Ngành giấy trước sức ép cung vượt cầu
Ngành công nghiệp giấy Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu rất khốc liệt, dẫn đến cạnh tranh thị trường nội địa cao, bao gồm cả giấy sản xuất trong nước và giấy nhập khẩu.
Lo mất bạn hàng
Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), dự báo cả năm 2019, tiêu thụ giấy và bìa giấy tăng trưởng khoảng 12%; xuất khẩu giấy các loại và thành phẩm từ giấy tăng trưởng 35%, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 1,45 tỷ USD. Sản xuất giấy và bìa giấy tăng trưởng khoảng 30%, chủ yếu vẫn là giấy làm bao bì do huy động hiệu suất tối đa của các doanh nghiệp FDI và năng lực mới đưa vào sản xuất. Mặc dù bức tranh sản xuất lẫn xuất khẩu ngành giấy vẫn khá sáng, song VPPA cũng cảnh báo nguy cơ xấu do sức ép cạnh tranh ngày càng lớn ở một số sản phẩm đặc thù.
Cụ thể, ở dòng sản phẩm sản xuất giấy in và giấy viết từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2019 bởi Công ty Chengming và Công ty UPM Asia, kết hợp với đó là sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại nước này. Từ đó, lượng giấy từ 2 công ty này sẽ gia tăng mạnh vào thị trường Việt Nam, gây áp lực về giá sản phẩm với doanh nghiệp nội địa. Hay các quốc gia khác như Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản không xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc, sẽ quay đầu sang quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, dẫn đến thị trường Việt Nam có sự cạnh tranh cao.
Tương tự, ở lĩnh vực giấy làm bao bì, triển vọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc không như mong đợi do nhu cầu thị trường này sụt giảm mạnh. “Xuất khẩu giấy không theo kỳ vọng, phụ thuộc vào “sức khỏe” nền kinh tế Trung Quốc; trong khi sản xuất trong nước dự báo tăng trưởng khoảng 35%, sẽ gây sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường nội địa”, đại diện VPPA giải thích. Hay ở dòng sản phẩm giấy tissue, tăng trưởng tiêu thụ năm 2019 dự báo tăng 4%, trong khi đó, tăng trưởng sản xuất tăng 5,6%, dẫn đến đang dư thừa 1,6%. Nhìn rộng ra khu vực châu Á, tiêu thụ tăng trưởng 5,8% nhưng sản xuất tăng trưởng đến 12,3% khiến sản xuất dư 6,5%.
Cạnh tranh thị trường xuất khẩu rất khốc liệt, dẫn đến cạnh tranh thị trường nội địa cao, bao gồm cả giấy sản xuất nội địa và giấy nhập khẩu từ Indonesia và Trung Quốc. Bên cạnh đó, hiện nay nguyên liệu giấy tái chế, sản xuất không ổn định do vướng mắc thủ tục và thời gian thông quan, ký quỹ… ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sức cạnh tranh xuất khẩu yếu, dễ mất bạn hàng truyền thống do thiếu ổn định. Trước tình hình này, VPPA khuyến cáo, ngành giấy Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức về cạnh tranh thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Trong khi đó, nguyên liệu giấy thu hồi vẫn chủ yếu phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể để đảm bảo hiệu quả sản xuất và kinh doanh của mình.
Thận trọng đầu tư mới
Tuy vậy, trong thời gian tới, ngành công nghiệp giấy vẫn có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với lộ trình miễn thuế nhiều mặt hàng xuống 0% (trong đó có mặt hàng sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp giấy trong sản phẩm xuất khẩu).
Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng sẽ giúp các ngành công nghiệp sử dụng sản phẩm của ngành giấy tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. Bởi EU luôn được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm tiêu dùng nói chung. Do đó, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp ngành giấy mở rộng thị trường, gia tăng sản xuất. Tuy nhiên, cần đánh giá thận trọng khi đầu tư sản xuất giấy bao bì. Bởi hiện tại, như đã phân tích ở trên, tính theo công suất thì cung đã vượt nhu cầu nội địa. Chưa kể, nhiều dự án đang ấp ủ hoặc chuẩn bị khởi công, đặc biệt với những nhà máy giấy tissue hiện đại có quy mô vừa và lớn.
Để tận dụng tốt cơ hội cũng như thách thức đang đặt ra với ngành công nghiệp giấy và bao bì, theo VPPA, Chính phủ cần có các quy định pháp luật để hỗ trợ. Trong đó, tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 thay cho “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025” nhằm cơ cấu lại ngành, làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững.
Xây dựng chính sách quy định, định hướng và phân vùng đầu tư, tận dụng tối đa được lợi thế về địa lý và nguyên liệu sản xuất, tránh việc đầu tư quá tập trung tại một hoặc một số địa phương, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ đầu tư của các dự án, dẫn đến quá tải về cơ sở hạ tầng. Việc cấp phép đầu tư mới cần xem xét với từng dự án cụ thể, không cấp phép dự án có quy mô quá lớn và thực hiện nhiều giai đoạn trong thời gian dài như trước đây. Đồng thời, khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu tại khu vực có điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp.
Tập trung giải quyết sớm vấn đề thiếu hụt nguyên liệu cho ngành giấy, chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian gần, bằng cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu hàng hóa làm nguyên liệu sản xuất, đặc biệt trong việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất. Coi đây là hàng hóa thông thường làm nguyên liệu sản xuất, không phải phế liệu như hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo Sài Gòn Giải phóng
Đăng nhập để bình luận.