Nền hành chính không giấy ở Dubai

Dubai là chính phủ đầu tiên trên thế giới đạt mức số hóa 100%, mọi thủ tục hành chính đều được thực hiện trực tuyến qua ứng dụng online. Điều này giúp giảm 14 triệu giờ làm và 350 triệu USD mỗi năm.

Chương trình chính phủ điện tử của Tiểu vương quốc Dubai chính thức khởi động từ năm 2001, tầm nhìn 2021, trong vòng 20 năm Dubai đã hoàn thành mục tiêu đưa tất cả dịch vụ lên không gian mạng. Giải quyết triệt để khúc mắc lớn nhất của mọi chính phủ hiện nay, đó là nền hành chính công trên giấy rất tốn kém và phiền hà.

Chiến lược Dubai không giấy có 3 mục tiêu chính: Đáp ứng nhu cầu của người dân và cung cấp các dịch vụ một cách chủ động, toàn vẹn và liên tục; bảo đảm năng lực cạnh tranh và vị thế dẫn đầu của Dubai trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số; nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ nhằm tiết kiệm chi phí vận hành, đồng thời bảo đảm các nguồn tài nguyên của chính phủ được sử dụng tối ưu thông qua số hóa và các dịch vụ cung cấp cho cá nhân, doanh nghiệp.

Về cơ bản, để thành công trong nỗ lực thực thi chính phủ điện tử của Dubai là tầm nhìn và phương hướng rõ ràng, theo sau là kế hoạch chiến lược và hành động quyết đoán, nhanh nhạy dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Vậy, đâu là chìa khóa?

Thứ nhất, Dubai là thành phố giàu có bậc nhất trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người trên 43.000 USD/người/năm. Nhiều người nhầm tưởng tiểu vương quốc này giàu nhờ dầu khí nhưng không phải, 4 ngành mũi nhọn hiện nay là tài chính, logictics, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và bất động sản.

Chính nhờ cơ cấu kinh “gọn nhẹ” hiện đại này là điều kiện thuận lợi giúp dễ dàng số hóa. Tất nhiên, số hóa đối với dịch vụ ngân hàng hay du lịch đơn giản hơn rất nhiều so với nông nghiệp và công nghiệp nặng.

Thứ hai, với diện tích khoảng 86.000km vuông và 3,5 triệu dân, cộng với nền tảng tài chính, cơ cấu kinh tế hiện đại, thích hợp đã giúp Dubai hoàn thành đúng kế hoạch số hóa dịch vụ hành chính công.

Thứ ba, tầm nhìn chuyển đổi số ở Dubai ra đời từ rất sớm, cách đây 20 năm khi nhiều quốc gia mới tiếp xúc với Internet thì gia tộc Hamdan bin Rashid Al Maktoum đã bắt đầu triển khai số hóa chính phủ với 13/40 dịch vụ phổ biến được thử nghiệm. Năm 2002, Dubai đã ban hành luật Thương mại và giao dịch điện tử.

Thứ tư, Dubai sớm thành công và trở nên giàu có, một thể chế được cai quản bởi gia tộc Maktoum, tuy nhiên cấu trúc nhà nước được thiết kế theo hướng phúc lợi, chia sẻ lợi ích khá đồng đều. Tiểu vương quốc này tổ chức ra Bộ Hạnh phúc, Bộ Khoan dung, Hội đồng tri thức và phát triển con người để quản trị lĩnh vực đời sống, tinh thần cho dân chúng.

Với một nhà nước hiện đại, mức sống cao, văn hóa của Dubai đã dần phát triển theo hướng xa xỉ, sang trọng và xa hoa với sự quan tâm cao đối với sự ngông cuồng liên quan đến giải trí. Thành phố này sản sinh ra vô số giá trị đặc biệt, mà chính phủ điện tử 100% không dùng giấy tờ là một trong những kết quả tất yếu.

    >>> Những sản phẩm tái chế từ giấy vụn

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Covid-19 gia tăng thách thức cho kinh tế thế giới 2021

Sau năm 2020 nhiều mất mát, thế giới bước vào năm 2021 với kỳ vọng lớn, rằng vaccine Covid-19 sẽ được phổ biến và các nền kinh tế sẽ bật dậy mạnh mẽ trong đại dịch. Tuy nhiên, sự thật lại là thế giới ngày càng đứt gãy, bất ổn và mong manh.

Các biến chủng lần lượt xuất hiện, từ Delta đến Omicron, đã làm đảo lộn tất cả. Và dù 2021 chứng kiến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu nhanh hơn kỳ vọng, nhờ các gói kích thích tiền tệ và tài khóa khổng lồ, những thách thức cần giải quyết vẫn còn rất nhiều.

Lạm phát dâng khắp thế giới

Từ giữa năm nay, giá cả tăng cao đã khiến giới chức đau đầu. Giá hàng loạt sản phẩm đua nhau lập kỷ lục, từ gỗ xẻ, quặng sắt, đồng, đến ngô, đậu tương, lúa mì và dầu thô.

Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh lên cao nhất 10 năm. CPI của eurozone chạm 4,9%, lên đỉnh 24 năm. Trong khi đó, lạm phát của Mỹ là 6,8% – cao nhất kể từ năm 1982. Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) và CPI cũng liên tục tăng tốc trong vài tháng qua.

Có nhiều nguyên nhân gây ra việc này. Đó là nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi sớm và mạnh hơn nhiều so với diễn biến thường thấy sau một cuộc suy thoái. Trong khi đó, nguồn cung lại bị gián đoạn, dẫn đến thiếu hụt. Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế học, nguyên nhân sâu xa là chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và các nước khác, nhằm hồi sinh nền kinh tế hoàn toàn sau đại dịch.

IMF, Deutsche Bank và nhiều tổ chức khác đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng do lạm phát. Tình hình này cũng đẩy các ngân hàng trung ương vào thế khó. Nếu rút kích thích quá nhanh để kiểm soát giá cả, họ sẽ phải hy sinh việc làm và các hoạt động kinh tế mà khó khăn lắm mới tăng trưởng lại.

Chuỗi cung ứng tắc nghẽn

covid-19-gia-tang-thach-thuc-cho-kinh-te-the-gioi-2021
Tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: AP

Hồi tháng 3, tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez (Ai Cập) gần một tuần. Hơn 360 tàu mắc kẹt cùng số hàng hóa trị giá 3-9,6 tỷ USD. Nhiều tàu khác phải đi đường vòng, kéo dài thời gian và đẩy cao chi phí vận chuyển. Sự cố này chỉ là một ví dụ cho thấy sự căng thẳng của chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch.

Năm nay, hầu như không có nơi nào trên thế giới thoát được cảnh gián đoạn cung ứng. Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu cho vấn đề này. Vì tàu biển, tàu hỏa, xe tải hay máy bay đều phụ thuộc vào sức khỏe con người để vận hành nhịp nhàng. Bên cạnh đó, thiếu container và nhu cầu hàng hóa tăng vọt trong đại dịch càng khiến tình hình trầm trọng.

Tại Anh, nguồn cung nhiên liệu cạn kiệt vì không đủ tài xế chở hàng sau Brexit. Các hãng điện tử và ôtô thì thiếu chip nhớ – sản phẩm sản xuất chủ yếu tại Đài Loan và Hàn Quốc. Các công ty từ Anh, Đức đến Ai Cập, Peru phải vật lộn với thiếu nguyên liệu thô và cảnh báo tình trạng giá cao kéo dài.

Giới quan sát cho rằng chuỗi cung ứng khó có thể được gỡ nút sớm. Các chuyên gia logistics từ Los Angeles đến Rotterdam gần đây cảnh báo việc tắc nghẽn sẽ khó dịu bớt cho đến năm 2023. Với nhiều công ty, tình hình này khiến họ phải nghiêm túc đánh giá lại chuỗi cung ứng. Trong ngắn hạn, họ sẽ phải xây thêm kho chứa hàng, khiến họ tốn thêm chi phí và gánh thêm rủi ro trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa chấm dứt.

Chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn ngày càng khác biệt

covid-19-gia-tang-thach-thuc-cho-kinh-te-the-gioi-2021
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell trong một buổi họp báo. Ảnh: AP

Mức độ phục hồi kinh tế toàn cầu trong đại dịch không đồng đều, khiến giới chức cũng phải đưa ra các chính sách khác nhau.

Lạm phát tăng vọt khiến nhiều ngân hàng trung ương phải thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ đã áp dụng từ đầu đại dịch. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 15/12 cho biết sẽ giảm quy mô mua lại trái phiếu và sẽ nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022. Chỉ một ngày sau, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ đầu đại dịch.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thì giữ nguyên lãi suất, nhưng giảm quy mô mua lại trái phiếu từ quý sau. Brazil và Nga cũng đã nhiều lần nâng lãi trong năm nay.

Trong khi đó, Trung Quốc còn không nghĩ đến việc thắt chặt và đang quay trở lại chính sách nới lỏng khi nền kinh tế chậm lại và các hãng bất động sản vỡ nợ. Trong tháng này, họ thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm và hạ lãi suất lần đầu tiên trong 20 tháng. Ngân hàng trung ương Nhật Bản thì khẳng định còn quá sớm để nghĩ đến việc bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Quả bom nợ Evergrande đe dọa kinh tế Trung Quốc

covid-19-gia-tang-thach-thuc-cho-kinh-te-the-gioi-2021
Một dự án chung cư đang xây dựng ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Xây dựng đã giúp kinh tế Trung Quốc hồi phục theo hình chữ V sau đại dịch. Tuy nhiên, để tránh phụ thuộc vào bất động sản và ngăn đầu cơ, Bắc Kinh năm nay bắt đầu siết tín dụng cho lĩnh vực này.

Chính sách này khiến nhiều hãng địa ốc lao đao trong nửa cuối năm. Thiệt hại nặng nhất là Evergrande Group. Việc lạm dụng đòn bẩy tài chính để phát triển dự án và kinh doanh đa ngành khiến Evergrande gánh khối nợ khoảng 300 tỷ USD. Khi bị siết tín dụng, hãng đã nhiều lần suýt lỡ hẹn thanh toán lãi trái phiếu.

Đến ngày 9/12, 3 ngày sau khi hãng này lỡ hẹn trả lãi 2 lô trái phiếu, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hạ bậc Evergrande từ “C” xuống “RD” (Restricted Default – vỡ nợ giới hạn). Cổ phiếu của hãng cũng đã mất 80% giá trị trong năm nay.

Giới chức Trung Quốc dĩ nhiên khó có thể vui mừng với một vụ vỡ nợ khổng lồ có thể đe dọa sự ổn định kinh tế và xã hội nước này. Họ đã nới lỏng một số quy định cho vay mua nhà, đồng thời thúc giục ông chủ Evergrande Hui Ka Yan bỏ tiền túi trả nợ. Giới chức Trung Quốc cũng trấn an thị trường rằng họ có thể kiểm soát các nguy cơ với thị trường này.

Tài sản số ngày càng phổ biến

covid-19-gia-tang-thach-thuc-cho-kinh-te-the-gioi-2021
Tiền số năm nay liên tiếp lập kỷ lục về giá. Ảnh: Reuters

2021 là năm nhiều dấu ấn với tài sản kỹ thuật số. Giá Bitcoin năm nay liên tiếp lập đỉnh, gần nhất là phiên 10/11 với 68.789 USD, theo Coinmarketcap. Tiền số phổ biến nhất thế giới cũng lần đầu tiên được một quốc gia công nhận, cho phép sử dụng trong mọi giao dịch. Các loại tiền số lớn khác, như ethereum, hay các memecoin, như Dogecoin và Shiba Inu, vẫn tiếp tục thu hút nhà đầu cơ.

Ngoài Bitcoin, NFT (non-fungible token) và Metaverse (vũ trụ ảo) cũng bùng nổ trên thế giới. NFT trở thành trào lưu từ tháng 3, khi ca sĩ Grimes bán bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số với giá gần 6 triệu USD. Bắt đầu từ các tác phẩm nghệ thuật, NFT sau đó lan rộng sang metaverse. Những mảnh đất ảo trong metaverse thậm chí còn đắt hơn ngoài đời thực, với giá lên đến hàng triệu USD.

Cơn sốt tài sản số khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Họ cho rằng tâm lý sợ bị bỏ lại phía sau (FOMO) của nhà đầu tư đã đẩy giá tài sản số lên cao. Nhiều người mua chỉ để đầu cơ chứ không thật sự muốn sở hữu. CNBC cũng cho rằng thị trường NFT đang phát triển quá nhanh và bong bóng này có thể vỡ bất kỳ lúc nào.

Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới

covid-19-gia-tang-thach-thuc-cho-kinh-te-the-gioi-2021
CEO Tesla Elon Musk hiện là người giàu nhất thế giới. Ảnh: AFP

Nhờ giá cổ phiếu Tesla và định giá SpaceX tăng vọt, CEO Tesla Elon Musk năm nay chính thức soán ngôi giàu nhất thế giới của Jeff Bezos. Musk hiện sở hữu 236 tỷ USD, hơn Bezos khoảng 42 tỷ USD. Tháng trước, ông cũng trở thành người đầu tiên cán mốc tài sản 300 tỷ USD.

Elon Musk thậm chí được dự báo trở thành người đầu tiên trên thế giới sở hữu khối tài sản 1.000 tỷ USD nhờ tiềm năng của SpaceX. Tính đến nay, tỷ phú này là người có tài sản tăng mạnh nhất hành tinh, với gần 100 tỷ USD năm nay.

Musk còn ghi dấu ấn năm 2021 bằng một loạt phát ngôn gây bão mạng xã hội. Ông khẩu chiến với ông chủ sàn giao dịch tiền số Binance, chế nhạo Jeff Bezos, tranh luận về việc nộp thuế và thường xuyên đề cập đến các loại tiền số. Tầm ảnh hưởng của Musk trong nhiều lĩnh vực đã giúp ông được tạp chí Time và Financial Times bình chọn là “Nhân vật của Năm”.

     >>> Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021: Ưu tiên phát triển nhân lực và tập đoàn logistics

Theo VnExpress

Những sản phẩm tái chế từ giấy vụn

Em cho biết, hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng em luôn được nghe những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm. Đặc biệt là ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước và điều đó từng ngày, từng giờ đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Ở gia đình em có nhiều báo và tạp chí cũ, khi những thông tin và kiến thức đã xem qua thì nó đã lạc hậu và chúng trở thành rác. Nhưng nếu chúng ta chịu khó một chút, kiên nhẫn một chút thì chúng sẽ biến thành những vật dụng hữu ích trong cuộc sống.

Xuất phát từ ý tưởng trên đã gíúp em làm nên những sản phẩm tái chế từ nguyên liệu là giấy báo cũ. Em rất mong được sự đồng cảm từ bạn bè và các bạn sẽ cùng em chung tay góp sức chăm sóc nhiều hơn cho môi trường xung quanh, để tạo nên nguồn không khí xanh và nguồn nước sạch từ những việc làm nhỏ bé là không vứt rác bừa bãi, trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà và tái chế lại những rác thải nào có thể như: chai nhựa, vỏ hộp bia nước ngọt, giấy báo cũ các loại…

Học theo lời dạy của Bác: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”, nên Minh Trí muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ môi trường mình đang sống.

Các vật liệu làm nên sản phẩm là các loại giấy báo và tạp chí cũ, giấy decal, keo hai mặt, hạt kim sa, nắp lon bia, nỉ màu, mút xốp, keo sữa… Cách làm rất đơn giản, chỉ cần cắt, quấn hoặc dán giấy báo thành hình dạng của đồ vật, dùng keo sữa dán định hình lại cho cứng, kết hợp gắn những hạt kim sa trang trí theo từng đồ vật…

    >>> Quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Theo Khoa học phổ thông

Kinh tế tuần hoàn và vai trò của hóa học, công nghiệp hóa chất

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hóa chất Việt Nam…

Công nghiệp hóa chất đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ năm toàn cầu. Theo báo cáo “Ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu: Thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức về tính bền vững của thế giới” của Hiệp hội Hóa chất quốc tế, ngành này đóng góp ước tính 5,7 nghìn tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới thông qua các tác động trực tiếp, gián tiếp và gây ra, tương đương với 7% GDP của thế giới và hỗ trợ 120 triệu việc làm trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, đây cũng là ngành đặt ra nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc quản lý hóa chất không chặt chẽ trong năm 2016 đã dẫn đến ít nhất 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

Do đó, kinh tế tuần hoàn không chỉ là chiến lược quan trọng đối với toàn cầu, đối với từng quốc gia mà còn đối với từng doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp hóa chất phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng chính là đã góp phần cho cả nền kinh tế của quốc gia phát triển theo xu thế kinh tế tuần hoàn.

kinh-te-tuan-hoan-va-vai-tro-cua-hoa-hoc-cong-nghiep-hoa-chat
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tham dự trực tiếp và trực tuyến Hội thảo

Phát biểu trực tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, hóa chất, công nghiệp hóa chất đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các ngành kinh tế như khai thác, chế biến thực phẩm, dệt may, da giầy, điện tử, là thìa khóa quan trọng để tạo ra các nguyên liệu mới, vật liệu mới. Quản lý hóa chất bền vững là hết sức cần thiết để ứng phó lại các rủi ro tích hợp lên sức khỏe của con người, hệ sinh thái và mức độ chi phí của nền kinh tế. Cùng với đó, phát triển ngành công nghiệp hóa chất để có những vật liệu mới, những công nghệ mới có vai trò quan trọng để thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm thiểu chất thải, tăng hiệu quả của các quá trình sản xuất, tăng tuổi thọ của các sản phẩm, giảm các tác động xấu đến sức khỏe và môi trường. Do vậy, thúc đẩy quản lý hóa chất; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất bền vững là hết sức cần thiết để tối đa hóa các lợi ích, đóng góp vào mục tiêu chung.

Quản lý hóa chất, phát triển ngành công nghiệp hóa chất bền vững có vai trò quan trọng đến sự thành công của thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, nhiều sáng kiến đã, đang được đề xuất và áp dụng trong lĩnh vực hóa chất; phát triển ngành công nghiệp hóa chất nhằm phát triển một nền kinh tế tuần hoàn sạch, đảm bảo các hóa chất nguy hiểm và chất độc không tồn tại trong các sản phẩm; tạo ra các nguyên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường và thay thế hóa chất xanh thông qua việc thiết kế các sản phẩm và quy trình hóa học nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng và tạo ra các chất độc hại.

Thứ trưởng cho rằng, kinh tế tuần hoàn không chỉ là chiến lược quan trọng đối với toàn cầu, đối với mỗi quốc gia mà còn đối với từng doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp hóa chất phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng chính là góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc gia.

Ngành công nghiệp hóa chất vừa là ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng trên thực tế, ngành hóa chất đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các giải pháp công nghệ, các công cụ và vật liệu để giải quyết ô nhiễm cho chính mình và những nguồn ô nhiễm khác.

Để phát triển thành công các mô hình kinh tế tuần hoàn, việc xây dựng một hành lang chính sách, khung khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp dựa trên cách tiếp cận khoa học, liên ngành đóng vai trò quyết định.

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một nội dung quan trọng trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020, và Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn, rất ủng hộ các sáng kiến, các nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư vào kinh tế tuần hoàn.

Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh cho rằng, khác với cách tiếp cận của nền kinh tế tái chế, trong đó, vấn đề chất thải được xem xét hầu như độc lập với những công đoạn khác nhau của toàn bộ vòng đời sản phẩm, trong kinh tế tuần hoàn mục tiêu hiệu suất và giá trị gia tăng sẽ được xem xét và lồng ghép trong tất cả các giai đoạn của vòng đời sản phẩm, từ khâu thiết kế sản phẩm, chuẩn bị nguyên liệu liệu, đến khâu sản xuất ra sản phẩm, khâu sử dụng sản phẩm, quản lý sản phẩm sau sử dụng và chất thải… với tiêu chí chung là tăng tối đa hiệu suất và giá trị, giảm tối đa tác động từ chất thải vào môi trường ở từng công đoạn của vòng đời. Để đạt được mục tiêu này, ngoài những công cụ pháp lý và tài chính thì vai trò của công nghệ là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, nếu xem xét đến bản chất của các quá trình chuyển hóa vật chất từ nguyên liệu ban đầu đến sản phẩm trung gian, sản phẩm cuối cùng và chất thải, cũng như những đặc trưng mong đợi khác của sản phẩm được thiết kế và sản xuất (độ bền, khả năng đáp ứng yêu cầu người dùng, khả năng tái sử dụng, tính thẩm mỹ…), có thể nói hóa học chính là chìa khóa để giải các bài toán này và ngành khoa học hóa học, công nghệ hóa học và công nghiệp hóa chất với những thành tựu trong những năm gần đây đã chứng minh nhận định rằng hóa học và công nghiệp hóa chất là công cụ không thể thiếu để thực thi một nền kinh tế tuần hoàn.

“Hóa học và công nghiệp hóa chất đã và sẽ là ngành giao thoa của các yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo, tăng khả năng khai thác, phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tái tạo (kể cả chất thải) để đồng thời giải quyết những xung đột về phát triển và môi trường và xã hội trong những xu thế hiện đại và văn minh hóa ở tất cả các quốc gia, trong đó, có Việt Nam”, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam nhấn mạnh.

kinh-te-tuan-hoan-va-vai-tro-cua-hoa-hoc-cong-nghiep-hoa-chat
TS. Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT trình bày khuôn khổ pháp lý của kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập chung chia sẻ và thảo luận về những thành tựu trong lĩnh vực hóa chất và kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức ở nhiều cấp quản lý ngành Hóa chất và môi trường của Việt Nam, của cộng đồng công nghiệp hóa chất Việt Nam nói riêng và cộng đồng công nghiệp Việt Nam nói chung về vai trò của khoa học công nghệ nói chung và hóa học nói riêng trong thực thi cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, góp phần thực sự cho việc đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững tại Việt Nam.

    >>> Quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Theo Báo Tài nguyên Môi trường

Quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Xử lý chất thải ở Việt Nam là vấn đề nan giải so với yêu cầu thực tiễn. Sau nhiều nỗ lực tìm phương án phù hợp để xử lý chất thải, đến nay, chôn lấp chất thải rắn (CTR) sinh hoạt vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70% so với các biện pháp khác.

Vấn đề cần xử lý trong thời gian tới là áp dụng chính sách nào và cơ chế gì để chất thải không còn là nỗi ám ảnh đối với chiếm dụng diện tích đất, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và bức xúc xã hội. Mục tiêu hướng đến cần phải đạt được là CTR trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động kinh tế.

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, cách tiếp cận hiệu quả nhất là khuyến khích sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế mô hình “kinh tế tuyến tính đối với giải quyết vấn đề chất thải.

Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia, tiếp cận với phương thức, công cụ quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ hàng đầu trong việc xử lý CTR đô thị theo hướng: “coi rác thải là nguồn tài nguyên; quản lý CTR phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”.

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để xây dựng tương lai bền vững cho doanh nghiệp theo tinh thần làm thế nào để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế, dùng nguyên liệu sinh học.

Tiếp tục đổi mới, đầu tư các công nghệ xử lý CTR tiên tiến, hiện đại giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên… Bộ Tài nguyên và Môi trường có vai trò là đầu mối tập trung xây dựng chính sách, lộ trình tiến tới loại bỏ chất thải nhựa sử dụng một lần và ni-lông không phân hủy; xây dựng mô hình công nghệ hướng tới kinh tế tuần hoàn, nói không với rác thải nhựa và ni-lông không phân hủy.

Ngành công nghiệp giấy Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp chế biến trọng yếu, đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại, liên quan mật thiết với hầu hết các ngành kinh tế và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, như năng lượng, hóa chất, lâm nghiệp, vận tải… Ngành giấy là ngành sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu là sinh khối thực vật, là nguồn nguyên liệu tái tạo, thúc đẩy trồng rừng, tạo ra môi trường xanh, chống xói mòn đất và ngăn ngừa thảm họa thiên nhiên, không gây ra sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và duy trì được sự phát triển lâu dài, vì vậy ngành giấy được xem là ngành công nghiệp có vòng tuần hoàn cacbon cao và phát triển bền vững.

Ngành giấy được đánh giá là ngành phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn, tất cả các sản phẩm của ngành đều có thể được thu hồi và tái sử dụng. Trong đó, giấy thu hồi hiện nay là nguồn tài nguyên, là nguyên liệu thứ cấp quan trọng sử dụng trong ngành giấy. Giấy thu hồi được sử dụng làm nguyên liệu chính trong sản xuất, có loại giấy sử dụng giấy thu hồi làm nguyên liệu đầu vào tới 100%. Việc khuyến khích sử dụng giấy thu hồi làm nguyên liệu mang lại những lợi ích to lớn cả về tiết kiệm tài nguyên (giảm thiểu chặt cây rừng), cũng như chi phí sản xuất (tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, giảm tiêu dùng hóa chất…). Chính sách nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất cần có những bước đột phá, coi giấy thu hồi sau khi được làm sạch và phân loại như hàng hóa thông thường, giống như các nước phát triển đang áp dụng. Cần có những chính sách vừa bảo đảm bảo vệ môi trường vừa kích thích phát triển sản xuất, áp dụng chính sách khuyến khích thu gom giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất ở trong nước./.

     >>> Chìa khóa thành công cho nền kinh tế tuần hoàn

VPPA (tổng hợp)

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021: Ưu tiên phát triển nhân lực và tập đoàn logistics

Logistics Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics” do Bộ Công Thương chủ trì đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội. Sau hai Phiên Hội thảo chuyên đề, chiều nay (14/12), Phiên Toàn toàn thể của Diễn đàn đã được diễn ra với sự tham dự của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng nhiều đại biểu khách mời.

Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.

Theo Bộ Công Thương, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 được tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Việc triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đòi hỏi doanh nghiệp ngày càng phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, trong đó có vấn đề phát triển nguồn nhân lực logistics.

Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phát triển nguồn nhân lực nói chung và trong ngành logistics nói riêng đang là chủ đề mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đồng thời chuẩn bị cho việc phục hồi đà tăng trưởng sau tác động của dịch Covid-19.

Bộ trưởng nhấn mạnh, “đây là vấn đề không mới, nhưng có ý nghĩa then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.

Cũng theo Bộ trưởng, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 14-16%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021 duy trì mức tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

“Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

dien-dan-logistics-viet-nam-2021-uu-tien-phat-trien-nhan-luc-va-tap-doan-logistics
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định, ngành logistics của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển

Cùng quan điểm, dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 39 trên 160 quốc gia và đứng thứ 3 trong ASEAN, tăng 25 bậc so với năm 2016.

Nghiên cứu năm 2021 của Bộ Công Thương cũng cho thấy, chỉ số năng lực hoạt động logistics có tăng, đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong top 10 Chỉ số Logistics thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt khoảng 14-16%/năm.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ưu tiên phát triển nhân lực và tập đoàn logistics

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất nhập khẩu những năm qua mang đến tiềm năng lớn đồng thời đặt ra những thách thức cho ngành logistics Việt Nam.

Trưởng Ban kinh tế Trung ương chỉ rõ, dưới tác động của dịch Covid-19, những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam tiếp tục bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao, ước chiếm hơn 20% GDP.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển…

Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi số trong ngành logistic còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics còn yếu và thiếu, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường, chưa theo kịp sự phát triển của logistics thế giới.

Ngoài ra, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn chưa cao.

dien-dan-logistics-viet-nam-2021-uu-tien-phat-trien-nhan-luc-va-tap-doan-logistics
Bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Việt Nam chỉ ra những thách thức và cơ hội phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới

Trong khi đó, bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Việt Nam cũng cho rằng, trong năm 2021 dưới tác động của đại dịch Covid-19, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam còn khá cao; thiếu sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, năng lực cạnh tranh còn thấp, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp…

Nêu nguyên nhân khiến ngành logistics Việt Nam phát triển chưa xứng tầm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đó là do sự thiếu hụt nguồn nhân lực logistics. Việc đào tạo chuyên sâu về logistics chưa được quan tâm đúng mức; quy mô đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp.

Cùng với đó, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ logistics chưa đầy đủ, đồng bộ; Hầu hết các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ cả về lao động, tài chính, kinh nghiệm hoạt động, chưa vươn ra được thị trường logistics quốc tế. Đặc biệt, việc chuyển đổi số trong các khâu của logistics còn hạn chế, chưa bắt kịp xu thế quốc tế, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phát triển ngành logistics nói chung và nhân lực ngành logistics nói riêng không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Công Thương mà cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.

Do vậy, Bộ trưởng Công Thương đề nghị và khuyến khích các công ty logistics trong nước nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Song song đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghệ lần thứ Tư trong lĩnh vực logistics nhằm thúc đẩy tự động hóa tối đa các quy trình hoạt động, giúp hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất và cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng trong điều kiện nhân lực hạn chế và thị trường có nhiều biến động.

dien-dan-logistics-viet-nam-2021-uu-tien-phat-trien-nhan-luc-va-tap-doan-logistics

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị, các doanh nghiệp gấp rút triển khai các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; kết nối các phương thức vận tải; xúc tiến thành lập các khu thương mại tự do, tạo điều kiện cho các địa phương có lợi thế phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời đóng vai trò kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm quản lý thống nhất chất lượng hàng hóa, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt đề nghị việc tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngay sau Phiên toàn thể, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi về các chủ đề như “Ngành Logistics Việt Nam trước những vận hội mới”, “Phát triển nhân lực logistics – yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics”, “Tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và những tác động đối với Việt Nam”…

Cũng trong Phiên này, Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2020-2021; Báo cáo Logistics Việt Nam 2021; Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị cũng đã được diễn ra.

    >>> Andritz tham gia nhiều dự án giấy tại Châu Á

Theo Tạp chí Công thương

Andritz tham gia nhiều dự án giấy tại Châu Á

Tại Trung Quốc, Andritz đã khởi chạy thành công một trong hai dây chuyền sản xuất giấy tissue PrimeLineTM W 2000 tại nhà máy ở thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây của công ty Guangxi Sun Paper, Trung Quốc. Máy tissue còn lại (TM6) dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Máy tissue (TM5) có tốc độ thiết kế 2.000 m/phút, khổ rộng giấy 5,65 m, công suất 60.000 tấn/năm.

Để nâng cao hiệu suất và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, máy được trang bị một lô ép chân không cỡ lớn, một lô sấy PrimeDry Steel Yankee 18ft trang bị đầu cách điện và hệ thống tái bay hơi. Cùng với đó lưới xeo và chăn ép ANDRITZ Fabrics và ANDRITZ Rolls cũng được lắp đặt để tối ưu hóa chất lượng của thành phẩm.

Gói cung cấp cũng bao gồm máy nghiền bột FibreSolve FSV, hệ thống đưa bột lên lưới xeo cũng như các hệ thống xử lý đứt gãy, thu hồi xơ sợi và tự động hóa.

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Giấy HKB-Hoa Lư cũng hợp tác với Andritz để lắp một dây chuyền xử lý OCC hoàn chỉnh, trong đó gồm cả hệ thống xử lý bột thải cho nhà máy tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Máy dự kiến sẽ ​​khởi chạy vào quý 3 năm 2022.

Dây chuyền OCC sẽ có công suất thiết kế 500 tấn/ngày. Nguyên liệu sản xuất là OCC hỗn hợp và thành phẩm là giấy lớp sóng giữa và giấy testliner chất lượng cao để phục vụ cho thị trường Việt Nam và Trung Quốc./.

    >>> Thị trường bột giấy châu Á: giá hợp đồng kỳ hạn tại Trung Quốc tăng vọt

Theo Pulpapernews

Chìa khóa thành công cho nền kinh tế tuần hoàn

Khi rác thải là một nguồn tài nguyên mới

Với tốc độ đô thị hóa ngày ngày cao và tầng lớp trung lưu nhiều hơn, nhu cầu nhựa gia tăng nhanh chóng trong các ngành tiêu dùng, xây dựng, hàng gia dụng vì tính tiện lợi và linh hoạt.

Tuy nhiên, tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều cùng với quản lý chất thải kém đang gây ô nhiễm rõ rệt tại các thành phố, cũng như khu vực biển, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và môi trường sống tự nhiên, gia tăng biến đổi khí hậu.

Ước tính đến năm 2019, có khoảng 9,3 tỷ tấn nhựa nguyên sinh được sản xuất trên quy mô toàn cầu, trong đó 6,3 tỷ tấn đã trở thành rác thải nhựa. Đáng chú ý, chỉ có khoảng 9% số rác này được tái chế, 12% được xử lý bằng phương pháp đốt và khoảng 79% còn lại được chôn lấp.

Điều này có nghĩa là gần 5 tỷ tấn rác thải nhựa đang tích tụ tại các bãi rác trên toàn thế giới. Chúng sẽ vỡ vụn dần dần và rò rỉ vào tầng nước ngầm và các con sông, trở thành một trong những nguồn ô nhiễm vi nhựa liên tục của các đại dương.

Những tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với Việt Nam do sở hữu bờ biển dài, và phụ thuộc lớn vào các ngành kinh tế chủ chốt như du lịch và thủy sản.

Nghiên cứu gần đây từ IFC – Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng trong số gần 4 triệu tấn các loại nhựa sử dụng phổ biến được thải ra hàng năm tại Việt Nam, chỉ có 33% được thu hồi và tái chế. Ước tính nền kinh tế lãng phí 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 – 2,9 tỷ USD mỗi năm.

Nhiều chuyên gia từng khuyến nghị các phương pháp tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp thu lại giá trị đáng kể, lại vừa giảm nguồn nhựa thải ra môi trường.

Ông Andre Jeffries, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, đánh giá mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành phố trở thành các trung tâm kinh tế, thực tế đang đòi hỏi nhiều trong số đó phải cải thiện hơn nữa các cơ sở hạ tầng và dịch vụ chủ chốt, bao gồm cả hệ thống quản lý chất thải rắn.

“Đại dịch là một cơ hội để tái thiết những cộng đồng của chúng ta theo các mô hình bền vững, nhằm tạo dựng một tương lai xanh hơn và tốt đẹp hơn cho tất cả. Và một trong những cách tiếp cận để đạt được điều này đó là việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn”, ông nhấn mạnh.

Hợp tác – yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển dịch

Ông Jan Wilthem Grythe, Phó đại sứ Na Uy tại Việt Nam, cho biết từ kinh nghiệm của Na Uy, cách tiếp cận đa biên đã được chứng minh là một mô hình thành công trong nhiều lĩnh vực, kể cả kinh tế tuần hoàn với ngành nhựa.

Trong mô hình đó, các cơ quan chính phủ, chính quyền các cấp hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân, và các tổ chức phi chính phủ trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Phó chủ tịch TP. Vũng Tàu Võ Hồng Thuấn nhấn mạnh: “Giảm thiểu chất thải nhựa là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và thiết thực, không chỉ của chính quyền, mà cả toàn thể người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Mỗi người đều phải góp phần mình để thực hiện nhiệm vụ này”.

Ông cho biết TP. Vũng Tàu đã có kế hoạch phân loại ban đầu chất thải nhựa và giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19, và do mức độ nhận thức về vấn đề này của cộng đồng còn hạn chế.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ xử lý chất thải nhựa trên địa bàn vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong việc đẩy mạnh thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý.

Tại hội thảo “Tiếp cận đa bên – chìa khóa thành công của nền kinh tế tuần hoàn”, Quỹ Sáng kiến phát triển các thành phố châu Á (CDIA) cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho TP. Vũng Tàu.

Theo đó, CDIA sẽ chuẩn bị một chương trình đầu tư quản lý chất thải rắn mang tính tổng thể cho TP Vũng Tàu, bao gồm tất cả các khâu từ phân loại rác tại nguồn, tới thu gom, phân loại tại cơ sở trung chuyển, tái chế và xử lý, cho đến công đoạn cuối cùng là loại bỏ chất thải.

CDIA sẽ cùng với Liên minh Chấm dứt chất thải nhựa thực hiện một nghiên cứu khả thi, trong đó xác định các hợp phần rác thải nhựa cần ưu tiên.

Một trong những mục tiêu của dự án là xây dựng một mạng lưới vững chắc kết nối các bên liên quan, bao gồm các tổ chức trong nước và quốc tế, các đơn vị/cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, và các cơ quan chính phủ như Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND TP. Vũng Tàu trong quản lý chất thải rắn dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị, đồng thời thúc đẩy/xúc tiến các hoạt động đầu tư để giảm thiểu sự rò rỉ chất thải nhựa vào môi trường.

Các bên liên quan khác, như những tổ chức và ngành công nghiệp hàng đầu trên thế giới tham gia vào dự án, sẽ giúp truyền tải những kiến thức và kinh nghiệm về các biện pháp tối ưu hóa quy trình quản lý chất thải hướng tới sự tuần hoàn và trung hòa carbon cho các chính quyền địa phương tại Việt Nam nói chung, và TP. Vũng Tàu nói riêng.

Trước đó, Việt Nam đã nhận chương trình tài trợ xanh đầu tiên với quy mô lớn do VPBank thực hiện với khoản tín dụng trị giá hơn 212 triệu USD do IFC cấp. Chương trình này bao gồm tám nhóm tài sản xanh, trong đó có nhóm “sản phẩm, sản xuất, và công nghệ thân thiện với môi trường và/hoặc phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn”.ư

Không chỉ “bắt tay” với các nguồn lực bên ngoài, các nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam cũng đang cho thấy sự kết nối ngày càng rõ nét hơn trong quá trình chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn.

Giữa năm 2019, 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay cùng thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), với mong muốn thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.

PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.

Liên minh này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.

Đối với hệ thống thu gom, Việt Nam hiện chưa phát triển các hệ thống công lập, nhưng hệ thống phi chính thức đã hình thành và hoạt động hiệu quả.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, mạng lưới những người hành nghề đồng nát, ve chai có khoảng 10.000 người, kết nối với hơn 1.000 bãi phế liệu, thu gom được khoảng 3.000 tấn phế liệu các loại mỗi ngày, tương đương với 30% lượng rác thải phát sinh ở thành phố. Đại diện PRO Việt Nam cũng từng khẳng định những người đồng nát, ve chai, làng nghề tái chế là “tài sản quý của Việt Nam”.

    >>> Ngành giấy Trung Quốc tăng trưởng trong năm 2021

Theo TheLeader

Ngành giấy Trung Quốc tăng trưởng trong năm 2021

Theo đó, trong kỳ báo cáo từ tháng 01 đến tháng 10/2021, doanh thu của ngành đạt 1,22 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 191 tỷ USD), tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, lợi nhuận của ngành giấy trong giai đoạn này tăng 22,4% so với cùng kỳ lên 70,72 tỷ nhân dân tệ.

Trong 10 tháng đầu năm nay, sản lượng giấy của cả nước tăng 8,4% so với bình quân hàng năm và đạt 111,64 triệu tấn.

Tính riêng trong tháng 10/2021, sản lượng giấy đạt 11,01 triệu tấn, giảm 6,7% so với năm 2020.

    >>> Thị trường bột giấy châu Á: giá hợp đồng kỳ hạn tại Trung Quốc tăng vọt

Theo Pulpapernews

Thị trường bột giấy châu Á: giá hợp đồng kỳ hạn tại Trung Quốc tăng vọt

Sau mức 4.890NDT/tấn (khoảng 770 USD) trong ngày 17/11, giá của hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã cán mốc 6.070 NDT/tấn (tương đương 955 USD), tăng khoảng 185 USD/tấn.

Mức tăng này tương đương 831 USD/tấn sau khi trừ 13% VAT và 120 NDT/tấn chi phí hậu cần.

Nguyên nhân chính được cho là do các nhà máy đã bắt đầu giảm bớt lượng dự trữ để bán lại vào cuối tháng 10/2021, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sau thời gian ngừng hoạt động do chính phủ Trung Quốc yêu cầu để hạn chế tiêu thụ năng lượng.

Các thương nhân Trung Quốc tin rằng giá đã chạm đáy, nên đã chốt giá bột BSK với khối lượng lớn ở mức khoảng 700 USD/tấn.

Cùng với đó, lũ lụt do bão gây ra tại Canada gây nên tình trạng tắc nghẽn vận chuyển và chính quyền Trung Quốc cũng hạn chế nhập khàng qua đường sắt với Nga do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đã làm gián đoạn nguồn cung cấp NBSK.

Tình hình nguồn cung ngày càng tồi tệ đã thúc đẩy giá hợp đồng kỳ hạn bột BSK tăng đột biến.

Giá bột NBSK của Canada đang dự kiến mức 820 USD/tấn đối với hợp đồng kỳ hạn giao hàng sang 2022.

Tuần đầu tháng 12/2021, bột NBSK của Canada và Bắc Âu đều ổn định ở mức 700-740 USD/tấn và điểm giữa là 720 USD/tấn.

Cả hai loại bột này đã tăng trong tuần cuối tháng 11/2021, lần lượt từ 690-710 USD/tấn và 680-705 USD/tấn, khi mức giữa là 696 USD/tấn.

Bột gỗ thông Radiata đã tăng 10 USD/tấn trong tuần đầu tháng 12, đạt mức 690-720 USD/tấn. Bột BSK của Nga giữ nguyên ở mức 670-690 USD/tấn.

Các nhà cung cấp cho biết rắng, họ đang đặt mục tiêu tìm kiếm mức tăng giá bột BSK lên khoảng 100 USD/tấn, mặc dù người tiêu dùng cuối cùng của Trung Quốc sẽ phản đối mức tăng giá này, nhưng xu thế thì giá sẽ vẫn tăng./.

    >>> OCC thị trường Mỹ tháng 12/2021 – giảm hai con số tháng thứ hai liên tiếp

Theo PPI Asia (10/12/2021)