Châu Á và cuộc khủng hoảng rác thải nhựa

Ngày 12-09-2018
VPPA-Hàng năm, thế giới sản xuất hơn 300 triệu tấn nhựa, một nửa trong số đó là các mặt hàng sử dụng một lần như túi mua sắm, cốc và ống hút.

Tỉnh Trat nằm bên bờ biển phía Đông của Thái Lan, nơi được biết đến với những bãi biển và rạn san hô đẹp, đang bị ô nhiễm nặng bởi việc rác thải hàng ngày đổ vào đại dương.

Là một người đã sống và làm việc lâu năm ở quận Mairood, nơi có một trong những bãi rác khổng lồ của tỉnh, bà Natsini Intaraprasert cho biết việc quản lý chất thải là “vấn đề khó khăn nhất”.

Rác thải nhựa đứng đầu về ảnh hưởng đến đại dương thế giới

Chất thải và chất thải nhựa của tỉnh Trat không phải là duy nhất, đặc biệt vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa hiện đứng đầu danh sách các vấn đề gây ảnh hưởng đến đại dương của thế giới. Hằng năm, thế giới sản xuất hơn 300 triệu tấn nhựa, một nửa trong số đó là các mặt hàng sử dụng một lần như túi mua sắm, cốc và ống hút.

Chất thải nhựa có thể được tìm thấy ở hầu như tất cả các khu vực ven biển và ngay cả trong các khu vực sâu nhất của đại dương. Với hơn 80% đến từ các nguồn trên đất liền, rác thải nhựa đe dọa sức khỏe của đại dương, sự an toàn thực phẩm, an sinh của con người và du lịch ven biển, đồng thời góp phần làm biến đổi khí hậu.

Nếu không kiểm soát được vấn đề rác thải nhựa trong đại dương, “sức khỏe” của đại dương sẽ ngày càng trầm trọng: Hơn 8 triệu tấn chất thải tuồn vào đại dương mỗi năm (1 xe tải mỗi phút). Với diễn biến như hiện nay, mức độ ô nhiễm này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Chau A va cuoc khung hoang rac thai nhua
Nguồn: The National

Châu Á thiếu các hệ thống quản lý chất thải rắn hiệu quả, trong khi đó các đô thị ven biển đang phát triển với tốc độ rất cao, nên vấn đề đang hết sức “nóng”.

Một nghiên cứu năm 2015 đã xác định Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam và Thái Lan là 6 quốc gia đứng đầu về rác thải biển, chiếm tới 60% lượng ô nhiễm nhựa trên biển. Một nghiên cứu khác cho thấy hơn 25% lượng chất thải nhựa biển trên thế giới có thể đổ vào từ 10 con sông, 8 trong số đó là ở châu Á.

Thông qua sáng kiến về Cộng đồng rác thải nhựa biển và Duyên hải (MARPLASTICC) được hỗ trợ bởi cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ và khu vực ở Thái Lan, Việt Nam, Kenya, Mozambique và Nam Phi để đánh giá tình trạng cũng như tác động của ô nhiễm rác thải nhựa.

Công việc này cũng tạo điều kiện cho các kế hoạch hành động quốc gia và hỗ trợ cải cách lập pháp để giảm ô nhiễm nhựa biển. Đây cũng là điều bắt buộc để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về mức độ gây ô nhiễm, trong đó yêu cầu đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Để giải quyết khoảng cách này, IUCN đang làm việc với các chuyên gia phát triển máy tính đo lường và tính toán tuổi đời các loại bao bì, dụng cụ bằng nhựa để giúp các doanh nghiệp sản xuất ra các loại bao bì, dụng cụ phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm và tác động đối với môi trường.

Những biện pháp giảm rác thải nhựa của các quốc gia

Ở Việt Nam, Liên minh Hạ Long- Cát Bà (HLCBA) của các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp địa phương đã tổ chức ba đợt dọn dẹp ven biển quy mô lớn với hơn 300 tình nguyện viên, thu gom gần 4 tấn rác dọc theo 4km bờ biển.

Đây được coi là ví dụ tốt cần được nhân rộng. Liên minh này đã làm việc với UBND Thành phố Hạ Long cấm sử dụng loại vật liệu này ở Vịnh Hạ Long và làm việc với UBND Thành phố Hải Phòng về các giải pháp thay thế.

Tại Thái Lan, IUCN đang triển khai chuỗi hoạt động cơ bản nhằm hỗ trợ các chính phủ và doanh nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường – bao gồm vấn đề ô nhiễm nhựa biển. Ở tỉnh Trat, cư dân của quận Mairood đang cho thấy hành động của địa phương không chỉ có thể làm sạch môi trường trong thời gian ngắn mà còn có trách nhiệm duy trì việc thực hiện nó trong thời gian dài.

Thông qua dự án “Rừng ngập mặn cho tương lai”, một chương trình chung của IUCN và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cung cấp tài trợ trên 11 quốc gia, cộng đồng đã bắt đầu phân loại, ủ phân và tái chế chất thải. Dự án cũng kết nối họ với một công ty tái chế lớn mua phế liệu được phân loại, giúp tạo ra thu nhập.

Các dự án quản lý chất thải dựa vào cộng đồng ở tỉnh Trat không đòi hỏi công nghệ cao cấp, nhưng chúng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn một lượng lớn rác thải nhựa đổ ra biển. Các giải pháp dựa trên cộng đồng như trên là một bước quan trọng để giải quyết vấn đề toàn cầu này.

Tuy nhiên, các cộng đồng nhỏ không thể đơn độc thực hiện. Nhìn vào bức tranh lớn hơn, việc ô nhiễm rác thải nhựa biển là một điều cần phải xử lý cấp thiết. Các chính phủ nên xem xét để đưa ra khuôn khổ chính sách toàn diện nhằm thu thập và xử lý chất thải hiệu quả hơn, cũng như các ưu đãi để tái chế.

Các công ty nên được khuyến khích thực hiện các giải pháp để giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ chất thải nhựa trong chuỗi cung ứng. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng và cốt lõi của vấn đề, là hành vi của người tiêu dùng, cần phải thay đổi quan điểm khi đề cập đến vấn đề nhựa sử dụng một lần.

Nguồn Nikkei/TTXVN

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng