Đón thêm “sóng” vốn ngoại vào Việt Nam
Làn sóng vốn ngoại đổ vào Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực, tác động từ chiến tranh thương mại, vốn qua góp vốn, mua cổ phần… của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều tổ chức ở Việt Nam sẽ là cơ hội để Việt Nam ghi điểm với các nhà đầu tư. Đây là thành công tiếp theo trong các nỗ lực hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU kỳ vọng sẽ sớm được phê chuẩn vào đầu năm sẽ tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Từ đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục chảy mạnh vào trong năm nay.
Qua góp vốn, mua cổ phần
Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt dự án FDI của Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1-2019, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 1,9 tỉ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 1,55 tỉ USD trong tháng đầu năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, vốn ngoại đổ vào qua kênh góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (DN) ngày càng nhộn nhịp ở Việt Nam. Năm ngoái, thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy vốn FDI vào qua kênh góp vốn, mua cổ phần lên tới 9,8 tỉ USD, tăng 59,8% so với năm trước và chiếm tới trên 28% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Trong tháng 1-2019, cả nước cũng có tới 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào DN trong nước với tổng giá trị đạt 761 triệu USD, tăng đến 114% so với cùng kỳ. Góp vốn, mua cổ phần đang trở thành một hình thức đầu tư được doanh nghiệp ngoại ưa chuộng khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Một số chuyên gia tài chính của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng các nhà đầu tư quan tâm Việt Nam sẽ có lợi ích gì khi Mỹ và Triều Tiên quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam. Đây là cơ hội hiếm có cho Việt Nam chứng minh là một quốc gia đáng được chọn để kinh doanh và tổ chức những sự kiện lớn.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn đang chọn chính sách bảo hộ để bảo vệ quyền lợi quốc gia, Việt Nam chọn tiếp tục con đường hội nhập với kinh tế thế giới. Chính sách này không chỉ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI, thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều mà còn tạo áp lực để Việt Nam tiếp tục cải cách nền kinh tế nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn rất cao từ các hiệp định thương mại thế hệ mới. Những cải cách này sẽ tạo nền tảng phát triển bền vững cho Việt Nam trong tương lai. Dòng FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất và cho thấy xu hướng này sẽ còn gia tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc chưa có dấu hiệu ngừng.
Chỉ tính Samsung Việt Nam, đến nay đã rót hơn 17,3 tỉ USD vào Việt Nam thông qua các dự án đầu tư nhà máy sản xuất hàng điện tử, điện lạnh, màn hình… Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt 60 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm trước. Lãnh đạo tập đoàn này khẳng định Việt Nam là cứ điểm chiến lược quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Samsung và cam kết mở rộng đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Bất động sản công nghiệp hấp dẫn
Theo thông tin từ Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hết năm 2018, các KCN, khu kinh tế cả nước đã thu hút được khoảng 15.500 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó, khoảng 8.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký ước đạt trên 145 tỉ USD. Tỉ lệ lấp đầy của các KCN đã đi vào hoạt động đạt trên 73%. Con số này đã tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây.
Riêng năm 2018, khoảng 8,3 tỉ USD vốn FDI đổ vào các KCN, khu kinh tế thông qua các dự án đăng ký mới và tăng vốn. Các chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm nay. Hiện một số tỉnh lân cận TP HCM, tỉ lệ lấp đầy cao hơn nhiều như Long An đến 80% với 16 KCN đang hoạt động, thu hút được 1.396 dự án đầu tư.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp đã có một số điểm sáng từ đầu năm 2018 khi các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực. Quan trọng là Việt Nam phải thúc đẩy công nghiệp phụ trợ để phát triển BĐS công nghiệp dưới dạng một ngành xuất khẩu. BĐS trong thương mại cũng cần được hướng tới để thu hút vốn FDI khi thị trường bán lẻ phát triển mạnh trong năm nay.
BĐS công nghiệp thường đi liền với BĐS văn phòng. Báo cáo mới nhất về thị trường văn phòng của Savills Việt Nam vừa công bố hồi tháng 1-2019 cho thấy thị trường văn phòng hoạt động tốt nhất trong 5 năm với giá thuê trung bình tăng 1% theo quý và 8% theo năm.
CBRE Việt Nam nhận định nguồn cung phân khúc văn phòng gia tăng nhanh chóng đã giúp giải quyết được các vấn đề về “nơi làm việc” của rất nhiều công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người làm nghề tự do hay thậm chí là các công ty lớn, tập đoàn. Tính đến năm 2018, tổng nguồn cung theo diện tích sàn của không gian làm việc linh hoạt đã lên đến hơn 37.000 m2, tăng 109% so với năm 2017.
Thách thức về năng suất lao động, cơ sở hạ tầng
Theo các chuyên gia, dù tiếp tục thu hút vốn FDI để tăng trưởng mạnh mẽ nhưng Việt Nam đang gặp thách thức về năng suất lao động, cơ sở hạ tầng. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam thuộc vào hàng thấp tại châu Á (bằng 1/18 của Singapore, 1/16 của Malaysia và 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc). Nâng cao năng suất lao động thông qua cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo cần trở thành ưu tiên trước khi Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại. Môi trường và cơ sở pháp lý hỗ trợ cho khởi nghiệp, sáng tạo cần được hoàn chỉnh nhằm giúp các DN khởi nghiệp có thể thử nghiệm ý tưởng trên thị trường và có một hệ sinh thái để phát triển.
Đăng nhập để bình luận.