Năm 2019, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Thẻ: đầu tư
Có dễ thoái vốn nhà nước tại Tân Mai Group?
Thương vụ thoái vốn khỏi Tân Mai Group của NXBGD Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn. Trước đó, tháng 8/2016, NXBGD Việt Nam đã chào bán đấu giá số cổ phần này cũng với mức giá 11.500 đồng/CP nhưng thất bại do không có nhà đầu tư đăng ký mua.
Lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng
Tân Mai Group tiền thân là Công ty Kỹ nghệ giấy Việt Nam (COGIVINA) thành lập tháng 10/1958. Công ty là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào đầu năm 2006. Ngoài NXBGD Việt Nam đang nắm giữ 8,1% thì Công ty CP Đồng Nai và người có liên quan là Nguyễn Thị Phi Yến nắm giữ lần lượt 48,63% và 6,76% vốn cổ phần Tân Mai Group. Ngoài ra, một cổ đông lớn khác là Tổng công ty Giấy Việt Nam đang nắm giữ 22,74% vốn điều lệ của Tân Mai Group.
Những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất giấy lâu đời này gặp nhiều khó khăn, liên tục thua lỗ, ngoại trừ năm 2017 Tân Mai Group ghi nhận mức lợi nhuận lên tới gần 410 tỷ đồng nhờ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Dự án Bất động sản Tân Mai. Năm 2016, doanh thu của Công ty chỉ đạt 45,8 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí giá vốn, chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp, Công ty lỗ tới 61 tỷ đồng. Còn năm 2018, Tân Mai Group lỗ gần 12 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, Tân Mai Group ghi nhận lỗ lũy kế lên tới gần 300 tỷ đồng.
Theo Công ty TNHH Kiểm toán SG-VN – đơn vị thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính 2018 của Tân Mai Group, Tân Mai Group cũng chưa ghi nhận chi phí thanh lý tài sản của Nhà máy Giấy Đồng Nai vào kết quả kinh doanh năm 2015 và 2016 với số tiền 42 tỷ đồng.
Tân Mai Group cho biết bắt đầu phát sinh lỗ lũy kế từ năm 2012, do phải ngừng sản xuất tại Nhà máy Giấy Tân Mai để thực hiện việc di dời Nhà máy ra khỏi TP. Biên Hòa, Đồng Nai theo Quyết định của Thủ tướng và UBND tỉnh Đồng Nai. Việc dừng hoạt động nhà máy sản xuất bột giấy duy nhất cũng khiến Công ty phải sử dụng bột giấy nhập khẩu cho sản xuất dẫn đến hiệu quả không cao.
Kiếm lời từ đất
Như đã nói ở trên, trong khi hoạt động kinh doanh chính không mang lại hiệu quả, lợi nhuận của Tân Mai Group đến từ việc chuyển nhượng các dự án bất động sản (BĐS) nhờ ưu thế quản lý và sử dụng nhiều khu đất có quy mô lớn.
Cuối năm 2015, Tân Mai Group đã dùng quyền sử dụng đất và quyền khai thác mặt bằng diện tích 87.355 m2 tại phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, Đồng Nai (khu đất Nhà máy Giấy Tân Mai cũ) để góp 30% vốn (tương đương 150 tỷ đồng) thành lập Công ty CP Bất động sản Tân Mai cùng Công ty CP Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Hưng Thịnh và Công ty CP Mai và cộng sự.
Bên cạnh đó, Tân Mai Group cũng chuyển nhượng phần lợi thế quyền sử dụng đất và quyền khai thác mặt bằng trên diện tích 55.307,8 m2 tại phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa cho Bất động sản Tân Mai theo Hợp đồng chuyển nhượng số 08/TMG ngày 21/6/2017 với giá chuyển nhượng gần 104,5 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2018, Công ty CP Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Hưng Thịnh và cá nhân Bùi Hoàng Lợi đã ứng 50 tỷ đồng để mua lại 10% cổ phần Bất động sản Tân Mai do Tân Mai Group nắm giữ. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.
Ngoài khu đất của Nhà máy Giấy Tân Mai cũ, Tân Mai Group cũng đã ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/TM.G-TL và 02/TM.G-TL với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi để góp 30% vốn đầu tư vào các dự án trên quỹ đất hàng trăm nghìn m2 do Tập đoàn quản lý và sử dụng tại Đồng Nai và Bình Dương – 2 thị trường bất động sản tiềm năng.
Được biết, cuối năm 2017, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi đã đặt cọc hơn 45,7 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 10% vốn góp tại các dự án trên từ Tân Mai Group.
Hoạt động kinh doanh chính thua lỗ, lợi thế từ đất đai mất dần do hoạt động chuyển nhượng có thể nói là bài toán khó đang chờ các nhà đầu tư muốn đổ vốn vào Tân Mai Group.
Theo Đầu tư