Bộ Công Thương đồng hành cùng Hiệp hội giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch bệnh Covid-19

Tham dự cuộc họp có đại điện các đơn vị thuộc Bộ như Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng chủ chốt trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, công nghiệp như Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Sàn Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy, Hiệp hội Nhựa Việt Nam…

Doanh nghiệp khó tiếp cận với các gói hỗ trợ

Báo cáo tình hình xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các thị trường tăng mạnh xuất khẩu tập trung ở khu vực Châu Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang khu vực này đạt 19 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sang Hoa Kỳ đạt 15,95 tỷ USD, tăng 20%; sang Canada đạt 975 triệu USD tăng 13%; sang Mexico đạt 798 triệu USD, tăng 61%; sang Braxin đạt 511 triệu USD, tăng 11%; sang Chile đạt 287 triệu USD, tăng 93%; sang Argentina tăng 55%; sang Colombia tăng 93%; sang Panama tăng 73% và sang Peru tăng 82%.

Các thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là: Trung Quốc (đạt 9,35 tỷ USD, tăng 22,8%); Nhật (đạt 5 tỷ USD, tăng 7,8%); Đài Loan (đạt 1,1 tỷ USD, tăng 36,3%); Australia (đạt 924 triệu USD, tăng 11,6%).

Xuất khẩu sang châu Âu đạt khoảng 10,4 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU (tính cả Anh) đạt 9,61 tỷ USD, giảm 5,7%. Trong đó: sang Pháp đạt 771,6 triệu USD, giảm 19%; sang Italy đạt 758,7 triệu USD, giảm 17,4%; sang Tây Ban Nha đạt 551,6 triệu USD, giảm 16,4%; sang Anh đạt 1,28 tỷ USD, giảm 6,6%.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm 2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng 3, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tại cuộc họp, đại diện các Hiệp hội cho biết, sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước lúc này chính là hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm chi phí, đồng thời thông qua doanh nghiệp hỗ trợ người lao động để có thể duy trì đội ngũ công nhân, đẩy mạnh sản xuất ngay sau dịch.

Một số gói hỗ trợ thời gian qua đã được triển khai, tuy nhiên còn chưa phù hợp với thực tế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ

Tại buổi làm việc, Hiệp hội Giấy và Bột giấy chia sẻ, để khắc phục những khó khăn chung mà các doanh nghiệp các ngành khác cũng gặp phải do dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn nỗ lực không ngừng để trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo đời sống cho người lao động. Một số doanh nghiệp ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được ổn định doanh nghiệp đã tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho …

Thay mặt doanh nghiệp, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. Việc giữ nhóm nợ rất quan trọng với doanh nghiệp, nhất là giai đoạn này, vì thế các ngân hàng cần áp dụng sát các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ. Miễn đóng phí công đoàn thay vì hoãn đóng năm 2020, hoặc giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1% và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không cần có điều kiện kèm theo…

Theo Hiệp hội Dệt may, với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau từ các nước trên thế giới, chắc chắn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.

Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 30-31 tỷ USD.

Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đề nghị có các giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, gói hỗ trợ về tài chính chưa đến tay các doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn đang phải “gồng mình” để cố gắng bằng mọi phương án (trong đó có phương án chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang) để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, với những nỗ lực như vậy, doanh nghiệp vẫn không đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ của nhà nước.

Hiện tại, Hiệp hội Dệt may cũng đang phối hợp với các cơ quan hữu quan, hướng dẫn, đào tạo doanh nghiệp chuẩn bị những bước đi thật tốt để đón nhận cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh khẳng định, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các Hiệp hội, đặc biệt các ý kiến trong bối cảnh mới, trạng thái mới để báo cáo Lãnh đạo Bộ, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn hậu Covid-19. “Bộ Công Thương sẵn sàng làm việc cùng với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể để trao đổi về cách thực phối hợp. Bộ sẽ trao đổi thêm với các Thương vụ, các thị trường nước ngoài để hỗ trợ thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra” – Cục trưởng Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Theo Cổng thông tin Bộ Công Thương

Nhiều chợ biên giới Trung Quốc đóng đến hết tháng 2

Bộ Công Thương xác nhận các chợ biên giới tiếp tục đóng cửa và tạm dừng trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đến cuối tháng 2.

Hạn chế đưa hàng lên biên giới

Sáng 9/2, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Lào Cai tại cửa khẩu quốc tế Kim Thành để điều tiết sản lượng và tránh đưa hàng lên biên giới khi việc giao thương tại các cửa khẩu còn hạn chế do virus corona diễn biến phức tạp và có thể kéo dài.

Thứ trưởng thông tin nhiều xe container chở hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua hình thức chính ngạch và trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) bị ùn tắc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một số chủ hàng đã được vận động chuyển từ hình thức trao đổi cư dân biên giới, nhưng không ít thương lái vẫn cố gắng chờ các chợ biên giới mở cửa trở lại vào ngày 9 và 10-2. Nguyên nhân là do chuyển đổi sang hình thức chính ngạch khiến các chủ hàng mất thêm chi phí đóng thuế, trong khi hầu hết chưa có hợp đồng chính thức.

Vì vậy, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có thanh long và dưa hấu.

Bộ Công thương nhận định quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trong buổi làm việc sáng 9/2 với lãnh đạo ngành công thương tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bộ Công Thương.

Ưu tiên cấp C/O để xuất khẩu chính ngạch

Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản đề nghị Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam giao thiệp với chính quyền 2 tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và dự kiến còn kéo dài của dịch bệnh, bộ này có những khuyến nghị với doanh nghiệp như: đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tìm kiếm thị trường thay thế. Đồng thời các ngành điện lực, ngân hàng, logistics… cũng đang vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các phòng giấy phép của bộ tại các địa phương ưu tiên cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường tìm kiếm thị trường mới.

Các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị… tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó khăn như thanh long, dưa hấu.

VPPA tổng hợp

Không gửi văn bản điện tử kèm bản giấy từ ngày 1 tháng 2 năm 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

100% tích hợp chữ ký số

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.

100% văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia phải được tích hợp chữ ký số và được xác thực theo quy định tại Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT ngày 19/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đồng thời phải có đầy đủ nội dung đính kèm; tuân thủ các quy định về thời gian gửi, nhận văn bản; cập nhật đầy đủ nội dung thông tin, bảo đảm đúng thể thức văn bản điện tử theo quy định; gửi văn bản điện tử đúng thẩm quyền.

Số liệu gửi, nhận văn bản của tỉnh Quảng Ngãi được cập nhật tự động trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gương mẫu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng, hoàn thành trước tháng 6 năm 2020.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức liên thông, kết nối các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) các cấp, hoàn thành kết nối trong tháng 6 năm 2020. Kịp thời ban hành, sửa đổi quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản theo quy định trước tháng 2 năm 2020.

Ổn định, thông suốt

Đồng thời, thường xuyên giám sát, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông cho phần mềm QLVB&ĐH.

Bên cạnh đó có cơ chế bảo đảm khả năng hoạt động ổn định đối với hạ tầng kỹ thuật phục vụ gửi nhận văn bản điện, có phương án dự phòng trong trường hợp sự cố xảy ra; chịu trách nhiệm nếu để lộ lọt thông tin trong quá trình gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng.

Không gửi văn bản điện tử kèm bản giấy đối với các văn bản theo danh mục đã thống nhất với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, áp dụng từ ngày 01 tháng 02 năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg để bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ được giao.

100% văn bản điện tử phải được tích hợp chữ ký số

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra đánh giá an toàn thông tin hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.

Điều phối huy động ứng phó, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Kiểm soát quá trình vận hành, bảo đảm đường truyền Mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động thông suốt, ổn định đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg.

Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật.

Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai cấp phát đầy đủ chứng thư số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/1/2019.

Nghiên cứu phương án, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, cấp đổi chữ ký số một cách khoa học, rút ngắn thời gian cấp đổi chữ ký số.

Theo Công Thương

Toàn cảnh lễ khai trương thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử.

Kể từ 1/1/2020, Thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử sẽ đi vào thực hiện. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu D điện tử cho hàng hoá xuất khẩu sang các nước Campuchia, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã chính thức khai trương sáng 27/12 tại Hà Nội trong khuôn khổ hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, kể từ 1/1/2020, Thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử sẽ đi vào thực hiện. Điều này tiếp tục thể hiện những nỗ lực không ngừng của Bộ Công Thương trong việc tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Khi tham gia các FTA, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng và tăng khả năng cạnh tranh do được hưởng ưu đãi thuế quan trong các khu vực thương mại tự do.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, hàng hóa phải đáp ứng các quy định về xuất xứ trong từng Hiệp định hay phải được cấp C/O. Vì vậy, C/O được coi là “giấy thông hành” cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại gia tăng như hiện nay, C/O còn là công cụ phòng chống gian lận xuất xứ, ngăn ngừa các nước thứ ba lợi dụng danh nghĩa hàng Việt Nam để hưởng lợi không chính đáng.

C/O vừa là tác nhân tạo thuận lợi xuất khẩu, vừa là công cụ đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, số lượng C/O ưu đãi trong 5 năm qua tăng khoảng 20-25% mỗi năm, từ 323 nghìn bộ năm 2013 lên đến hơn 1 triệu bộ năm 2019; trong đó, C/O mẫu D (cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi các nước ASEAN) tăng từ 66 nghìn bộ năm 2013 lên khoảng 185 nghìn bộ năm 2019.

Những con số này cho thấy C/O đóng vai trò ngày càng quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cũng là lý do hoạt động cấp C/O luôn được Bộ Công Thương quan tâm.

Thủ tục và thời gian cấp C/O cũng liên tục được rút ngắn, trước đây là 3 ngày làm việc, nay chỉ còn 4-6 giờ làm việc. Trường hợp C/O được phân luồng ưu tiên, thời gian có thể được rút ngắn hơn.

Bộ Công Thương đã ban hành quy định phân luồng đối với hồ sơ C/O, qua đó các doanh nghiệp chấp hành tốt, không có vi phạm được đưa vào luồng xanh và tạo thuận lợi nhiều hơn trong việc xét duyệt hồ sơ.

Ngược lại, những doanh nghiệp có vi phạm bị đưa vào luồng đỏ thì sẽ phải theo dõi chặt, áp dụng quy trình kiểm tra thực tế để ngăn ngừa khả năng gian lận về xuất xứ hàng hóa.

Bộ Công Thương cũng đang tiến hành thí điểm cho phép tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tự chứng nhận đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU được hưởng quy chế GSP.

Đây là những bước tiến cải cách mạnh mẽ, tạo thêm nhiều thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có FTA.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc cấp C/O Mẫu D điện tử tạo ra một phong cách làm việc mới, không cần có sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và người cung cấp dịch vụ công.

Các doanh nghiệp có khối lượng hồ sơ lớn hoặc ở xa khu vực trung tâm sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi thời gian, công sức và chi phí được cắt giảm đáng kể.

Đặc biệt, việc triển khai cấp C/O mẫu D điện tử là một bước đổi mới quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công Thương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu ở các tổ chức cấp C/O cũng sẽ giảm đáng kể. Nhờ vậy, các tổ chức cấp C/O có thể tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ cấp C/O mẫu ưu đãi khác.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Tới đây, Bộ Công Thương cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn./.

Theo BNEWS

Thông tư quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu

Quy định vừa chính thức ban hành và sẽ áp dụng đối với 32 mã hàng phế liệu trong vòng 5 năm kể từ ngày 1/1/2020. 
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết ngày 15/11/2019 Bộ Công Thương chính thức ban hành Thông tư Thông tư số 27/2019/TT-BCT quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2024, áp dụng đối với thương nhân, các tổ chức, cơ quan quản lý và cơ quan, cá nhân, tổ chức tham gia và có liên quan đến hoạt động kinh doanh, tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.

Đối với những trường hợp kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, không qua cửa khẩu Việt Nam sẽ không áp dụng Thông này.

Danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu áp dụng đối với 32 mã hàng của các mặt hàng như thạch cao, xỉ hạt, giấy loại, bìa loại thu hồi, tơ tằm phế liệu….

Thông tư  số 41/2018/TT-BCT ban hành nhằm tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lí đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg để ngăn chặn nguy cơ ách tắc tại cảng và phát sinh gian lận thương mại, thẩm lậu vào thị trường nội địa trong bối cảnh các nước trong khu vực tiếp tục siết chặt việc nhập khẩu phế liệu.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng tường công tác quản lí đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, ngày 6/11/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BCT quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2019.

Chi tiết Thông tư số 41/2018/TT-BCT:

VPPA tổng hợp