họ tại Trung Quốc và những nước Châu Á khác.

Việc bán lại BSK trong nội địa và hợp đồng tương lai của nó trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã phản ứng ngay lập tức sau khi Trung Quốc có được thông tin về các cuộc đình công vào đầu ngày thứ tư (15/2), với việc các hợp đồng tương lai cho BSK đang là loại hợp đồng phổ biến nhất hiện nay với đỉnh điểm là 6.744 nhân dân tệ (NDT)/tấn vào buổi sáng.

Tuy nhiên, sự lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung BSK đã bị lấn át bởi những lo ngại về sự cắt giảm về nhu cầu bột gỗ tại thị trường Trung Quốc, dẫn đến mức giá của nó trong hợp đồng tương lai giảm mạnh.

Hợp đồng chốt cho tháng 5 được ổn định tại mức giá 6,620 NDT/tấn vào thứ Năm vừa qua (16/7), giảm 144 NDT/tấn so với tuần trước. Mức đó tương đồng với 840 USD/tấn sau khi đã giảm trừ 1.135 thuế VAT và 120 NDT/tấn về phí vận tải.

Tuần trước, với việc nhiều nhà sản xuất Canada tham gia cuộc đua tăng giá NBSK từ 20-30 USD/tấn, giá NBSK của Canada đã tăng 20 USD/tấn so với mức giá của tuần trước lên 910-930 USD/tấn. trong khi đó, giá NBSK của Bắc Âu đã ổn định trong hai tuần qua tại mức 880- 900 USD/tấn.

Do đó, giá trung bình của NBSK đã tăng 5 USD/tấn lên 905 USD/tấn.

Tại Nam Mỹ, diện tích rừng ở Chile bị tàn phá bởi hỏa hoạn trong mùa hè tiếp tục tăng, nhưng Arauco và CMPC, hai nhà cung cấp thông radiata (radiata pine) lớn nhất của Chile cho Trung Quốc, đã duy trì được công suất nhà máy bột gỗ của họ một cách ổn định, theo tờ PPI Latin America.

Các hợp đồng thể hiện ra rằng các vụ cháy rừng rõ ràng là không hề ảnh hưởng đến sản lượng bột gỗ tại các nhà máy bột gỗ của hai nhà sản xuất này của Chile, nhưng chuỗi cung ứng vẫn bị ảnh hưởng, thể hiện trong sự giảm giá của thông radiata.

Nhưng giá của thông radiata tính đến hiện tại đã đi ngang tại 870-910 USD/tấn.

Tập đoàn Ilim sử dụng giá tính bằng NDT: một bên bán BSK khối lượng lớn khác, tập đoàn Ilim, đã lần đầu tiên công bố giá bột gỗ của mình bằng NDT, sau khi thay đổi phương thức thanh toán cho sản phẩm của Nga vào tháng trước từ USD sang NDT do các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc chiến tranh với Ukraine.

Ilim đã đặt giá niêm yết của BSK Nga ở mức 6300 NDT/tấn (CIF), các cảng chính ở Trung Quốc và 6020 NDT/tấn thông qua vận tải đường bộ. Tất cả cá giá không bao gồm VAT và chi phí vận chuyển.

Cả bên bán và những bên mua đều chỉ ra rằng khi so sánh với hàng nhập khẩu BSK khác từ nơi khác bằng USD, tỷ giá hối đoái cố định giữa USD và NDT là 7:1 sẽ đươc áp dụng.

Công thức đó đưa ra giá niêm yết của BSK của Ilim là 900 USD/tấn, ổn định so với tháng trước, theo nhà cung cấp Nga.

Nhà sản xuất đã định giá BHK của họ là 5130 NDT/tấn (CIF) và 4930 NDT/tấn thông qua đường bộ.

Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm bột gỗ của Ilim đã được bán giảm giá lên tới 350 NDT/tấn hoặc 50 USD/tấn cho một số các bên thương mại của Trung Quốc.

Cuối cùng, BSK Nga đã được đánh giá lại tại mức 850 – 900 USD/tấn sau cuộc điều chỉnh giá, so với mức giá 830 – 860 USD/tấn tại 2 tuần trước đó.

Áp lực biến động giá của BHK: các hợp đồng đã cho thấy rằng giá của BSK sẽ được ổn định hoặc có sự tăng nhẹ trong tương lai, nhưng đối với BHK thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

BHK được sản xuất tại Trung Quốc đã có sự giảm giá mạnh trong tuần này.

Một nhà cung cấp lớn đã cho biết rằng khối lượng mặt hàng này được chào bán tại mức 5800 – 5850 NDT/tấn, đã bao gồm VAT, đã giảm tương ứng với sự sụt giảm về lượng BHK nhập khẩu. Các mức chào bán có thể tương đương với 750 USD/tấn cho BHK nhập khẩu. Những người mua nói rằng việc cắt giảm xuất hiện nhiều hơn trong các thương vụ giao dịch, với loại này có mức giá trung bình 5750 NDT/tấn, tương đương khoảng 725 USD/tấn đã trừ VAT và chi phí logistic.

Mức giá 6220 NDT/tấn của BHK sản xuất tại Trung Quốc mà PPI Asia đã công bố trong tuần này đã được đánh giá trước khi giảm và sẽ được đánh giá lại sau đó.

Các nguồn thông tin chỉ ra rằng sự sụt giảm này thể hiện độ yếu nhu cầu cơ bản của thị trường Trung Quốc.

Một bên thương mại lớn đã lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn trong tình trạng trì trệ, không có dấu hiệu phục hồi như mong đợi sau khi đất nước mở cửa trở lại.

“Người lao động mất việc làm và nguồn thu nhập sau khi các công ty đóng cửa trong thời kỳ đất nước bị phong tỏa vì Covid-19, dẫn đến sự tụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng. Trong hoàn cảnh đó, làm sao mà giá của giấy và bìa các-tông có thể tăng cho được!”, một thương nhân cho hay.

Trên hết, người tiêu dùng cuối cùng đã dự đoán giá nhập khẩu BHK sẽ còn giảm nữa do các nhà sản xuất công suất lớn mới sắp được đưa vào hoạt động tại Nam Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn lạc quan, chỉ ra rằng những sự việc trên đã dẫn đến sự tăng giá 200 NDT/tấn cho phân khúc giấy tissue và giấy mịn không tráng phủ.

Tuy nhiên, một nhà cung cấp Braxin thừa nhận rằng do số lượng lớn nhà sản xuất giấy sử dụng BHKP ở Trung Quốc nên đây vẫn là nơi tiêu thụ chính mặc dù việc mua hàng là miễn cưỡng nên BHKP vẫn chịu áp lực giảm giá.

BHK Nam Mỹ đang có giá giao động từ 730 – 760 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn ở mức thấp nhất của khoảng giá.

Nguồn: Fastmarket

VPPA biên dịch

Lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng (thêm 20,8%), theo dự thảo nghị định được Bộ Nội vụ lấy ý kiến hôm 20/2.

Nếu người mới tốt nghiệp đại học, làm việc trong khu vực hưởng lương ngân sách nhà nước, có hệ số lương 2,34 thì mức lương sau điều chỉnh sẽ là 4,212 triệu đồng (2,34×1,8 triệu đồng), tăng 726.000 đồng so với hiện nay.

Theo Bộ Nội vụ, nếu so với lương tối thiểu vùng của lao động làm việc trong doanh nghiệp thì mức 1,49 triệu đồng/tháng mới đạt 37,89% (lương tối thiểu vùng bình quân năm 2022 là hơn 3,9 triệu đồng/tháng). Hai năm qua, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố trong nước và quốc tế, đặc biệt là đại dịch Covid-19, cán bộ, công chức, viên chức không được tăng lương nên gặp nhiều khó khăn.

Về kinh phí tăng lương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương được sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên, một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và sử dụng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).

Các tỉnh, thành phố sử dụng các nguồn 10% tiết kiệm chi thường xuyên; 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang; tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023.

Ngân sách trung ương bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính lương trong các bảng lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương hưu. Mức tăng 1,8 triệu đồng/tháng đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2022.

Nguồn: Vnexpress

Ưu – nhược khi lao động hợp đồng một tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp

Trong tờ trình Chính phủ dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất lao động có giao kết, ký hợp đồng một tháng trở lên tham gia BHTN, thay vì quy định từ 3 tháng mới đóng như hiện nay. Hiện lao động có hợp đồng từ một đến dưới ba tháng là nhóm có nguy cơ thất nghiệp cao.

Đánh giá tác động của đề xuất, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng mở rộng người đóng sẽ tăng nguồn thu cho Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tăng tư vấn giới thiệu việc làm để lao động sớm quay lại thị trường, từ đó giảm chi các khoản trợ cấp mất việc.

Dự kiến mỗi năm lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm khoảng 150.000 người, chiếm 5% tổng số người tham gia. Số tiền giảm chi tương ứng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 1.920 tỷ đồng (khoảng 11% tổng thu BHTN mỗi năm) với mức hưởng bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng, trung bình hưởng 4 tháng.

Khi tham gia BHTN, lao động có giao kết từ một đến dưới 3 tháng sẽ được hưởng chế độ cho người mất việc như trợ cấp, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, nâng cao kỹ năng và hỗ trợ các loại chi phí khác khi tham gia học nghề. Đây là nhóm không được hưởng quyền lợi theo Luật Việc làm hiện hành.

Về nhược điểm, chính sách mới sẽ làm tăng chi phí của lao động lẫn doanh nghiệp khi phải trích tiền lương đóng BHTN sau một tháng ký hợp đồng. Song Bộ Lao động cho rằng cần thiết để củng cố lưới an sinh và đảm bảo công bằng quyền lợi với nhóm ký hợp đồng trên 3 tháng.

Ủng hộ đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động Xã hội, cho rằng cần đồng bộ chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) và BHTN nhằm bảo vệ quyền lợi lao động. Bởi luật quy định lao động ký hợp đồng một tháng phải đóng BHXH, 3 tháng mới đóng BHTN là không hợp lý.

Số người tham gia BHXH bắt buộc hiện hơn 16 triệu (37% lực lượng lao động) trong khi số đóng BHTN là 14,3 triệu (31%), đồng nghĩa có gần 1,7 triệu lao động có hợp đồng từ một đến dưới 3 tháng. Nếu áp dụng chính sách, số tham gia vào BHTN sẽ tương ứng với số người đóng BHXH.

Lao động sẽ phải trích đóng một phần lương, song theo bà Hương “ai cũng phải đi làm và có nguy cơ thất nghiệp”, cần giá đỡ trong thời gian tìm việc mới. Bà dẫn chứng trong đại dịch, nhóm lao động có hợp đồng dưới 3 tháng, chưa tham gia BHTN không nằm trong nhóm thụ hưởng gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách thực hiện theo nguyên tắc có đóng có hưởng, song vẫn mang tính chia sẻ giữa người đóng nhiều với người đóng ít.

“Người lao động luôn mong giữ được việc làm chứ không ai mong thất nghiệp để nhận trợ cấp, nhưng không ai lường trước được các cú sốc như đại dịch, cắt giảm việc làm”, bà nói.

Bà Hương cũng đề xuất giảm mức đóng của doanh nghiệp lẫn lao động xuống 0,5% thay vì 1% như hiện hành. Đóng thấp thì hưởng thấp nên mức hưởng và thời gian hưởng cần được cơ quan quản lý tính toán khi xây dựng chính sách cụ thể. Với mức đóng hiện tại mà hưởng bình quân 3,2 triệu đồng và 4 tháng như hiện nay là chưa đủ chi phí cho lao động cầm cự trong thời gian tìm việc.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, nơi có hơn 173.000 lao động đang làm việc, cho rằng đóng BHTN cho lao động hợp đồng từ một đến dưới 3 tháng làm tăng chi phí song nằm trong khả năng đáp ứng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Ngọc cũng đặt vấn đề nhóm lao động này có thể bị làm khó khi thôi việc bởi thời gian ngắn. Khi đó chốt sổ bảo hiểm thế nào để nhanh và thuận tiện nhất cần phía bảo hiểm đôn đốc doanh nghiệp, không nên để lao động chờ đợi quá lâu gây ảnh hưởng quyền lợi. Các thủ tục hưởng cũng nên rút gọn để lao động có khoản trợ cấp trong thời gian tìm việc làm mới.

Lao động xếp hàng làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội, tháng 6/2020, sau nửa năm bùng phát đại dịch. Ảnh: Ngọc Thành

Lao động xếp hàng làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội, tháng 6/2020, sau nửa năm bùng phát đại dịch. Ảnh: Ngọc Thành

Ở góc độ người đang đi tìm việc, anh Nguyễn Văn Hoàng, 47 tuổi, cho rằng quan trọng nhất là doanh nghiệp tuân thủ hợp đồng lao động. Sau này lao động nghỉ việc cần được giải quyết thủ tục nhanh chóng để hưởng trợ cấp. Với những lao động mới vào và trong quá trình làm việc, doanh nghiệp cần cập nhật chính sách liên quan BHXH, BHTN, BHYT cho họ biết.

Chính anh Hoàng không thể làm thủ tục hưởng trợ cấp sau 3 tháng thất nghiệp do bị công ty cũ trì hoãn trả quyết định thôi việc. “Nhiều doanh nghiệp khó dễ khi nhân viên nghỉ làm, kéo dài thời gian trả giấy tờ khiến lao động mất quyền lợi”, anh nói, đề xuất cơ quan quản lý nên tính toán rút gọn các thủ tục hơn.

Khảo sát của VnExpress trên 2.500 độc giả cho kết quả 32% ủng hộ đề xuất lao động ký hợp đồng một tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 68% không đồng tình.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và người lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Hiện, nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc có đóng – có hưởng.

Theo quy định hiện hành, mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.

Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa 15 xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tháng 10/2024; thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025 và có hiệu lực ngày 1/1/2026.

Nguồn: vnexpress.net

BCH Chi hội II – VPPA họp phiên mở rộng lần thứ nhất, khoá VII nhiệm kỳ 2023-2028, đầu xuân Quý Mão

Ngày 16/2, tại khách sạn Lotte Sài Gòn, BCH Chi hội II Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) tổ chức họp mở rộng lần thứ nhất, khoá VII (2023-2028). Buổi làm việc có sự tham dự đầy đủ của BCH Chi hội II gồm ông Liêu Kiên Cường – Chủ tịch Chi hội; Ông Hà Ngọc Thống – Phó Chủ tịch Chi hội và ông Nguyễn Trọng An – Phó Chủ tịch Chi hội. Ngoài ra, buổi họp còn có sự tham dự của ông Hoàng Trung Sơn – Phó Chủ Tịch VPPA khoá VI, nguyên Chủ tịch Chi hội II; Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ Tịch kiêm Tổng thư ký VPPA cũng như đại diện hội viên Chi hội I và nhiều đại biểu, khách mời khác.

Tại buổi họp, Lãnh đạo VPPA và Lãnh đạo Chi hội II cùng các Doanh nghiệp đã có nhiều chia sẻ về thông tin, dự báo xu hướng thị trường ngành giấy trong năm 2022, những tháng đầu năm 2023 cũng như điểm lại những kết quả nổi bật của chi hội trong năm vừa qua. Đồng thời, các Hội viên chi hội II tự giới thiệu để ra mắt, giao lưu thắm tình anh em với các hội viên khác và kết nối công việc.

Bên cạnh đó các Doanh nghiệp hội viên, Chi hội và Hiệp hội đã cập nhật, chia sẻ về những cơ chế, chính sách mới của Chính phủ và các bộ ngành liên quan có tác động đến ngành giấy trong năm nay. Đồng thời, các bên cũng góp ý, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp hội viên gặp phải trong bối cảnh kinh tế năm 2022 và đầu năm 2023 được đánh giá có nhiều dự địa để tăng trưởng tuy nhiên lãi suất, lạm phát vẫn ở mức cao.

Buổi họp BCH của Chi hội II không chỉ là cơ hội để các hội viên chia sẻ thông tin, trao đổi cơ hội hợp tác mà còn giúp gắn kết các hội viên trong hiệp hội nhân dịp đầu xuân năm mới 2023. Kết thúc buổi họp mặt các hội viên và khách mời tham gia tiệc Dinner trong không khí cởi mở, vui vẻ và ấm áp tình anh em.

Một số hình ảnh buổi làm việc, giao lưu:

 

Nguồn: VPPA; Chi hội II VPPA

Thông tin dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19 tại Quảng Ngãi

Dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19 được xây dựng tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 350 nghìn tấn bột giấy/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Đây là nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam, dự kiến cuối quý IV năm 2024 đưa vào hoạt động, sẽ tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm, bằng khoảng 55-60% lượng gỗ dăm đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất, góp phần giảm xuất thô dăm gỗ, gia tăng giá trị trồng rừng sản xuất.
Dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19 ứng dụng công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất phổ biến nhất hiện nay trên thế giới, các thiết bị chính và phụ trợ hoạt động, giám sát, điều khiển, bảo vệ tự động hóa hoàn toàn, có độ chính xác và tin cậy cao.
Liên quan đến những lo lắng của người dân về công tác bảo vệ môi trường, lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đối với vấn đề xử lý nước thải, Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 đã đầu tư phân xưởng xử lý nước thải hoàn toàn mới 100% với công nghệ và thiết bị xử lý tốt nhất hiện nay từ châu Âu do Công ty Aquaflow (Phần Lan) thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt, chạy thử và chuyển giao, bảo đảm nước thải sau xử lý đạt và tốt hơn tiêu chuẩn của QCVN 12-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy.
Bên cạnh việc tuân thủ theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, Công ty đã tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, giám sát, bảo vệ.
Cụ thể, nâng công suất hồ sự cố theo thiết kế của nhà thầu Aquaflow từ 20.000m3 lên 50.000m3; bổ sung hồ sinh học với dung tích 25.000m3 tạo hệ thống liên hồ gồm: hồ sự cố và hồ sinh học với sức chứa 75.000m3, đủ để duy trì hoạt động và xử lý sự cố trong vòng 3 ngày; bổ sung hồ nuôi cá kiểm chứng (thả cá, sinh vật phù du, bọ nước, bèo, rong rêu là những động thực vật thủy sinh vật chỉ thị rất nhạy cảm với môi trường để kiểm chứng mức độ độc hại của nước thải); nước thải trước khi xả ra môi trường tiếp tục được kiểm tra tự động và có camera giám sát tại 2 điểm trước hồ sinh học và sau hồ nuôi cá. Kết quả kiểm tra và hình ảnh được truyền trực tiếp và liên tục 24/7 về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quá trình xây dựng, lắp đặt, vận hành phân xưởng xử lý nước thải được sự giám sát, thanh kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân địa phương.
Đối với cộng đồng, Công ty cam kết hỗ trợ, chuyển đổi nghề, bố trí việc làm phù hợp cho người dân có nhu cầu, nhất là người lao động ở các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án, đồng thời chung tay thực hiện công tác an sinh xã hội.
Nguồn: nhandan.vn

Gánh cả nghìn tỷ lãi vay, nhiều doanh nhân Việt mỗi ngày ngủ dậy phải lo trả lãi vài tỷ, có người đến cả chục tỷ đồng

Không chỉ gây chú ý mỗi mùa Báo cáo tài chính về các chỉ tiêu kinh doanh bao gồm doanh thu, lợi nhuận hay số nộp ngân sách,… việc các doanh nghiệp do các tỷ phú dẫn dắt đang phải “gánh” khoản nợ bao nhiêu, đi kèm là khoản chi phí lãi vay hàng năm cũng rất được giới đầu tư quan tâm.

Chi phí lãi vay là khoản chi phí phát sinh khi doanh nghiệp đi vay các khoản vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm: Lãi tiền vay ngắn hạn, dài hạn; Chi phí tài chính của tài sản thuê tài chính…

Việc các doanh nghiệp tăng vay nợ, cộng với mặt bằng lãi suất cao hơn trước đã khiến cho chi phí lãi vay năm 2022 của nhiều doanh nghiệp tăng lên so với cùng kỳ.

Với quy mô lớn, Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) là doanh nghiệp có chi phí lãi vay dẫn đầu toàn thị trường chứng khoán.

Tại ngày 31/12/2022, giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Vingroup là hơn 48.000 tỷ. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 120.000 tỷ.

Chi phí lãi vay phát sinh (ghi nhận vào kết quả kinh doanh) trong năm của Vingroup là 11.052 tỷ đồng, cao nhất toàn thị trường và gấp 2,3 lần doanh nghiệp xếp thứ 2. So với cùng kỳ năm 2021, chi phí lãi vay của Vingroup tăng gần 20%.

Còn theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lãi vay đã trả trong năm của Vingroup và các công ty con là 9.969 tỷ.

Nếu tính bình quân thì mỗi ngày, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trả hơn 27,2 tỷ đồng tiền lãi vay.

Gánh cả nghìn tỷ lãi vay, nhiều doanh nhân Việt mỗi ngày ngủ dậy phải lo trả lãi vài tỷ, có người đến cả chục tỷ đồng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp có chi phí lãi vay ghi nhận trong năm vào kết quả kinh doanh cao thứ 2 là Tập đoàn Masan (mã: MSN) với 4.848 tỷ đồng.

Số lãi vay mà Masan đã trả cao hơn chi phí lãi vay với 5.071 tỷ đồng. Quy ra mỗi ngày, Masan trả gần 14 tỷ đồng tiền lãi.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận lãi vay tăng gần 20% lên 3.084 tỷ đồng năm 2022. Doanh nghiệp đã trả 3.035 tiền lãi vay, tương ứng mỗi ngày trả hơn 8 tỷ đồng tiền lãi.

Tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn + dài hạn) tại ngày 31/12/2022 ghi nhận ở tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long là 58.000 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) có chi phí lãi vay ghi nhận vào kết quả kinh doanh thấp hơn hẳn so với rất nhiều doanh nghiệp khác trên sàn với 842 tỷ. Khoản chênh lệch

Theo số liệu báo cáo tài chính, Novaland đã chi trả đến hơn 6.100 tỷ đồng tiền lãi tính đến ngày 31/12/2022. Tức mỗi ngày, doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn đã trả đến gần 17 tỷ đồng, chỉ sau Vingroup.

Khoản chênh lệch lớn này có thể đến từ việc phần lớn lãi vay đã được vốn hóa thành giá trị đầu tư dự án.

Đến cuối năm 2022, tổng vay ngắn hạn và dài hạn của Novaland xấp xỉ 65.000 tỷ đồng.

CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã: VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bình quân mỗi ngày trả lãi gần 4 tỷ. Chi phí lãi vay trong năm qua của Vietjet Air là hơn 1,3 nghìn tỷ đồng.

Một đại diện hàng không khác là Vietnam Airlines (mã: HVN) cũng có chi phí lãi vay gần bằng đối thủ – hơn 1.100 tỷ đồng năm vừa qua, tăng 43% so với năm 2021. Bình quân mỗi ngày hãng bay này trả lãi khoảng 3 tỷ.

Vinhomes (mã: VHM) – công ty con của Vingroup và EVNGENCO3 (mã: PGV) cũng góp mặt trong top 5 doanh nghiệp dẫn đầu về chi phí lãi vay ghi nhận trong năm với lần lượt 2.219 tỷ và 1.577 tỷ.

Gánh cả nghìn tỷ lãi vay, nhiều doanh nhân Việt mỗi ngày ngủ dậy phải lo trả lãi vài tỷ, có người đến cả chục tỷ đồng - Ảnh 2.

Nguồn: Nhịp sống thị trường

Doanh nghiệp FDI chiếm 72% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 33,5 tỷ USD, dù giảm 22,1% (tương ứng giảm 9,52 tỷ USD), nhưng vẫn chiếm xấp xỉ 72% kim ngạch cả nước.

Trong khi đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 13,06 tỷ USD, giảm 31,5% (tương ứng giảm 6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Nửa cuối tháng 1/2023 (ngày 16-31/1), xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 7,14 tỷ USD, giảm 33,9% (tương ứng giảm 3,66 tỷ USD) so với kỳ 1 của tháng.

Tính chung cả tháng 1 đạt 17,97 tỷ USD, giảm 21,5% (tương ứng giảm 4,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 76,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 1/2023 đạt 6,07 tỷ USD, giảm 35,3% (tương ứng giảm 3,32 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 1/2023. Tính chung trong tháng đạt 15,53 tỷ USD, giảm 22,8% (tương ứng giảm 4,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 67,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Nhiều năm qua, doanh nghiệp FDI vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

Đơn cử như năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 506,83 tỷ USD, tăng 9,3% (tương ứng tăng 43,2 tỷ USD) so với năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 273,63 tỷ USD, tăng 11,6% (tương ứng tăng gần 28,5 tỷ USD) so với năm 2021, chiếm 73,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm ngoái, doanh nghiệp FDI có 6 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng.

Chiều ngược lại, nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 233,2 tỷ USD, tăng 6,7% (tương ứng tăng 14,72 tỷ USD) so với năm trước, chiếm 65% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Năm 2022, cán cân thương mại của doanh nghiệp FDI đạt con số xuất siêu 40,43 tỷ USD.

Nguồn: haiquanonline.com.vn

Năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ thu về gần 3,5 tỷ USD

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong năm 2022, mặt hàng dăm gỗ và viên gỗ nén có tỷ trọng xuất khẩu tăng mạnh.

Trong đó, trị giá xuất khẩu dăm gỗ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 54,9% so với năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm 16,77% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 5,06 điểm phần trăm so với năm 2021. Tiếp theo là mặt hàng viên nén gỗ đạt 778,5 triệu USD, tăng 83,6% so với năm 2021, tỷ trọng chiếm 4,86%, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2021.

Hiện tại trên thị trường thế giới, nhu cầu đối với dăm gỗ và viên nén gỗ ngày càng gia tăng, bởi cam kết của các nước trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén gỗ trong tương lai, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, xung đột Nga và Ukraine buộc các quốc gia khối EU phải tìm nguồn cung nguyên liệu thay thế cho nguồn khí đốt từ Nga. Đây là cơ hội lớn đối với dăm gỗ và viên nén gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao. Trong những tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này vẫn tăng trưởng tốt khi tình hình dịch bệnh lắng xuống.

Nhưng tác động của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine khiến nhiều thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ và nhiều quốc gia châu Âu áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế, khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh.

Do đó, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong năm 2022 đạt 9,96 tỷ USD, giảm 0,4% so với năm 2021 (so với mức tăng 16,1% trong năm 2021 so với năm 2020).

Mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, ngành hàng này mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ. Tuy nhiên, các khó khăn của kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023, vì vậy hoạt động xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ được dự báo sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Nguồn: Báo Công Thương