Ngân hàng lấy ý kiến giãn nợ do dịch COVID-19

Doanh nghiệp được giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19 nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền. Đồng thời, xây dựng tiêu chí đánh giá thiệt hại để có chính sách hỗ trợ phù hợp, tránh lợi dụng.

Doanh nghiệp nợ kéo theo ngân hàng khó khăn

Theo Ngân hàng Nhà nước, qua báo cáo sơ bộ của 23 tổ chức tín dụng, có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch này.

Trong đó, một số ngành bị ảnh hưởng lớn gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Ngoài các doanh nghiệp, cá nhân làm trong các lĩnh vực trên gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, thì cá nhân vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng khác cũng gặp khó trong trả nợ do không có nguồn thu nhập. Vì thế, cũng cần có chính sách hỗ trợ các đối tượng này.

Đánh giá mức độ thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, lãnh đạo của nhiều ngân hàng cho rằng lợi nhuận của chính ngân hàng cũng bị giảm trong năm nay bởi khách vay bị ảnh hưởng do doanh thu sụt giảm, không có nguồn để trả lãi.

Chính vì vậy, ngân hàng cũng gặp khó khăn và là ảnh hưởng dây chuyền. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn, ngân hàng phải chung tay, chia sẻ với khách hàng, đồng thời cũng chính là để cứu mình.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong vòng 3 tuần qua, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho trên 44.000 khách vay với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.

Gần 30 NHTM đã đồng hành cùng CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) triển khai các chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được giãn nợ 90 ngày sau hết dịch

Thông tin trên được nêu ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến.

Theo dự thảo Thông tư, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23-1- 2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trên mà thời hạn trả nợ gốc, lãi trong khoảng từ ngày 23-1-2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19. 

Bao gồm cả nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày thông tư có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ theo quy định trước đây. Đây là thời gian doanh nghiệp, người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19, phù hợp với thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với dịch COVID -19. 

Thời điểm chốt hạn trả nợ gốc, lãi đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19 được quy định để đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền của khách hàng sau khi hết dịch.

Về các trường hợp được lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, dự thảo thông tư quy định hai trường hợp. 

Một là khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc, lãi theo hợp đồng đã ký, do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Hai là khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

Ngân hàng xây dựng quy định tiêu chí khoản nợ do dịch

Cũng theo dự thảo Thông tư hướng dẫn, các ngân hàng được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải đảm bảo một số nội dung quan trọng. 

Cụ thể, phải có quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện để thống nhất trong toàn hệ thống.

Đồng thời phải theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng…

Đối với số lãi phải thu của phần dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư này, ngân hàng không phải hạch toán thu nhập mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

VPPA tổng hợp từ Tuổi trẻ, FILI

NHNN: Hạ lãi suất tiền gửi từ ngày 19/11

Chiều tối ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐ của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng. Đi kèm với đó là quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên bằng VNĐ.

NHNN cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất.

Theo Quyết định số 2415/QĐ-NHNN được ban hành ngày 18/11/2019 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0.8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5.5%/năm xuống 5%/năm.

Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6%/năm xuống 5.5%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Về lãi suất cho vay, NHNN ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6.5%/năm xuống 6%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7.5%/năm xuống 7%/năm.

Các quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày 19/11/2019.

Theo Vietstock.

Lãi suất 12%, chả ai muốn làm công nghiệp

Ông Trương Thanh Hoài – cục trưởng Cục Công nghiệp – đã nói như vậy tại buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm của đơn vị này với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các đơn vị.

Theo ông Hoài, trong khi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc có hệ thống hỗ trợ đến cấp huyện và chính sách đồng bộ thì bộ máy hỗ trợ ngành công nghiệp ở các địa phương tại Việt Nam rất mỏng, lại chưa quan tâm đến công nghiệp mà chỉ tập trung cho ngắn hạn, nguồn lực gần như chưa có gì.

Năng lực doanh nghiệp Việt Nam lại yếu, không đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu là sự đóng góp của doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp địa phương đóng góp rất ít.

Nguyên phụ liệu sản xuất cũng chủ yếu nhập khẩu rất lớn. Thực tế này dẫn tới tình trạng tồn tại hai nền kinh tế trong một quốc gia.

Một số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thì chỉ tham gia 1 phần chuỗi toàn cầu nhưng chưa có giá trị gia tăng cao, làm từng công đoạn theo yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu mà chủ yếu theo sự phân công của doanh nghiệp lớn, chưa xây dựng được thương hiệu.

“Lãi suất 12% thì không ai làm công nghiệp. Một số doanh nghiệp số làm công nghiệp thành công rồi thì chuyển qua làm bất động sản.

Cả nước có 80.000 doanh nghiệp làm chế biến chế tạo, chỉ bằng một tỉnh của Nhật, trình độ rất hạn chế. Về lâu dài không tăng được số lượng doanh nghiệp và chất lượng thì rất khó” – ông Hoài nhấn mạnh.

Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Phạm Châu Giang cho biết trong 6 tháng đầu năm có 160 vụ kiện chống bán phá giá, chủ yếu là sản phẩm hàng công nghiệp.

Trong khi doanh nghiệp FDI rất chủ động, nắm vững pháp luật thì doanh nghiệp thuần Việt Nam lại không hợp tác, lo ngại tốn kém khi ứng phó với phòng vệ thương mại nên không tham gia vào các vụ phòng vệ thương mại.

Ông Đỗ Thắng Hải – thứ trưởng Bộ Công Thương – cho biết một số chính sách thời gian qua đã tác động đến một số ngành công nghiệp như nghị định 116 về ôtô, giúp ngành khởi sắc và lần đầu có thương hiệu ôtô Việt, giá giảm để kéo sự thúc đẩy của công nghiệp phụ trợ.

Tới đây sẽ tổ chức hội nghị cơ khí do Thủ tướng chủ trì nhằm đưa ra các chính sách thúc đẩy lĩnh vực này.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm là 7,5% nhưng một số ngành có cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt ở nhóm hàng chính như cao su, thủy sản… bị suy giảm.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực, mặc dù tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ.

Việc tồn tại hai nền kinh tế trong một quốc gia theo bộ trưởng, đặt ra yêu cầu cho công nghiệp hỗ trợ, cần phải xem hoạt động sản xuất của ta phụ thuộc yếu tố nào, tìm dư địa, khai thác ở đâu để điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tăng giá trị gia tăng, phục vụ tăng trưởng.

Bộ trưởng cũng lưu ý việc thu hút đầu tư cho ôtô, dệt may, điện tử có cơ hội nhưng đối mặt tranh chấp thương mại, gian lận xuất xứ.

Theo Tuổi trẻ