Giấy bao bì cao cấp: cơ hội cho các nhà sản xuất tiềm năng

Mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu giấy bao bì tăng cao

Tại Việt Nam, giấy bao bì hiện là sản phẩm giấy chính chiếm gần 80% tổng tiêu thụ toàn ngành. Tuy nhiên, trong năm 2019, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 1,225 triệu tấn, vì sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 5%. Đây là hạn chế nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp giấy có tiềm lực đầu tư công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng bắt kịp nhu cầu trong và ngoài nước.

Theo nhận định của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), trong tháng 3/2020, tất cả các mặt hàng của ngành giấy bao gồm giấy bao bì đều tăng trưởng từ 2-5% so với tháng 2/2020.

Hiện tại, sản xuất giấy bao bì trong nước chủ yếu là giấy lớp mặt (Testliner, Krafliner) và giấy lớp sóng (Medium), dùng để sản xuất thùng carton sóng, đáp ứng được 84% nhu cầu nội địa. Riêng loại giấy tráng phủ cao cấp như Whitetopliner được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực in ấn bao bì thủy sản, đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu, đa phần phải nhập khẩu vì rất ít doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được.

Một thực trạng hiện nay trong ngành giấy số lượng doanh nghiệp tuy đông đảo nhưng lại nhỏ yếu, công nghệ lạc hậu. Nếu xét về tiềm lực, các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn với nguồn vốn lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, năng suất cao, sản lượng trung bình trên 400.000 tấn/năm như Lee & Man Việt Nam (420.000 tấn/năm). Lee & Man cũng là một trong những doanh nghiệp có thể sản xuất loại giấy Whitetopliner với sản lượng trung bình hơn 100.000 tấn/năm, chiếm gần 25% tổng sản lượng giấy bao bì của toàn nhà máy.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu giấy bao bì tăng cao, trong năm 2020 – 2021, dự kiến sẽ có khoảng 7 nhà máy giấy bao bì trong nước sẽ đưa vào sản xuất/nâng công suất.

Giấy bao bì cao cấp: cơ hội cho các nhà sản xuất tiềm năng
Ảnh minh họa

“Lấp khoảng trống” phân khúc giấy bao bì tráng phủ cao cấp

Theo VPPA, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng giấy bao bì dự báo tăng trưởng 14-18%/năm. Do đó, kế hoạch mở rộng sản xuất của các nhà máy giấy bao bì là hướng đi khả quan. Tuy nhiên, phân khúc giấy bao bì cao cấp (tráng phủ) là “khoảng trống” mà ngành giấy cần lắp đầy, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất các loại giấy bao bì thông thường.

   >>> Trung Quốc không cấp giấy phép nhập khẩu RCP cho năm 2021

Ngoài ra, với bất cứ sản phẩm nào, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư chất lượng nếu muốn cạnh tranh với giấy ngoại nhập. Lee & Man, với năng lực và thế mạnh trong việc sản xuất giấy tráng phủ cao cấp Whitetopliner, nếu công ty này mở rộng quy mô trong tương lai, đó sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp và ngành giấy trong nước giải đáp bài toán về nhu cầu.

Bên cạnh đó, hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại của Lee & Man cho phép sản xuất sản phẩm có bề mặt láng mịn, độ đồng đều 3 lớp cao, giúp bao bì có thể in ấn những hình ảnh sắc nét, nhiều màu sắc, chi tiết, góp phần giảm chi phí mực in xuống tới 50%. Mặt khác, so với các sản phẩm giấy trong nước, giấy bao bì của Lee & Man có độ chống thấm rất cao.

Cùng với việc tạo ra sản phẩm chất lượng là sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp. 650 triệu USD là số vốn đầu tư của Lee & Man để hiện đại hoá quy trình sản xuất cho nhà máy đặt tại Hậu Giang.

Chia sẻ về cải tiến trong sản xuất giấy bao bì, ông Patrick Chung, TGĐ Lee & Man Việt Nam cho biết: “Công nghệ mới cho phép Lee & Man sản xuất sản phẩm giấy bao bì ngày càng mỏng nhưng vẫn đáp ứng được độ dai cũng như độ cứng cần thiết, tiết kiệm nguồn nguyên, nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời hạ giá thành sản phẩm. Sản phẩm giấy của chúng tôi đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chỉ tiêu chất lượng, an toàn với các chứng chỉ quan trọng như: FSC; ISO 9001:2015; ISO 14001:2015; OHSAS 18001:200.”

Ngoài ra, trong xuyên suốt quá trình hoạt động, việc nâng tầm chất lượng ngành giấy tại Việt Nam là mục tiêu mà Lee & Man luôn hướng đến: “Nhận định được nhu cầu thị trường về giấy bao bì cao cấp, ngay từ đầu, Lee & Man đã có sự đầu tư rất lớn về công nghệ, tập trung sản xuất các loại giấy mà nhiều nhà máy sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Đồng thời, công ty lấy công nghệ xử lý giấy tái chế làm bệ phóng, hướng đến sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào phát triển bền vững của ngành và đất nước”, ông Patrick Chung chia sẻ.

Nhìn chung, Lee & Man cũng như các doanh nghiệp giấy bao bì có đủ tiềm lực sẽ có hướng đầu tư đúng đắn, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm giấy Việt.

Theo Vietnamnet

 

Tham vọng sản xuất bột tái chế của Lee&Man tại Đông Nam Á

Tháng 3/2020, Lee&Man đã khởi chạy dây chuyền sản xuất bột giấy tái chế mới, mở rộng công suất tại thị trường Đông Nam Á lên 1,7 triệu tấn/năm.

Sau khi đã chạy thử nghiệm vào hồi tháng 1/2020, Công ty Lee&Man, Trung Quốc đã cho vận hành dây chuyền sản xuất bột giấy tái chế công suất 400.000 tấn/ năm, tại nhà máy Sepang, Selangor, Malaysia.

Nguyên liệu chính của dây chuyền là bao bì hòm hộp (OCC) nhập khẩu từ Mỹ và Châu Âu, nhằm sản xuất ra loại bột tái chế màu nâu, xuất khẩu phục vụ các nhà máy của công ty tại Trung Quốc.

Ngoài nhà máy Sepang, Lee&Man nhập khẩu bột nâu tái chế từ nhà máy Yeni ở Bago, Myanmar của công ty Best Eternity Recycle Pulp and Paper, có công suất 340.000 tấn/ năm.

Dự báo Trung Quốc sẽ cấm hoàn toàn nhập khẩu giấy thu hồi, Lee&Man đã tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư tại nước ngoài, dự tính nâng công suất tại thị trường Đông Nam Á lên 1,7 triệu tấn/năm trong năm 2020.

Cụ thể, tại nhà máy Sepang, Lee&Man đang xây dựng bốn máy sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế mới với tổng công suất gần 1,2 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành trong nửa cuối năm nay.

Mỗi máy đều có chiều rộng khổ giấy sau cắt biên là 5,6 m và tốc độ thiết kế 1.000 m/phút.

Do đó, quy mô mở rộng công suất giấy bìa tại nhà máy Sepang lớn hơn nhiều so với con số 700.000 tấn/năm đã được thông báo lần đầu vào tháng 10 năm 2018.

Tại Việt Nam, Lee&Man cũng đang xây dựng dây chuyền BM thứ hai có công suất 500.000 tấn/năm tại nhà máy ở Hậu Giang, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Dây chuyền BM đầu tiên được khởi chạy vào đầu năm 2017 và đã nâng công suất từ 400.000 tấn/năm ban đầu lên 550.000 tấn/năm vào năm 2019./.

RISI – VPPA

Nhà máy giấy Lee&Man chủ động cách ly hơn 100 nhân viên người Trung Quốc

Khoảng 100 người Trung Quốc làm việc tại nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (Huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã tạm thời được cách ly đề phòng dịch hô hấp Corona virus…

Ngày 31.1, thông tin từ Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp do Corona virus gây ra, công ty này đang tiến hành cách ly đối với các nhân viên Trung Quốc đang làm việc tại đây.

Có một nhóm nhân viên sau khi về quê nghỉ Tết ở Trung Quốc được công ty cho nghỉ kéo dài đến ngày 10.2. Đối với nhân viên Trung Quốc (sống tại khu vực Vũ Hán, Hồ Bắc) hiện đã quay lại nhà máy làm việc, công ty cho cách ly tại khu vực ký túc xá của công ty. Những người này sẽ chịu sự giám sát thân nhiệt trong vòng 14 ngày. Sau khoảng thời gian này, nếu sức khỏe bình thường, họ sẽ được quay trở lại làm việc.

Ngoài ra, lãnh đạo công ty đã quyết định từ chối tiếp đón tất cả người nước ngoài đến công ty, bao gồm cả nhà cung ứng, các đơn vị thi công.

Nhà máy Lee&Man.

Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper (Hồng Kông – Trung Quốc), hiện có nhà máy hoạt động tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Công ty này có trên 100 người Trung Quốc đang làm việc.

Trước đó, tại Hậu Giang đã xuất hiện một trường hợp có biểu hiện sốt sau khi trở về từ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Đó là bà T.N.A (ngụ huyện Vị Thủy). Bà A đi đến tỉnh Hắc Long Giang rồi trở về quê nhà. Đến tối ngày mùng 5 tết (29.1), bà A có biểu hiện sốt nhẹ nên đến Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ để khám.

Sau khi xác minh đầy đủ các thông tin, các nhân viên y tế yêu cầu bà A ở lại để theo dõi, đồng thời lấy mẫu máu gửi đi xét nghiệm.

Đến nay, sức khỏe của bà A đã ổn định, hết sốt. Tuy nhiên, bà A vẫn được các ly để theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm chính thức, vì hiện nay chưa thể xác định người phụ nữ này có mắc bệnh có liên quan bệnh viêm phổi Corona hay không.

Theo Lao Động