Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn bộ rác thải rắn từ năm 2021

Ngày 25/11/2020, Bộ Môi trường Sinh thái, Bộ Thương mại, Ủy ban Cải cách Phát triển Quốc gia và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành thông báo chung số No. 53 – 2020 nêu rõ từ ngày 01/01/2021, Trung Quốc sẽ cấm nhập khẩu rác thải rắn dưới mọi hình thức, đồng thời cấm trút đổ, chất đống và xử lý rác thải rắn từ nước ngoài tại nước này.

Bộ Môi trường Sinh thái Trung Quốc sẽ không phê duyệt bất cứ giấy phép nào liên quan đến nhập khẩu rác thải rắn sau khi có thông báo mới. Những giấy phép đã cấp sẽ chỉ được sử dụng trong thời hạn quy định của năm 2020. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, bắt buộc tái xuất và phạt tiền, nếu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ năm 1980, Trung Quốc cho phép nhập khẩu rác thải rắn, như các loại nhựa, giấy, kim loại… để làm nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp. Từ nhiều năm nay, nước này luôn là quốc gia nhập khẩu rác lớn nhất thế giới. Trước những hệ lụy về môi trường, Bắc Kinh bắt đầu hạn chế nhập khẩu rác thải nước ngoài từ tháng 01/2018 với việc cấm nhập khẩu 24 loại rác, như các loại nhựa, giấy chưa phân loại, rác thải từ nguyên liệu dệt may…

    >>> Lãnh đạo Hiệp hội thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp hội viên phía Nam

Theo số liệu công bố của Hải quan Trung Quốc, lượng rác thải rắn nhập khẩu của nước này đã giảm từ 22,63 triệu tấn của năm 2018 xuống còn 13,48 triệu tấn trong năm 2019. Trong 10 tháng đầu năm 2020 lượng rác thải đăng ký nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh 42,7% so với cùng kỳ, chỉ còn 6,69 triệu tấn.

Đây được coi là bước đi quyết liệt nhất trong kế hoạch 3 năm nhằm chấm dứt tiếp nhận rác thải rắn từ nước ngoài của quốc gia đông dân nhất thế giới này./.

Theo Xinhuanet

CMPC Chile gia tăng xuất khẩu bột giấy vào thị trường Trung Quốc

Bất chấp lo ngại dịch Covid-19 và sự gián đoạn trong ngành logistic, nhà sản xuất giấy và bột giấy Chile CMPC nhận thấy nhu cầu ở Trung Quốc tăng cao sau kỳ nghỉ kéo dài.

Đại diện của công ty CMPC cho hay, Trung Quốc là khách hàng xuyên của cả hai loại bột giấy và công ty đã nhìn thấy cơ hội có khả năng tăng giá loại bột gỗ mềm ở thị trường này.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cả hai loại bột gỗ mềm và bột gỗ cứng ở Châu Âu, Châu Á cũng tăng.

Do ảnh hưởng của logistics và vận chuyển, nên việc giao hàng vẫn còn chậm trễ, do đó CMPC đang nỗ lực gia tăng xuất khẩu để tránh rủi ro.

Công ty cũng thông báo, việc tăng giá có thể diễn ra vào tháng Tư, hoặc cùng lắm là tháng Năm.

Tổng doanh thu trong quý IV/2019 của CMPC đạt 1,3 tỷ USD, thấp hơn 11% so với năm trước, chủ yếu do giá bột giấy thấp hơn, nhưng bù lại, doanh số của giấy tissue và giấy bao bì tăng.

Trong năm 2019, CMPC đã sản xuất 969.000 tấn bột giấy trong cùng kỳ, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó doanh thu lại tăng 8%, lượng bột giấy tiêu thụ đạt 940.000 tấn./.

RISI – VPPA

Nhu cầu lớn, khủng hoảng thiếu container, OCC Mỹ xuất khẩu tăng giá

Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, ổn định đối với RCP của Mỹ bắt đầu từ tháng 2/2020 lại được tiếp diễn trong tháng 3/2020. Giá tiêu thụ của OCC Mỹ tại thị trường nội địa đã tăng 15-20 USD/tấn, giá xuất khẩu cũng tăng 20-25 USD/tấn. Trong khi đó xuất khẩu hai loại chính là OCC11 và OCC12 (DSOCC) của Mỹ sang thị trường Trung Quốc và các nước châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á đã tăng cả về số lượng và giá.

Trong khi đó, thiếu hụt container để xếp hàng là một trong các nguyên nhân làm gia tăng giá xuất khẩu của loại hàng này, bình quân giá xuất khẩu OCC khi về đến thị trường châu Á đã được đẩy lên cao hơn 25-30 USD/tấn so với thời kỳ cuối tháng 1/2020. Cộng với đó các nhà sản xuất lo ngại tình hình thiếu hụt nguyên liệu nên cũng đẩy mạnh mua vào, trữ hàng đề phòng tình trạng khó khăn sắp tới nên càng làm cho tình trạng khan hàng được gia tăng.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là khủng hoảng của vận chuyển và logistics đã làm gia tăng chi phí vận chuyển cộng vào giá, và đặc biệt là không có cont để book hàng. Đã có dự báo bi quan rằng tình trạng này sẽ hoàn toàn suy sụp trong tháng 4/2020, khi mà giá cước vận tải hiện tại đã tăng 50-300 USD/cont. 40 feet. Chính điều này đã làm gia tăng giá xuất khẩu OCC và giá nội địa Mỹ trong tháng 3/2020.

Cũng nhân cơ hội này một số nhà cung cấp đã đơn phương hủy các đơn hàng đã đặt trước đó với mức giá thấp và chuyển sang thực hiện các đơn hàng với mức giá cao hơn. Việc hủy đơn này đã vô hình chung đẩy các nhà sản xuất vào tình trạng trở tay không kịp, không có nguyên liệu sản xuất nối tiếp, nếu chấp nhận các đơn hàng giá cao hơn hiện tại thì cũng phải mất khoảng thời gian chờ đợi hàng về.

Trong tháng 3, các nhà xuất khẩu OCC của Mỹ chủ yếu vận chuyển hàng đến Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Mexico và Canada. Nhu cầu này đã đẩy giá của OCC12 tăng thêm 15-20 USD/tấn, FAS sang Trung Quốc, châu Á từ Bờ Tây lên 125-128 USD/tấn và lên 120-125 USD/tấn từ Bờ Đông. Giá OCC11 của Mỹ xuất khẩu sang châu Á đã tăng 20-25 USD/tấn, đạt 100-105 USD/tấn, FAS tại Bờ Tây, đạt 110-115 USD/tấn tại Bờ Đông./.

VPPA

Trung Quốc miễn và hoàn thuế ngay từ ngày 28/2 cho bột BSK, bột fluff và bột tái chế của Mỹ

Sau một thời gian áp dụng chính sách nhập khẩu nghiêm ngặt thái quá của Trung Quốc, lượng giấy thu hồi (RCP) nhập khẩu từ Mỹ đã giảm mạnh theo từng năm, năm 2018 nhập khẩu 17,03 triệu tấn, năm 2019 nhập khẩu 10,36 triệu tấn và dự kiến năm 2020 chỉ nhập 6,5 triệu tấn. Cộng với ảnh hưởng bùng phát dịch COVID-19, thu gom và vận chuyển trong nước đình trệ, giá nguyên liệu gia tăng đột biến, các sản phẩm giấy cũng đều tăng giá.

Để đáp ứng nguồn cung cho nền công nghiệp giấy, Trung Quốc đã có những thay đổi lớn về chính sách thuế, như xóa bỏ mức thuế bổ sung hoặc xóa bỏ hoàn toàn mức thuế đối với nhiều loại  sản phẩm bột giấy và giấy thu hồi, và một số các loại sản phẩm giấy nhập khẩu từ Mỹ.

Bộ Tài chính Trung Quốc vừa công bố sẽ loại trừ 65 loại hàng hóa của Mỹ, bao gồm bột giấy tái chế và một số bột gỗ, ra khỏi danh sách áp thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ. Đây là các mặt hàng đã nằm trong gói áp thuế trả đũa trị giá 60 tỷ USD Trung Quốc lần đầu tiên áp đặt vào tháng 9 năm 2018. Thời hạn áp dụng xóa bỏ sẽ có hiệu lực trong một năm bắt đầu từ ngày 28 tháng 2 năm 2020.

Trong danh sách loại bỏ thuế, các loại sản phẩm bột BSK, bột fluff và bột tái chế đối với các mức thuế đã được thanh toán thì sẽ được hoàn trả. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc được hoàn tiền trong vòng 6 tháng. Bột BSK và bột fluff của Mỹ, kể từ tháng 9 năm 2018 đã chịu mức thuế bổ sung 5%, nhưng sẽ sớm trở lại mức 0% theo quy chế tối huệ quốc (MFN).

Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2019 nước này đã nhập 1,4 triệu tấn BSK và bột fluff từ Mỹ, chiếm 15,7% tổng khối lượng nhập khẩu.

Tháng 9 năm 2018, lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng mức thuế bổ sung 10% đối với bột giấy tái chế của Mỹ và đã tăng lên 20% vào tháng 6 năm 2019. Sản phẩm này cũng sẽ được hưởng thuế nhập khẩu bằng 0 tại Trung Quốc khi chính sách loại trừ thuế quan có hiệu lực. Năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 921.000 tấn bột giấy tái chế, trong số đó 17,9% là từ Mỹ.

Khối lượng nhập khẩu từ Mỹ dự kiến sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới khi các nhà sản xuất giấy bao bì hàng đầu của Trung Quốc, như Nine Dragons Paper (Holdings) và Shanying International, đã đầu tư mua lại các nhà máy ở Mỹ, mở rộng công suất tái chế và xuất khẩu trở lại Trung Quốc.

Trong khi đó, các loại bột như BHK và UKP vẫn giữ nguyên mức thuế như cũ, trong đó có mức thuế bổ sung 5%.

Trước đó, Trung Quốc đã thực hiện cắt giảm một nửa mức thuế hoặc miễn thuế với nhiều sản phẩm giấy và bột giấy từ Mỹ, đặc biệt ngày 18/2/2020, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố miễn thuế nhập khẩu tất cả các loại giấy thu hồi (RCP) và một số sản phẩm giấy và bột giấy, có hiệu lực từ 01/3/2020./.

RISI – VPPA

 

 

C&S Paper Trung Quốc đầu tư sản xuất khẩu trang y tế

C&S Paper – Công ty chuyên sản xuất giấy tissue và sản phẩm giấy vệ sinh đang chuẩn bị khởi chạy năm dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát và thiết bị y tế đang khan hiếm nghiêm trọng.

Ngày 10/2, công ty thông báo đã có được giấy phép sản xuất và kinh doanh khẩu trang y tế.

Năm dây chuyền sản xuất được đặt tại nhà máy Yunfu tại tỉnh Quảng Đông, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào cuối tháng này với tổng công suất 350.000 khẩu trang/ngày.

Trong trường hợp cần thiết, công ty còn có thể nâng công suất lên khoảng 2 triệu khẩu trang/ngày.

Kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp xảy ra, nhu cầu về khẩu trang tăng cao đã gây ra một cuộc chạy đua nguồn cung trên toàn thế giới.

Các nhà sản xuất giấy tissue và sản phẩm vệ sinh hàng đầu khác như Hengan International và Taison Group, cũng đang nghiên cứu việc sản xuất khẩu trang.

Các cơ sở sản xuất các thiết bị y tế, vệ sinh có môi trường sạch đều có thể lắp đặt những dây chuyền mới hoặc hiệu chỉnh dây chuyền mới lắp ráp để chuyển sang sản xuất khẩu trang./

RISI – VPPA

Thị trường giấy OCC Trung Quốc: Giá tăng vọt, thiếu xe tải vận chuyển

Tại Trung Quốc, giá của hầu hết các loại OCC đã tăng vọt trong tuần này do thương mại phục hồi chậm trong mùa dịch. Trong khi vận chuyển đường bộ thiếu xe tải dù giá đã tăng gấp đôi.

Từ các nhà máy sản xuất đồ chơi đến các nhà sản xuất ô tô, nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc đã tiếp tục sản xuất một phần hoặc chuẩn bị khởi động lại từ tuần trước sau khi ngừng hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán (LNY) kéo dài do sự bùng phát Covid-19, ngoại trừ những nhà máy của tỉnh Hồ Bắc – vùng tâm dịch, nguồn gốc của vụ dịch.

Tâm dịch Vũ Hán và các thành phố lớn khác trong tỉnh vẫn đang bị phong tỏa, các doanh nghiệp không sản xuất hàng thiết yếu, bao gồm tất cả các nhà máy giấy và bột giấy, sẽ vẫn đóng cửa ít nhất cho đến ngày 10 tháng 3, theo lịch trình mới nhất của chính phủ. Các nhà sản xuất giấy và bìa ngoài Hồ Bắc cũng đang gặp phải khó khăn về quá trình vận chuyển, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhiên liệu và đường vận chuyển sản phẩm ra thị trường bị tắc nghẽn.

Các nhà máy sản xuất giấy bao bì tái chế đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu hơn bao giờ hết vì hầu hết trong số họ không dự trữ giấy thu hồi (RCP) trước thời gian ngừng hoạt động thông thường trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vào cuối tháng 1.

Kể từ tuần trước, các nhà máy vừa và nhỏ đã cố gắng mở cửa trở lại, còn các nhà sản xuất hàng đầu thì cố gắng mở nhiều máy xeo hơn sau thời gian thay phiên ngừng vận hành.

Tuy nhiên, sản lượng RCP trong nước đã bị hạn chế rất nhiều trong hai tuần qua do một số nhà đóng gói chưa hoạt động trở lại và vì việc vận chuyển vẫn bị hạn chế. Các nhà máy sản xuất giấy bao bì liên tục tăng giá mua và họ sẵn sàng mua RCP nội địa để bù đắp lượng thiếu hụt. Một số nhà sản xuất bìa ngà, bao gồm APP Trung Quốc, Shandong Bohui Paper Industry và Sun Paper đã phải thay phiên ngừng sản xuất từ tuần trước do sự hạn chế về nguyên liệu.

Do sản xuất hạn chế và chi phí tăng, các nhà máy trên toàn quốc đã tăng giá cho giấy lớp lót linerboard và giấy lớp sóng từ 50 đến 100 RMB/tấn.

Về mặt giấy in và hộp gấp, giá vẫn giữ ở mức ổn định trong thời điểm hiện tại.

Mặc dù các nhà máy sản xuất các loại giấy hầu hết có đủ trữ lượng bột gỗ và giá bột giấy tương đối ổn định, nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc giao sản phẩm cho khách hàng.

Theo RISI – VPPA 

Nhà máy giấy Lee&Man chủ động cách ly hơn 100 nhân viên người Trung Quốc

Khoảng 100 người Trung Quốc làm việc tại nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (Huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã tạm thời được cách ly đề phòng dịch hô hấp Corona virus…

Ngày 31.1, thông tin từ Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp do Corona virus gây ra, công ty này đang tiến hành cách ly đối với các nhân viên Trung Quốc đang làm việc tại đây.

Có một nhóm nhân viên sau khi về quê nghỉ Tết ở Trung Quốc được công ty cho nghỉ kéo dài đến ngày 10.2. Đối với nhân viên Trung Quốc (sống tại khu vực Vũ Hán, Hồ Bắc) hiện đã quay lại nhà máy làm việc, công ty cho cách ly tại khu vực ký túc xá của công ty. Những người này sẽ chịu sự giám sát thân nhiệt trong vòng 14 ngày. Sau khoảng thời gian này, nếu sức khỏe bình thường, họ sẽ được quay trở lại làm việc.

Ngoài ra, lãnh đạo công ty đã quyết định từ chối tiếp đón tất cả người nước ngoài đến công ty, bao gồm cả nhà cung ứng, các đơn vị thi công.

Nhà máy Lee&Man.

Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper (Hồng Kông – Trung Quốc), hiện có nhà máy hoạt động tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Công ty này có trên 100 người Trung Quốc đang làm việc.

Trước đó, tại Hậu Giang đã xuất hiện một trường hợp có biểu hiện sốt sau khi trở về từ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Đó là bà T.N.A (ngụ huyện Vị Thủy). Bà A đi đến tỉnh Hắc Long Giang rồi trở về quê nhà. Đến tối ngày mùng 5 tết (29.1), bà A có biểu hiện sốt nhẹ nên đến Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ để khám.

Sau khi xác minh đầy đủ các thông tin, các nhân viên y tế yêu cầu bà A ở lại để theo dõi, đồng thời lấy mẫu máu gửi đi xét nghiệm.

Đến nay, sức khỏe của bà A đã ổn định, hết sốt. Tuy nhiên, bà A vẫn được các ly để theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm chính thức, vì hiện nay chưa thể xác định người phụ nữ này có mắc bệnh có liên quan bệnh viêm phổi Corona hay không.

Theo Lao Động

Trung Quốc cấp phép nhập khẩu RCP đợt II năm 2020

Ngày 8 tháng 1 năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã cấp giấy phép nhập khẩu giấy thu hồi (RCP) lần thứ hai với tổng khối lượng là 407.410 tấn.

Trong đó, nhà sản xuất giấy in báo Giấy Hoa Đài Hà Bắc, công ty con của nhà sản xuất giấy in báo lớn nhất Trung Quốc, Giấy Hoa Đài Sơn Đông, đã được cấp phép nhập khối lượng RCP lớn nhất, lên tới 150.000 tấn.

Đó là hạn ngạch nhập khẩu hằng năm các mặt hàng giấy khử mực đặc biệt, bao gồm giấy báo và tạp chí cũ của công ty Hoa Đài Hà Bắc.

Các công ty khác chủ yếu là các công ty sản xuất giấy bìa lớn cũng được cấp giấy phép nhập khẩu với số lượng lớn.

Cụ thể, Công ty Giấy Liansheng (Longhai) nhận 72.000 tấn, công ty Giấy Shanying Huanan Paper, một công ty con của Shanying International Holdings nhận được 61.700 tấn và ba nhà máy thuộc sở hữu của Nine Dragons Paper (Holdings) nhận 55.480 tấn.

Nếu tính cả đợt cấp phép đầu tiên thì trong năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt nhập khẩu tổng cộng 3,19 triệu tấn giấy RCP./.

Theo RISI – VPPA dịch

Qingyun Shenggang khởi chạy máy tissue công suất 20.000 tấn/năm tại Shandong, Trung Quốc

Cuối tháng 12.2019, công ty Qingyun Shenggang đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm trên một dây chuyền TM sản xuất giấy tissue công suất 20.000 tấn/năm tại một nhà máy mới ở thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Máy được nhập từ Shanghai Qingliang của Trung Quốc, có chiều rộng biên 2,85 m và tốc độ thiết kế đạt 1.400 m/phút, nguồn nguyên liệu đầu vào của dây chuyền là bột gỗ nguyên chất thương phẩm.

Dự kiến trong quý I/2020, một dây chuyền TM tương tự cũng sẽ được khởi chạy tại nhà máy này

Về nhà cung cấp, Shanghai Qingliang Industry Co.Ltd (SQIC), là một doanh nghiệp công nghiệp chuyên làm nhà cung cấp máy giấy hàng đầu tại Trung Quốc. Với thiết bị gia công CNC, đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm trong quản lý dự án, SQIC cung cấp máy giấy và giải pháp tổng thể cho khách hàng.

Cho đến nay, SQIC đã cung cấp hơn 140 máy giấy cho hơn 80 nhà máy giấy; cải tạo, cung cấp phụ tùng thay thế, dịch vụ kỹ thuật cho hơn 180 nhà máy giấy trên toàn thế giới.

Các sản phẩm chính bao gồm máy xeo dài, máy xeo giấy đặc biệt và máy xeo giấy tissue. Ngoài ra, còn có các phụ tùng khác nhau ở phần gia keo, lô máy cuộn giấy, cán láng, cắt cuộn lại, lô trục, ổ trục, bộ phận xử lý nước, cán láng, lô căng giấy, dao cạo, lô sấy, các bộ điều khiển để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

VPPA 

Chống gian lận xuất xứ: Phải có chế tài xử phạt đủ sức răn đe

Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó sẽ có thống kê về các vụ việc gian lận, có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào thị trường Hoa Kỳ và sẽ có kết quả báo cáo vào cuối năm.

Đây là chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành vào sáng ngày 14/11, bên lề cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

*PV: Ông có thể cho biết cụ thể về mục đích của hội nghị này?

– Ông Mai Xuân Thành: Hội thảo là cơ hội cho các cơ quan chức năng, các bộ, ngành cùng nhau nhận thức đúng, đầy đủ về tình hình gian lận xuất xứ Việt Nam và chuyển tải bất hợp pháp.

Đây cũng là cơ hội để cơ quan hải quan hợp tác, phối hợp với cơ quan của Chính phủ và đối tác thương mại chính của Việt Nam cùng bàn thảo, tìm ra các giải pháp ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, giúp cho hoạt động thương mại phát triển bền vững.

Chúng tôi sẽ tiếp thu kinh nghiệm từ hội thảo để đề ra giải pháp phòng tránh, chủ động ngăn chặn hàng hóa có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam đi các thị trường khác.

Hội thảo này cũng cho thấy quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nêu ra tại đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, được ban hành kèm theo Quyết định 824/QĐ-TTg (ngày 4/7/2019).

*PV: Trong thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc gian lận, khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lại được xuất đi nhiều thị trường dưới mác hàng Việt, trong đó có Hoa Kỳ, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia. Ông có thể cho biết rõ hơn về việc này?

– Ông Mai Xuân Thành: Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ từ đầu năm đến nay vẫn tiếp tục tăng với tốc độ cao. Đồng thời, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã có đánh giá “khá nhạy cảm” về tăng trưởng quá nhanh của hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng rất nhanh, tới trên 40%. Điều đó làm đặt ra câu hỏi: có hay không sự liên thông giữa hàng từ Trung Quốc qua Việt Nam tới Hoa Kỳ.

Về việc này, chúng tôi cũng đã đánh giá và triển khai những biện pháp nghiên cứu, cùng với các bộ, ngành có kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này.

Trong thời gian tới cơ quan hải quan sẽ tiến hành rà soát, đánh giá năng lực sản xuất của từng doanh nghiệp có tham gia hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ để phân tích rủi ro và lựa chọn những doanh nghiệp cần phải kiểm tra kỹ lưỡng.

*PV: Những mặt hàng nào cơ quan hải quan sẽ quan tâm tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa gian lận, thưa ông ?

– Ông Mai Xuân Thành: Mặt hàng thì khá đa dạng trên một diện rộng. Nhưng nghiên cứu ban đầu của chúng tôi tập trung vào những mặt hàng có tăng trưởng lớn, đột biến trước, những mặt hàng tăng trưởng từ 15% trở lên.

Chúng tôi nhận thấy rằng, nhóm hàng như điện, điện tử, linh kiện điện tử vẫn trong nhóm có nhiều nguy cơ gia tăng. Ngay cả những mặt hàng thủ công như là gỗ, tưởng là thế mạnh của chúng ta, nhưng cũng có gian lận.

Hội nghị chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thu hút được sự quan tâm của các bộ, ngành, cộng đồng DN và tổ chức quốc tế. Ảnh: Văn Tá

*PV: Để nâng cao hiệu quả chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, ông có ý kiến gì về quy định hiện hành?

– Ông Mai Xuân Thành: Qua thực tế đấu tranh với các hành vi vi phạm, chúng tôi thấy cần bổ sung các quy định liên quan đến nhãn mác hàng hóa; quy định rõ hơn về xuất xứ hàng Việt Nam…

Cơ quan hải quan cũng đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Công Thương trong việc hoàn thiện các quy định về xuất xứ đối với hàng hóa Việt Nam. Ngày 15/11, chúng tôi được Văn phòng Chính phủ mời tham gia cuộc họp bàn với Bộ Công Thương về chống gian lận xuất xứ.

Về phía cơ quan hải quan cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan, nhằm đảm bảo các chế tài đủ sức răn đe.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó sẽ có thống kê về các vụ việc gian lận, có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào thị trường Hoa Kỳ và sẽ có kết quả báo cáo vào cuối năm.

Để nâng cao hiệu quả chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, chúng tôi cho rằng, một trong những biện pháp cần triển khai ngay là cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính