Hải quan đề xuất khởi tố một số DN có dấu hiệu nhập lậu phế liệu
Đủ mọi cách gian lận nhập khẩu phế liệu
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành siết chặt công tác quản lý phế liệu NK, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Văn Cẩn cảnh báo, cơ quan hải quan phát hiện đang có tình trạng gian lận trong NK phế liệu, với các hành vi, thủ đoạn như: NK không đúng giấy phép; làm giả giấy phép; tẩy, sửa giấy phép; làm hồ sơ giả; nhập quá số lượng được cấp phép…
Tổng cục trưởng yêu cầu các cục hải quan địa phương rà soát, phúc tập toàn bộ hồ sơ, tờ khai liên quan đến NK phế liệu. Đối với các trường hợp lô hàng đang vận chuyển về Việt Nam hay tồn đọng ở cảng, nếu phát hiện thuộc danh mục cấm nhập, cơ quan hải quan phải tiến hành xác minh và xem xét khởi tố nếu có đủ yếu tố tội phạm.
Trường hợp không đủ điều kiện khởi tố phải yêu cầu hãng tàu thực hiện trách nhiệm trong xử lý, như vận chuyển khỏi lãnh thổ Việt Nam… Trường hợp hàng tồn đọng (quá 30 ngày, 90 ngày) khi cơ quan hải quan đã thực hiện hết các nhiệm vụ theo quy định, cơ quan hải quan phải đề nghị hãng tàu, DN kinh doanh cảng xử lý…
“Tổng cục Hải quan sắp khởi tố (dự kiến sang tuần sau) một số DN nhập khẩu phế liệu có dấu hiệu tội phạm, NK trái phép hàng hóa có đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu” – ông Cẩn phát biểu.
Thu hẹp và tiến tới không NK phế liệu
Không chỉ quyết liệt trong việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong NK phế liệu, Tổng cục Hải quan cũng có đề xuất với các bộ, ngành liên quan một số giải pháp quản lý có tính bền vững.
Ông Âu Anh Tuấn – quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan cho hay, Tổng cục Hải quan sẽ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) rà soát lại danh mục những phế liệu được phép NK, theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg, cũng như điều kiện NK phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đề nghị Bộ TN&MT thu hẹp diện mặt hàng phế liệu được phép NK để phục vụ hoạt động sản xuất. Một số phế liệu có nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như phế liệu điện dần tiến tới đề xuất cấm NK. Chỉ những mặt hàng phế liệu đảm bảo những tiêu chuẩn, quy chuẩn thì mới được phép NK làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ TN&MT cần thanh tra, kiểm tra các cơ sở NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhằm đảm bảo những phế liệu này được tái chế, được làm nguyên liệu sản xuất tại các cơ sở đủ điều kiện về môi trường, tránh tình trạng bán ra thị trường như thời gian qua.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công thương rà soát lại các quy định tại Luật Ngoại thương và xem xét bổ sung các mặt hàng phế liệu vào danh mục cấm NK trong thời gian tới.
Với Bộ Giao thông vận tải, cơ quan hải quan kiến nghị rà soát các văn bản liên quan đến các thủ tục giao nhận hàng hóa tại cảng biển; đặc biệt các quy định vận chuyển hàng hóa liên quan đến môi trường.
Trong đó, nếu là phế liệu thì chỉ cho phép vận chuyển và dỡ hàng xuống cảng biển khi DN có giấy phép NK, hoặc có giấy xác nhận đủ điều kiện NK hàng hóa làm phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; hạn chế tình trạng DN nước ngoài liên kết với DN Việt Nam và các hãng tàu tìm cách đưa hàng hóa phế liệu đổ xuống cảng biển Việt Nam./.
Thời báo Tài chính online
Đăng nhập để bình luận.