Nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng: Minh bạch và hài hòa lợi ích

Ngày 24-05-2019
VPPA-Việc bảo đảm mục tiêu kiểm soát không để công nghệ lạc hậu được nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp trong việc duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất thông qua một cơ chế phù hợp là một vấn đề cần được giải quyết […]

Việc bảo đảm mục tiêu kiểm soát không để công nghệ lạc hậu được nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp trong việc duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất thông qua một cơ chế phù hợp là một vấn đề cần được giải quyết trong thực tiễn.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là nhu cầu thường xuyên của các doanh nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí mà vẫn đáp ứng mục tiêu sản xuất và đạt được hiệu quả đầu tư như mong muốn. Trong một số trường hợp, để duy trì hoạt động của dây chuyền sản xuất, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng còn là giải pháp duy nhất với lý do nhà sản xuất, chế tạo thiết bị ban đầu không còn sản xuất mới máy móc, thiết bị cùng chủng loại, phù hợp với dây chuyền sản xuất đã lắp đặt và vận hành. Gần đây, do tác động của các xung đột chính trị, chính sách thương mại và thu hút đầu tư của mỗi quốc gia, tranh chấp thương mại giữa các cường quốc, việc nhà đầu tư có kế hoạch chuyển dịch hoạt động sản xuất sang Việt Nam ngày càng nhiều, theo đó nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng cũng tăng lên.
Việc bảo đảm mục tiêu kiểm soát không để công nghệ lạc hậu được nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp trong việc duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất thông qua một cơ chế phù hợp là một vấn đề cần được giải quyết trong thực tiễn. Vừa qua, Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đã được ký ban hành ngày 19/4/2019 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2019. Để làm rõ những giải pháp mới được đưa ra trong Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị chủ trì xây dựng nội dung của Quyết định này.
KH&PT: Ông có thể cho biết về sự cần thiết để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg trong bối cảnh Thông tư 23/2015/TT-BKHCN về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đã được Bộ KH&CN ban hành từ năm 2015?
Ông Nguyễn Nam Hải: Việc triển khai Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN, với quy định chặt chẽ về độ tuổi thiết bị, đã góp phần ngăn chặn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường đồng thời giải quyết được một phần nhu cầu của doanh nghiệp trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc quy định tiêu chí “tuổi thiết bị” theo giới hạn chung không quá 10 năm trong tất cả các lĩnh vực, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc một số lĩnh vực sản xuất cụ thể trong việc giải quyết nhu cầu nhập máy móc, thiết bị cũ để duy trì hoạt động sản xuất hoặc thực hiện việc chuyển dịch nhà máy sản xuất đang hoạt động từ một quốc gia khác sang Việt Nam trong khi các máy móc, thiết bị trong lĩnh vực này vẫn bảo đảm năng lực sản xuất, không ảnh hưởng ô nhiễm đến môi trường.

Ông Nguyễn Nam Hải. Ảnh: tcvn.gov.vn

Ông Nguyễn Nam Hải. Ảnh: tcvn.gov.vn
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên theo chỉ đạo của Chính phủ, trên tinh thần bám sát đồng thời hai mục tiêu là tìm hướng tháo gỡ cho nhà đầu tư thuộc một số lĩnh vực cụ thể, rà soát đơn giản hóa, cải cách về thủ tục hành chính nhưng vẫn duy trì và cải tiến thêm các biện pháp quản lý, không cho phép thiết bị cũ có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng với các biện pháp quản lý linh hoạt nhưng cũng bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ và toàn diện hơn.
Vậy biện pháp cơ bản nào đã được đưa ra trong Quyết định này để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến quy định về tuổi thiết bị không quá 10 năm?
Để đảm bảo yêu cầu về an toàn, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường thì mốc thời gian đã qua sử dụng không quá 10 năm vẫn cần thiết với đa số các máy móc, thiết bị nhập khẩu. Tuy nhiên, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp khi đưa ra một số trường hợp ngoại lệ nhất định, chủ yếu là lĩnh vực cơ khí không có nhiều rủi ro về môi trường.
Cụ thể, có 16 loại máy móc, thiết bị cụ thể thuộc lĩnh vực cơ khí, sản xuất, chế biến gỗ, máy và thiết bị cơ khí trong sản xuất giấy và bột giấy trong tổng số 135 loại máy móc, thiết bị thuộc hai chương 84 và 85 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Quyết định là được áp dụng tiêu chí tuổi thiết bị trong khoảng từ 15 đến 20 năm. Quy định này khi xây dựng đã được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên phân tích đặc thù bản chất hoạt động của máy móc, thiết bị và thực tiễn sử dụng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp và có sự thống nhất của các Bộ quản lý chuyên ngành.
Trong một số trường hợp đặc thù cần nhập máy móc, thiết bị đơn lẻ đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá mức quy định để duy trì hoạt động sản xuất, Quyết định cũng quy định hồ sơ, trình tự giải quyết tại Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan một cách cụ thể và chặt chẽ.
Các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng khi nhập khẩu sẽ phải đáp ứng những tiêu chí gì để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường như yêu cầu được đề cập trên đây?
Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, tiêu chí nhập khẩu được căn cứ vào tuổi thiết bị như đã đề cập trên đây, đồng thời máy móc, thiết bị phải được sản xuất phù hợp với quy chuẩn Việt Nam (QCVN), tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hay tiêu chuẩn quốc gia của nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Đối với dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, có năm tiêu chí cần được đáp ứng đồng thời, bao gồm: được sản xuất phù hợp với QCVN, TCVN hay tiêu chuẩn quốc gia của nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; công suất hoặc hiệu suất còn lại so với thiết kế (không thấp hơn 85%); mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng so với thiết kế (không quá 15%); công nghệ không thuộc công nghệ cấm chuyển giao, hạn chế chuyển giao (theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ); là công nghệ đang sử dụng phổ biến trong ít nhất ba cơ sở thuộc các nước khối OECD. Việc đánh giá năng lực thực tế còn lại của dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do Tổ chức Giám định có năng lực tiến hành đánh giá ngay tại nguồn nước xuất khẩu, trong tình trạng dây chuyền còn đang hoạt động và chưa được tháo dỡ.
Qua quá trình nghiên cứu, thảo luận xây dựng các tiêu chí và biện pháp quản lý, đại diện các bộ quản lý chuyên ngành, chuyên gia về công nghệ, các hiệp hội và hội doanh nghiệp đều thống nhất về quan điểm công suất/hiệu suất và tiêu hao năng lượng của một dây chuyền công nghệ từ sau khi lắp đặt chỉ có thể đạt được mức như thiết kế khi đã trải qua quá trình căn chỉnh đồng bộ, nguyên vật liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn, và năng lực vận hành thiết bị bảo đảm thuần thục. Trong quá trình vận hành, công suất/hiệu suất sẽ bị sụt giảm và tiêu hao năng lượng hơn so với thiết kế nếu dây chuyền công nghệ không được bảo trì, bảo dưỡng đúng theo chế độ, các chi tiết/cụm chi tiết/cụm thiết bị bị tiêu hao, già hóa trong quá trình hoạt động không được thay thế kịp thời. Do đó, nếu công suất hoặc hiệu suất còn lại đạt trên mức 85%, mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu không cao hơn 15% so với thiết kế chứng tỏ dây chuyền công nghệ đã được bảo trì, bảo dưỡng phù hợp và còn duy trì được năng lực như thiết kế.
Với những tiêu chí và biện pháp quản lý như vậy, ngoài việc tháo gỡ khó khăn do quy định cứng trước đây đòi hỏi thời gian đã qua sử dụng của máy móc, thiết bị không quá 10 năm, Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ có khiến quy trình giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp trở nên thuận tiện và hợp lý hơn?
Quyết định lần này của Thủ tướng Chính phủ khiến hồ sơ và thủ tục nhập khẩu được quy định rõ ràng, đơn giản hơn. Các quy định cụ thể liên quan đến tuổi máy móc, thiết bị, tiêu chuẩn, quy chuẩn, công suất/hiệu suất còn lại và tiêu hao năng lượng, các quy định cụ thể về nội dung giám định… vừa góp phần minh bạch hóa biện pháp quản lý, vừa thiết lập chuẩn mực để quản lý chặt chẽ hơn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam trong thời gian tới.
Đối với một số trường hợp cụ thể cần ý kiến xem xét của bộ, ngành thì trình tự giải quyết tại Bộ KH&CN và các bộ ngành liên quan được quy định rõ ràng, minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện. Các dịch vụ giám định phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được xã hội hóa, tuân thủ chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng được cơ chế thừa nhận quốc tế.
Như vậy, so với các biện pháp quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được quy định theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN, Quyết định của Thủ tướng đã đưa ra được các nhóm biện pháp cụ thể theo tiêu chí bảo đảm chặt chẽ, tiến bộ và phù hợp hơn với thực tiễn. Về cơ bản, Quyết định của Thủ tướng đã được xây dựng, hoàn thiện để đáp ứng đồng thời được cả hai mục tiêu là vừa tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm ngăn chặn công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Xin cảm ơn ông!
Theo Khoa học phát triển
Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng