Cần đơn giản thủ tục thông quan khi áp dụng CPTTP

Hải quan TP HCM cho biết đang áp lực khi thủ tục thông quan rườm rà, trong khi Chính phủ yêu cầu phải thông quan nhanh.

Tại buổi tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTTP”, ông Nguyễn Hữu Nghiệp – Phó Cục trưởng Hải quan TP HCM cho biết, hiệp định có hiệu lực từ 14/1/2019 nhưng sau 4 tháng Việt Nam vẫn chưa có Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giai đoạn 2019-2022. Ông cũng đề nghị với chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cơ quan quản lý cần tối giảm thủ tục, đưa ra những thông tin đơn giản.

“Để việc thông quan được như kỳ vọng của Chính phủ, tôi mong Bộ Công Thương nên cấp C/O điện tử để thủ tục được đơn giản, đồng thời, giúp công tác kiểm tra dễ dàng hơn”, ông Nghiệp đề xuất và cho rằng, không chỉ có C/O cần tối giản mà các biểu thuế, hồ sơ thủ tục cũng cần đơn giản hơn để cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan bớt áp lực.

Theo ông Nghiệp, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Cục hải quan thành phố đang phối hợp Tổng công ty Tân Cảng thực hiện thông quan hàng ngay tại cầu cảng với những đơn vị đã thông quan trên hệ thống. Khi triển khai nội dung này, doanh nghiệp không tốn tiền bốc container lên xuống bãi, không tốn tiền lưu kho; giảm lượng hàng tồn kho 10% so với trước đây. Ngược lại, cảng sẽ không tồn đọng hàng còn hải quan sẽ giảm nhân lực vào thực hiện thông quan để tăng cường công tác quản lý, kiểm tra khác.

Đồng tình với quan điểm của ông Nghiệp, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế – Bộ Tài chính cho rằng sắp tới sẽ có hướng dẫn về thủ tục cho doanh nghiệp để họ có thể thực hiện các thủ tục dễ dàng hơn. Ngoài ra, để doanh nghiệp dễ dàng được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định theo Thông tư 38.

Trước mắt, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế  nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam cho giai đoạn 2019-2022. Sau đó sẽ ban hành nghị định mới cho giai đoạn 2023-2027. Để hưởng thuế ưu đãi doanh nghiệp phải có hồ sơ nhập khẩu khai từ nước nhập khẩu và phải có vận đơn vận tải.

Chia sẻ thêm về lộ trình, ông Thăng cho hay, cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong CPTPP đó là xóa bỏ gần 100% số dòng thuế theo lộ trình 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2021); 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2029); Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Cùng với đó, xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn mặt hàng đang áp dụng thuế xuất khẩu, lộ trình 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, một số nhóm mặt hàng quan trọng (khoảng 70 mặt hàng), như: than đá, than non, dầu thô, vàng, một số loại quặng, khoáng sản; nông sản và các bộ phận của cây dùng để chế biến dược phẩm, nước hoa (rễ nhân sâm, rễ cam thảo, trầm hương, kỳ nam…) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Hiệp định CPTPP được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile.

CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước từ 30/12/2018, là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ 14/1/2019.

Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Theo Vnexpress.net