Trung Quốc đồng ý khôi phục thời gian làm thủ tục thông quan tại Tân Thanh

Thời gian làm thủ tục thông quan sẽ khôi phục như trước đó, buổi sáng bắt đầu từ 8-11h, buổi chiều từ 12-16h (giờ Việt Nam).

Thông tin vừa được Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đưa ra về cuộc điện đàm của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh với Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn ngày 17-4.

Trong buổi điện đàm, các bên đều nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, thống nhất cần tăng cường hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương, giúp đỡ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Như vậy, cùng với việc khôi phục thời gian làm thủ tục thông quan như trước, hoạt động thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh cũng được nối lại vào ngày nghỉ cuối tuần.

Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Trung Quốc đề xuất thêm một số giải pháp khác như đơn giản hóa thủ tục kiểm tra đối với hàng nông sản, phân luồng hàng hóa sang các cửa khẩu khác, tăng cường nhập khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu đường sắt Bằng Tường – Đồng Đăng.

Đồng thời tạo mọi thuận lợi phê chuẩn mới các cửa khẩu tại khu vực biên giới đất liền hai nước được chỉ định là cửa khẩu nhập khẩu trái cây, lương thực và thủy sản…

Mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường. Đặc cách” mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu “chính ngạch” sang thị trường Trung Quốc như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng.

Đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi. Gia hạn danh mục các doanh nghiệp xuất khẩu bột cá của Việt Nam và khôi phục tư cách xuất khẩu cho một số doanh nghiệp bị tạm dừng ở một số mặt hàng như thủy sản, gạo…

Kế hoạch sau dịch, các bên thúc đẩy hoàn thiện, ký kết và đưa vào triển khai bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác nhằm tạo điều kiện cho việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, công nhận lẫn nhau giữa các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế thương mại…

Theo Tuổi trẻ

Cần đơn giản thủ tục thông quan khi áp dụng CPTTP

Hải quan TP HCM cho biết đang áp lực khi thủ tục thông quan rườm rà, trong khi Chính phủ yêu cầu phải thông quan nhanh.

Tại buổi tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTTP”, ông Nguyễn Hữu Nghiệp – Phó Cục trưởng Hải quan TP HCM cho biết, hiệp định có hiệu lực từ 14/1/2019 nhưng sau 4 tháng Việt Nam vẫn chưa có Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giai đoạn 2019-2022. Ông cũng đề nghị với chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cơ quan quản lý cần tối giảm thủ tục, đưa ra những thông tin đơn giản.

“Để việc thông quan được như kỳ vọng của Chính phủ, tôi mong Bộ Công Thương nên cấp C/O điện tử để thủ tục được đơn giản, đồng thời, giúp công tác kiểm tra dễ dàng hơn”, ông Nghiệp đề xuất và cho rằng, không chỉ có C/O cần tối giản mà các biểu thuế, hồ sơ thủ tục cũng cần đơn giản hơn để cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan bớt áp lực.

Theo ông Nghiệp, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Cục hải quan thành phố đang phối hợp Tổng công ty Tân Cảng thực hiện thông quan hàng ngay tại cầu cảng với những đơn vị đã thông quan trên hệ thống. Khi triển khai nội dung này, doanh nghiệp không tốn tiền bốc container lên xuống bãi, không tốn tiền lưu kho; giảm lượng hàng tồn kho 10% so với trước đây. Ngược lại, cảng sẽ không tồn đọng hàng còn hải quan sẽ giảm nhân lực vào thực hiện thông quan để tăng cường công tác quản lý, kiểm tra khác.

Đồng tình với quan điểm của ông Nghiệp, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế – Bộ Tài chính cho rằng sắp tới sẽ có hướng dẫn về thủ tục cho doanh nghiệp để họ có thể thực hiện các thủ tục dễ dàng hơn. Ngoài ra, để doanh nghiệp dễ dàng được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định theo Thông tư 38.

Trước mắt, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế  nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam cho giai đoạn 2019-2022. Sau đó sẽ ban hành nghị định mới cho giai đoạn 2023-2027. Để hưởng thuế ưu đãi doanh nghiệp phải có hồ sơ nhập khẩu khai từ nước nhập khẩu và phải có vận đơn vận tải.

Chia sẻ thêm về lộ trình, ông Thăng cho hay, cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong CPTPP đó là xóa bỏ gần 100% số dòng thuế theo lộ trình 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2021); 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2029); Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Cùng với đó, xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn mặt hàng đang áp dụng thuế xuất khẩu, lộ trình 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, một số nhóm mặt hàng quan trọng (khoảng 70 mặt hàng), như: than đá, than non, dầu thô, vàng, một số loại quặng, khoáng sản; nông sản và các bộ phận của cây dùng để chế biến dược phẩm, nước hoa (rễ nhân sâm, rễ cam thảo, trầm hương, kỳ nam…) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Hiệp định CPTPP được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile.

CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước từ 30/12/2018, là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ 14/1/2019.

Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Theo Vnexpress.net

Thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Hệ thống bảo lãnh thông quan khi được áp dụng sẽ tạo thuận lợi thương mại cho Việt Nam bằng cách cho phép giải phóng nhanh hàng hoá nhập khẩu, trong khi vẫn duy trì và tăng cường kiểm soát tuân thủ.

Nỗ lực tạo thuận lợi thương mại

Một trong những giải pháp cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK được đề cập tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan đối với một số mặt hàng XK, NK thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Để triển khai, hiện tại Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa XK, NK để trình Quốc hội thông qua.

Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được xây dựng trong hai năm 2019-2020, trong đó năm 2019 sẽ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, năm 2020 trình Quốc hội thông quan Nghị quyết và hoàn thiện cơ sở pháp lý (Nghị định, thông tư), hệ thống công nghệ thông tin. Theo Tổng cục Hải quan, quan điểm của việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Kyoto về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục hải quan, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF) và các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam là thành viên. Tạo thuận lợi cho các hoạt động NK hàng hóa, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính, đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho DN do phải lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan, giảm thiểu rủi ro do việc không chấp hành pháp luật về thuế, về hải quan, về chính sách quản lý hàng hóa XK, NK,… của DN thông qua việc sử dụng một công cụ bảo lãnh mới để đảm bảo việc thực thi pháp luật của DN; chuyển việc quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan chờ thông quan; hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế, hoàn thuế hoặc không chịu thuế chờ hoàn thành thủ tục quyết toán với cơ quan Hải quan cho tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan cũng giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bảo lãnh thông quan hàng hóa NK; tạo điều kiện cho các DN NK hàng hóa được lựa chọn tổ chức bảo lãnh có uy tín, thuận lợi, chi phí cạnh tranh để đứng ra bảo lãnh cho thông quan hàng hóa với cơ quan Hải quan.

Tổng cục Hải quan cho biết, song song với cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế bảo lãnh thông quan cũng đang được Việt Nam nghiên cứu triển khai là một trong những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã có nhiều thuận lợi hơn so với trước, tuy nhiên so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, các thủ tục thông quan hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ đó, các doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cũng như thực hiện các yêu cầu về kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, các bộ, ngành có liên quan triển khai nghiên cứu khả năng áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam.

2 phương thức bảo lãnh thông quan

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Dự thảo nêu rõ thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các lĩnh vực sau: 1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng; 2. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn); 3. Hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; 4. Các trường hợp chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan; 5. Hàng hóa nhập khẩu đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (kiểm tra chuyên ngành).

Phương thức bảo lãnh thông quan gồm 2 phương thức: Thứ nhất, bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp áp dụng đối với các trường hợp: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn); hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan (trong các trường hợp: chưa có Giấy chứng nhận xuất xứ để được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do hoặc để chứng minh hàng hóa có xuất xứ từ các nước không thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại).

Thứ hai, bảo lãnh dựa trên trị giá của lô hàng nhập khẩu áp dụng đối với các trường hợp: Bảo lãnh đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; bảo lãnh chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan trong trường hợp hàng hóa có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát; hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên.

Dự thảo cũng quy định, tổ chức tham gia phát hành bảo lãnh cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Nghị quyết này bao gồm các tổ chức kinh doanh bảo hiểm hoạt động theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Tổ chức phát hành bảo lãnh thông quan phải đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định và được Bộ Tài chính công nhận.

Tổ chức phát hành bảo lãnh thông quan chịu trách nhiệm: Nộp đủ số tiền phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo trị giá của lô hàng trong trường hợp bảo lãnh theo trị giá lô hàng nhập khẩu; nộp đủ số tiền phạt, tiền thuế, tiền chậm nộp trong trường hợp bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp…

Phí bảo lãnh thông quan thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức phát hành bảo lãnh và tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc người được ủy quyền.

Dự kiến lộ trình triển khai

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Để không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động XNK của DN, cũng như các công việc hiện tại của cơ quan Hải quan, dự kiến lộ trình triển khai được chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn thí điểm (dự kiến 2 năm 2021-2022): Trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm, sẽ lựa chọn áp dụng cơ chế bảo lãnh đối với một số loại hình trên cơ sở kế thừa các hình thức bảo lãnh đã được áp dụng và thí điểm áp dụng đối với một số loại hình mới, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động bảo lãnh, như: Bảo lãnh nộp thuế (hàng kinh doanh, hàng quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, bảo lãnh cho việc chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ, bảo lãnh cho việc đưa hàng hóa về bảo quản).

Giai đoạn hai mở rộng (dự kiến năm 2022-2023): giai đoạn này việc triển khai mở rộng các loại hình có thể được áp dụng ngay trong giai đoạn thí điểm hoặc sau khi tổ chức sơ kết, đánh giá hoạt động trong giai đoạn thí điểm, việc mở rộng thí điểm dự kiến áp dụng bảo lãnh thông quan đối với các loại hình tạm nhập-tái xuất khác (như: tham dự hội chợ triển lãm, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hành; thi công công trình,…); bảo lãnh cho đưa về bảo quản để chờ cấp giấy phép NK của các Bộ, ngành đối với một số mặt hàng, lĩnh vực; bảo lãnh trong các trường hợp có tranh chấp trong việc áp dụng chính sách quản lý, chính sách thuế giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN (chờ tham vấn giá, chờ xác định mã số, thuế suất; chờ kết quả giám định chất lượng, chủng loại,…).

Giai đoạn chính thức (dự kiến từ 2024): trên cơ sở tổ chức đánh giá tình hình triển khai thí điểm trong 2 giai đoạn nêu trên, Bộ Tài chính sẽ trình các cấp hoàn thiện cơ sở pháp lý (Luật, Nghị định, Thông tư) và Hệ thống công nghệ thông tin để triển khai chính thức Hệ thống bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa XK, NK của các loại hình khác, như: Gia công, chế xuất, sản xuất XK và các trường hợp hàng hóa là nguyên liệu NK để trực tiếp phục vụ sản xuất thuộc diện miễn áp dụng các chính sách quản lý tại khâu NK, nhưng phải quản lý sau khi sản xuất thành sản phẩm và trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, cũng như các loại hình hàng hóa XK, NK khác.

Theo dự thảo, việc xây dựng cơ chế bảo lãnh nhằm đảm bảo tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm (là đơn vị đứng ra bảo lãnh) phải nộp các khoản tiền tương ứng với số tiền thuế hoặc trị giá hàng hóa được bảo lãnh vào ngân sách nhà nước trong trường hợp chủ hàng hóa XK, NK không có điều kiện để thực hiện. Đánh giá ban đầu về mặt kinh tế, việc thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất, đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, giúp giảm thời gian, chi phí thông quan hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; đồng thời, cũng góp phần hạn chế, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật về thuế và pháp luật về quản lý chuyên ngành; đối với hoạt động bảo hiểm, bảo lãnh thông quan sẽ giúp tăng doanh thu cho các DN trong lĩnh vực này.

VPPA tổng hợp