Nhiều doanh nghiệp thu lợi lớn từ ‘tư duy tuần hoàn’
‘Tư duy tuần hoàn’ chính là chìa khóa cho vấn đề khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên của nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện nay, đồng thời góp phần giải quyết vấn nạn phế thải.
Từ chuyến thăm quan các mô hình sản xuất, thực tế kinh doanh các sản phẩm từ CE tại Đức mới đây, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ Trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ, trong ngành dệt may Đức, doanh nghiệp đã đưa những phần vải vụn vào tái chế thành vải mới; các sản phẩm quần, áo được tạo ra có sử dụng một phần (thường từ 20-30%) vải tái chế thì gắn nhãn ‘sản phẩm CE’ và được thị trường đón nhận.
Một ví dụ khác, theo bà Giang là bã, vỏ hạt cà phê được tận dụng để sản xuất thành những chiếc cốc uống cà phê đạt tiêu chuẩn và cũng dán nhãn ‘sản phẩm CE’.
“Trong khi đó, ở Việt Nam, chúng ta cũng có nhiều sản phẩm được sản xuất từ các sản phẩm phụ, phế liệu, nguyên liệu tái chế… nhưng lại chưa được chứng nhận, đồng thời, sự đón nhận của thị trường còn rất hạn chế”, bà Giang so sánh. Đáng chý ý, một sản phẩm giầy thể thao được sản xuất từ vật liệu tái chế của nhãn hàng Adidas theo tiêu chuẩn GE, được bày bán trong hệ thống cửa hàng phân phối sản phẩm CE tại Đức, lại được ghi xuất xứ “Made in Vietnam”.
Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đã và đang là một phần của CE toàn cầu, tuy nhiên trong phạm vi quốc gia thì các nội dung về CE còn chưa được quan tâm cũng như công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, thông tin về CE của chúng ta còn hạn chế.
Xu hướng chung của thế giới hiện nay là phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn (Circular Economy – CE). Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất cần phải có trách nhiệm thu hồi, tái sử dụng, tái chế và xử lý sản phẩm của doanh nghiệp mình sau quá trình sử dụng.
Để làm được điều này, ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn nguyên vật liệu sản xuất, vật liệu bao bì đóng gói…, doanh nghiệp đã phải tính toán, lựa chọn phương án tối ưu nhất để giải quyết tất cả các vấn đề về chi phí sản xuất, chi phí thu hồi, tái sử dụng, tái chế và xử lý cho toàn bộ vòng đời sản phẩm.
Ở Việt Nam, mặc dù khái niệm CE còn mới mẻ, nhưng trong thực tế sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp và người dân đã hình thành CE theo hướng tự phát.
Bà Marie – Lan Nguyen Leroy, Chuyên gia về môi trường (Pháp) nhận định, “tại Việt Nam, nhiều người đã hình thành thói quen phân loại rác ngay tại gia đình; những người làm nghề ‘đồng nát’ đến từng gia đình, ngõ xóm để mua phế liệu, sản phẩm thải bỏ rồi đem phân loại bán cho các cơ sở tái chế; hay các công ty Bia có chính sách thu hồi vỏ chai để tái sử dụng… chính là những hình thức của CE”.
Bà Giang nhận định: “CE là mô hình kinh tế hướng đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong toàn chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu dùng, thải bỏ và quá trình phục hồi tài nguyên. Do đó việc ứng dụng thành công CE có thể thúc đẩy phát triển, sản xuất và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tiết kiệm, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên”.
Mô hình CE tạo nên nền kinh tế phi phát thải
“Về vấn đề tái sử dụng, tái chế tuần hoàn, thực tế hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều mô hình đang được thực hiện, như việc kết hợp sản xuất hơi và phát điện trong các nhà máy đường; tận dụng nhiệt thừa cho các công đoạn sấy nguyên liệu của các cơ sở sản xuất công nghiệp; sử dụng tro, xỉ của các nhà máy điện cho các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, tuần hoàn nước làm mát trong các nhà máy nhiệt điện và các ngành công nghiệp…”, bà Giang cho biết thêm.
Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ tham gia vào CE. Điển hình như Heineken, năm 2016, Nhà máy Heineken Việt Nam nấu bia với 100% nguồn năng lượng thân thiện với môi trường từ nguyên liệu sinh khối là phế phẩm nông nghiệp.
Nhờ đó, Heineken Việt Nam đã cắt giảm tới 50% lượng phát thải khí CO2 trong giai đoạn 2014 – 2016, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân địa phương từ việc thu mua nguồn phế phẩm vỏ trấu để dùng làm nhiên liệu đốt, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng trong quá trình sản xuất.
Hay như trang trại chăn nuôi Lộc Phát tại Bình Phước là một ví dụ điển hình khác của doanh nghiệp Việt tiên phong đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất để giảm thiểu tác hại môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với hệ thống xử lý chất thải tạo khí sinh học (Biogas) trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được thu gom vào hệ thống xử lý để tạo ra khí sinh học đáp ứng được 30% nhu cầu năng lượng (Gas và điện) cho toàn trang trại. Nước thải được tái sử dụng đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng.
Để tiêu thụ số lượng lớn nhau thai lợn và lợn con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo sinh sản, trang trại đã đầu tư khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Mô hình sản xuất bền vững có tính chất tuần hoàn của trang trại không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn đem lại nguồn lợi rất lớn cho Lộc Phát.
Từ câu chuyện của Heineken và Lộc Phát, có thể hiểu rằng, nếu như trước đây, người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, thì nay việc sử dụng hàng hóa chỉ là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc.
Quá trình này chính là CE, nó biến hàng hóa sử dụng hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai và xóa bỏ đi khái niệm “chất thải”. Theo đó, CE có thể hiểu một cách đơn giản là “nền kinh tế phi phát thải”.
Tại Hội thảo ‘Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam’ do VCCI tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD cho biết, nếu áp dụng triệt để “tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ đô la cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới.
“Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài tư duy nền kinh tế tuần hoàn”, ông Vinh nhận định.
Về mặt chính sách, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP) tại Quyết định số 76/QĐ-TTg với nội dung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản lý, kinh doanh, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên…
Hiện Bộ Công Thương đang dự thảo Chương trình hành động Quốc gia về SCP với nhiều nội dung được tiếp cận, lồng ghép các giải pháp, quan điểm của nền kinh tế tuần hoàn để thực hiện cho giai đoạn tiếp theo từ năm 2021 đến năm 2030.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 192/QĐ-TTg từ năm 2017 nhằm hình thành ngành công nghiệp môi trường có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn.
Theo The Leader
Đăng nhập để bình luận.