Nghị định bảo vệ môi trường cần hạn chế tối đa tác động đến sản xuất kinh doanh

Hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp

Theo đó, một trong những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan ngại và góp ý là các quy định về nghĩa vụ thu gom, tái chế rác thải và có trách nhiệm góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Điều 88, Dự thảo quy định hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế gồm hình thức tổ chức tái chế (tự thực hiện hoặc ủy quyền cho bên khác); đóng góp tài chính. Cụ thể, Dự thảo quy định các đơn vị sản xuất kinh doanh kẹo cao su phải đóng 1,5% giá trị lô hàng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định này không phù hợp vì việc thu tiền xử lý chất thải trên mỗi sản phẩm sẽ đánh đồng giữa người tiêu dùng có trách nhiệm (thải bỏ đúng cách, đúng chỗ) với người tiêu dùng không có trách nhiệm (đối tượng thải ra các sản phẩm cần thu gom, xử lý). Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại đối với đề xuất của Bộ TN&MT về áp phí trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đặc biệt trong thời điểm các doanh nghiệp đang đối mặt với đại dịch COVID-19 đầy cam go.

Trước những băn khoăn lo ngại của doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ ngày 22/9 đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đối với Bộ TN&MT về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Văn bản cho biết, thời gian qua, các tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Kẹo cao su Quốc tế, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam… đã có công văn góp ý về dự thảo Nghị định. Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… làm việc, trao đổi với các hiệp hội về các kiến nghị liên quan đến nội dung dự thảo Nghị định.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ này lưu ý các quy định của dự thảo đảm bảo phù hợp với thực tiễn, công tác quản lý nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình hiện nay và thời gian tới đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.

    >>> Đề xuất mức phí thẩm định cấp giấy phép môi trường

Cần rõ hơn các tiêu chí

Trước đó, trao đổi với Tổng cục Môi trường – đơn vị chủ trì soạn thảo, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc này không giải quyết gốc rễ được vấn đề hạn chế xả thải mà còn làm tăng chi phí sản phẩm khiến đa phần người tiêu dùng phải trả thêm tiền để giải quyết hậu quả do một số ít người gây ra.

Nhận xét về danh mục các sản phẩm thuộc diện đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải, trong đó có kẹo cao su, Bộ Công Thương bày tỏ, việc quy định cứng nhắc danh mục các sản phẩm kèm theo mức đóng góp và thời điểm thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải tại dự thảo là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ này cho biết đã nhận được nhiều văn bản của các hiệp hội ngành hàng như Eurocham, Hiệp hội Thực phẩm Ý… bày tỏ ý kiến về dự thảo quy định. Việc coi “kẹo cao su” và thực phẩm là những sản phẩm độc hại, khó tái chế phải căn cứ trên mức độ tác động về sức khỏe cộng đồng, môi trường, tỷ lệ tiêu dùng trong tổng quy mô về chất thải và tính hiệu quả của các biện pháp đối với việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề xả thải.

Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế thắc mắc, hiện không có bằng chứng cho thấy rác thải kẹo cao su là một vấn đề rác thải nghiêm trọng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Ngoài ra, cũng chưa rõ cách tính mức phí đang được đề xuất, trong khi không có bằng chứng cụ thể dựa trên dữ liệu về khối lượng rác thải kẹo cao su và chi phí làm sạch tương ứng tại Việt Nam.

Ông Richard Mann, đại diện của Hiệp hội Kẹo cao su Quốc tế phát biểu: “Ngành kẹo cao su hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu bảo vệ môi trường của Chính phủ Việt Nam, nhưng chúng tôi quan ngại rằng Ban soạn thảo Nghị định hiện đang cung cấp bằng chứng chưa chính xác rằng khoản phí dự kiến áp dụng đối nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su là phù hợp với thông lệ chính sách EPR trên thế giới. Kẹo cao su không phải là sản phẩm độc hại, mà là thực phẩm được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, với nhiều lợi ích sức khỏe được khoa học chứng minh như thúc đẩy khoáng hóa răng, giảm sâu răng và mức độ căng thẳng cũng như các tác dụng y khoa tiềm năng khác”.

Hiệp hội kêu gọi một cuộc thảo luận mở với Bộ Tài nguyên và Môi trường dựa trên bằng chứng khoa học để đánh giá thực trạng tại Việt Nam, để từ đó, có giải pháp, hành động tương ứng hiệu quả nhất.

Chia sẻ vấn đề này, TS Phùng Chí Sỹ (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cũng tỏ ra băn khoăn về tiêu chí lựa chọn các sản phẩm, bao bì (Phụ lục 61). “Liệu có nên đưa tã lót, bỉm, băng vệ sinh vào đối tượng phải đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải không vì đây là đối tượng thường được nhà nước trợ giá? Chúng tôi cũng không rõ tiêu chí lựa chọn “kẹo cao su” để làm gì vì không hiểu tại Việt Nam mỗi năm tiêu thụ được bao nhiêu tấn kẹo cao su”, TS Sỹ nêu vấn đề./.

    >>> Hiệp hội tiếp tục kiến nghị gia hạn lắp đặt Hệ thống quan trắc môi trường tự động và Giấy phép nhập khẩu giấy phế liệu

Theo Báo Mới

Tiêu thụ OCC tại Mỹ tăng 10% trong tháng 8, mức tăng cao nhất trong hơn hai năm trở lại đây

Cuối tháng 9/2021, mặc dù giá OCC được cho là đã “chạm trần” nhưng nhu cầu từ các nhà máy tại Mỹ và nước ngoài, đặc biệt là từ các nhà máy Đông Nam Á, vẫn duy trì ổn định.

Tại thời điểm 9/2021, giá OCC đã tăng liên tiếp trong 11 tháng. Mức giá trung bình của OCC tại Mỹ ở mức 167 USD/tấn, mức giá cao thứ tư trong 30 năm qua và tăng 107 USD/tấn, tương đương 178%, so với mức trung bình 60 USD/tấn của tháng 9 năm 2020.

Mức tiêu thụ OCC cũng tăng cao qua từng năm. Theo số liệu thống kê của AF&PA, tiêu thụ OCC tại Mỹ trong tháng 8/2021 đạt 2,097 triệu tấn, tăng 10% so với 1,915 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Và là tháng tiêu thụ  OCC đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua.

Trong năm 2020, tiêu thụ OCC chỉ đạt 2 triệu tấn trong hai lần: đó là tháng 10/2020 đạt 2,012 triệu tấn và tháng 12/2020 đạt 2,017 triệu tấn.

Trong năm 2021, tính đến tháng 8 đã có 6 tháng có lượng tiêu thụ OCC vượt 2 triệu tấn/tháng.  Trong 8 tháng đầu năm 2021, tiêu thụ OCC đạt mức 16,073 triệu tấn, tăng 7,6% so với 14,935 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu OCC trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 5,858 triệu tấn, tăng 24,2% so với 4,715 triệu tấn cùng kỳ năm 2020. Trong hai năm qua, xuất khẩu OCC chỉ giảm 1% so với 7 tháng đầu năm 2019, ở mức 5,906 triệu tấn.

Mặc dù Trung Quốc hầu như đã rút khỏi thị trường RCP toàn cầu, nhưng người mua tại hai khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ lại gia tăng nhập khẩu RCP từ Mỹ./.

    >>> Tác động của việc tăng giá khí đốt tự nhiên đối với sản xuất giấy tại châu Âu

Theo PPI Pulp & Paper Week

Tác động của việc tăng giá khí đốt tự nhiên đối với sản xuất giấy tại châu Âu

Tại Châu Âu, có trên 83% các nhà sản xuất giấy-bìa sử dụng nguồn cung năng lượng chính là khí đốt tự nhiên. Giá khí tự nhiên được thiết lập bởi các giao dịch hợp đồng kỳ hạn tại Sàn giao dịch Hà Lan (TTF) đã tăng từ 19,8 EUR/MWh vào tháng 1/2021 lên 73,3 EUR/MWh vào ngày 21/9/2021, tăng 270% so với 1/2021.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau cả từ hai phía cung và cầu dẫn đến sự tăng giá đáng kể này. Về phía nhu cầu, mùa đông 2020/21 được dự báo là mùa đông khắc nghiệt, lạnh nhất và kéo dài hơn, điều này làm tăng nhu cầu khí đốt tự nhiên trong quý đầu tiên của năm 2021 lên 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Chính mức tăng này cộng với lượng cung thấp hơn từ các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn trong mùa đông 2020/21 đã làm giảm đáng kể trữ lượng khí đốt của châu Âu.

Hiện tại, mức dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu thấp hơn mức trung bình khoảng 20%. Ngoài ra, trong quý II/2021, các nền kinh tế châu Âu có mức phục hồi cao hơn sơ với dự báo, chính điều này cũng làm tăng nhu cầu về năng lượng.

Hơn nữa, do lượng gió thấp trong những tháng mùa hè, nên nguồn cung điện gió giảm và sự thâm hụt này phải được đáp ứng bởi các nhà máy điện khí, và đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ khí tại châu Âu nhiều hơn.

Việc ngừng tạm thời để bảo dưỡng hệ thống đường ống, và nhu cầu cao hơn ở châu Á cũng khiến cho mức dự trữ khí đốt của châu Âu không được bổ sung.

Do đó, cả hai nhà cung cấp lớn ở châu Âu là Na Uy và Nga, đều có lượng cung khí đốt tự nhiên cho Châu Âu lục địa ít hơn so với bình thường trong hai quý đầu năm 2021.

Trong khi việc ngừng hoạt động để bảo trì phần nào đã làm ngừng sản xuất tại các cơ sở sản xuất của Na Uy, thì việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu lại giảm do nhu cầu từ châu Á tăng lên.

Cộng vào đó, tại châu Âu chưa có đủ bến cảng tiếp nhận khí tự nhiên lỏng (LNG), và các tàu chở LNG đang hoạt động hết công suất và được kết nối thông qua các hợp đồng dài hạn, việc vận chuyển LNG qua các tàu đến châu Âu sẽ vẫn ở mức thấp hơn.

Những điều này có ý nghĩa ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà sản xuất giấy, bìa ở Châu Âu. Năng lượng chiếm khoảng 15% chi phí sản xuất đối với các nhà sản xuất bìa ở Châu Âu và có tới 83% các nhà sản xuất giấy, bìa sử dụng khí tự nhiên làm nguồn cung năng lượng chính trong sản xuất.

Trong ngắn hạn, các nhà máy tiêu thụ khí đốt tự nhiên đều có biện pháp để  phòng ngừa rủi ro về giá và nguồn cung thông qua các hợp đồng giá cố định.

Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tương lai thường chỉ theo dõi diễn biến dự kiến ​​trước vài tháng và do giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh và giữ ổn định kể từ tháng 12/2020 đến nay, và theo các nhà phân tích, có thể giá sẽ tăng cao hơn trong mùa đông tới.

Tuy nhiên, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt không phải là yếu tố chi phí đầu vào duy nhất mà các nhà sản xuất phải lo lắng.

Giá điện cũng tăng mạnh trên toàn châu Âu. Ở một số quốc gia, giá bán buôn cho một megawatt (mW) đã tăng gần gấp ba lần.

Trong năm nay, sản lượng năng lượng tái tạo thấp hơn, cộng với giá khí đốt cao và chi phí chứng chỉ khí thải Châu Âu (ETS) của EU lại tăng từ 5 EUR/tấn lên 60 EUR/tấn, là những nguyên nhân hàng đầu khiến giá năng lượng ở Châu Âu tăng mạnh mẽ.

Hầu hết, mọi nhà sản xuất giấy và bìa sẽ bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng.

Tuy nhiên, việc sản xuất giấy, bìa từ nguyên liệu giấy thu hồi có thể sẽ bị tác động nhiều hơn bởi chi phí năng lượng đầu vào cho mỗi tấn sản phẩm sản xuất ra cao hơn so với sản xuất từ bột giấy nguyên sinh./.

    >>> Bản tin ngành Giấy tháng 9/2021

Theo Fastmarkets RISI

Hiệp hội tiếp tục kiến nghị gia hạn lắp đặt Hệ thống quan trắc môi trường tự động và Giấy phép nhập khẩu giấy phế liệu

Căn cứ vào các Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm và khó lường. Hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cả hai đầu, cung cấp nguyên vật liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đều gặp khó khăn. Doanh nghiệp Ngành Giấy cũng như nhiều doanh nghiệp các ngành kinh tế khác phải oằn mình gánh chịu những khó khăn vất vả trong bối cảnh đại dịch. Chi phí nguyên liệu đầu vào gia tăng, cho phí hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ, 2 điểm đến, 1 cung đường gia tăng”, chi phí xét nghiệm covid-19 liên tục cho người lao động cũng là những chi phí gây gánh nặng cho doanh nghiệp…

Trong khi đó, Nghị quyết số số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện một số quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP trong bối cảnh đại dịch covid-19 ban hành vào Quý III/2020. Đã gia hạn cho việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động môi trường và Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đến hết năm 2021.

Trong đó, Mục 14 của Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 nêu rõ:

  1. Cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục quy định tại khoản 20 và Khoản 23 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 (thay vì ngày 31 tháng 12 năm 2020);
  2. Cho phép gia hạn đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, tình hình dịch covid diễn biến phức tạp hơn và căng thẳng kéo dài, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho các doanh nghiệp còn nặng nề hơn so với năm 2020, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người lao động. Từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp Ngành Giấy đang gặp rất nhiều khó khăn, không đủ nguyên liệu cho sản xuất, nguồn cung giấy phế liệu thiếu, chi phí logistics và vận tải đường biển tăng cao, nhà máy hoạt động cầm chừng, công nhân bắt buộc nghỉ luân phiên, xuất khẩu giảm sút, nhập khẩu thiết bị thay thế cũng gặp khó khăn, không có chuyên gia và kỹ sư để tổ chức thực hiện lắp đặt và giám sát lắp đặt các thiết bị thay thế…

Mặc dù trong thời gian kiến nghị gia hạn, các doanh nghiệp trong ngành vẫn bảo đảm các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, vẫn thực hiện việc quan trắc môi trường định kỳ… Tác động của dịch covid-19 là rất lớn, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên nhanh chóng quay trở lại hoạt động bình thường, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, duy trì được hợp đồng với các đối tác. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tiếp tục kiến nghị, mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, đồng hành cùng với doanh nghiệp, giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua được đại dịch Covid-19 trong năm nay.

Hiệp hội kiến nghị và mong muốn hai nội dung trên được gia hạn đến hết ngày 31/12/2022./.

   >>> Hiệp hội kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid 

    >>> Đề xuất mức phí thẩm định cấp giấy phép môi trường

VPPA

Đề xuất mức phí thẩm định cấp giấy phép môi trường

Theo dự thảo, phí cấp GPMT đối với các dự án, cơ sở thuộc nhóm I và nhóm II thuộc thẩm quyền cấp GPMT của Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (trừ các dự án, cơ sở quy định tại các trường hợp trong 2 bảng dưới đây) là 50 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở nhóm I và 45 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở nhóm II.

Phí cấp GPMT đối với các dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại như sau:

Số TT Số lượng thiết bị xử lý chất thải nguy hại Mức phí (triệu đồng)
Dự án Cơ sở
1 Đến 4 60 40
2 Từ 5 đến 10 65 50
3 Từ 10 trở lên 70 60

Phí cấp GPMT đối với các dự án nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã đi vào hoạt động như sau:

Số TT Chủng loại phế liệu Mức phí (triệu đồng)
Dự án Cơ sở
1 Phế liệu sắt, thép 75 50
2 Phế liệu giấy 65 45
3 Phế liệu nhựa 60 40
4 Phế liệu khác 55 35

Mức phí nêu trên tính theo lần thẩm định cấp, cấp lại GPMT. Mức phí không bao gồm chi phí đi lại của đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở và chi phí lấy mẫu, phân tích mẫu chất thải theo quy định.

Trường hợp các dự án, cơ sở đề nghị cấp, cấp lại GPMT, trong đó có lồng ghép nhiều nội dung đề nghị cấp phép, bao gồm thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và các nội dung khác: Mức phí được xác định là mức phí đối với dự án, cơ sở cao nhất quy định tại biểu mức thu phí thẩm định cấp GPMT.

Dự thảo nêu rõ, Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương được giao thực hiện thẩm định cấp GPMT là tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này.

Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách Nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được trích lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định; nộp 10% tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.

     >>> Sức hút tăng trưởng của ngành bao bì giấy tại Việt Nam

Theo Báo Chính phủ

Sức hút tăng trưởng của ngành bao bì giấy tại Việt Nam

Mới đây, Công ty Tetra Pak công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu euro tại tỉnh Bình Dương. “Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu euro này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch. Nó sẽ giúp chúng tôi phục vụ khách hàng tốt hơn khi công suất được tăng thêm, cung cấp các loại hộp giấy hấp dẫn hơn, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường”, ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết.

Lực đẩy từ ngành hàng thực phẩm

Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hằng năm của nhà máy Tetra Pak từ 11,5 tỉ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỉ vỏ hộp. Ngoài ra, nhà máy sẽ được trang bị thêm để có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu. Có thể thấy, Tetra Pak đang hiện thực hóa tham vọng của mình tại thị trường Việt Nam sau khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Bình Dương từ năm 2019 trên diện tích 10 ha với công suất 20 tỉ hộp bao bì/năm. Đây là nhà máy thứ 4 của Tetra Pak trong khu vực châu Á, sau 3 nhà máy đang hoạt động tại Singapore, Nhật và Ấn Độ. Các đối tác tại Việt Nam của Tetra Pak là Vinamilk, Milo, TH true Milk và TTC…

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nhận định: “Việc mở rộng này sẽ giúp cho các nhà sản xuất có thể yên tâm về nguồn cung và chất lượng nguyên liệu bao bì, đặc biệt trong giai đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt nghẽn như hiện nay. Việc có nguồn nguyên liệu đóng gói ngay tại địa phương như ở nhà máy Tetra Pak Bình Dương là một lợi thế lớn không chỉ cho các nhà sản xuất sữa mà cả ngành thực phẩm đồ uống nói chung”.

suc-hut-tang-truong-cua-nganh-bao-bi-giay-tai-viet-nam

Việt Nam hiện là thị trường quan trọng nằm trong Top 10 thị trường phát triển nhất của Tetra Pak toàn cầu. Đặc biệt, tại Việt Nam, Tetra Pak cung cấp hầu như gần hết các loại bao bì cho các công ty sữa. Chi phí bao bì chiếm khoảng 10-20% giá thành sản phẩm, nên với quy mô thị trường sữa (gồm sữa uống, sữa bột trẻ em, sữa chua ăn và sữa chua uống, phô-mai, bơ và các sản phẩm từ sữa khác) khoảng 135.000 tỉ đồng trong năm 2020 (số liệu của SSI), thì chi phí bao bì mang lại nguồn thu lớn cho Tetra Pak.

Nhiều năm qua, mức tăng trưởng doanh thu cao nhất ở mảng đóng gói thực phẩm tại Việt Nam thuộc về các chế phẩm từ sữa, gạo, mì, mì sợi, nước sốt và gia vị, dầu ăn, đồ khô… Riêng thị trường thực phẩm dạng lỏng đang phát triển mạnh mẽ với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm 6% trong 3 năm vừa qua và được dự đoán tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự trong 3 năm tới, so với tỉ lệ 4%/năm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 3%/năm trên toàn cầu.

Theo Euromonitor International, nhu cầu bao bì thực phẩm tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng 38-40%, từ 3,92 triệu tấn lên xấp xỉ 5,4 triệu tấn (cao gấp 2,5 lần so với mức tăng trưởng 13% toàn cầu trong cùng giai đoạn). Chiếm thị phần lớn nhất trong ngành bao bì thực phẩm, đồ uống ở thị trường nội địa là Tetra Pak, theo sau là New Toyo, Tín Thành…

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đánh giá, sự phát triển của ngành hàng thực phẩm là yếu tố chính tác động đến ngành bao bì tại Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng, đòi hỏi các bao bì an toàn, thân thiện hơn. Ngoài ra, ngành thương mại điện tử cũng đang bùng nổ, dẫn đến nhu cầu đóng gói bưu kiện tăng mạnh.

Cơ hội trong chuỗi cung ứng

Bên cạnh đó, những ngành hàng sử dụng nhiều bao bì giấy đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao trên 10% trong năm 2021 như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến gồm dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng… VPPA cho biết năm 2020, tổng tiêu dùng giấy bao bì đạt 4,286 triệu tấn, tăng trưởng 0,9% so với năm 2019.

Vì vậy, nhiều công ty nước ngoài đã quyết định chọn Việt Nam làm thị trường mở rộng phát triển ngành sản xuất bao bì. Nhất là vào thời điểm có sự sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật về gia công bao bì giấy xuất khẩu do thách thức mức thuế suất 25% của Mỹ đối với Trung Quốc từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2021 bắt đầu có tác dụng lớn.

Các khoản đầu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành bao bì giấy Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và đang chiếm hơn 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam. Đáng chú ý, nhà đầu tư Thái Lan SCG Group đã chi hàng ngàn tỉ đồng để sở hữu những công ty bao bì lớn của Việt Nam như Kraft Vina, Bao bì AP, Bao bì Alcamax, Packamex, Tân Á, Bao bì Biên Hòa…

Hiện tại, trong nước có trên 300 doanh nghiệp giấy nhưng đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Các sản phẩm giấy bao bì cao cấp tráng phủ, các loại giấy đặc biệt vẫn chưa sản xuất được và phải nhập khẩu số lượng lớn, trên 1,3 triệu tấn/năm. Mặc dù Việt Nam là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu dăm gỗ để sản xuất bột giấy, nhưng ngành công nghiệp sản xuất giấy lại phụ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu.

Đặc biệt, doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức về thiếu nguyên liệu sản xuất và giá duy trì mức cao trong 6 tháng đầu năm do nguồn cung chính giấy thu hồi là Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật vẫn đang bị ảnh hưởng mạnh do dịch COVID-19. Đây cũng là yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất bao bì nội địa, khiến mức độ tập trung ngành lại phân tán, chưa có doanh nghiệp có quy mô lớn về thị phần.

Tuy nhiên, nắm bắt xu hướng tăng trưởng mạnh của thị trường, nhiều doanh nghiệp bao bì nội nỗ lực mở thêm nhà máy và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo VPPA, cuối năm 2020, đầu năm 2021, có 8 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Tiêu biểu, Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre lên kế hoạch đầu tư 75 tỉ đồng vào máy móc thiết bị và xây dựng cơ bản cho nhà máy giấy Giao Long và đầu tư 2,3 tỉ đồng cho nhà máy bao bì. Nhà máy Giao Long PM2 đã đi vào hoạt động ổn định, giúp tăng sản lượng giấy của Công ty. Doanh nghiệp này cũng đầu tư Công ty Cổ phần Bao Bì Đông Hải với tổng vốn khoảng 250 tỉ đồng, dự kiến hoạt động vào năm 2024.

Dự báo thị trường bao bì giấy sẽ tiếp tục khởi sắc hơn khi Việt Nam và nhiều nước mở cửa nền kinh tế trở lại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

   >>> Thống kê bột giấy thế giới: Tồn kho nhà sản xuất tăng, tiêu thụ đạt 82% mức công suất

Theo Nhịp cầu Đầu tư

ANDRITZ chuyển đổi máy xeo giấy in báo sang giấy bao bì tại Volga Pulp and Paper Mill

Công ty ANDRITZ và Volga Pulp and Paper Mill đã thỏa thuận hợp đồng chuyển đổi dây chuyền sản xuất giấy in báo sang sản xuất giấy bao gói từ nguyên liệu OCC, hợp đồng thực hiện tại Volga Pulp and Paper, Nga.

Sau khi chuyển đổi, dây chuyền mới sẽ sản xuất giấy bao gói từ nguyên liệu đầu vào OCC và bột giấy nhiệt cơ (TMP). Hiện nay, Volga Pulp and Paper Mill sản xuất giấy bao bì từ 100% nguyên liệu bột TMP.

Dây chuyền sau hoán cải sẽ có công suất đạt 140.000 tấn/năm, tốc độ thiết kế 720 m/phút, sản xuất giấy lớp song và testliner định lượng thấp trong khoảng 65-120 g/m2.

Hợp đồng chuyển đổi bao gồm: cải tạo hệ thống đưa bột lên lưới xeo (headbox), các bộ phận hình thành bang giấy; bộ phậnép và sấy; hệ thống cung cấp hơi và ngưng tụ hơi; máy ép PrimeFilm mới; một số bộ truyền động của máy giấy, cũng như hệ thống cắt cuộn và máy cuộn lại…

Dự kiến máy sẽ khởi chạy đầu năm 2023.

Dây chuyền xử lý OCC mới có công suất 400 tấn/ngày, ANDRITZ sẽ cung cấp tất cả các thiết bị chính, một hệ thống nghiền bột hoàn chỉnh, từ bộ phận tiếp nhận nguyên liệu đến thùng đánh tơi, bao gồm cả máy nghiền bột FibreFlow Drum (loại FFD350EE).

Dây chuyền xử lý OCC cũng sẽ được cung cấp các  phân đoạn: sàng lọc, làm sạch, máy bơm cũng như các hệ thống thiết bị tự động hóa và điện khí hóa với hệ thống kiểm soát DCS của ANDRITZ.

ANDRITZ chịu tránh nhiệm giám sát công việc lắp đặt cơ khí, vận hành thử nghiệm và hỗ trợ vận hành máy./.

    >>> Giá OCC Mỹ tiếp tục ở mức cao bất chấp Đông Nam Á cắt giảm nhập khẩu

 

Theo PaperAge.com

Thống kê bột giấy thế giới: Tồn kho nhà sản xuất tăng, tiêu thụ đạt 82% mức công suất

Theo báo cáo của Hội đồng Sản phẩm Giấy và Bột giấy (PPPC) thế giới, tồn kho nhà sản xuất bột giấy hóa học thương phẩm đã đạt mức 47 ngày, tăng 3 ngày, trong tháng 8. Trong khi đó, lượng tiêu thụ vẫn ổn định, không có thay đổi so với tháng trước.

Nguồn cung bột kraft gỗ mềm tẩy trắng thương phẩm đạt 46 ngày, tăng 4 ngày. Tồn kho nhà sản xuất bột kraft gỗ cứng tẩy trắng (BHK) đã tăng lên 50 ngày, tăng 3 ngày trong tháng 8. Theo các các nhà nghiên cứu thị trường và nhà sản xuất, thì mức tồn kho của BSK và cả BHK đều được coi là trên mức cân bằng.

Tiêu thụ bột giấy toàn cầu trong tháng 8 đạt tổng cộng 4,097 triệu tấn, tăng 1,2% so với tháng 7 nhưng giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước, khi đó tiêu thụ đạt tổng cộng 4,392 triệu tấn, theo số liệu báo cáo của PPPC.

Tiêu thụ bột BSK toàn cầu đạt tổng cộng 1,848 triệu tấn trong tháng 8, giảm 2,4% so với tháng trước và giảm 6,8% so với tiêu thụ cùng kỳ năm trước là 1,982 triệu tấn. Tiêu thụ bột BHK toàn cầu đạt 2,049 triệu tấn tăng 3,0% so với tháng 7 nhưng giảm 9,2% so với kết quả 2,256 triệu tấn của tháng 8 năm 2020, theo số liệu của PPPC.

Tỷ lệ tiêu thụ trên công suất, không thay đổi trong tháng 8 đạt mức 82%.

Con số thống kê sản lượng bột giấy hóa học thương phẩm đại diện cho 82% công suất toàn cầu và bao gồm dữ liệu từ 17 nước hiện đang sản xuất loại sản phẩm này. Không tính ba quốc gia là Maroc, Na Uy và Swaziland, vì đã được loại khỏi danh mục thống kê từ năm 2014./.

Theo Fastmarkets RISI

Giá OCC Mỹ tiếp tục ở mức cao bất chấp Đông Nam Á cắt giảm nhập khẩu

Nhằm chống lại sự tăng giá này, một số công ty sản xuất bột giấy tái chế Trung Quốc có cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á đã ngừng mua OCC loại cao cấp của Mỹ.

Nhiều nhà máy tại Đông Nam Á và Đài Loan cũng đã giảm mua giấy OCC từ Mỹ và chuyển qua hướng nguyên liệu thug om trong nước. Dự kiến giá OCC tại Mỹ sẽ sớm giảm do việc tiêm vắc-xin sẽ giúp cải thiện lượng thug om và nguồn cung tại đây.

Tại Đài Loan, nhu cầu giấy bao bì hòm hộp đang giảm và xuất khẩu loại sản phẩm này sang Trung Quốc cũng đang gặp do thiếu container để vận chuyển qua eo biển.

Mặc dù các nhà mua Đông Nam Á đang cố gắng phản đối mức tang giá, nhưng các nhà cung cấp Mỹ lại lạc quan rằng có thể tìm thấy người mua ở Indonesia, Mexico và Châu Âu sẽ sẵn sàng trả các mức giá này cho OCC từ Mỹ.

Tại Indonesia, mặc dù giá OCC thug om trong nước chỉ khoảng 270 USD/tấn, nhưng giá giấy lớp sóng giữa (corrugating medium) ở mức 560-580 đô la/tấn tại thị trường nội địa, giúp cho việc sản xuất loại này cũng như linerboard có lợi nhuận.

Xuất khẩu giấy lớp sóng giữa từ Indonesia sang Trung Quốc đã chậm lại và giá dao động ở mức 510-530 USD/tấn.

Tại Đài Loan, giá OCC (11) của Mỹ duy trì ở mức 295-330 USD/tấn trong những tuần qua. Nguồn cung hạn chế đã khiến giá OCC Nhật Bản ở mức 315 USD/tấn cho các khách hàng trong khu vực. Tại Đài Loan, giá dao động ở mức 290-315 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với giá mức sàn. Giá OCC của Châu Âu không đổi ở mức 290-300 USD/tấn./.

    >>> Bản tin ngành Giấy tháng 9/2021

Theo Fastmarkets RISI

Dự thảo quy định mới về bảo vệ môi trường: Nhiều điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep)- cho biết, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được Bộ Tài nguyên Môi trường chuyển qua Bộ Tư pháp nhằm chuẩn bị thẩm định theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào tuần cuối tháng 9/2021, đang có nhiều bất cập.

Nhiều quy định bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, nhiều vấn đề của Dự thảo này vẫn đang gây tranh cãi bởi không ít quy định, phương thức, tiêu chí được cho là “áp” từ các nước tiên tiến, hiện đại sang một đất nước đang phát triển- mà nhiều lĩnh vực kinh tế gắn liền với nông nghiệp, nông thôn, cần thời gian và lộ trình để đáp ứng. Quy định của Dự thảo phức tạp, gây khó khăn và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, lại dễ phát sinh thêm tiêu cực trong thực tiễn nếu được thông qua.

Đây là vấn đề chung được cộng đồng doanh nghiệp nhiều ngành hàng phản ánh, góp ý thời gian qua. Đó là các hiệp hội, doanh nghiệp như: Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại VN (EUROCHAM), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại VN (AMCHAM), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Công ty Canon Việt Nam.

Các hiệp hội ngành hàng cho biết, theo Dự thảo, thủ tục cấp giấy phép môi trường phức tạp và trùng lắp. Trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin cấp giấy phép môi trường, nhưng với quy định mới tại Dự thảo thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin cấp giấy phép môi trường. Điều này làm gia tăng thủ tục hành chính do hồ sơ cấp phép và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lắp, nhưng lại không có hiệu quả.

Cụ thể, Luật Bảo vệ Môi trường quy định hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường gồm 3 mục. Trong Dự thảo cũng gồm 3 mục lớn, trong các mục lại chia ra đến 15 mục nhỏ khiến hồ sơ phức tạp. Mục 2 có 10 mục nhỏ thì 9 mục đã nộp trong hồ sơ xin duyệt ĐTM. Và còn nhiều mục trùng lắp khác.

Cùng với đó là Quy trình cấp phép trùng lắp, không rõ ràng. Theo Dự thảo, phần lớn doanh nghiệp sẽ phải trải qua 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa, nhưng không quy định rõ thời gian kiểm tra hồ sơ, thời gian thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp phép.

Đáng chú ý, quy trình cấp phép theo Dự thảo không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm mà không hậu kiểm, sẽ không thể phát hiện được các vi phạm, mà bài học đau đớn là trường hợp Forrmosa.

Hơn nữa, thủ tục cấp Giấy phép môi trường điều chỉnh hay cấp lại cũng rất phức tạp. Báo cáo đề xuất cấp điều chỉnh hay cấp lại cũng phải làm như cấp mới. Có những quy định nằm ngoài Luật Bảo vệ môi trường, như doanh nghiệp chỉ bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư nhưng vẫn phải làm thủ tục cấp lại Giấy phép môi trường và làm báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay cả khi không làm tăng tác động xấu đến môi trường.

Các hiệp hội cũng bày tỏ quan ngại về phí tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) do cách tính, thu và quản lý phí có nhiều điểm bất hợp lý và thiếu minh bạch.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, công thức tính phí là chưa rõ ràng, tỷ lệ tái chế bắt buộc 80-90% ngay lúc đầu của Dự thảo là quá cao, rất khó thực thi, vì ngay cả Châu Âu lúc đầu cũng chỉ đạt 50-60%. AMCHAM đề nghị, việc thu phí này cần phải có lộ trình và tỉ lệ thu hồi phù hợp, khởi đầu là 40%, sau đó cứ 3 năm tăng một lần, mỗi lần không quá 5%. Trước mắt ưu tiên thu gom, tái chế những sản phẩm, bao bì khó thu gom, gây tác hại lớn cho môi trường. Những bao bì có giá trị thương mại và tỉ lệ thu hồi cao, như bao bì giấy, bao bì nhôm, không gây độc hại cho môi trường nên được cân nhắc bỏ ra khỏi danh mục tái chế bắt buộc”- Chủ tịch AmCham đề xuất.

Các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến 1/1/2025, vì nếu Nghị định áp dụng vào ngày 01/01/2022 thì doanh nghiệp sớm phải chịu thêm chi phí trong khi vẫn đang rất khó khăn để chống dịch, thêm vào đó là giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng đang rất khó khăn.
Đối với quy định về Văn phòng EPR Việt Nam, Hội đồng EPR quốc gia, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, việc thành lập mới Văn phòng EPR Việt Nam là tăng thêm biên chế, đi ngược với chủ trương của Chính phủ về tinh giản và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.

Các hiệp hội kiến nghị không thành lập mới Văn phòng EPR Việt Nam, nhiệm vụ này nên giao cho một đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo sự giám sát của Nhà nước.

Dự thảo quy định doanh nghiệp “đóng góp tài chính” vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải. Về vấn đề này, đại diện Công ty CANON Việt Nam cho rằng, nếu gọi “đóng góp” thì phải là khoản tiền tự nguyện dựa trên khả năng, nguyện vọng, mong muốn của doanh nghiệp nhưng ở đây là khoản tiền doanh nghiệp bắt buộc phải đóng. Về bản chất đây là một loại phí tương tự như phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường, khai thác khoáng sản được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường. Hơn nữa, với cách gọi “đóng góp” chứ không gọi là phí trong Dự thảo khiến nhiều Hiệp hội và doanh nghiệp quan ngại khi thấy rằng, khoản tiền lớn này sẽ nằm ngoài ngân sách nhà nước,có thể sẽ không chịu các quản lý theo luật phí và lệ phí.

Không công bằng khi đưa nhà máy thủy sản vào mức nguy cơ ô nhiễm cao

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, Dự thảo đưa ngành chế biến thủy sản vào mức 3 của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” là không công bằng. QCVN 11:2015 về nước thải nhà máy chế biến thủy sản đã nêu các chỉ tiêu đặc thù của nước thải chế biến thủy sản, theo đó không có các chỉ tiêu nước thải độc hại; các chỉ tiêu nước thải cũng chủ yếu có nguồn gốc từ cơ thịt thủy sản và các phụ gia thực phẩm, đều là những chất từ tự nhiên và ăn được đối với con người, không gây độc hại mạnh như những hóa chất dùng trong các ngành công nghiệp khác.

Đáng chú ý, các phế liệu thủy sản đa phần được thu gom để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác như: sản xuất thức ăn chăn nuôi, dầu biodiezel, chitin, chitosan, collagen… Vỏ ngao, sò, ốc, hến… cũng thường được một số cơ sở thu mua để làm nguyên liệu sản xuất đồ mỹ nghệ, xay ra thành bột trộn vào thức ăn chăn nuôi để tăng lượng canxi cho vật nuôi, lấp đất, lấp đường… hoặc nếu phải bỏ đi thì cũng không phân hủy tạo thành các chất thải nguy hại. Các bao bì carton, nylon cũng được các cơ sở thu gom phế liệu thu mua lại để làm nguyên liệu tái chế.

Hơn nữa, việc xếp các cơ sở chế biến thủy sản có lưu lượng xả thải ra môi trường chỉ từ 200m3/ngày cũng phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải, thay cho mức từ 1.000m3/ngày được quy định trước đây là làm khó doanh nghiệp.

Đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất tới hàng tỉ đồng, thêm chi phí vận hành từ 40 đến 50 triệu đồng/kỳ quan trắc. Nhưng điều đáng nói là hệ thống này không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác. Yêu cầu này khiến doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí đắt đỏ khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn nữa, không có nhà máy chế biến thủy sản nào có thể thực hiện được- ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định.

Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra ngưỡng lưu lượng xả thải từ 15.000 m3/ngày trở lên thì “tần suất quan trắc nước thải định kỳ” là 01 tháng/lần. Do đặc thù có lưu lượng xả thải rất lớn (thậm chí lên tới 30% lượng nước trong ao nuôi/ngày), nên nếu áp dụng theo quy định trên thì hầu như các vùng nuôi thủy sản đều phải thực hiện quan trắc 1 tháng/lần. Điều này làm tăng chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu lên rất nhiều trong khi quy định hiện hành chỉ là 3 tháng/lần. Đây lại là một điểm đáng lo ngại nữa với các doanh nghiệp có vùng nuôi.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, gần 2 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp thủy sản đối mặt với muôn vàn khó khăn và áp lực đứt gãy toàn chuỗi từ nuôi- khai thác- chế biến- xuất khẩu. Theo tính toán của sơ bộ của các doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10-25% tùy theo loại sản phẩm (tôm, cá tra, cá ngừ, hải sản,..). Một doanh nghiệp trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với chỉ 1/3 công suất và sẽ thiệt hại 50-55%/tháng nếu ngưng sản xuất.

“Doanh nghiệp đang ngồi trên đống lửa thì lại thêm lo về những quy định tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mà Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến. Cần phải điều chỉnh những bất cập trong Dự thảo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp thuế nhiều hơn cho Nhà nước” – ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

    >>> Bản tin VPPA tháng 9/2021

Theo VietQ.vn