Chính thức có quy định cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay với doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi covid-19

NHNN vừa chính thức ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3.

Chiều nay (12/3), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin về việc ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3.

Thông tư quy định, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính

b) Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

c) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu thu nhập bởi dịch Covid-19.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ khi bắt đầu có dịch, NHNN đã có nhiều biện pháp, khẩn trương chỉ đạo đối phó với dịch bệnh. Cuối tháng 1, NHNN đã có những chỉ đạo phòng chống dịch trong nội ngành. Ngày 6/2, NHNN ban hành nhanh văn bản chỉ đạo, tháo gỡ cho các TCTD đánh giá tình hình khó khăn của các doanh nghiệp.

Đến nay, các TCTD đã vào cuộc trách nhiệm, chủ động trong các giải pháp của mình để đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là đơn vị chủ lực thực hiện chủ trương của Nhà nước.

Theo Phó Thống đốc, những khó khăn của doanh nghiệp chưa thể định lượng chính xác mà mới chỉ tạm tính bởi diễn biến khó lường của dịch bệnh. Chính sách cơ cấu lại nợ đến hạn của doanh nghiệp gặp khó khăn là chính sách quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay. Đây là những chia sẻ rất lớn của ngành ngân hàng với các doanh nghiệp.

Thông qua Thông tư này, NHNN sẽ tạo cơ chế thuận lợi nhất để các ngân hàng được chủ động trong việc xử lý, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn cho khách hàng. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh “Đã là chính sách, ưu đãi thì phải đúng đối tượng và phải tránh được việc lợi dụng, từ cả doanh nghiệp và ngân hàng”.

Chính thức có quy định cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay với doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi covid-19 - Ảnh 1.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc họp

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các nền kinh tế cho biết, từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 0,1%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 0,85%.

Theo đánh giá sơ bộ, 926.000 tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng dư nợ. Trong thời gian qua, NHNN cũng đã nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các hiệp hội đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với dư nợ 85.000 tỷ.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch. Ông Hùng nhấn mạnh, ngành ngân hàng sẵn sàng đủ vốn để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế, cả trong và sau dịch. Trong thời gian tới, gói tín dụng hỗ trợ có thể lớn hơn, nhưng do các TCTD tự cân đối tình hình tài chính của mình.

Theo CafeF

Ngân hàng lấy ý kiến giãn nợ do dịch COVID-19

Doanh nghiệp được giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19 nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền. Đồng thời, xây dựng tiêu chí đánh giá thiệt hại để có chính sách hỗ trợ phù hợp, tránh lợi dụng.

Doanh nghiệp nợ kéo theo ngân hàng khó khăn

Theo Ngân hàng Nhà nước, qua báo cáo sơ bộ của 23 tổ chức tín dụng, có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch này.

Trong đó, một số ngành bị ảnh hưởng lớn gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Ngoài các doanh nghiệp, cá nhân làm trong các lĩnh vực trên gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, thì cá nhân vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng khác cũng gặp khó trong trả nợ do không có nguồn thu nhập. Vì thế, cũng cần có chính sách hỗ trợ các đối tượng này.

Đánh giá mức độ thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, lãnh đạo của nhiều ngân hàng cho rằng lợi nhuận của chính ngân hàng cũng bị giảm trong năm nay bởi khách vay bị ảnh hưởng do doanh thu sụt giảm, không có nguồn để trả lãi.

Chính vì vậy, ngân hàng cũng gặp khó khăn và là ảnh hưởng dây chuyền. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn, ngân hàng phải chung tay, chia sẻ với khách hàng, đồng thời cũng chính là để cứu mình.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong vòng 3 tuần qua, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho trên 44.000 khách vay với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.

Gần 30 NHTM đã đồng hành cùng CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) triển khai các chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được giãn nợ 90 ngày sau hết dịch

Thông tin trên được nêu ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến.

Theo dự thảo Thông tư, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23-1- 2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trên mà thời hạn trả nợ gốc, lãi trong khoảng từ ngày 23-1-2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19. 

Bao gồm cả nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày thông tư có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ theo quy định trước đây. Đây là thời gian doanh nghiệp, người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19, phù hợp với thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với dịch COVID -19. 

Thời điểm chốt hạn trả nợ gốc, lãi đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19 được quy định để đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền của khách hàng sau khi hết dịch.

Về các trường hợp được lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, dự thảo thông tư quy định hai trường hợp. 

Một là khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc, lãi theo hợp đồng đã ký, do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Hai là khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

Ngân hàng xây dựng quy định tiêu chí khoản nợ do dịch

Cũng theo dự thảo Thông tư hướng dẫn, các ngân hàng được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải đảm bảo một số nội dung quan trọng. 

Cụ thể, phải có quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện để thống nhất trong toàn hệ thống.

Đồng thời phải theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng…

Đối với số lãi phải thu của phần dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư này, ngân hàng không phải hạch toán thu nhập mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

VPPA tổng hợp từ Tuổi trẻ, FILI