Toàn cảnh lễ khai trương thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử.

Kể từ 1/1/2020, Thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử sẽ đi vào thực hiện. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu D điện tử cho hàng hoá xuất khẩu sang các nước Campuchia, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã chính thức khai trương sáng 27/12 tại Hà Nội trong khuôn khổ hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, kể từ 1/1/2020, Thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử sẽ đi vào thực hiện. Điều này tiếp tục thể hiện những nỗ lực không ngừng của Bộ Công Thương trong việc tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Khi tham gia các FTA, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng và tăng khả năng cạnh tranh do được hưởng ưu đãi thuế quan trong các khu vực thương mại tự do.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, hàng hóa phải đáp ứng các quy định về xuất xứ trong từng Hiệp định hay phải được cấp C/O. Vì vậy, C/O được coi là “giấy thông hành” cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại gia tăng như hiện nay, C/O còn là công cụ phòng chống gian lận xuất xứ, ngăn ngừa các nước thứ ba lợi dụng danh nghĩa hàng Việt Nam để hưởng lợi không chính đáng.

C/O vừa là tác nhân tạo thuận lợi xuất khẩu, vừa là công cụ đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, số lượng C/O ưu đãi trong 5 năm qua tăng khoảng 20-25% mỗi năm, từ 323 nghìn bộ năm 2013 lên đến hơn 1 triệu bộ năm 2019; trong đó, C/O mẫu D (cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi các nước ASEAN) tăng từ 66 nghìn bộ năm 2013 lên khoảng 185 nghìn bộ năm 2019.

Những con số này cho thấy C/O đóng vai trò ngày càng quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cũng là lý do hoạt động cấp C/O luôn được Bộ Công Thương quan tâm.

Thủ tục và thời gian cấp C/O cũng liên tục được rút ngắn, trước đây là 3 ngày làm việc, nay chỉ còn 4-6 giờ làm việc. Trường hợp C/O được phân luồng ưu tiên, thời gian có thể được rút ngắn hơn.

Bộ Công Thương đã ban hành quy định phân luồng đối với hồ sơ C/O, qua đó các doanh nghiệp chấp hành tốt, không có vi phạm được đưa vào luồng xanh và tạo thuận lợi nhiều hơn trong việc xét duyệt hồ sơ.

Ngược lại, những doanh nghiệp có vi phạm bị đưa vào luồng đỏ thì sẽ phải theo dõi chặt, áp dụng quy trình kiểm tra thực tế để ngăn ngừa khả năng gian lận về xuất xứ hàng hóa.

Bộ Công Thương cũng đang tiến hành thí điểm cho phép tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tự chứng nhận đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU được hưởng quy chế GSP.

Đây là những bước tiến cải cách mạnh mẽ, tạo thêm nhiều thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có FTA.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc cấp C/O Mẫu D điện tử tạo ra một phong cách làm việc mới, không cần có sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và người cung cấp dịch vụ công.

Các doanh nghiệp có khối lượng hồ sơ lớn hoặc ở xa khu vực trung tâm sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi thời gian, công sức và chi phí được cắt giảm đáng kể.

Đặc biệt, việc triển khai cấp C/O mẫu D điện tử là một bước đổi mới quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công Thương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu ở các tổ chức cấp C/O cũng sẽ giảm đáng kể. Nhờ vậy, các tổ chức cấp C/O có thể tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ cấp C/O mẫu ưu đãi khác.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Tới đây, Bộ Công Thương cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn./.

Theo BNEWS

11 tháng đầu năm, xuất siêu gần 11 tỷ USD

Theo số liệu được Tổng cục Hải quan công bố, 11 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7-8% của Quốc hội giao.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đã lên tới con số 10,9 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số ước tính 9,1 tỷ USD trước đó. Đây là mức xuất siêu cao nhất kể từ trước tới nay của Việt Nam.

Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp, Việt Nam có xuất siêu. Trong đó, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế này (kể cả dầu thô) xuất khẩu 166,7 tỷ USD, tăng 3,8 tỷ USD trong 11 tháng qua.

Trong khi đó, khu vực trong nước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Đây là một chỉ số khá tích cực, cho thấy doanh nghiệp trong nước tích cực thúc đẩy xuất khẩu.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nên tỷ trọng đóng góp của khu vực trong nước vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cũng tăng lên 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vào chiều 12/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã cho biết, với kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau của tháng 12.

Theo Infonet