Tăng trưởng GDP quý 1/2020 giảm về 6.5% do dịch Corona

Dịch cúm nCoV (Corona) được đánh giá sẽ động nhiều nhất tới khu vực dịch vụ của kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo nhanh về tác động của dịch Corona do CTCK Bảo Việt (BVSC) phát hành, khu vực dịch vụ của Việt Nam được đánh giá sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh Corona, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí. Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nên việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại.

Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến hoạt động này suy giảm đáng kể. Đáng chú ý đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh.

Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41.6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam.

Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao hơn hẳn bao gồm: Bán buôn và bán lẻ (tăng 8.82%); vận tải, kho bãi (tăng 9.12%)… Đây đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.

Ngoài khu vực dịch vụ, BVSC cũng cho rằng khu vực nông lâm thuỷ sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5.92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Do đó, nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực nông – lâm – thuỷ sản (vốn đã ở mức thấp) sẽ có nguy cơ suy giảm thêm, từ đó kéo theo cầu tiêu dùng của người lao động thuộc khu vực này cũng giảm theo

Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biên mậu phần nào bị ảnh hưởng chủ yếu do sự chủ động từ phía Việt Nam. Do đó, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoặc các cơ quan quản lý đưa được ra cách thức quản lý hợp lý để duy trì việc xuất – nhập khẩu hàng hóa trong khi vẫn kiểm soát con người vận hành, BVSC cho rằng các hoạt động này cũng sẽ nhanh chóng được nối lại, qua đó giảm thiểu thiệt hại đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Đối với khu vực công nghiệp – xây dựng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một số mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, BVSC cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38.7%). Trên cơ sở đó, dịch bệnh tại Trung Quốc có thế gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Với các đánh giá trên, BVSC dự báo GDP trong quý 1/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6.5%, thấp hơn 0.2 – 0.4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quý 2/2020. Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý 2/2020 do tính chất phức tạp của dịch bệnh.

Theo Vietstock

Nhà máy giấy Lee&Man chủ động cách ly hơn 100 nhân viên người Trung Quốc

Khoảng 100 người Trung Quốc làm việc tại nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (Huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã tạm thời được cách ly đề phòng dịch hô hấp Corona virus…

Ngày 31.1, thông tin từ Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp do Corona virus gây ra, công ty này đang tiến hành cách ly đối với các nhân viên Trung Quốc đang làm việc tại đây.

Có một nhóm nhân viên sau khi về quê nghỉ Tết ở Trung Quốc được công ty cho nghỉ kéo dài đến ngày 10.2. Đối với nhân viên Trung Quốc (sống tại khu vực Vũ Hán, Hồ Bắc) hiện đã quay lại nhà máy làm việc, công ty cho cách ly tại khu vực ký túc xá của công ty. Những người này sẽ chịu sự giám sát thân nhiệt trong vòng 14 ngày. Sau khoảng thời gian này, nếu sức khỏe bình thường, họ sẽ được quay trở lại làm việc.

Ngoài ra, lãnh đạo công ty đã quyết định từ chối tiếp đón tất cả người nước ngoài đến công ty, bao gồm cả nhà cung ứng, các đơn vị thi công.

Nhà máy Lee&Man.

Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper (Hồng Kông – Trung Quốc), hiện có nhà máy hoạt động tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Công ty này có trên 100 người Trung Quốc đang làm việc.

Trước đó, tại Hậu Giang đã xuất hiện một trường hợp có biểu hiện sốt sau khi trở về từ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Đó là bà T.N.A (ngụ huyện Vị Thủy). Bà A đi đến tỉnh Hắc Long Giang rồi trở về quê nhà. Đến tối ngày mùng 5 tết (29.1), bà A có biểu hiện sốt nhẹ nên đến Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ để khám.

Sau khi xác minh đầy đủ các thông tin, các nhân viên y tế yêu cầu bà A ở lại để theo dõi, đồng thời lấy mẫu máu gửi đi xét nghiệm.

Đến nay, sức khỏe của bà A đã ổn định, hết sốt. Tuy nhiên, bà A vẫn được các ly để theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm chính thức, vì hiện nay chưa thể xác định người phụ nữ này có mắc bệnh có liên quan bệnh viêm phổi Corona hay không.

Theo Lao Động

Trung Quốc: Hàng loạt “ông lớn” phải đóng cửa vì dịch Corona

Sự bùng phát nhanh chóng của một loại virus mới gây chết người, virus Corona 2019 (2019-nCoV) ban đầu được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu. 

Với hơn 7.700 người bị nhiễm virus, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết sự lây lan của virus ra bên ngoài Trung Quốc là mối lo ngại nghiêm trọng. 

Một nhà kinh tế học của Trung Quốc ước tính virus này có thể làm GDP của Trung Quốc giảm từ 1-5%. 

Trong khi các nhà kinh tế từ Nomura chia sẻ sự bùng phát của đại dịch này có thể khiến tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc giảm xuống dưới 4% so với tốc độ 6%. Đây sẽ chỉ là các dự đoán ban đầu, và con số sẽ còn thay đổi trong những ngày tới. 

Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã đưa khoảng 15 thành phố với hơn 40 triệu người vào kiểm dịch và hạn chế xuất nhập cảnh tại Trung Quốc. Một số hãng hàng không quốc tế đã giới hạn các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục và một số tỉnh thuộc Trung Quốc, như British Airways, đã hủy tất cả các chuyến bay trong thời điểm hiện tại. 

Các công ty cũng đang kéo dài kỳ nghỉ lễ, hủy bỏ các sự kiện và triển khai kiểm dịch. Đây là bước đi nối tiếp của chính quyền Trung Quốc theo đó thông báo kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thêm 3 ngày đến 2/2, nhằm giảm tốc độ lây lan của virus Corona. Các doanh nghiệp lớn trên khắp Trung Quốc đang tạm thời đóng cửa hoặc cho phép nhân viên làm việc tại nhà, nhằm ngăn virus Corona lây lan.

Chuỗi cửa hàng cà phê Mỹ Starbucks cũng đóng cửa hơn 50% trong tổng số 4.300 quán tại Trung Quốc vì dịch virus corona lây lan. IKEA, thương hiệu mua sắm đồ gia dụng cũng đưa ra thông báo rằng họ sẽ đóng cửa toàn bộ các cửa hàng trên khắp Trung Quốc trong bối cảnh dịch virus corona đang lan rộng.

Apple cũng đóng cửa ít nhất 3 cửa hàng tại Trung Quốc vì virus corona, hạn chế nhân viên đi lại ngoại trừ việc quan trọng trong kinh doanh.

Google tạm thời ngừng kinh doanh du lịch đến Trung Quốc đại lục và đóng cửa các cửa hàng, văn phòng theo hướng dẫn của chính phủ nước này và thông báo tới các nhân viên ở Trung Quốc lập tức trở về để làm việc tại nhà trong hai tuần.

Microsoft khuyến khích các nhân viên tại Trung Quốc làm việc ở nhà và hủy bỏ tất cả các chuyến công tác không cần thiết.

Nhiều công ty, bao gồm công ty thương mại điện tử Pinduoduo, ngân hàng UBS Group AG và nhà phát triển bất động sản Country Garden cũng khuyên nhân viên trở về từ tỉnh Vũ Hán hoặc Hồ Bắc nên ở lại cách ly tại nhà.

Các doanh nghiệp ở TP trung tâm sản xuất phía đông của Trung Quốc là Tô Châu, nơi có một khu công nghiệp lớn bao gồm nhiều công ty dược phẩm và công nghệ, sẽ đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 8/2, để ngăn dịch bệnh lây lan, chính quyền thành phố cho biết trong một tuyên bố hôm 26/1.

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã tạm ngừng bán các loại khẩu trang với giá bị thổi phồng trên thị trường trực tuyến Taobao trước tình hình dịch bệnh.

VPPA tổng hợp