Chống gian lận xuất xứ: Phải có chế tài xử phạt đủ sức răn đe

Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó sẽ có thống kê về các vụ việc gian lận, có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào thị trường Hoa Kỳ và sẽ có kết quả báo cáo vào cuối năm.

Đây là chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành vào sáng ngày 14/11, bên lề cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

*PV: Ông có thể cho biết cụ thể về mục đích của hội nghị này?

– Ông Mai Xuân Thành: Hội thảo là cơ hội cho các cơ quan chức năng, các bộ, ngành cùng nhau nhận thức đúng, đầy đủ về tình hình gian lận xuất xứ Việt Nam và chuyển tải bất hợp pháp.

Đây cũng là cơ hội để cơ quan hải quan hợp tác, phối hợp với cơ quan của Chính phủ và đối tác thương mại chính của Việt Nam cùng bàn thảo, tìm ra các giải pháp ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, giúp cho hoạt động thương mại phát triển bền vững.

Chúng tôi sẽ tiếp thu kinh nghiệm từ hội thảo để đề ra giải pháp phòng tránh, chủ động ngăn chặn hàng hóa có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam đi các thị trường khác.

Hội thảo này cũng cho thấy quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nêu ra tại đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, được ban hành kèm theo Quyết định 824/QĐ-TTg (ngày 4/7/2019).

*PV: Trong thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc gian lận, khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lại được xuất đi nhiều thị trường dưới mác hàng Việt, trong đó có Hoa Kỳ, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia. Ông có thể cho biết rõ hơn về việc này?

– Ông Mai Xuân Thành: Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ từ đầu năm đến nay vẫn tiếp tục tăng với tốc độ cao. Đồng thời, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã có đánh giá “khá nhạy cảm” về tăng trưởng quá nhanh của hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng rất nhanh, tới trên 40%. Điều đó làm đặt ra câu hỏi: có hay không sự liên thông giữa hàng từ Trung Quốc qua Việt Nam tới Hoa Kỳ.

Về việc này, chúng tôi cũng đã đánh giá và triển khai những biện pháp nghiên cứu, cùng với các bộ, ngành có kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này.

Trong thời gian tới cơ quan hải quan sẽ tiến hành rà soát, đánh giá năng lực sản xuất của từng doanh nghiệp có tham gia hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ để phân tích rủi ro và lựa chọn những doanh nghiệp cần phải kiểm tra kỹ lưỡng.

*PV: Những mặt hàng nào cơ quan hải quan sẽ quan tâm tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa gian lận, thưa ông ?

– Ông Mai Xuân Thành: Mặt hàng thì khá đa dạng trên một diện rộng. Nhưng nghiên cứu ban đầu của chúng tôi tập trung vào những mặt hàng có tăng trưởng lớn, đột biến trước, những mặt hàng tăng trưởng từ 15% trở lên.

Chúng tôi nhận thấy rằng, nhóm hàng như điện, điện tử, linh kiện điện tử vẫn trong nhóm có nhiều nguy cơ gia tăng. Ngay cả những mặt hàng thủ công như là gỗ, tưởng là thế mạnh của chúng ta, nhưng cũng có gian lận.

Hội nghị chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thu hút được sự quan tâm của các bộ, ngành, cộng đồng DN và tổ chức quốc tế. Ảnh: Văn Tá

*PV: Để nâng cao hiệu quả chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, ông có ý kiến gì về quy định hiện hành?

– Ông Mai Xuân Thành: Qua thực tế đấu tranh với các hành vi vi phạm, chúng tôi thấy cần bổ sung các quy định liên quan đến nhãn mác hàng hóa; quy định rõ hơn về xuất xứ hàng Việt Nam…

Cơ quan hải quan cũng đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Công Thương trong việc hoàn thiện các quy định về xuất xứ đối với hàng hóa Việt Nam. Ngày 15/11, chúng tôi được Văn phòng Chính phủ mời tham gia cuộc họp bàn với Bộ Công Thương về chống gian lận xuất xứ.

Về phía cơ quan hải quan cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan, nhằm đảm bảo các chế tài đủ sức răn đe.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó sẽ có thống kê về các vụ việc gian lận, có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào thị trường Hoa Kỳ và sẽ có kết quả báo cáo vào cuối năm.

Để nâng cao hiệu quả chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, chúng tôi cho rằng, một trong những biện pháp cần triển khai ngay là cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính

Phát hiện nhiều lô hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để xuất đi nước khác

Đó là cảnh báo của các chuyên gia Mỹ, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tại Hội thảo về Ngăn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 14-11.

Phát biểu tại hội thảo, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại (Hoa Kỳ), cho biết sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với một số hàng xuất khẩu từ Trung Quốc thì kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc giảm nhưng từ quốc gia thứ 3, trong đó có Việt Nam, lại tăng vọt. Đó là các mặt hàng như nhựa, dụng cụ quang học,…

Tại sao chuyển tải qua VN tăng? Bởi VN là một đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng khi tham gia hơn 10 FTA với tất cả các nền kinh tế chính; Là nguồn nhập khẩu lớn thứ 5 của Hoa Kỳ tại Châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ); Hội nhập sâu trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm…

                    —– Ông Claudio Dordi, giám đốc dự án tạo thuận lợi thương mại (Hoa Kỳ)—-

 Nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh như dây điện với 252%, chất dẻo nguyên liệu 147%; máy vi tính, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ là 140%… Đặc biệt là nhóm chất dẻo nguyên liệu xuất sang EU tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý Hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết với kim ngạch tăng đột biến, cơ quan hải quan xếp các hàng này vào nhóm có tiềm ẩn nguy cơ lớn về gian lận xuất xứ.

Theo ông Claudio Dordi, có rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau về gian lận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa được nhà xuất khẩu chuyển qua Việt Nam nhưng khi xuất khẩu đi nước khác mà không có sự thay đổi nào về vật lý, hay nói cách khác là sản phẩm vẫn như vậy.

Ngoài ra, sản phẩm tháo rời rồi xuất sang Việt Nam, sau đó trải qua công đoạn lắp ráp rất giản đơn thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất đi Mỹ, EU.

“Sự lắp ráp đơn giản này không đủ để được coi hàng có xuất xứ Việt Nam” – Claudio Dordi nhấn mạnh.

Dẫn chứng một loạt vụ việc hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để mượn đường xuất đi nước thứ 3 vừa được cơ quan hải quan phát hiện, ông Âu Anh Tuấn cho biết vụ điển hình được Cục Hải quan TP HCM bắt giữ lô hàng của công ty TNHH B. Hàng hóa được tạm nhập từ Trung Quốc và tái xuất sang Mỹ.

“Cụ thể, doanh nghiệp khai báo hàng là cáp Internet. Nhưng qua kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu, các sợi cáp quang mang hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ Made in Vietnam” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Bộ Công Thương vừa áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm, hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hay Cục Hải quan Hải Phòng cũng vừa phát hiện một doanh nghiệp chế xuất 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam. Doanh nghiệp chỉ lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để xuất sang nước thứ ba. Khi kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, dây chuyền sản xuất thủ công, không có máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất gì.

Khổ các doanh nghiệp làm ăn chân chính

Gian lận xuất xứ để lại những hệ lụy gì đối với Việt Nam, theo ông Claudio Dordi, nó làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tính tuân thủ cao của Việt Nam. Vì đối với Hải quan Hoa Kỳ có nguyên tắc chung là quản lý rủi ro.

Nên với hàng hóa từ thị trường có rủi ro cao thì sẽ phải được kiểm tra chặt chẽ, thủ tục phức tạp hơn. Do vậy, đối với DN làm ăn chân chính của VN sẽ có nguy cơ chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi xuất vào Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia khác, thị trường cũng cảnh giác với hàng hóa Việt Nam.

Giám đốc USAID Michael Greene đánh giá Hoa Kỳ là đối tác của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại. Tuy nhiên, chuyển tải bất hợp pháp là mối quan ngại đối với Hoa Kỳ. Gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang ảnh hướng đến mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ VN để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà VN là thành viện nhằm hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp ngăn chặn.

10 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài vào VN có số vốn là 29,11 tỉ USD. Trong đó, đáng nói là vốn đầu tư trừ Trung Quốc và vùng lãnh thổ Hong Kong tăng đột biến 2 và 4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Như cơ quan Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ngay tại cửa khẩu, kiểm tra sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Tuổi trẻ

Cảnh báo hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ tràn vào Việt Nam

Đồng nhân dân tệ giảm giá, nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên và hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ, nhãn mác vào Việt Nam cũng cao hơn.

Những lo ngại tiêu cực có thể đến khi đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá trong cuộc chiến Mỹ – Trung đang leo thang, khi hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn và nhập khẩu từ nước này vào Việt Nam sẽ tăng lên, làm tăng nhập siêu và nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ đang đặt ra.

Đồng NDT đã liên tiếp giảm giá do những căng thẳng từ thương chiến Mỹ – Trung. Nguyên nhân là do Mỹ tố cáo Trung Quốc chủ động thao túng tiền tệ, tức là làm mất giá NDT tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Song thực tế đồng NDT cũng mất giá thực sự chứ không chỉ do họ chủ động.

Với diễn biến này, Trung Quốc được lợi là tăng lợi thế cạnh tranh của hàng Trung Quốc ra nhiều nước, nhưng thiệt hại lớn là nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế nước này, có thể dẫn tới làn sóng FDI và các nhà đầu tư chứng khoán rút tiền ra khỏi Trung Quốc càng nhiều hơn.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của hàng Việt Nam, nên cửa xuất của hàng Việt vào thị trường này sẽ khó khăn hơn khi đồng NDT giảm giá.

Ở chiều ngược lại, đây là thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam nên doanh nghiệp nhập khẩu các linh phụ kiện cho sản xuất sẽ có lợi thế khi nhập hàng từ Trung Quốc nhờ giá rẻ. Nhưng với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh về giá khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào nhiều hơn.

Đặc biệt hơn, đó là nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên và hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ, nhãn mác vào Việt Nam để tiêu thụ tại nội địa và hưởng ưu đãi xuất xứ ra nước ngoài. Những vụ việc gần đây về giả mạo xuất xứ được phát hiện càng cho thấy rõ điều đó.

Do đó, trước hết doanh nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng, thương hiệu và uy tín của hàng Việt Nam để cạnh tranh với hàng Trung Quốc tốt hơn thông qua tăng năng suất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Gần đây hàng Việt đã được đánh giá là cải thiện nhiều về chất lượng, mẫu mã, nâng cao được thương hiệu và uy tín trên chính sân nhà.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Bởi nếu không quyết liệt và có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nhiều nguy cơ đặt ra với hàng Việt Nam khi cạnh tranh không lành mạnh và tổn hại tới người tiêu dùng.

Cần lưu ý hiện nay giao dịch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chủ yếu bằng đồng USD khi chỉ có khoảng 1/3 là giao dịch bằng đồng NDT, tập trung ở các cửa khẩu. Do đó, những tác động của việc giảm giá đồng NDT đến nền kinh tế có thể chưa thấy ngay.

Song nếu không có giải pháp quản lý chặt chẽ nhập siêu từ Trung Quốc và việc gian lận xuất xứ, thì những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế là không đo đếm được nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn.

VPPA tổng hợp