8.584 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển Việt Nam

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay số container khai báo là phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển là 13.737 container, giảm 7.217 container so với cuối năm 2018. Trong đó, có 5.150 container lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày, 3 container lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày. Số lượng container tồn đọng hơn 90 ngày vẫn còn 8.584 chiếc.

Số container phế liệu tồn đọng này quá 90 ngày kể trên đã được đăng thông báo rộng rãi, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có đơn vị nhập khẩu đến nhận.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg (ngày 17-9-2018) của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi các hãng tàu biển báo cáo về các chủ hàng của lô hàng phế liệu đang tồn đọng tại cảng biển; thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý.

Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh cảng kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định…

Theo Hanoimoi.com.vn

Hàng về Cái Mép cao hơn về Cát Lái 100 USD mỗi container?

Ngày 17-4, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các ngành liên quan đã cùng nhau bàn các giải pháp để nâng cao năng suất, tăng lượng hàng qua hệ thống cảng container nước sâu tại tỉnh này.

Ông Bùi Thiên Thu, phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết, đến nay đã có sự chuyển dịch hàng hóa từ TP.HCM ra Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hàng về Cái Mép- Thị Vải tăng hàng năm

Cụ thể, tỉ trọng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM giảm từ 65,2% (năm 2013) xuống 55,9% (2018), trong khi đó tỉ trọng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu tăng từ 30,6% lên 34,1%.

Tính riêng hàng container qua cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tăng từ gần 18% (2013) lên 30% (2018).

Cũng theo ông Thu, hiện các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải (thị xã Phú Mỹ) có 22 tuyến vận tải quốc tế.

“Từ 2013 đến 2018, lượng hàng hóa qua cảng biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu mỗi năm tăng gần 15% về tổng hàng, riêng hàng container tăng hơn 25%”, ông Thu cho biết.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logictics Việt Nam cũng cho hay hiện cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang dần trở thành cảng trung chuyển của khu vực khi đã có hàng trung chuyển từ Campuchia, Thái Lan và Philippines.

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

Một góc các cảng container nước sâu tại Cái Mép – Thị Vải – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tuy tăng trưởng hàng năm nhưng đến nay, các cảng ở đây mới hoạt động chừng 50% công suất thiết kế. Việc này đã gây ra sự lãng phí đầu tư. Cụ thể, năm 2018, hàng container qua đây đạt 2,89 triệu TEUs, nhưng cũng mới đạt 42,4% công suất xếp dỡ.

Ông Ngô Minh Thuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn – nhận xét các cảng ở Cái Mép – Thị Vải vẫn “chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh”. Nguyên nhân là nguồn hàng tại chỗ yếu, chưa có hệ thống quản lý nhà nước về kiểm dịch tại đây dẫn đến đội chi phí logictics.

Theo các doanh nghiệp logictics, mỗi container thông quan tại Cái Mép – Thị Vải đắt hơn tại TP.HCM từ 1-1,25 triệu đồng. Do đó, 82% hàng hóa làm thủ tục thông quan tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cho dù hàng về Cái Mép – Thị Vải.

“Lõi vấn đề là chi phí”, ông Thuấn nói. Trong khi đó, một doanh nghiệp cho hay nguyên nhân quan trọng là tại Cái Mép – Thị Vải chưa có hệ sinh thái.

Hội nghị cũng đã ghi nhận hàng chục ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó nổi bật là phát triển kết nối giao thông liên cảng, liên khu công nghiệp, kho ngoại quan với khu công nghiệp.

Một hãng tàu kiến nghị cần mở cửa chính sách để kéo hàng quá cảnh bởi hiện có nhiều mặt hàng từ Campuchia không được phép quá cảnh tại Việt Nam nên đã chuyển sang Singapore.

Trong khi đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị cần hướng đến mô hình khu mậu dịch tự do tại Cái Mép – Thị Vải.

“Bà Rịa – Vũng Tàu cần có sự liên kết với các tỉnh trong vùng và cả đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển logictics để tránh mỗi địa phương có kế hoạch phát triển riêng, chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh, gây lãng phí nguồn lực”, đại diện công ty đề nghị.

Đại diện Công ty TNHH Meisheng (đóng tại huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết hàng hóa nhập khẩu của công ty này có 80% làm thủ tục ở Cát Lái, TP.HCM, chỉ 20% ở Cái Mép – Thị Vải. “Vì chủ hàng nói về Cái Mép cao hơn về Cát Lái 100 USD mỗi container và khi trả container cũng trả ở TP.HCM mà không cho trả ở Cái Mép”, người này cho biết.

Theo Tuổi trẻ