Thu hút FDI hứa hẹn những điểm sáng

Năm 2019, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Dự báo 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nguồn FDI lớn.
Vốn thực hiện sẽ tăng từ 7 – 8%
Trong khi FDI toàn cầu có xu hướng giảm, năm 2019, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính được nhìn nhận đó là, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới vì có nhiều FTA (hiệp định thương mại tự do) nhất. Trong tổng số 16 FTA thì có 12 FTA đã có hiệu lực.
Theo Bộ Công Thương, các FTA đã giúp cho Việt Nam gặt hái được những kết quả đáng kể là kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư tăng cao. Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 sẽ tiếp tục khả quan với nền kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được củng cố.
Nguồn FDI tăng cũng được thể hiện khi hoạt động mua bán sát nhập (M&A) trở nên sôi động, nếu như năm 2017 chiếm 17,02%, năm 2018 chiếm 27,78%, năm 2019 chiếm 56,4%. Theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước đang tạo ra cầu lớn cho M&A; Chính sách mở cửa đối với thị trường chứng khoán với chủ trương nới rộng room cho nhà đầu tư nước ngoài… sẽ kéo theo sự tham gia của dòng vốn nước ngoài qua hình thức này sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Các chuyên gia dự báo, tốc độ FDI năm 2020 thực hiện đạt 23 – 24 tỷ USD, chiếm 22 – 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Trong đó, vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn sẽ được gia tăng.
Phát triển lâu dài và có chọn lọc
Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài, GS- TSKH Nguyễn Mại khẳng định, FDI vẫn sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam, ít nhất là đến năm 2025. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mại lại lo lắng về quy mô vốn của các dự án FDI hiện tại.
Trung bình một dự án FDI vào Việt Nam trong năm qua có quy mô vốn khoảng bốn triệu USD. Ðó là tính trung bình, còn có những dự án một triệu USD. “Năm 2017, quy mô trung bình một dự án FDI là 8 triệu USD; năm 2018 là gần 6 triệu USD. Năm 2020 câu chuyện vốn mỏng của dự án FDI cần phải có giải pháp”- ông Mại nhấn mạnh.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, dù thời gian qua, FDI đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế và Việt Nam nhưng hiệu quả của vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế nước ta chưa tương xứng với số lượng của mức đầu tư.
Chất lượng và hiệu quả của FDI năm 2019 chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển hướng sang đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế số, tham gia cuộc CMCN 4.0.
Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kỳ với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng DN FDI trong phát triển nhanh và bền vững” – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò trách nhiệm đóng góp của DN FDI trong tiến trình phát triển của Việt Nam, nhất là trách nhiệm tạo mối liên kết, hợp tác với DN trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đồng thời cho biết, trong giai đoạn mới, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài nhưng có chọn lọc.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động, thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã đặt ra để đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, tác động tích cực hơn tới nền kinh tế. Đồng thời giao Bộ KH&ĐT cùng các bộ, cơ quan Việt Nam sẽ tiếp thu để tham khảo hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư,…
Theo Kinh tế đô thị

Lọc đầu tư nước ngoài bằng biện pháp ‘chọn bỏ’

Không chỉ xây dựng bộ lọc, Việt Nam cũng sẽ xây dựng danh mục các lĩnh vực hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài theo phương pháp “chọn bỏ”, để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, vừa nâng cao chất lượng dòng vốn này.

Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ lập “đỉnh” mới

Con số cuối cùng chưa được công bố, song khẳng định từ ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân sẽ lập “đỉnh” mới.

“Năm ngoái, chúng ta giải ngân được 19,1 tỷ USD và đấy là con số cao nhất trong vòng 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Năm nay, con số sẽ còn lớn hơn thế”, ông Hoàng nói và nhấn mạnh về chuyện, khác với số vốn đăng ký, thì đó là khoản “tiền tươi, thóc thật” đã được đưa vào nền kinh tế.

Nhưng không chỉ là vốn giải ngân, vốn đăng ký cũng rất tích cực. Dù khó lập “đỉnh” như vốn giải ngân, bởi kỷ lục thu hút hơn 72 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào năm 2007 là quá lớn, song theo khẳng định của ông Hoàng, con số năm nay cũng sẽ không thua kém con số hơn 35 tỷ USD của năm ngoái.

“Chúng tôi chưa cung cấp được chi tiết, nhưng thời gian tới, sẽ có nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Đó là các khoản đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan. Cả hai đối tác đầu tư này đều có chính sách hướng Nam và coi trọng địa điểm đầu tư Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng tiết lộ và cho biết, có thể trước mắt, doanh nghiệp sẽ đầu tư dự án quy mô nhỏ hơn để thăm dò thị trường, sau đó sẽ đưa ra quyết định lớn hơn.

Thông tin gần đây cho biết, ngoài các nhà đầu tư lớn như Samsung, LG, SK…, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục dốc vốn vào Việt Nam. Ngay như LG Chemical cũng đang lên kế hoạch đầu tư một dự án quy mô lớn, chuyên sản xuất pin li-on tại Việt Nam.

Trong khi đó, Chaun-Choung, một công ty chuyên sản xuất, gia công và bán các bộ phận tản nhiệt của Đài Loan, cũng vừa quyết định đầu tư 172 triệu USD vào Việt Nam trong 7 năm tới để mở rộng mạng lưới sản xuất ra ngoài Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Dự án đang chờ được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận đầu tư, để đầu năm 2020, có thể bắt đầu triển khai.

Nhà sản xuất thiết bị điện tử này cũng cho biết, tài trợ cho khoản đầu tư sẽ một phần đến từ sự hỗ trợ của công ty mẹ – Nidec Corp của Nhật Bản. Nidec vào tháng 11 năm ngoái đã mua lại phần lớn cổ phần của Chaun-Choung.

Nếu các kế hoạch này thành hiện thực, thì sẽ góp phần quan trọng nối dài danh sách các doanh nghiệp tìm đến Việt Nam trong thời gian gần đây, vừa để “tránh bão”, vừa để tìm kiếm một địa điểm đầu tư an toàn.

Sẽ có danh mục hạn chế đầu tư theo phương pháp “chọn bỏ”

Không chỉ là số lượng, mà theo khẳng định của ông Đỗ Nhất Hoàng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng có chất lượng hơn. “Thời của các dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đã xa rồi. Không chỉ Chính phủ Việt Nam nhất quán quan điểm lựa chọn các dự án công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, mà chính các nhà đầu tư cũng hiểu điều đó, các địa phương cũng đã cẩn trọng hơn rất nhiều trong lựa chọn dự án đầu tư”, ông Hoàng nói.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Cùng với đó, sẽ xây dựng cả tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là thu hút đầu tư có chọn lọc, xây dựng tiêu chí để đánh giá hiệu quả đầu tư.

“Chúng ta đang thực hiện phân cấp mạnh mẽ, nhưng lại thiếu các tiêu chí cụ thể, thiếu các định mức kinh tế kỹ thuật ở cấp quốc gia, do đó đã ‘gây khó’ cho địa phương trong thực hiện quyền lựa chọn dự án của mình”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI thừa nhận.

Vì lẽ đó, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, tới đây, để nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ sẽ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể dựa trên suất đầu tư, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng, khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước… Cùng với đó, xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà roát các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Một điều quan trọng, theo ông Hoàng, là sẽ xây dựng danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư theo phương pháp chọn bỏ. “Hội nhập quốc tế rồi thì phải ‘chơi’ như vậy. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Việt Nam khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ”, ông Hoàng nói.

Với những cơ chế, chính sách như vậy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới không chỉ kỳ vọng tăng về số lượng, mà quan trọng hơn hết, là chất lượng.

Theo Đầu tư