Doanh nghiệp giấy phát triển vùng nguyên liệu bền vững

Đại diện một số doanh nghiệp ngành giấy cho biết, tình trạng nhập khẩu tăng cao vì các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thô để làm giấy thành phẩm. Bên cạnh đó, dây chuyền để sản xuất bột giấy từ gỗ cũng có chi phí đầu tư lớn.

Theo Công ty Cổ phần Giấy An Hòa, đơn vị sở hữu và vận hành Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa, việc đầu tư vào các nhà máy giấy sẽ giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, lộ trình này còn tuỳ vào năng lực tài chính của từng doanh nghiệp.

Bản thân doanh nghiệp ngoài đầu tư cho trang thiết bị, còn đặt ra chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu giấy với việc xây dựng quỹ đất lâm nghiệp và vùng nguyên liệu rộng lớn. Từ đó An Hoà giảm đi gánh nặng nhập khẩu nguyên liệu giấy và bột giấy.

Nằm trong chiến lược dài hạn, vừa qua, Giấy An Hòa đã tập trung xây dựng quỹ đất lâm nghiệp và vùng nguyên liệu rộng lớn tại Tuyên Quang gồm: vùng nguyên liệu, phát triển trung tâm nghiên cứu với nhiệm vụ chính là ươm giống cây, trồng rừng nguyên liệu đủ cung cấp các loại giống tốt cho các đơn vị sản xuất nguyên liệu giấy trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang.

Lãnh đạo doanh nghiệp kiểm tra chất lượng giấy thành phẩm.

Tổng diện tích được quy hoạch 85.650,9 ha rừng trồng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng sản xuất tại 105 xã của các huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hoá, Lâm Bình và thị xã Tuyên Quang.

Với điều kiện về vị trí địa lý thuận lợi, doanh nghiệp Giấy An Hòa đã xây dựng các trung tâm nguyên liệu lâm nghiệp tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và Bắc Cạn. Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, hàng năm Giấy An Hoà cung cấp gần 3 triệu cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu mua gỗ và dăm gỗ nguyên liệu của người dân.

Lãnh đạo doanh nghiệp kiểm tra chất lượng giấy thành phẩm.

Dây chuyền sản xuất bột giấy của nhà máy bột giấy và giấy An Hòa có công suất 130.000 tấn một năm, với công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng không sử dụng Clo nguyên tố (ECF), hệ thống thiết bị hiện đại, mới 100%, trong đó các thiết bị chính do hãng Metso sản xuất tại Thụy Điển và Phần Lan. Hệ thống thu hồi có khả năng thu hồi đến 95% lượng hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất. Điều này góp phần làm giảm giá thành sản phẩm và giảm thiểu tối đa các chất thải ra môi trường.

Dây chuyền bột giấy bắt đầu sản xuất thương mại từ tháng 11/2012 và đến nay, sản phẩm bột giấy An Hòa đã được các đơn vị sản xuất giấy hàng đầu tại Việt Nam sử dụng thường xuyên như: Tổng công ty giấy Việt Nam, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai, Công ty cổ phần Giấy và bao bì Việt Thắng… và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh./.

   >>> Ngành Giấy Việt Nam: 7 tháng đầu năm và triển vọng những tháng cuối năm 

Theo Giấy An Hòa

Công ty cổ phần Giấy An Hòa mua hỗ trợ người dân tỉnh Gia Lai 30 tấn dưa hấu

Hưởng ứng kêu gọi và vận động của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh Tây Nguyên, ngày 15-2, Công ty cổ phần Giấy An Hòa phối hợp với Tập đoàn GELEXIMCO Việt Nam mua hỗ trợ nhân dân tỉnh Gia Lai 30 tấn dưa hấu, trị giá 165 triệu đồng.

Toàn bộ dưa hấu được tặng cho cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn và Công ty cổ phần Giấy An Hòa. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn, thể hiện trách nhiệm trước khó khăn của nông dân trong tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh Corona.

Theo báo Tuyên Quang

Đại gia Vũ Văn Tiền “nhảy” vào logistic Cái Mép với dự án hơn 30.000 tỷ đồng

Liên danh Công ty Geleximco và ITC mới đây đề xuất với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép hạ lưu tại phía hạ lưu khu cảng Cái Mép, diện tích mặt bằng dự kiến 1.168 ha.

Thông tin từ Cổng thông tin của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, mới đây ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh này đã chủ trì một cuộc họp của Thường trực UBND tỉnh để xem xét về đề xuất đầu tư Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ, đồng thời nghe báo cáo dự kiến trình bổ sung danh mục đầu tư công năm 2019.

Tại cuộc họp nói trên, Liên danh Công ty Geleximco và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế ( ITC) đã đề xuất đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép hạ lưu tại phía hạ lưu khu cảng Cái Mép thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 1.168 ha, trong đó khu bến cảng 105 ha, khu Trung tâm logistics là 1.000 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 30.616 tỷ đồng. Nhu cầu lao động dự kiến khoảng 15.000 đến 20.000 người.

Mục tiêu của dự án là cung cấp dịch vụ cảng biển, cung cấp dịch vụ lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan, kho đông lạnh và kho khác với quy mô có khả năng thông quan khoảng 3 triệu Teu/năm hàng container.

Được biết, Khu cảng Cái Mép – Thị Vải là khu cảng nước sâu, tiếp nhận thành công các tàu trọng tải lớn đến 20.000 DWT, sức chở 18.000 Teu, mở ra triển vọng trung chuyển hàng hóa quốc tế. Việc phát triển cảng và Trung tâm logistics Cái Mép Hạ được kỳ vọng sẽ góp phần giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo chủ đầu tư, dự án cảng và Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là dự án phức hợp, khép kín, bổ trợ nhau cùng phát triển.

Bến cảng sẽ phát huy hiệu quả trung tâm logistics, ngược lại, có Trung tâm logistics sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động khai thác cảng, từ đó giảm giá thành thông quan giảm chi phí xuất nhập khẩu, kích thích phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án này cũng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cho các khu công nghiệp trong vùng, đặc biệt là khu công nghiệp tên địa bàn tỉnh bàn Rịa-Vũng tàu trong việc cung ứng nguyên vật liệu và phân phối hàng hóa đi tiêu thụ…

Về phía chính quyền tỉnh, ông Nguyễn Văn Trình đề nghị Geleximco và ITC tiếp thu các ý kiến đóng của của các thành viên tham dự họp, bổ sung hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép Hạ để báo cáo xin ý kiến tỉnh ủy.

Gleximco được thành lập từ năm 1993. Đến năm 2010, tập đoàn này đã tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng, có 20 công ty thành viên, hàng chục công ty liên doanh, liên kết hoạt động trên địa bản cả nước.

Đây là doanh nghiệp gắn với tên tuổi của ông Vũ Văn Tiền. Ông Tiền sinh năm 1959, là một đại gia có tiếng trong lĩnh vực đầu tư, tài chính. Ông hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Geleximco, Phó Chủ tịch Ngân hàng An Bình (ABBank), Chủ tịch Công ty chứng khoán An Bình (ABS), Chủ tịch Giấy An Hoà và Xi măng Thăng Long.

Ông Vũ Văn Tiền được giới đầu tư đánh giá là “tỷ phú giấu mặt”, một trong những người giàu nhất Việt Nam với nhiều dự án vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo Dân trí