Trung Quốc công bố các chỉ số kinh tế, thêm dấu hiệu không ổn

Kinh tế Trung Quốc đã bộc lộ thêm nhiều dấu hiệu bất ổn mới trong bối cảnh những căng thẳng thương mại với Mỹ được dự báo kéo dài.

Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc ngày 16-9 công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 8 chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua và thấp hơn 0,4% so với mức được công bố hồi tháng 7 (tháng có tăng trưởng chút ít sau nhiều tháng sụt giảm).

Con số này thấp hơn mức kỳ vọng 5,2% vốn được các nhà phân tích dự đoán trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Bloomberg chuyên về kinh tế – tài chính.

Ngoài ra, mức tăng doanh số bán lẻ cũng chỉ đạt 7,5%, giảm 0,1% so với tháng trước đó, trong khi dưới mắt các chuyên gia tài chính, đây là chỉ số quan trọng đánh giá mức tiêu dùng của các hộ gia đình.

Các chuyên gia cho rằng điều này dễ hiểu bởi người dân cũng phải xem chừng lại túi tiền trong bối cảnh thương chiến đe dọa hằng ngày hoặc nữa là tiền vào túi họ bắt đầu ít đi.

Ông Tommy Wu, nhà kinh tế học ở Oxford Economics, nhận định: “Các dự báo về ngắn hạn của kinh tế Trung Quốc là khá khó khăn”.

Đầu tư vào tài sản cố định có mức tăng trưởng hằng năm là 5,5% trong 8 tháng đầu năm 2019, thấp hơn 0,2% so với 7 tháng đầu năm, trong đó có một sự giảm nhẹ trong đầu tư bất động sản.

Sản xuất và cung cấp điện, nhiệt điện, khí đốt và nước đạt mức tăng trưởng hàng năm 5,9% trong tháng 8 vừa qua, đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong 3 lĩnh vực chính, bao gồm cả khai mỏ và sản xuất.

Sản xuất công nghệ cao dẫn đầu tăng trưởng sản lượng công nghiệp nói chung với mức tăng hàng năm đạt 6,1%.

Tác giả Frédéric Schaeffer của báo Les Echos cho rằng các biện pháp chặn đà giảm, kích thích kinh tế của chính quyền Bắc Kinh như vậy chưa có tác dụng gì.
Trung Quốc công bố các chỉ số kinh tế, thêm dấu hiệu không ổn - Ảnh 2.
Chuẩn bị trang trí mừng 70 năm Quốc khánh Trung Quốc ở TP Trùng Khánh. Có thông tin cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc tạm quay về với tiêu dùng nội địa – Ảnh: REUTERS

Người phát ngôn của Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày hôm nay bình luận: “Chúng ta cần thấy rằng sự bất ổn và những điều không chắc chắn ở tầm mức quốc tế hiện ngày càng quan trọng”.

Cách đây đúng 2 tháng, Cục Thống kê NBS cũng đã công bố số liệu cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II/2019 chỉ đạt 6,2%, tức mức thấp nhất trong gần 30 năm qua.

Tốc độ tăng trưởng trên vẫn trong phạm vi mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2019, song thấp hơn mức tăng trưởng 6,4% trong quý I/2019.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang với đối tác lớn nhất là Mỹ, thời gian qua chính quyền Bắc Kinh dự định thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019, theo đó thông báo cắt giảm thuế với quy mô lớn có giá trị lên tới gần 2.000 tỉ NDT và hạn ngạch 2.150 tỉ NDT trái phiếu đặc biệt do chính quyền các địa phương phát hành nhằm thúc đẩy hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy vậy, các biện pháp này vẫn chưa phát huy tác dụng đối với nền kinh tế Trung Quốc và niềm tin của các doanh nghiệp của nước này vẫn chưa ổn định, ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động đầu tư.

Giới đầu tư lo ngại rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nếu kéo dài hơn và gây nhiều thiệt hại hơn có thể sẽ đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Theo Tuổi trẻ

Tổng thống Trump lại lên Twitter phàn nàn đồng đô quá mạnh, lãi suất quá cao

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-8 một lần nữa đăng đàn Twitter, phàn nàn về đồng đô Mỹ quá mạnh và chỉ trích Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất quá cao.

Hàng thập kỷ qua, “chính sách đồng đô mạnh” là một trong những chính sách không hề suy suyển của Mỹ. Thế nhưng, dưới thời Tổng thống Trump, điều này đã thay đổi.

Ông Trump ngày 8-8 tuyên bố trên Twitter rằng một đồng USD yếu sẽ giúp doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh tốt hơn.

“Với tư cách là tổng thống của các bạn, ai đó có thể nghĩ tôi sẽ thích đồng đô mạnh của chúng ta. Tôi không như thế!”, Tổng thống Mỹ viết.

“Mức lãi suất cao của FED, so với các nước khác, đang giữ giá đồng đô cao. Điều này khiến các nhà sản xuất lớn của chúng ta, như Caterpillar, Boeing, John Deere, các công ty sản xuất xe hơn và nhiều doanh nghiệp khác, gặp khó khăn trong quá trình cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng”, ông Trump nhấn mạnh.

Tổng thống Trump lại lên Twitter phàn nàn đồng đô quá mạnh, lãi suất quá cao - Ảnh 2.
Nội dung đăng tải trên Twitter của Tổng thống Mỹ ngày 8-8 – Ảnh chụp màn hình

Những dòng đăng tải đầy phẫn nộ này của ông Trump lại tiếp tục tới trong bối cảnh chiến tranh thương mại cùng Trung Quốc leo thang. Chỉ vài ngày trước dây, Mỹ đã đưa Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ vì để đồng đô rớt giá vượt ngưỡng đỏ 7 tệ đổi 1 đô.

AFP nhận định, tuyên bố mới của ông Trump đang đẩy quan hệ Mỹ – Trung gần thêm một bước với chiến tranh tiền tệ.

Trong nhiều thập kỷ, chính phủ của cả 2 đảng ở Mỹ đều giữ đồng USD mạnh để duy trì sự ổn định và khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn, từ đó kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, chính sách này đồng thời khiến hàng xuất khẩu Mỹ đắt đỏ hơn. Ông Trump từ lâu đã kêu gọi FED cắt giảm lãi suất để thay đổi tình hình, cũng như chỉ trích chính sách của cơ quan này là sai lầm.

Theo Tuổi trẻ

Cảnh báo hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ tràn vào Việt Nam

Đồng nhân dân tệ giảm giá, nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên và hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ, nhãn mác vào Việt Nam cũng cao hơn.

Những lo ngại tiêu cực có thể đến khi đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá trong cuộc chiến Mỹ – Trung đang leo thang, khi hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn và nhập khẩu từ nước này vào Việt Nam sẽ tăng lên, làm tăng nhập siêu và nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ đang đặt ra.

Đồng NDT đã liên tiếp giảm giá do những căng thẳng từ thương chiến Mỹ – Trung. Nguyên nhân là do Mỹ tố cáo Trung Quốc chủ động thao túng tiền tệ, tức là làm mất giá NDT tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Song thực tế đồng NDT cũng mất giá thực sự chứ không chỉ do họ chủ động.

Với diễn biến này, Trung Quốc được lợi là tăng lợi thế cạnh tranh của hàng Trung Quốc ra nhiều nước, nhưng thiệt hại lớn là nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế nước này, có thể dẫn tới làn sóng FDI và các nhà đầu tư chứng khoán rút tiền ra khỏi Trung Quốc càng nhiều hơn.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của hàng Việt Nam, nên cửa xuất của hàng Việt vào thị trường này sẽ khó khăn hơn khi đồng NDT giảm giá.

Ở chiều ngược lại, đây là thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam nên doanh nghiệp nhập khẩu các linh phụ kiện cho sản xuất sẽ có lợi thế khi nhập hàng từ Trung Quốc nhờ giá rẻ. Nhưng với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh về giá khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào nhiều hơn.

Đặc biệt hơn, đó là nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên và hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ, nhãn mác vào Việt Nam để tiêu thụ tại nội địa và hưởng ưu đãi xuất xứ ra nước ngoài. Những vụ việc gần đây về giả mạo xuất xứ được phát hiện càng cho thấy rõ điều đó.

Do đó, trước hết doanh nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng, thương hiệu và uy tín của hàng Việt Nam để cạnh tranh với hàng Trung Quốc tốt hơn thông qua tăng năng suất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Gần đây hàng Việt đã được đánh giá là cải thiện nhiều về chất lượng, mẫu mã, nâng cao được thương hiệu và uy tín trên chính sân nhà.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Bởi nếu không quyết liệt và có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nhiều nguy cơ đặt ra với hàng Việt Nam khi cạnh tranh không lành mạnh và tổn hại tới người tiêu dùng.

Cần lưu ý hiện nay giao dịch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chủ yếu bằng đồng USD khi chỉ có khoảng 1/3 là giao dịch bằng đồng NDT, tập trung ở các cửa khẩu. Do đó, những tác động của việc giảm giá đồng NDT đến nền kinh tế có thể chưa thấy ngay.

Song nếu không có giải pháp quản lý chặt chẽ nhập siêu từ Trung Quốc và việc gian lận xuất xứ, thì những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế là không đo đếm được nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn.

VPPA tổng hợp