Nhiều chợ biên giới Trung Quốc đóng đến hết tháng 2

Bộ Công Thương xác nhận các chợ biên giới tiếp tục đóng cửa và tạm dừng trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đến cuối tháng 2.

Hạn chế đưa hàng lên biên giới

Sáng 9/2, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Lào Cai tại cửa khẩu quốc tế Kim Thành để điều tiết sản lượng và tránh đưa hàng lên biên giới khi việc giao thương tại các cửa khẩu còn hạn chế do virus corona diễn biến phức tạp và có thể kéo dài.

Thứ trưởng thông tin nhiều xe container chở hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua hình thức chính ngạch và trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) bị ùn tắc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một số chủ hàng đã được vận động chuyển từ hình thức trao đổi cư dân biên giới, nhưng không ít thương lái vẫn cố gắng chờ các chợ biên giới mở cửa trở lại vào ngày 9 và 10-2. Nguyên nhân là do chuyển đổi sang hình thức chính ngạch khiến các chủ hàng mất thêm chi phí đóng thuế, trong khi hầu hết chưa có hợp đồng chính thức.

Vì vậy, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có thanh long và dưa hấu.

Bộ Công thương nhận định quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trong buổi làm việc sáng 9/2 với lãnh đạo ngành công thương tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bộ Công Thương.

Ưu tiên cấp C/O để xuất khẩu chính ngạch

Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản đề nghị Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam giao thiệp với chính quyền 2 tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và dự kiến còn kéo dài của dịch bệnh, bộ này có những khuyến nghị với doanh nghiệp như: đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tìm kiếm thị trường thay thế. Đồng thời các ngành điện lực, ngân hàng, logistics… cũng đang vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các phòng giấy phép của bộ tại các địa phương ưu tiên cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường tìm kiếm thị trường mới.

Các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị… tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó khăn như thanh long, dưa hấu.

VPPA tổng hợp

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch đến doanh nghiệp

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng chống và khắc phục các ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Hiệp hội, dịch bệnh lần này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước nói chung và ngành giấy nói riêng.

Nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài có thể tác động rất lớn đến nhiều mặt của doanh nghiệp bao gồm cả sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, các dự án đang đầu tư, máy móc và thiết bị ngành giấy, lao động…

Nhất là nhiều chuyên gia từ Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam làm việc dẫn đến tiến độ dự án có thể bị chậm trễ…

Tình trạng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước kém do kinh tế suy giảm có thể làm tăng hàng tồn kho, cạnh tranh cao, gây áp lực lớn đến doanh nghiệp. Nhất là hiện nay năng lực sản xuất giấy bao bì với tỉ trọng trên 80% tổng công suất toàn ngành nên tác động sẽ càng lớn.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Hiệp hội đã có những khuyến cáo đến doanh nghiệp ngay những ngày đầu năm mới.

Cụ thể, Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành cần tuân thủ các khuyến nghị về phòng chống dịch của Bộ Y tế; Cần trang bị đầy đủ các phương tiện y tế phòng tránh lây nhiễm bệnh, giữ gìn vệ sinh tại doanh nghiệp, tăng cường tuyên truyền cho người lao động về các giải pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Các đơn vị cần báo cáo số người từ Trung Quốc sang với địa phương và chủ động cách ly dưới sự hướng dẫn của các đơn vị y tế, kiểm tra và theo dõi sức khỏe của cán bộ công nhân viên…

Hiệp hội đang lấy phản hồi từ các doanh nghiệp trong ngành kết hợp cùng những phân tích của các chuyên gia với các số liệu đa chiều trong nước và khu vực một cách tổng quan nhất để có các đánh giá chính xác, từ đó đưa ra những phương hướng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy một cách tốt nhất. Đồng thời, Hiệp hội cũng đưa ra các phân tích và tìm kiếm khách hàng mới từ các thị trường khác để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khi thị trường Trung Quốc đang giảm tiêu dùng do dịch bệnh gây ra.

VPPA

Tăng trưởng GDP quý 1/2020 giảm về 6.5% do dịch Corona

Dịch cúm nCoV (Corona) được đánh giá sẽ động nhiều nhất tới khu vực dịch vụ của kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo nhanh về tác động của dịch Corona do CTCK Bảo Việt (BVSC) phát hành, khu vực dịch vụ của Việt Nam được đánh giá sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh Corona, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí. Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nên việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại.

Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến hoạt động này suy giảm đáng kể. Đáng chú ý đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh.

Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41.6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam.

Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao hơn hẳn bao gồm: Bán buôn và bán lẻ (tăng 8.82%); vận tải, kho bãi (tăng 9.12%)… Đây đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.

Ngoài khu vực dịch vụ, BVSC cũng cho rằng khu vực nông lâm thuỷ sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5.92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Do đó, nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực nông – lâm – thuỷ sản (vốn đã ở mức thấp) sẽ có nguy cơ suy giảm thêm, từ đó kéo theo cầu tiêu dùng của người lao động thuộc khu vực này cũng giảm theo

Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biên mậu phần nào bị ảnh hưởng chủ yếu do sự chủ động từ phía Việt Nam. Do đó, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoặc các cơ quan quản lý đưa được ra cách thức quản lý hợp lý để duy trì việc xuất – nhập khẩu hàng hóa trong khi vẫn kiểm soát con người vận hành, BVSC cho rằng các hoạt động này cũng sẽ nhanh chóng được nối lại, qua đó giảm thiểu thiệt hại đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Đối với khu vực công nghiệp – xây dựng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một số mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, BVSC cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38.7%). Trên cơ sở đó, dịch bệnh tại Trung Quốc có thế gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Với các đánh giá trên, BVSC dự báo GDP trong quý 1/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6.5%, thấp hơn 0.2 – 0.4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quý 2/2020. Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý 2/2020 do tính chất phức tạp của dịch bệnh.

Theo Vietstock