Bộ Công Thương đồng hành cùng Hiệp hội giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch bệnh Covid-19

Tham dự cuộc họp có đại điện các đơn vị thuộc Bộ như Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng chủ chốt trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, công nghiệp như Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Sàn Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy, Hiệp hội Nhựa Việt Nam…

Doanh nghiệp khó tiếp cận với các gói hỗ trợ

Báo cáo tình hình xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các thị trường tăng mạnh xuất khẩu tập trung ở khu vực Châu Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang khu vực này đạt 19 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sang Hoa Kỳ đạt 15,95 tỷ USD, tăng 20%; sang Canada đạt 975 triệu USD tăng 13%; sang Mexico đạt 798 triệu USD, tăng 61%; sang Braxin đạt 511 triệu USD, tăng 11%; sang Chile đạt 287 triệu USD, tăng 93%; sang Argentina tăng 55%; sang Colombia tăng 93%; sang Panama tăng 73% và sang Peru tăng 82%.

Các thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là: Trung Quốc (đạt 9,35 tỷ USD, tăng 22,8%); Nhật (đạt 5 tỷ USD, tăng 7,8%); Đài Loan (đạt 1,1 tỷ USD, tăng 36,3%); Australia (đạt 924 triệu USD, tăng 11,6%).

Xuất khẩu sang châu Âu đạt khoảng 10,4 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU (tính cả Anh) đạt 9,61 tỷ USD, giảm 5,7%. Trong đó: sang Pháp đạt 771,6 triệu USD, giảm 19%; sang Italy đạt 758,7 triệu USD, giảm 17,4%; sang Tây Ban Nha đạt 551,6 triệu USD, giảm 16,4%; sang Anh đạt 1,28 tỷ USD, giảm 6,6%.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm 2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng 3, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tại cuộc họp, đại diện các Hiệp hội cho biết, sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước lúc này chính là hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm chi phí, đồng thời thông qua doanh nghiệp hỗ trợ người lao động để có thể duy trì đội ngũ công nhân, đẩy mạnh sản xuất ngay sau dịch.

Một số gói hỗ trợ thời gian qua đã được triển khai, tuy nhiên còn chưa phù hợp với thực tế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ

Tại buổi làm việc, Hiệp hội Giấy và Bột giấy chia sẻ, để khắc phục những khó khăn chung mà các doanh nghiệp các ngành khác cũng gặp phải do dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn nỗ lực không ngừng để trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo đời sống cho người lao động. Một số doanh nghiệp ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được ổn định doanh nghiệp đã tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho …

Thay mặt doanh nghiệp, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. Việc giữ nhóm nợ rất quan trọng với doanh nghiệp, nhất là giai đoạn này, vì thế các ngân hàng cần áp dụng sát các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ. Miễn đóng phí công đoàn thay vì hoãn đóng năm 2020, hoặc giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1% và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không cần có điều kiện kèm theo…

Theo Hiệp hội Dệt may, với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau từ các nước trên thế giới, chắc chắn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.

Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 30-31 tỷ USD.

Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đề nghị có các giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, gói hỗ trợ về tài chính chưa đến tay các doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn đang phải “gồng mình” để cố gắng bằng mọi phương án (trong đó có phương án chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang) để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, với những nỗ lực như vậy, doanh nghiệp vẫn không đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ của nhà nước.

Hiện tại, Hiệp hội Dệt may cũng đang phối hợp với các cơ quan hữu quan, hướng dẫn, đào tạo doanh nghiệp chuẩn bị những bước đi thật tốt để đón nhận cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh khẳng định, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các Hiệp hội, đặc biệt các ý kiến trong bối cảnh mới, trạng thái mới để báo cáo Lãnh đạo Bộ, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn hậu Covid-19. “Bộ Công Thương sẵn sàng làm việc cùng với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể để trao đổi về cách thực phối hợp. Bộ sẽ trao đổi thêm với các Thương vụ, các thị trường nước ngoài để hỗ trợ thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra” – Cục trưởng Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Theo Cổng thông tin Bộ Công Thương

Trung Quốc đồng ý khôi phục thời gian làm thủ tục thông quan tại Tân Thanh

Thời gian làm thủ tục thông quan sẽ khôi phục như trước đó, buổi sáng bắt đầu từ 8-11h, buổi chiều từ 12-16h (giờ Việt Nam).

Thông tin vừa được Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đưa ra về cuộc điện đàm của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh với Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn ngày 17-4.

Trong buổi điện đàm, các bên đều nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, thống nhất cần tăng cường hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương, giúp đỡ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Như vậy, cùng với việc khôi phục thời gian làm thủ tục thông quan như trước, hoạt động thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh cũng được nối lại vào ngày nghỉ cuối tuần.

Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Trung Quốc đề xuất thêm một số giải pháp khác như đơn giản hóa thủ tục kiểm tra đối với hàng nông sản, phân luồng hàng hóa sang các cửa khẩu khác, tăng cường nhập khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu đường sắt Bằng Tường – Đồng Đăng.

Đồng thời tạo mọi thuận lợi phê chuẩn mới các cửa khẩu tại khu vực biên giới đất liền hai nước được chỉ định là cửa khẩu nhập khẩu trái cây, lương thực và thủy sản…

Mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường. Đặc cách” mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu “chính ngạch” sang thị trường Trung Quốc như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng.

Đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi. Gia hạn danh mục các doanh nghiệp xuất khẩu bột cá của Việt Nam và khôi phục tư cách xuất khẩu cho một số doanh nghiệp bị tạm dừng ở một số mặt hàng như thủy sản, gạo…

Kế hoạch sau dịch, các bên thúc đẩy hoàn thiện, ký kết và đưa vào triển khai bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác nhằm tạo điều kiện cho việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, công nhận lẫn nhau giữa các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế thương mại…

Theo Tuổi trẻ

Sản xuất và Đầu tư về giấy và bột giấy trên thế giới và Việt Nam năm 2019 – 2020

Nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu và có các kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, VPPA xin gửi đến bạn đọc các thông tin về dữ liệu sản xuất và đầu tư về giấy và bột giấy trên thị trường thế giới và Việt Nam năm 2019 – 2020.

Thế giới – cung cầu có dấu hiệu mất cân đối ở một số khu vực

Giấy làm bao bì – Bao gồm giấy làm lớp mặt (testliner, kraftliner, white top liner), giấy lớp sóng (medium) thế giới năm 2019 – 2020

Khu vực Châu Âu

Năm 2019, theo dữ liệu thống kê từ Fastmarkets RISI, tổng công suất mới giấy lớp mặt và giấy lớp sóng được đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2019 đạt sản lượng 2,035 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng khoảng 0,8 triệu tấn (Bảng 1). Như vậy, năm 2019 đã thừa cung hơn 1 triệu tấn.

Năm 2020, công suất mới về giấy lớp mặt và lớp sóng dự kiến đưa vào sản xuất đạt sản lượng khoảng 3,4 triệu tấn, trong đó nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng trưởng khoảng 0,8 – 1,0 triệu tấn. Như vậy, năm 2020 dự kiến cung vượt nhu cầu khoảng 2,4 triệu tấn, nếu như các công suất mới này được đưa vào sản xuất đúng tiến độ.

Khu vực Nam Mỹ

Năm 2019, theo dữ liệu từ RISI thống kê, tổng công suất giấy lớp mặt và giấy lớp sóng được đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2019 đạt sản lượng 1,07 triệu tấn (Bảng 2), nhưng có khoảng 0,9 triệu tấn được sản xuất trong quý 4/2019, nên không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng khoảng 0,45 triệu tấn. Như vậy, năm 2019 cung không đáp ứng được cầu khu vực.

Năm 2020, công suất dự kiến đưa vào sản xuất là 0,45 triệu tấn từ Công ty Klabin sản phẩm giấy lớp mặt (Krafliner) được sản xuất chủ yếu từ bột nguyên sinh và bắt đầu chạy thử vào cuối quý 4 năm 2020, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng 0,5 – 0,6 triệu tấn. Như vậy lượng dư cung từ năm 2019 chuyển sang năm 2020, thì cung và cầu cân đối, có hiện tượng thiếu cung nhẹ với giấy sản xuất từ nguyên liệu tái chế.

Khu vực Bắc Mỹ

Năm 2019, tại Bắc Mỹ công suất mới giấy lớp mặt và lớp sóng sản xuất từ nguyên liệu tái chế, được đưa vào sản xuất đạt 0,76 triệu tấn/năm (Bảng 3), trong khi đó nhu cầu tiêu dùng tăng khoảng 0,7 triệu tấn/năm. Như vậy, năm 2019 cung và cầu cân đối.

Năm 2020, công suất mới dự kiến đưa vào sản xuất đạt khoảng 1,24 triệu tấn/năm, tuy nhiên có khoảng 0,56 triệu tấn được sản xuất vào cuối quý 4/2020, trong đó dự kiến nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng khoảng 0,5 – 0,6 triệu tấn. Như vậy, năm 2020 cung và cầu cân đối trong khu vực.

(Nguồn: Fastmarkets Risi, Company data 2019)

Trung Quốc

Năm 2019, công suất mới giấy lớp mặt và giấy lớp sóng được đưa vào sản xuất 2,35 triệu tấn (Bảng 4), tuy nhiên công suất này chủ yếu sản xuất vào quý 4/2019 nên không đáp ứng được lượng giấy thiếu hụt trong nước khoảng 2 triệu tấn. Như vậy, khoảng 75% công suất mới của năm 2019, tương ứng với khoảng 1,76 triệu tấn sẽ được chuyển sang cung cho năm 2020.

Năm 2020, công suất mới dự kiến đưa vào hoạt động sản xuất giấy lớp mặt và lớp sóng khoảng 2,45 triệu tấn/năm, dự kiến sử dụng công suất khoảng 70% và tương ứng 1,7 triệu tấn cho năm 2020; trong đó cắt giảm và đóng cửa sản xuất do thiếu nguyên liệu giấy thu hồi (RCP), áp lực về môi trường khoảng 3 triệu tấn. Dự kiến tiêu dùng trong nước tăng trưởng khoảng 0,3 – 0,5 triệu tấn/năm. Như vậy, năm 2020 Trung Quốc vẫn thiếu cung khoảng 2 triệu tấn, tuy nhiên lượng cung tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều về cấp hạn ngạch giấy thu hồi (RCP) của chính phủ cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng hay giảm.

Giấy tissue thế giới năm 2019 – 2020

Khu vực Nam Mỹ

Tổng công suất đầu tư mới giấy tissue trong năm 2019 – 2020 ở khu vực Nam Mỹ, được đưa vào sản xuất là 555.000 tấn, trong đó năm 2019 là 274.000 tấn/năm, năm 2020 dự kiến 281.000 tấn/năm (Bảng 5). Đầu tư mới chủ yếu tập trung vào 3 quốc gia là Argentina, 4 nhà máy có công suất 141.000 tấn và chiếm tỷ trọng đến 25,4 %; Mexico, 4 nhà máy có công suất 123.000 tấn và chiếm tỷ trọng 22,1%; Braxin, 4 nhà máy có công suất 143.000 tấn và chiếm 25,7% trên tổng công suất đầu tư trong khu vực. Các nhà máy giấy tissue đầu tư mới trong khu vực có công suất tối thiểu từ 18.000 tấn/năm trở lên, trong tổng số 17 đầu tư mới thì có đến 12 nhà máy có công suất từ 30.000 tấn/năm trở nên. Khu vực Nam Mỹ đang gia tăng mạnh công suất giấy tissue do lợi thế về nguyên liệu bột giấy.

Như vậy, cung trong năm 2019 – 2020 dự kiến tăng 555.000 tấn, trong khi đó nhu cầu trong khu vực dự kiến tăng 350 tấn (4,1%/năm). Dẫn đến khu vực dư cung khoảng 205.000 tấn.

Khu vực Bắc Mỹ

Tổng công suất đầu tư mới giấy tissue năm 2019 – 2020 tại Bắc Mỹ, được đưa vào hoạt động sản xuất khoảng 321.000 tấn, trong đó năm 2019 là 119.000 tấn, năm 2020 dự kiến 202.000 tấn (Bảng 6). Đầu tư mới chủ yếu đến từ Mỹ với 11 nhà máy, có công suất 251.000 tấn; Canada, 1 nhà máy với công suất 70.000 tấn. Công suất thiết kế của nhà máy giấy Tissue ở Bắc Mỹ được đầu tư mới với công suất rất lớn 60.000 – 72.000 tấn/năm.

Ngoài ra, trong năm 2019 khu vực này đóng cửa 3 nhà máy với công suất lên đến 201.000 tấn. Các nhà máy đóng cửa chủ yếu do thời gian hoạt động lâu năm, công nghệ và thiết bị xuống cấp nên hiệu quả sản xuất không cao.

Như vậy, năm 2019 – 2020 cung trong khu vực tăng 321.000 tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng 430.000 tấn, dẫn đến cung không đáp ứng được cầu 109.000 tấn. Năm 2020, cung dự kiến 202.000 tấn, tiêu dùng dự kiến tăng 220.000 tấn, dẫn đến thiếu cung 18.000 tấn.

Trung Quốc

Tổng công suất đầu tư mới giấy tissue tại Trung Quốc năm 2019 – 2020, dự kiến đưa vào sản xuất khoảng 3,27 triệu tấn. Trong đó, năm 2019 công suất mới đưa vào sản xuất 2,08 triệu tấn; năm 2020 dự kiến đưa vào sản xuất 1,19 triệu tấn. Ngoài ra, đóng cửa sản xuất, năm 2019 là 0,6 triệu tấn, năm 2020 dự kiến là 0,3 triệu tấn (Hình 1). Hiện nay sản xuất của Trung Quốc đều nhà nhà máy giấy mới và hiện đại, nên việc đóng cửa sản xuất nhà máy cũ và lạc hậu có thể nhiều hơn dự kiến. Hoặc công suất mới được đưa vào sản xuất chậm trễ hơn dự kiến.

Như vậy, hiện tại theo công suất đầu tư mới và đóng cửa năm 2019 thì công suất mới thực tế đưa vào sản xuất dự kiến là 1,48 triệu tấn, trong đó tiêu dùng dự kiến tăng trưởng 0,43 tấn, dẫn đến năm 2019 dư cung trên 1 triệu tấn. Năm 2020, công suất thực tế dự kiến đưa vào sản xuất 0,89 triệu tấn, trong đó tiêu dùng dự kiến tăng 0,48 triệu tấn, dẫn đến năm 2020 vẫn dư cung 0,41 triệu tấn.

Khu vực Châu Âu

Tổng công suất mới giấy tissue năm 2019 – 2020 tại châu Âu, dự kiến được đưa vào sản xuất là 631.000 tấn. Trong đó, năm 2019 dự kiến đưa vào sản xuất là 446.000 tấn, năm 2020 dự kiến đưa vào sản xuất là 185.000 tấn (Bảng 7). Công suất của mỗi nhà máy là rất lớn, trong tổng số 11 nhà máy thì có đến 8 nhà máy có công suất thiết kế trên 60.000 tấn/năm, chỉ có 3 nhà máy có công suất từ 30.000 – 34.000 tấn/năm, điều này cho thấy xu hướng đầu tư tại châu Âu các nhà máy giấy Tissue có công suất trên 60.000 tấn/năm.

Như vậy, cung dự kiến năm 2019 là 446.000 tấn, trong khi đó tiêu dùng dự kiến tăng 500.000 tấn/năm, dẫn đến cung không đáp ứng được cầu khoảng 54.000 tấn. Năm 2020, cung là 185.000 tấn/năm, trong khi đó tiêu dùng dự kiến tăng 280.000 tấn/năm, dẫn đến cung không đáp ứng được cầu khoảng 95.000 tấn.

Giấy in, giấy viết thế giới năm 2019 – 2020

Công suất đóng cửa và chuyển đổi sản xuất

Năm 2019 – 2020 giấy in và giấy viết có tổng công suất đóng cửa và chuyển đổi khoảng 6,2 triệu tấn. Trong đó giấy in tráng phủ là 4,48 triệu tấn, còn đối với giấy in, viết không tráng là 1,22 triệu tấn (Bảng 8).

Năm 2019, công suất đóng cửa và chuyển đổi là 3,81 triệu tấn, trong đó khu vực châu Âu là 1,275 triệu tấn; khu vực Bắc mỹ là 1,881 triệu tấn, khu vực châu Á 0,655 triệu tấn. Giấy in và viết không tráng là 1,014 triệu tấn, đóng cửa nhiều nhất là ở Bắc Mỹ 0,865 triệu tấn, châu Á là 0,069 triệu tấn, châu Âu là 0,08 triệu tấn.

Năm 2020, dự kiến công suất đóng cửa và chuyển đổi khoảng 2,398 triệu tấn, chủ yếu diễn ra ở khu vực châu Âu là 1,585 triệu tấn và khu vực châu Á là 0,813 triệu tấn. Trong đó giấy in, viết không tráng là 0,206 triệu tấn. Như vậy, sản xuất giấy in, viết đang giảm mạnh tại Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, đặc biệt là giấy in tráng phủ.

Công suất đầu tư mới

Công suất đầu tư mới năm 2019 – 2020 chủ yếu là giấy in, viết không tráng, tổng khoảng 2,3 triệu tấn. Trong đó, năm 2019 là 1,35 triệu tấn, năm 2020 là 0,95 triệu tấn và chủ yếu diễn ra tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc (Bảng 8).

Bột giấy hoá học tẩy trắng thế giới năm 2019 – 2020

Công suất mới bột giấy hoá học tẩy trắng dự kiến đưa vào sản xuất đạt khoảng 1,55 triệu tấn. Trong đó bột hoá học tẩy trắng gỗ cứng (BHKP) là 1,15 triệu tấn, bột hoá học tấy trắng gỗ mềm (BSKP) là 0,4 triệu tấn. Năm 2019, bột hoá học tẩy trắng gỗ cứng sản xuất

tăng 0,7 triệu tấn, bột hoá học tẩy trắng gỗ mềm tăng 0,3 triệu tấn. Năm 2020, bột hoá học tẩy trắng gỗ cứng dự kiến tăng 0,45 triệu tấn, còn bột hoá học tẩy trắng gỗ mềm tăng 0,1 triệu tấn (Hình 2).

Việt Nam – nhiều dự án lớn

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và tính toán, ước tính, năm 2019 tổng lượng sản xuất giấy các loại tại Việt Nam đạt khoảng 4,43 triệu tấn, tăng trưởng 20,6% so với năm 2018.

Trong đó, giấy bao bì, chủ yếu là giấy lớp mặt (Testliner) và giấy lớp sóng (Medium) được sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu giấy thu hồi, đạt sản lượng 3,716 triệu tấn, tăng trưởng 23,3% so với năm 2018 (Hình 3). Sản lượng tăng này chủ yếu đến từ các công suất mới đưa vào hoạt động sản xuất năm 2019 như Công ty Thuận An (250.000 tấn/năm), Công ty Cheng Long (300.000 tấn/năm), Công ty Đông Hải Bến Tre (180.000 tấn/năm), Công ty giấy Rạng Đông (70.000 tấn/năm).

Ngoài ra, sự tăng trưởng sản xuất còn đến từ Công ty Chánh Dương, Công ty KraftVina và một số công ty nhỏ khác ở miền Bắc, đặc biệt sản xuất tăng mạnh trong quý 4 năm 2019 do nguyên liệu rẻ cũng như triển vọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tốt hơn kỳ vọng.

Đối với giấy tissue, sản xuất năm 2019 đạt sản lượng khoảng 220.000 tấn, tăng trưởng 11,1% so với năm 2018. Sản xuất giấy tissue tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ Công ty Xương Giang, Công ty Việt Cường, Vinapaper, đặc biệt là Công ty NTPM (Malaysia) đưa công suất mới 22.000 tấn/năm vào hoạt động sản xuất trong cuối quý III/2019, ngoài

ra sự tăng trưởng cũng đến từ các công ty nhỏ khác do giá bột giấy và giấy thu hồi (SOP) ở mức thấp nên gia tăng sản xuất để cung ứng ra thị trường.

Đối với giấy in và giấy viết, năm 2019 sản xuất đạt sản lượng khoảng 328.000 tấn, tăng trưởng 2.8% so với năm 2018. Sản xuất tăng trưởng chủ yếu đến từ Công ty giấy An Hoà, Công ty giấy Hải Dương, Hoàng Hưng Thịnh, ngoài ra tăng trưởng còn đến từ các nhà máy nhỏ trong thời điểm 6 tháng cuối năm 2019 khi giá bột giấy ở mức thấp nên các đơn vị gia tăng sản xuất.

Đối với giấy vàng mã, năm 2019 sản xuất ước tính đạt 131.000 tấn, tăng trưởng 19,1% so với năm 2018. Sản xuất gia tăng do các đơn hàng truyền thống từ Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc tăng mạnh.

Dự án đầu tư lớn về giấy bao bì dự kiến đưa vào sản xuất năm 2020 – 2021

Giấy bao bì, theo số liệu thống kê, năm 2020 dự kiến có 2 nhà máy có công suất thiết kế 450.000 tấn/năm được đưa vào sản xuất trong 6 tháng đầu năm, đó là Công ty Cheng Long 300.000 tấn/năm và Công ty Hoàng Văn Thụ 150.000 tấn/năm. Trong quý 4 năm 2020, 2 nhà máy dự kiến đưa vào sản xuất với công suất 450.000 tấn/năm, đó là Công ty Marubeni 350.000 tấn/năm và Công ty Miza 100.000 tấn/năm, tuy nhiên Công ty Miza khó có khả năng đưa vào sản xuất trong quý 4. Năm 2021, dự kiến có 3 nhà máy đưa vào hoạt động sản xuất, với công suất thiết kế 320.000 tấn/năm (Bảng 9).

Dự án đầu tư lớn về giấy tissue đưa vào sản xuất năm 2019 và dự kiến năm 2020 – 2021

Trong quý 4 năm 2019, Công ty NTPM đã đưa vào sản xuất dây chuyền giấy tissue có công suất thiết kế 22.000 tấn/năm tại Bình Dương. Năm 2020, dự kiến có 3 nhà máy đưa vào sản xuất với công suất thiết kế 55.000 tấn/năm, trong đó Công ty Xương Giang 15.000 tấn/năm dự kiến sản xuất trong quý 2, Công ty Việt Thắng 20.000 tấn/năm và Công ty Xuân Mai 20.000 tấn/năm dự kiến sản xuất trong quý 4. Năm 2021, theo như kế hoạch đã thông báo, dự kiến Công ty NTPM đưa vào sản xuất thêm 1 dây chuyền có công suất 20.000 tấn/năm (Bảng 10).

VPPA

Toàn cảnh lễ khai trương thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử.

Kể từ 1/1/2020, Thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử sẽ đi vào thực hiện. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu D điện tử cho hàng hoá xuất khẩu sang các nước Campuchia, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã chính thức khai trương sáng 27/12 tại Hà Nội trong khuôn khổ hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, kể từ 1/1/2020, Thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử sẽ đi vào thực hiện. Điều này tiếp tục thể hiện những nỗ lực không ngừng của Bộ Công Thương trong việc tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Khi tham gia các FTA, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng và tăng khả năng cạnh tranh do được hưởng ưu đãi thuế quan trong các khu vực thương mại tự do.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, hàng hóa phải đáp ứng các quy định về xuất xứ trong từng Hiệp định hay phải được cấp C/O. Vì vậy, C/O được coi là “giấy thông hành” cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại gia tăng như hiện nay, C/O còn là công cụ phòng chống gian lận xuất xứ, ngăn ngừa các nước thứ ba lợi dụng danh nghĩa hàng Việt Nam để hưởng lợi không chính đáng.

C/O vừa là tác nhân tạo thuận lợi xuất khẩu, vừa là công cụ đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, số lượng C/O ưu đãi trong 5 năm qua tăng khoảng 20-25% mỗi năm, từ 323 nghìn bộ năm 2013 lên đến hơn 1 triệu bộ năm 2019; trong đó, C/O mẫu D (cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi các nước ASEAN) tăng từ 66 nghìn bộ năm 2013 lên khoảng 185 nghìn bộ năm 2019.

Những con số này cho thấy C/O đóng vai trò ngày càng quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cũng là lý do hoạt động cấp C/O luôn được Bộ Công Thương quan tâm.

Thủ tục và thời gian cấp C/O cũng liên tục được rút ngắn, trước đây là 3 ngày làm việc, nay chỉ còn 4-6 giờ làm việc. Trường hợp C/O được phân luồng ưu tiên, thời gian có thể được rút ngắn hơn.

Bộ Công Thương đã ban hành quy định phân luồng đối với hồ sơ C/O, qua đó các doanh nghiệp chấp hành tốt, không có vi phạm được đưa vào luồng xanh và tạo thuận lợi nhiều hơn trong việc xét duyệt hồ sơ.

Ngược lại, những doanh nghiệp có vi phạm bị đưa vào luồng đỏ thì sẽ phải theo dõi chặt, áp dụng quy trình kiểm tra thực tế để ngăn ngừa khả năng gian lận về xuất xứ hàng hóa.

Bộ Công Thương cũng đang tiến hành thí điểm cho phép tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tự chứng nhận đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU được hưởng quy chế GSP.

Đây là những bước tiến cải cách mạnh mẽ, tạo thêm nhiều thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có FTA.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc cấp C/O Mẫu D điện tử tạo ra một phong cách làm việc mới, không cần có sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và người cung cấp dịch vụ công.

Các doanh nghiệp có khối lượng hồ sơ lớn hoặc ở xa khu vực trung tâm sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi thời gian, công sức và chi phí được cắt giảm đáng kể.

Đặc biệt, việc triển khai cấp C/O mẫu D điện tử là một bước đổi mới quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công Thương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu ở các tổ chức cấp C/O cũng sẽ giảm đáng kể. Nhờ vậy, các tổ chức cấp C/O có thể tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ cấp C/O mẫu ưu đãi khác.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Tới đây, Bộ Công Thương cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn./.

Theo BNEWS