“Cạnh tranh thu hút FDI bằng ưu đãi thuế sẽ đưa kinh tế Việt Nam xuống đáy”
Tại hội thảo công bố báo cáo đánh giá tình hình tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức chiều 11-9, các chuyên gia thực hiện báo cáo khuyến nghị việc đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong nước sẽ đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trình bày nội dung tóm tắt báo cáo, TS Hồ Đình Bảo, trưởng nhóm biên soạn, cho biết những điểm đáng lưu ý trong xu hướng chung bao gồm: Nguồn thu của chính phủ không ổn định, và không đáp ứng một cách bền vững các nghĩa vụ chi tiêu ngày càng gia tăng. Mặc dù các khoản vay ODA luôn ở mức cao, hiện những khoản vay này đang giảm dần và mức ưu đãi cũng giảm dần. Với mức nợ công gia tăng nhanh và gần chạm trần, cần phải quản lý nợ công một cách bền vững. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các dòng kiều hối vẫn cao so với nhiều nước ASEAN khác. Quan trọng nhất, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước tụt hậu so với mức bình quân của các nước ASEAN và chưa thể đáp ứng vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có mức thu nhập trung bình thấp.
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyên gia cho rằng với những DN tư nhân Việt Nam mà phần lớn là quy mô bé, việc đầu tư để cập nhật tiếp cận công nghệ 4.0 cũng như nâng cao công nghệ là vô cùng yếu, bởi bản thân họ sống còn đã vô cùng khó khăn.
Đặc biệt, ông Bảo lưu ý, nguồn vốn FDI khối lượng lớn nhưng chất lượng còn khiêm tốn. FDI chủ yếu tập trung vào ngành chế biến, chế tạo (năm 2015, chiếm gần 70% tổng nguồn FDI đổ vào Việt Nam, cao hơn nhiều so với nhiều nước khác, như Indonesia, Philippines). Một số điểm yếu về chất lượng FDI có thể kể ra như mức độ thấp về công nghệ, chuyển giao công nghệ và mối liên kết với các công ty trong nước, cũng như đóng góp của FDI cho nguồn thu chính phủ không tương xứng với mức độ ưu đãi dành cho FDI (đặc biệt là về miễn thuế và khả năng tiếp cận đất đai), đồng thời góp phần tạo ra sân chơi không bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Cần chuyển định hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng. Điều quan trọng là phải thiết lập và đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn rõ ràng, phù hợp thông lệ quốc tế về yêu cầu trình độ công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ và mối liên kết của các công ty FDI với các công ty trong nước, cũng như các yêu cầu về hiệu quả sử dụng năng lượng và thực hiện các tiêu chuẩn an toàn về môi trường. Cần tăng cường năng lực và các hệ thống thể chế trong việc rà soát, thẩm định kỹ càng hơn và phê duyệt các dự án FDI nhằm bảo đảm sự tuân thủ đối với các tiêu chuẩn quốc tế.
“Việt Nam cần nhanh chóng từ bỏ việc thu hút FDI bằng cách cho ưu đãi về thuế và ưu đãi thuế quan khác mà chuyển sang thu hút FDI bằng những điều kiện căn bản như về cơ sở hạ tầng, dịch vụ cung ứng, điều kiện kỹ năng lao động… Đầu tư cho những điều này chính là đầu tư cho những yếu tố căn bản để phát triển nền kinh tế đất nước. Cần chấm dứt việc các địa phương cạnh tranh thu hút FDI cũng bằng biện pháp ưu đãi thuế. Trong một nghiên cứu trước đây, chúng tôi cũng đã chỉ ra rằng các địa phương đang cạnh tranh với nhau bằng cách đưa ra các ưu đãi về thuế và cạnh tranh này sẽ dẫn kinh tế Việt Nam rơi xuống đáy” – ông Nguyễn Tiên Phong, Trưởng Phòng Tăng trưởng bao trùm và toàn diện của UNDP, thành viên nhóm chuyên gia xây dựng Báo cáo, nhấn mạnh.
Cần tạo ra sân chơi bình đẳng cho DN tư nhân trong nước – Trong khi đó, đầu tư tư nhân trong nước chưa trở thành nguồn tài chính then chốt thúc đẩy tăng trưởng. Tỉ trọng nguồn tài chính tư nhân trong nước trong tổng các nguồn lực tài chính cho phát triển của Việt Nam (khoảng 40%) và đầu tư tư nhân bình quân đầu người (490 USD năm 2015 so với trung bình ASEAN khoảng 690 USD) là tương đối thấp và tăng chậm so với các nước ASEAN khác. Điều này là do đặc thù cơ cấu kinh tế của Việt Nam là các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân có quy mô nhỏ hơn so với các khu vực khác. Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận tỉ trọng đầu tư tư nhân trong nước trên tổng đầu tư ở TP HCM, đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam, là khoảng 65% năm 2015-2016, tương đương với mức ở các nước ASEAN khác.
Các chuyên gia cho rằng thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân trong nước để nó trở thành nguồn tài chính phát triển chủ yếu cần là ưu tiên hàng đầu trong tương lai, nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Nguoilaodong Online
Đăng nhập để bình luận.