Ứng phó với Covid-19: “Trong nguy có cơ”

Trong bối cảnh dịch bệnh và năm cuối của kế hoạch 5 năm (2016-2020), Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế – xã hội.

Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng sang nhiều vùng, khu vực trên thế giới, và hiện đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Theo số liệu thống kê đến thời điểm này, dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới, ở khắp các châu lục và đã có trên 80 quốc gia/vùng lãnh thổ có công dân nhiễm bệnh Covid-19, với 93.000 ca bệnh, hơn 3.100 trường hợp tử vong (chủ yếu ở Trung Quốc  với 2.981 ca tử vong).

Bên cạnh thiệt hại về con người, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những thiệt hại về kinh tế đối với từng nước cụ thể, do các hoạt động giao thương, kết nối chuỗi sản xuất giữa các quốc bị đình trệ và xáo trộn; tác động đến cả tổng cung và tổng cầu.

Đại dịch Covid 19 lan rộng khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo, các chỉ số chứng khoán và các chỉ số kinh tế vĩ mô đều sụt giảm: PMI của Trung quốc giảm mức thấp kỷ lục 35.7% trong tháng 2. Trong bối cảnh trên, dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn khiến thị trường chứng khoán và giá dầu lao dốc còn chiều ngược lại giá vàng cũng như giá trái phiếu chính phủ liên tục tăng mạnh và lập các đỉnh mới.

Diễn biến các chỉ số chứng khoán kể từ đầu năm 2020

Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực (Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV) về tác động của dịch cúm Covid 19 đối với kinh tế Việt Nam, và những định hướng chính sách của CP Việt nam trong bối cảnh mới

 Tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam

Đối với nền kinh tế Việt Nam, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực cả tổng cầu và tổng cung. Về phía cầu, ngành du lịch, vận tải, bán lẻ (tiêu dùng cá nhân), xuất khẩu nông sản… đã bị tác động trực tiếp và rõ nét do lượng khách quốc tế và nội địa, nhu cầu giao lưu, tiêu dùng, vui chơi giải trí sụt giảm mạnh.

Về phía cung, hoạt động sản xuất trong nước gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã bị suy giảm do thiếu nguyên, nhiên vật liệu, lao động từ Trung Quốc và một số đối tác quan trọng.

Theo ngành kinh tế, dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trực tiếp và rõ nét nhất tới 8 lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam, như: (i) chi phí y tế và nguồn nhân lực, (ii) du lịch, lữ hành, khách sạn, (iii) giao thông vận tải, (iv) thương mại, (v) đầu tư, (vi) bán lẻ (tiêu dùng cá nhân); (vii) các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng; và (vi) tài chính – ngân hàng.

Trong báo cáo công bố ngày 11/2/2020, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra 3 kịch bản, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Theo đó, với kịch bản cơ sở: Dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, các hoạt động kinh tế – xã hội sớm trở lại bình thường từ giữa quý 2/2020. Tại kịch bản này, doanh thu du lịch của Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 20-22% so với năm 2019; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 8-12%; du lịch khách quốc tế giảm 15-20%; dịch vụ giao thông vận tải giảm 15-20%; bán lẻ (tiêu dùng cá nhân) giảm 0,5%; và dịch vụ tài chính – ngân hàng giảm 2%.

Hoạt động sản xuất trong nước gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã bị suy giảm do thiếu nguyên, nhiên vật liệu

Theo đó, tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2020 giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % (tương ứng mức tăng trưởng 5,6-5,7%) và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm % (tương ứng mức tăng trưởng 6-6,1%). Mức tác động này cũng khá tương đồng với dự báo gần đây của một số các tổ chức quốc tế (ANZ, Citibank…v.v.) với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo khoảng 6-6,3%.

Với kịch bản tích cực: Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong quý 1/2020; các hoạt động kinh tế – xã hội sớm trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 0,32 điểm %; trong đó, quý 1 giảm 1,22 điểm % và quý 2 giảm 0,39 điểm %.

Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch các nước cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ít hiệu quả, dẫn đến hệ lụy xấu, thậm chí làm kiệt quệ các hoạt động sản xuất – kinh doanh của Việt Nam; khiến tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay giảm khoảng 2,71 điểm %.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh và năm cuối của kế hoạch 5 năm (2016-2020), Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế – xã hội. Để làm được điều này, một số chính sách, giải pháp quan trọng đươc theo TS. Cấn Văn Lực, cần được thực hiện như:

Thứ nhất: Dù mục tiêu đạt tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% và kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng Chính phủ chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm nay, do chưa có đủ cơ sở cũng như chưa lường đón được hết diễn biến dịch bệnh.

Thứ 2: Nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay phải là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phương châm của Chính phủ là cần bình tĩnh, đúng mức, nhưng không chủ quan, thông tin công khai, minh bạch, chuẩn xác và kịp thời cần được nhất quán hiểu và hành động quyết liệt.

Thứ 3: Các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Về lý thuyết kinh tế, trong những trường hợp này, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn của chính sách tài khóa. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.

“Hành động” của các NHTW trên thế giới

Ảnh hưởng khó lường của dịch bệnh tới nền kinh tế dấy lên vấn đề về việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở nhiều nước.

Trung Quốc, nơi bùng phát đầu tiên dịch COVID-19, đã bơm một lượng tiền mặt lớn vào thị trường. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách gia hạn các khoản vay và không phạt nếu quá hạn.

Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam nên duy trì ở mức vừa phải

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA – Ngân hàng Trung ương), ngày 3/3 đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới 0,5%, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ngày càng đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế thế giới và Australia.

Trong đêm qua theo giờ Việt Nam, Fed vừa hạ lãi suất khẩn cấp 50bps dù chưa tới phiên họp – điều chưa từng xảy ra từ khủng hoảng tài chính 2008 nhằm đối phó các rủi ro vì Covid 19.

Bên cạnh đó, có thể Canada sẽ có động thái tương tự trong tuần này. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có 50% khả năng sẽ quyết định hạ lãi suất vào tuần tới.

Đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, có 4 điểm cần cân nhắc để đưa ra các chính sách phù hợp:

Thứ nhất: Chưa nên giảm lãi suất điều hành của NHNN do:

(i) Áp lực lạm phát năm nay ở mức khá cao (chỉ số CPI tháng 1/2020 tăng 6,43% và lạm phát cơ bản tăng 3,25% so với cùng kỳ năm 2019), chỉ số CPI cả quý 1/2020 có thể ở mức trên 5% so với cùng kỳ, và cả năm dưới 4% là rất khó khăn;

(ii) Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay và cả quý 2/2020 còn yếu, tính đến hết ngày 19/2/2020, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,28% so cuối năm 2019 (theo NHNN);

(iii) Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam nên duy trì ở mức vừa phải (mức tăng trưởng 13-14%/năm đang là cao nhất trong khu vực Đông Á và ĐNÁ trong khi quy mô tín dụng của Việt Nam lớn (khoảng 136% GDP cuối năm 2019); nên nếu giảm lãi suất là chưa trúng và có thể sẽ đẩy tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ 2: Việc tung ra gói hỗ trợ lãi suất (như năm 2009) là chưa cần thiết lúc này vì hiệu quả không cao và rất phức tạp khi triển khai.

Thứ 3: Ngoài ra, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp là dòng tiền và tính thanh khoản, vì vậy cần tập trung hỗ trợ điểm huyệt này. NHNN đã có yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho phép bên vay giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới phục vụ SX-KD v.v… Các TCTD đã tung ra hàng loạt các gói tín dụng với lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm, giảm một số loại phí, rà soát, xem xét từng khách hàng, khoản vay để có biện pháp hỗ trợ tương ứng.

Cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường kinh doanh

NHNN cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí để xác định đối tượng được hỗ trợ và tiếp tục hỗ trợ gián tiếp như cho vay tái cấp vốn, cho vay trên thị trường mở để các TCTD có thể tiếp cận một phần nguồn vốn chi phí thấp hơn. Thực hiện tốt những điều trên là thuốc vaccine phù hợp nhất đối với doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động dịch Covid-19 hiện nay.

Thứ tư: Dùng nhiều công cụ, biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng cũng là những động lực quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn hơn.

Đối với chính sách điều hành kinh tế trong điều kiện chống cú sốc ngắn hạn hiện nay, cần ưu tiên hơn sử dụng hơn chính sách tài khóa. Theo TS Cấn Văn Lực, Chính phủ có thể xem xét cho phép sử dụng công cụ thuế và đầu tư công nhằm hỗ trợ tổng cầu.

(i) Giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính (thuế, bảo hiểm xã hội…) như tiếp tục giảm thuế nhập khẩu thiết bị y tế, dịch vụ y tế; giãn, hoãn nộp thuế, chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh v.v…

(ii) Chính phủ sớm trình Quốc hội chính thức cho phép giảm thuế thu nhập DNNVV xuống mức 15-17% (Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 cho phép điều này, nhưng cần được Quốc hội thông qua).

(iii) Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch. Các Thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, thanh-kiểm tra các dự án BĐS để sớm quyết định cho phép triển khai hay không.

Đối với một số chính sách kinh tế khác, cần tiếp tục thực hiện một số chính sách, giải pháp căn cơ, dài hạn như:

(i) Từng bộ, ngành, địa phương cần đánh giá tác động dịch Covid-19 đối với lĩnh vực, địa phương mình để có hình thức hỗ trợ phù hợp nhất;

(ii) Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường kinh doanh, giảm mạnh chi phí không chính thức, tạo điều kiện thu hút đầu tư (tư nhân và FDI phát triển tốt hơn);

(iii) Phát huy động lực từ các lĩnh vực, khu vực không bị ảnh hưởng;

(iv) tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, nhiều cơ hội phát triển như kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, dịch vụ trực tuyến…..v.v.;

(v) Tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), nhất là EVFTA (dự kiến hiệu lực từ tháng 7/2020);

(vi) Hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận thông tin, kết nối thị trường, đối tác thay thế các nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra nhằm nhanh chóng ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ;

(viii) Đã đến lúc cần nghiêm túc đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, ngành nghề; đa dạng hóa thị trường, đối tác, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, khai thác hiệu quả thị trường trong nước…. là một trong những trụ cột tiếp tục ưu tiên lâu dài, vừa phát huy hiệu quả nguồn lực, vừa hạn chế rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào một số đối tác, thị trường lớn như hiện nay.

“Cơ hội“ gọi tên ai

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan NCovi ra cộng đồng.

Ngành được xem là điểm sáng trong bối cảnh “trong nguy có cơ” là ngành điện. Khi thị trường có rủi ro biến động mạnh, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các tài sản đầu tư an toàn như vàng hoặc các công cụ tài chính mang lại lợi tức cố định như trái phiếu.

Nhóm ngành điện luôn là nhóm ngành thu hút được dòng tiền trên thị trường chứng khoán mỗi khi có rủi ro biến động mạnh

Tương tự như các tài sản an toàn trên, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành điện cũng có vị thế phòng thủ nhờ các yếu tố như: (1) Ngành nghề thiết yếu nên hoạt động kinh doanh luôn duy trì ổn định bất chấp ảnh hưởng từ các hiện tượng ” Thiên Nga đen “ (2) Lịch sử trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định hàng năm, (3) Rào cản gia nhập ngành lớn.

Với những vị thế phòng thủ như trên, nhóm ngành điện luôn là nhóm ngành thu hút được dòng tiền trên thị trường chứng khoán mỗi khi có rủi ro biến động mạnh. Trong dịch Sar 2003, các cổ phiếu ngành điện là những cổ phiếu duy trì được đà tăng tốt nhất trên sàn chứng khoán S&P.

Bên cạnh vị thế phòng thủ, triển vọng của các doanh nghiệp điện tại Việt Nam rất khả quan trong thời gian tới nhờ nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, theo ước tính của Bộ Công Thương nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ vượt nguồn cung 6,6 tỷ kWh vào năm 2021 và sẽ thiếu hụt khoảng 5% tổng nhu cầu dự báo tại thời điểm.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, PV Power là doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất của ngành điện. PV Power hiện là doanh nghiệp phát điện lớn thứ 2 trong ngành với quy mô sở hữu 7 nhà máy điện với tổng công suất 4,2GW chiếm 11 công suất toàn hệ thống. Với nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, tiềm năng phát triển các dự án điện đặc biệt là các dự án điện khí đang được chú trọng trong đó có dự án Nhơn Trạch 3,4 sẽ là cơ sở tạo động lực tăng trưởng cho PV Power.

Với việc kiểm soát dịch tốt, đồng thời với một số yếu tố tích cực với TTCK năm 2020 như; TTCK Việt Nam sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 lên 30% khi Kuwait được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market; diễn biến thương mại Mỹ – Trung Quốc đã có những khởi sắc; kỳ vọng các ETFs mới dành cho cổ phiếu tài chính và cổ phiếu đã hết room ngoại sẽ được ký duyệt trong năm nay, Trung tâm Phân tích PSI đánh giá thị trường CK vẫn có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong năm 2020.

Theo Công thương

Trung Quốc tạm dừng việc thu gom RCP và ngừng vận chuyển nội địa

Hai ngành này hiện phụ thuộc rất nhiều vào người lao động nhập cư đang bị cấm túc từ Tết Nguyên Đán vào cuối tháng trước.

Nhiều người sẽ quay trở lại làm việc vào tuần này hoặc muộn hơn tùy thuộc vào các mốc thời gian được quy định bởi chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc hàng chục triệu lao động nhập cư có thể quay trở lại thành phố làm việc sẽ phụ thuộc vào mức độ lan rộng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona.

Mặc dù không có số liệu chắc chắn về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế nhưng theo dự báo các nhà máy sẽ mất một thời gian dài để hồi phục.

Các máy sản xuất giấy và bìa tạm dừng hoạt động nghỉ tết Nguyên Đán vẫn tiếp tục đóng cửa. Những nhà máy không tạm dừng hoạt động, thường là các nhà máy lớn, đang hoạt động cầm chừng và hàng hoá tồn kho tăng cao do giao thương ngưng trệ.

Mối lo ngaị thiếu nguồn nguyên liệu RCP không còn là ưu tiên của các nhà sản xuất trong khi hàng tồn kho tăng cao do không thể vận chuyển ra khỏi các nhà máy nếu hoạt động kinh doanh trở lại vào tuần tới./.

Theo Fastmarkets RISI – VPPA

Không tăng lãi suất, xem xét cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch nCoV

Hệ thống ngân hàng đảm bảo thanh khoản, không có hiện tượng thiếu vốn nên các ngân hàng thương mại thời điểm này sẽ không được tăng lãi suất huy động hay cho vay, đồng thời đưa ra những gói tín dụng và các chính sách hỗ trợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng với dịch nCoV. 
Ngay sau công văn yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Corona (nCoV), NHNN đã có cuộc họp với các ngân hàng thương mại để bàn các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistic, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng.

Để tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh, lãnh đạo NHNN yêu cầu hệ thống ngân hàng cần chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng cua dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễm giảm lãi vay… theo quy định hiện hành. Mặt khác, phối hợp với các Sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định.

Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các đơn vị chức năng chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này. Trong đó bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu. Mặt khác, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. “Thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Để đảm bảo hoạt động thông suốt, lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện tốt kế hoạch kinh doanh đã đề ra, chủ động đánh giá khả năng, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch. Đồng thời, triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.

Theo đại diện các ngân hàng thương mại, bên cạnh việc sớm xây dựng chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV thì NHNN cũng sớm ban hành chính sách để các ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời gian cho vay đối với những khách hàng thuộc đối tượng bị ảnh hưởng do dịch nCoV.

Thực tế, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện hạ lãi suất cho vay đối với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đơn cử như ngân Kienlongbank áp dụng giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu đã nhận cấp vốn tín dụng của ngân hàng này trong thời gian qua, thực hiện từ ngày 1/2 đến 30/4/2020. Tại VPBank, những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn dịp này gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; Lưu trú, tour du lịch, nhà hàng – ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang ); các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản, Các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là từ Trung Quốc… sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm với điều kiện khách hàng đáp ứng được một số điều kiện nhất định.

Các tổ chức tín dụng chủ động phân tích, đánh giá, dự báo và xây dựng chương trình hành động, giải pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch nCoV gây ra trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng thực hiện các giải pháp như: Cơ cấu lại nợ, xem xét thực hiện miễn giảm lãi suất, chi phí cho khách hàng trên cơ sở cân đối khả năng tài chính; đưa ra các gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực bị thiệt hại do dịch nCoV – Phó Thống đốc Đào Minh Tú. 

Theo Công Thương

Nhiều chợ biên giới Trung Quốc đóng đến hết tháng 2

Bộ Công Thương xác nhận các chợ biên giới tiếp tục đóng cửa và tạm dừng trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đến cuối tháng 2.

Hạn chế đưa hàng lên biên giới

Sáng 9/2, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Lào Cai tại cửa khẩu quốc tế Kim Thành để điều tiết sản lượng và tránh đưa hàng lên biên giới khi việc giao thương tại các cửa khẩu còn hạn chế do virus corona diễn biến phức tạp và có thể kéo dài.

Thứ trưởng thông tin nhiều xe container chở hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua hình thức chính ngạch và trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) bị ùn tắc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một số chủ hàng đã được vận động chuyển từ hình thức trao đổi cư dân biên giới, nhưng không ít thương lái vẫn cố gắng chờ các chợ biên giới mở cửa trở lại vào ngày 9 và 10-2. Nguyên nhân là do chuyển đổi sang hình thức chính ngạch khiến các chủ hàng mất thêm chi phí đóng thuế, trong khi hầu hết chưa có hợp đồng chính thức.

Vì vậy, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có thanh long và dưa hấu.

Bộ Công thương nhận định quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trong buổi làm việc sáng 9/2 với lãnh đạo ngành công thương tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bộ Công Thương.

Ưu tiên cấp C/O để xuất khẩu chính ngạch

Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản đề nghị Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam giao thiệp với chính quyền 2 tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và dự kiến còn kéo dài của dịch bệnh, bộ này có những khuyến nghị với doanh nghiệp như: đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tìm kiếm thị trường thay thế. Đồng thời các ngành điện lực, ngân hàng, logistics… cũng đang vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các phòng giấy phép của bộ tại các địa phương ưu tiên cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường tìm kiếm thị trường mới.

Các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị… tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó khăn như thanh long, dưa hấu.

VPPA tổng hợp

Đánh giá mức độ ảnh hưởng tới ngành giấy do dịch bệnh Corona gây ra

Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona diễn ra, không chỉ nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng, kinh tế Việt Nam cũng bị tác động kéo theo, trong đó bao gồm ngành giấy. Bài viết sau giúp các doanh nghiệp ngành giấy có cái nhìn khách quan về mức độ ảnh hưởng để có hướng giải quyết phù hợp.

Nhận định chung về sự ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu

Nếu năm 2003, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 8.8% của nền kinh tế thế giới, thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 19.5% ( tính theo sức mua tương đương (PPP)), so với Mỹ chỉ chiếm khoảng 15% tổng GPD thế giới. Cho thấy mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế của Trung Quốc đến các thị trường khác hiện nay đang tăng lên rất nhiều lần nếu so với thời điểm dịch SARS xảy ra năm 2003.

Tuy tỷ lệ tử vong của Corona hiện chỉ là 2% trên tổng ca nhiễm, thấp hơn nhiều so với SARS là 10%, nhưng số ca lây nhiễm đã lên tới 31.482, người tính đến hết 0 giờ ngày 07/02/2020, cũng như đã ảnh hưởng đến 28 quốc gia trên thế giới và vẫn đang lan truyền với tốc độ rất cao, nên tác động của dịch bệnh sẽ không hề nhỏ.

Ảnh hưởng trực tiếp tới ngành giấy Trung Quốc:

Theo phân bố địa lý thì hầu hết các các nhà máy giấy lớn của Trung Quốc cách Vũ Hán từ 600-1.000km, nên nhiều khả năng sẽ được cho phép sản xuất trở lại sớm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tuy nhiên, do Vũ Hán ở vị trí trung tâm của Trung Quốc và được coi là “Lá phổi công nghiệp” của Trung Quốc, nên nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện trong 7-14 ngày tới thì khả năng các nhà máy giấy phải tiếp tục đóng cửa là rất cao và ngành công nghiệp giấy Trung Quốc có thể đối mặt với các vấn nạn sau đây:

1- Làn sóng công nhân viên quay lại nhà máy sau kỳ nghỉ tết có thể bị trì hoãn hoặc tạm ngưng chưa rõ thời hạn;

2- Doanh nghiệp giấy đối mặt với những thách thức lớn trong phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát an ninh;

3- Sau khi công việc bắt đầu, có thể đối mặt với tình huống thiếu hụt giấy nguyên liệu, vật tư, phụ tùng thay thế, cùng những hạn chế về năng lực và hiệu quả của dịch vụ hậu cần;

4- Nhu cầu giấy bao bì sau dịch bệnh có thể tăng mạnh và giá cả sẽ tăng đi theo với giá nguyên liệu tăng do thiếu hụt;

5- Nhu cầu về các loại hộp giấy đựng đồ ăn, khăn giấy và các loại giấy đặc biệt có thể tăng mạnh, trong khi nhu cầu về giấy văn phòng có thể sẽ giảm;

Có thể không chỉ Trung Quốc đối mặt với những vấn nạn trên, mà nhiều quốc gia khác cũng phải tìm phương án ứng phó với những vấn đề này do Trung Quốc hiện là một mắt xích quan trọng trong ngành giấy trên phạm vi toàn cầu.

Giá giấy tăng do tâm lý bất ổn

Các chuyên gia kinh tế của Fastmarkets RISI – Công ty nghiên cứu và tư vấn, cung cấp dữ liệu về ngành giấy toàn thế giới – nhận định, thời điểm này còn quá sớm để khẳng định đại dịch sẽ gây ra suy thoái kinh tế, tuy vậy cũng không thể phủ nhận mức độ ảnh hưởng tiềm tàng của nó. Đặc biệt là với các quốc gia có chi nhánh đặt tại Trung Quốc, hay có khách hàng hoặc nhà cung cấp chủ yếu là từ Trung Quốc đại lục như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đối với ngành giấy, các tác động lên cung và cầu hiện chưa quá lớn, nhưng do dịch bệnh, nên nguồn cung của Trung Quốc bị sụt giảm, dẫn đến tăng cầu lên các thị trường khác. Trong khi việc mở rộng sản xuất lúc này là một điều không khả thi. Cộng với yếu tố tâm lý bất an của người tiêu dùng, giá cả dự báo sẽ tăng trong ngắn hạn, điển hình đã có một số nhà cung cấp điều chỉnh tăng giá trong tháng 2/2020. Cụ thể: Các nhà máy giấy Duplex tại Hàn Quốc đã thông báo tăng giá USD20/MT – USD30/MT; Các nhà máy Ấn Độ (Duplex) đã công bố tăng giá USD30/MT ngay đầu tháng 2. Các nhà cung cấp giấy Couche của Hàn Quốc cũng đưa thông tin dự kiến tăng giá USD20/MT.

Việc tăng giá lần này không xuất phát 100% trực tiếp từ dịch Corona, mà một phần do giá cả của các nhà máy Ấn Độ đã ổn định khá lâu, một phần do giá nguyên liệu giấy, kể cả giấy thu hồi cũng đã tăng USD10-20/MT từ tháng 01/2020 và đây là thời điểm phù hợp để các nhà sản xuất điều chỉnh tăng giá bán.

Tác động mạnh tới ngành giấy Việt Nam

Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu giấy (chủ yếu là giấy bao bì lớp sóng và lớp mặt thông thường) sang thị trường Trung Quốc gần 540.000 tấn, chiếm tỷ trọng tới 67% tổng số giấy xuất khẩu, nên khi xuất khẩu đi Trung Quốc giảm mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần có các bài toán phù hợp, tránh ảnh hưởng tới sản xuất và tồn kho.

Về nhập khẩu giấy, theo số liệu tổng kết năm 2019, nếu xét về 10 dòng hàng giấy/bìa chủ đạo Việt Nam nhập khẩu cả năm thì lượng hàng có xuất xứ Trung Quốc chiếm 19.76% với số lượng là 248,565.26. Các dòng hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ngưng trệ hoạt động từ Trung Quốc bao gồm: giấy Couche, Ivory và Bristol, … Cùng với các loại vật tư, phụ tùng, thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất mà Việt Nam hiện vẫn đang phải nhập khẩu với lượng lớn từ Trung Quốc.

Bảng thông tin nhập khẩu giấy Việt Nam năm 2019 theo số liệu từ Hải quan:

STT Tên loại hàng 2019
 Tổng số lượng  giấy nhập
(MT)
 Lượng hàng nhập từ Trung Quốc (MT)  % hàng Trung Quốc/ Tổng nhập
1 Giấy In báo             41,348.00                          –   0.00%
2 Giấy Fo             86,376.00             11,795.00 13.66%
3 LWC, A3             42,838.00                  296.00 0.69%
4 Giấy Couche           129,120.00             84,925.36 65.77%
5 Bristol             15,230.00               6,097.34 40.04%
6 Ivory           151,909.00             97,192.73 63.98%
7 Duplex           332,982.00             45,934.34 13.79%
8 Giấy Carbonless               7,974.00                  115.98 1.45%
9 Giấy/bìa kraft             47,101.00               2,193.06 4.66%
10 Testliner, medium, white top..           402,730.00                    15.45 0.00%
Tổng        1,257,608.00           248,565.26 19.76%

 

Theo thông tin chúng tôi tổng hợp được, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện giao thương của nước ta và Trung Quốc đang có một số khó khăn, như:

Chính quyền các tỉnh biên giới phía Bắc đang siết chặt kiểm soát ở các cửa khẩu, Lạng Sơn tạm dừng thông quan hàng hóa tại nhiều cửa khẩu.

Các tàu xe chở hàng hóa từ Trung Quốc nhập về Việt Nam trong vòng 14 ngày từ các cảng Trung Quốc phải được kiểm dịch và cách ly theo quy định, sẽ gây phát sinh chi phí và chậm trễ tiến độ dẫn đến nguồn cung chậm, thiếu hụt, …

Hàng hóa xuất khẩu qua Trung Quốc của Việt Nam cũng bị ùn ứ ở các cửa khẩu do không có người nhận hàng, giao hàng và nhu cầu giảm, …

Ngoài ra, lao động Trung Quốc sẽ phải kéo dài thêm ngày nghỉ, và chưa được phép nhập cảnh Việt Nam dẫn đến có thể thiếu hụt chuyên gia, lao động kỹ thuật làm sản xuất ngưng trệ…

Chính vì vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh từ virus Corona lên việc xuất nhập khẩu của ngành là không nhỏ và có thể còn kéo dài.

Giải pháp ứng phó với khó khăn

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp ngành giấy cần bình tĩnh theo sát tình hình dịch bệnh để có sự thích ứng và chuẩn bị kịp thời, và phải nhanh chóng có các giải pháp để đối phó với tình trạng khó khăn giai đoạn này, do dự báo dịch bệnh có thể còn kéo dài.

Cụ thể, các công ty trong ngành cần chủ động tìm và đa dạng hóa nguồn cung ứng vật tư, thiết bị (mền xeo, bạt sấy, phụ tùng,…), chuyên gia và các sản phẩm giấy Couche, Bristol, Ivory, Duplex, …  từ các thị trường khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và các nước Châu Âu, để đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất và tránh bị lệ thuộc, bị động trong tương lai; Đồng thời đánh giá đúng nhu cầu xuất khẩu giấy bao bì và hàng hóa (chủ yếu là nông, hải sản) đi Trung Quốc để đảm bảo an toàn trong thanh khoản và không bị tồn kho cao.

VPPA

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch đến doanh nghiệp

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng chống và khắc phục các ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Hiệp hội, dịch bệnh lần này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước nói chung và ngành giấy nói riêng.

Nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài có thể tác động rất lớn đến nhiều mặt của doanh nghiệp bao gồm cả sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, các dự án đang đầu tư, máy móc và thiết bị ngành giấy, lao động…

Nhất là nhiều chuyên gia từ Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam làm việc dẫn đến tiến độ dự án có thể bị chậm trễ…

Tình trạng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước kém do kinh tế suy giảm có thể làm tăng hàng tồn kho, cạnh tranh cao, gây áp lực lớn đến doanh nghiệp. Nhất là hiện nay năng lực sản xuất giấy bao bì với tỉ trọng trên 80% tổng công suất toàn ngành nên tác động sẽ càng lớn.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Hiệp hội đã có những khuyến cáo đến doanh nghiệp ngay những ngày đầu năm mới.

Cụ thể, Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành cần tuân thủ các khuyến nghị về phòng chống dịch của Bộ Y tế; Cần trang bị đầy đủ các phương tiện y tế phòng tránh lây nhiễm bệnh, giữ gìn vệ sinh tại doanh nghiệp, tăng cường tuyên truyền cho người lao động về các giải pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Các đơn vị cần báo cáo số người từ Trung Quốc sang với địa phương và chủ động cách ly dưới sự hướng dẫn của các đơn vị y tế, kiểm tra và theo dõi sức khỏe của cán bộ công nhân viên…

Hiệp hội đang lấy phản hồi từ các doanh nghiệp trong ngành kết hợp cùng những phân tích của các chuyên gia với các số liệu đa chiều trong nước và khu vực một cách tổng quan nhất để có các đánh giá chính xác, từ đó đưa ra những phương hướng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy một cách tốt nhất. Đồng thời, Hiệp hội cũng đưa ra các phân tích và tìm kiếm khách hàng mới từ các thị trường khác để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khi thị trường Trung Quốc đang giảm tiêu dùng do dịch bệnh gây ra.

VPPA

Tăng trưởng GDP quý 1/2020 giảm về 6.5% do dịch Corona

Dịch cúm nCoV (Corona) được đánh giá sẽ động nhiều nhất tới khu vực dịch vụ của kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo nhanh về tác động của dịch Corona do CTCK Bảo Việt (BVSC) phát hành, khu vực dịch vụ của Việt Nam được đánh giá sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh Corona, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí. Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nên việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại.

Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến hoạt động này suy giảm đáng kể. Đáng chú ý đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh.

Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41.6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam.

Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao hơn hẳn bao gồm: Bán buôn và bán lẻ (tăng 8.82%); vận tải, kho bãi (tăng 9.12%)… Đây đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.

Ngoài khu vực dịch vụ, BVSC cũng cho rằng khu vực nông lâm thuỷ sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5.92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Do đó, nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực nông – lâm – thuỷ sản (vốn đã ở mức thấp) sẽ có nguy cơ suy giảm thêm, từ đó kéo theo cầu tiêu dùng của người lao động thuộc khu vực này cũng giảm theo

Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biên mậu phần nào bị ảnh hưởng chủ yếu do sự chủ động từ phía Việt Nam. Do đó, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoặc các cơ quan quản lý đưa được ra cách thức quản lý hợp lý để duy trì việc xuất – nhập khẩu hàng hóa trong khi vẫn kiểm soát con người vận hành, BVSC cho rằng các hoạt động này cũng sẽ nhanh chóng được nối lại, qua đó giảm thiểu thiệt hại đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Đối với khu vực công nghiệp – xây dựng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một số mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, BVSC cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38.7%). Trên cơ sở đó, dịch bệnh tại Trung Quốc có thế gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Với các đánh giá trên, BVSC dự báo GDP trong quý 1/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6.5%, thấp hơn 0.2 – 0.4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quý 2/2020. Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý 2/2020 do tính chất phức tạp của dịch bệnh.

Theo Vietstock

Nhà máy giấy Lee&Man chủ động cách ly hơn 100 nhân viên người Trung Quốc

Khoảng 100 người Trung Quốc làm việc tại nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (Huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã tạm thời được cách ly đề phòng dịch hô hấp Corona virus…

Ngày 31.1, thông tin từ Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp do Corona virus gây ra, công ty này đang tiến hành cách ly đối với các nhân viên Trung Quốc đang làm việc tại đây.

Có một nhóm nhân viên sau khi về quê nghỉ Tết ở Trung Quốc được công ty cho nghỉ kéo dài đến ngày 10.2. Đối với nhân viên Trung Quốc (sống tại khu vực Vũ Hán, Hồ Bắc) hiện đã quay lại nhà máy làm việc, công ty cho cách ly tại khu vực ký túc xá của công ty. Những người này sẽ chịu sự giám sát thân nhiệt trong vòng 14 ngày. Sau khoảng thời gian này, nếu sức khỏe bình thường, họ sẽ được quay trở lại làm việc.

Ngoài ra, lãnh đạo công ty đã quyết định từ chối tiếp đón tất cả người nước ngoài đến công ty, bao gồm cả nhà cung ứng, các đơn vị thi công.

Nhà máy Lee&Man.

Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper (Hồng Kông – Trung Quốc), hiện có nhà máy hoạt động tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Công ty này có trên 100 người Trung Quốc đang làm việc.

Trước đó, tại Hậu Giang đã xuất hiện một trường hợp có biểu hiện sốt sau khi trở về từ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Đó là bà T.N.A (ngụ huyện Vị Thủy). Bà A đi đến tỉnh Hắc Long Giang rồi trở về quê nhà. Đến tối ngày mùng 5 tết (29.1), bà A có biểu hiện sốt nhẹ nên đến Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ để khám.

Sau khi xác minh đầy đủ các thông tin, các nhân viên y tế yêu cầu bà A ở lại để theo dõi, đồng thời lấy mẫu máu gửi đi xét nghiệm.

Đến nay, sức khỏe của bà A đã ổn định, hết sốt. Tuy nhiên, bà A vẫn được các ly để theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm chính thức, vì hiện nay chưa thể xác định người phụ nữ này có mắc bệnh có liên quan bệnh viêm phổi Corona hay không.

Theo Lao Động

Trung Quốc: Hàng loạt “ông lớn” phải đóng cửa vì dịch Corona

Sự bùng phát nhanh chóng của một loại virus mới gây chết người, virus Corona 2019 (2019-nCoV) ban đầu được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu. 

Với hơn 7.700 người bị nhiễm virus, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết sự lây lan của virus ra bên ngoài Trung Quốc là mối lo ngại nghiêm trọng. 

Một nhà kinh tế học của Trung Quốc ước tính virus này có thể làm GDP của Trung Quốc giảm từ 1-5%. 

Trong khi các nhà kinh tế từ Nomura chia sẻ sự bùng phát của đại dịch này có thể khiến tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc giảm xuống dưới 4% so với tốc độ 6%. Đây sẽ chỉ là các dự đoán ban đầu, và con số sẽ còn thay đổi trong những ngày tới. 

Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã đưa khoảng 15 thành phố với hơn 40 triệu người vào kiểm dịch và hạn chế xuất nhập cảnh tại Trung Quốc. Một số hãng hàng không quốc tế đã giới hạn các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục và một số tỉnh thuộc Trung Quốc, như British Airways, đã hủy tất cả các chuyến bay trong thời điểm hiện tại. 

Các công ty cũng đang kéo dài kỳ nghỉ lễ, hủy bỏ các sự kiện và triển khai kiểm dịch. Đây là bước đi nối tiếp của chính quyền Trung Quốc theo đó thông báo kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thêm 3 ngày đến 2/2, nhằm giảm tốc độ lây lan của virus Corona. Các doanh nghiệp lớn trên khắp Trung Quốc đang tạm thời đóng cửa hoặc cho phép nhân viên làm việc tại nhà, nhằm ngăn virus Corona lây lan.

Chuỗi cửa hàng cà phê Mỹ Starbucks cũng đóng cửa hơn 50% trong tổng số 4.300 quán tại Trung Quốc vì dịch virus corona lây lan. IKEA, thương hiệu mua sắm đồ gia dụng cũng đưa ra thông báo rằng họ sẽ đóng cửa toàn bộ các cửa hàng trên khắp Trung Quốc trong bối cảnh dịch virus corona đang lan rộng.

Apple cũng đóng cửa ít nhất 3 cửa hàng tại Trung Quốc vì virus corona, hạn chế nhân viên đi lại ngoại trừ việc quan trọng trong kinh doanh.

Google tạm thời ngừng kinh doanh du lịch đến Trung Quốc đại lục và đóng cửa các cửa hàng, văn phòng theo hướng dẫn của chính phủ nước này và thông báo tới các nhân viên ở Trung Quốc lập tức trở về để làm việc tại nhà trong hai tuần.

Microsoft khuyến khích các nhân viên tại Trung Quốc làm việc ở nhà và hủy bỏ tất cả các chuyến công tác không cần thiết.

Nhiều công ty, bao gồm công ty thương mại điện tử Pinduoduo, ngân hàng UBS Group AG và nhà phát triển bất động sản Country Garden cũng khuyên nhân viên trở về từ tỉnh Vũ Hán hoặc Hồ Bắc nên ở lại cách ly tại nhà.

Các doanh nghiệp ở TP trung tâm sản xuất phía đông của Trung Quốc là Tô Châu, nơi có một khu công nghiệp lớn bao gồm nhiều công ty dược phẩm và công nghệ, sẽ đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 8/2, để ngăn dịch bệnh lây lan, chính quyền thành phố cho biết trong một tuyên bố hôm 26/1.

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã tạm ngừng bán các loại khẩu trang với giá bị thổi phồng trên thị trường trực tuyến Taobao trước tình hình dịch bệnh.

VPPA tổng hợp