Phát hiện nhiều lô hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để xuất đi nước khác

Đó là cảnh báo của các chuyên gia Mỹ, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tại Hội thảo về Ngăn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 14-11.

Phát biểu tại hội thảo, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại (Hoa Kỳ), cho biết sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với một số hàng xuất khẩu từ Trung Quốc thì kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc giảm nhưng từ quốc gia thứ 3, trong đó có Việt Nam, lại tăng vọt. Đó là các mặt hàng như nhựa, dụng cụ quang học,…

Tại sao chuyển tải qua VN tăng? Bởi VN là một đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng khi tham gia hơn 10 FTA với tất cả các nền kinh tế chính; Là nguồn nhập khẩu lớn thứ 5 của Hoa Kỳ tại Châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ); Hội nhập sâu trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm…

                    —– Ông Claudio Dordi, giám đốc dự án tạo thuận lợi thương mại (Hoa Kỳ)—-

 Nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh như dây điện với 252%, chất dẻo nguyên liệu 147%; máy vi tính, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ là 140%… Đặc biệt là nhóm chất dẻo nguyên liệu xuất sang EU tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý Hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết với kim ngạch tăng đột biến, cơ quan hải quan xếp các hàng này vào nhóm có tiềm ẩn nguy cơ lớn về gian lận xuất xứ.

Theo ông Claudio Dordi, có rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau về gian lận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa được nhà xuất khẩu chuyển qua Việt Nam nhưng khi xuất khẩu đi nước khác mà không có sự thay đổi nào về vật lý, hay nói cách khác là sản phẩm vẫn như vậy.

Ngoài ra, sản phẩm tháo rời rồi xuất sang Việt Nam, sau đó trải qua công đoạn lắp ráp rất giản đơn thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất đi Mỹ, EU.

“Sự lắp ráp đơn giản này không đủ để được coi hàng có xuất xứ Việt Nam” – Claudio Dordi nhấn mạnh.

Dẫn chứng một loạt vụ việc hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để mượn đường xuất đi nước thứ 3 vừa được cơ quan hải quan phát hiện, ông Âu Anh Tuấn cho biết vụ điển hình được Cục Hải quan TP HCM bắt giữ lô hàng của công ty TNHH B. Hàng hóa được tạm nhập từ Trung Quốc và tái xuất sang Mỹ.

“Cụ thể, doanh nghiệp khai báo hàng là cáp Internet. Nhưng qua kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu, các sợi cáp quang mang hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ Made in Vietnam” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Bộ Công Thương vừa áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm, hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hay Cục Hải quan Hải Phòng cũng vừa phát hiện một doanh nghiệp chế xuất 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam. Doanh nghiệp chỉ lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để xuất sang nước thứ ba. Khi kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, dây chuyền sản xuất thủ công, không có máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất gì.

Khổ các doanh nghiệp làm ăn chân chính

Gian lận xuất xứ để lại những hệ lụy gì đối với Việt Nam, theo ông Claudio Dordi, nó làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tính tuân thủ cao của Việt Nam. Vì đối với Hải quan Hoa Kỳ có nguyên tắc chung là quản lý rủi ro.

Nên với hàng hóa từ thị trường có rủi ro cao thì sẽ phải được kiểm tra chặt chẽ, thủ tục phức tạp hơn. Do vậy, đối với DN làm ăn chân chính của VN sẽ có nguy cơ chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi xuất vào Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia khác, thị trường cũng cảnh giác với hàng hóa Việt Nam.

Giám đốc USAID Michael Greene đánh giá Hoa Kỳ là đối tác của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại. Tuy nhiên, chuyển tải bất hợp pháp là mối quan ngại đối với Hoa Kỳ. Gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang ảnh hướng đến mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ VN để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà VN là thành viện nhằm hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp ngăn chặn.

10 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài vào VN có số vốn là 29,11 tỉ USD. Trong đó, đáng nói là vốn đầu tư trừ Trung Quốc và vùng lãnh thổ Hong Kong tăng đột biến 2 và 4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Như cơ quan Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ngay tại cửa khẩu, kiểm tra sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Tuổi trẻ

VCCI cảnh báo các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O

Trước tình trạng đội lốt hàng Việt, VCCI đưa ra cảnh báo đến các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O và xác nhận chứng từ thương mại tại VCCI cần phải cung cấp chính xác các tờ khai hải quan xuất khẩu. Đồng thời cũng cảnh báo về việc bị phát hiện kê khai, chứng từ giả.

Theo đó, VCCI nêurõ cảnh báo: Các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O và xác nhận chứng từ thương mại tại VCCI lưu ý cung cấp chính xác các tờ khai hải quan xuất khẩu (không được chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào mà chưa có sự đồng ý của cơ quan hải quan) và các chứng từ liên quan khác.

Trường hợp VCCI tra cứu tờ khai hải quan xuất khẩu trên hệ thống VNACCS/VCIS phát hiện việc doanh nghiệp sử dụng chứng từ giả hoặc kê khai gian lận, doanh nghiệp đó sẽ bị tạm dừng cấp C/O trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày phát hiện (quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 29 của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa).

Đồng thời, qua đây, VCCI cũng cung cấp hướng dẫn khai báo hồ sơ online và các đầu mối giải đáp các vướng mắc tại các khu vực trong quá trình ký điện tử. Như, doanh nghiệp xin cấp C/O tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An liên hệ số máy: 0243.576.5146; Doanh nghiệp xin cấp C/O tại Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Tiền Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Khánh Hòa liên hệ số máy:0243.576.5146 (ấn số 1) hoặc 093.464.9889; Doanh nghiệp có nhu cầu mua Chữ ký số xin liên hệ số máy: 093.464.9889.

Điều kiện xin cấp C/O đối với hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất tại Việt Nam

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một chứng từ thiết yếu trong xuất nhập khẩu. Theo quy định của Bộ Công Thương Việt Nam, giấy chứng nhận Xuất xứ (C/O) chỉ được cấp cho thương nhân Việt Nam, vì vậy cơ quan chức năng sẽ không cấp C/O cho hàng quá cảnh.

Đối với hàng tạm nhập – tái xuất: chúng ta có thể xin cấp C/O trong các trường hợp sau:

– Trường hợp 1: hàng hóa có trải qua quá trình sản xuất/gia công tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa trên 30% giá trị FOB của hàng hóa. Trong trường hợp này:

  • Nếu hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn 30% giá trị FOB của hàng hóa sẽ được VCCI cấp C/O mẫu B cho thương nhân Việt Nam.
  • Nếu hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn 40% giá trị FOB của hàng hóa sẽ được phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cấp C/O mẫu ưu đãi đối với các thị trường Việt Nam có ký hiệp định thương mãi ưu đãi về thuế quan, theo nhu cầu của thương nhân Việt Nam.

– Trường hợp 2: hàng hóa không trải qua bất kỳ quá trình sản xuất/gia công tại Việt Nam, hoặc tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn 30% giá trị FOB của hàng hóa. Trong trường hợp này:

  • VICC sẽ cấp giấy chứng nhận về tình trạng hàng hóa, còn được gọi là chứng nhận mẫu X (chứng nhận này không phải là chứng nhận xuất xứ).
  • Các nhà xuất khẩu khai báo nội dung về tình trạng hàng hóa tại ô số 9 trên giấy chứng nhận mẫu X theo hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 05/2018TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 03/04/2018.

VPPA